Có còn chung một lối về...

Có còn chung một lối về...

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Thứ Ba, 05/10/2021 - 06:00

Ngày ba bữa ăn chung, không gian sinh hoạt chung, vợ liếc xéo chồng, thắc mắc sao không chăm cây cối mà cắm đầu chơi game, chồng bỉ bôi vợ đang dịch bệnh còn tối ngày shopping online, con cái nhăn nhó cau có vì bố mẹ bất hòa cãi vã... Vậy lẽ nào, bối cảnh dịch bệnh đã mang đến sự đảo lộn và khủng hoảng? Xét cho cùng thì không hẳn thế. Ẩn họa phía sau từng mái ấm đã tồn tại từ lâu, chẳng qua chưa có thời gian và bối cảnh để điều ấy bộc phát. Này nhé, người mê game thì ở công sở, lúc cà phê vỉa hè... cũng vẫn tí toáy liên hồi. Phụ nữ mê shopping hẳn chẳng cần bàn cãi. Chỉ là, khi nhịp sống thường nhật cuốn mỗi người một hướng, người ta không kịp nhìn nhau.

Năm ngoái, qua đợt giãn cách xã hội đầu tiên, tôi đã kịp nhận thấy nhiều đứt gãy, mất mát. Người bạn thân đến nhà chúng tôi trong trạng thái gần như “ăn vạ”. Cô muốn “ăn vạ” đời sống này, bỗng dưng dịch bệnh khiến công việc kinh doanh chuỗi homestay ở phố cổ bị đình trệ, nguồn vốn vay dồn ứ, nợ chồng nợ. Oái oăm thay, đúng giai đoạn ấy thì hôn nhân tan vỡ. Kết cục là vậy, nhưng mỗi người đẩy vào đó một nguyên nhân. Cô nói, do chồng cô có nhân tình. Chồng cô cho rằng, do cô mê muội làm ăn khiến cảnh nhà lao đao vì nợ nần, ai có thể hạnh phúc khi kiệt sức? Và còn bao nhiêu lý do khác từ gia đình bên vợ, bên chồng, bạn bè, đồng nghiệp...

Rốt cuộc, ai ở bên cô lúc này? Đó là nỗi cô đơn. Tất cả những cuốn sách, những bộ phim, những câu chuyện truyền cảm hứng... giúp cô trưởng thành thường nói rằng, bi kịch khiến con người gần nhau hơn. Vậy tại sao lúc này, mọi thứ lại xa cô đến thế. Hoàn cảnh ấy khiến chúng tôi hoang mang thực sự và không biết phải làm gì để an ủi, trả lời cho những câu hỏi mỗi ngày một đầy lên. Ngày nọ, người bạn ấy đã tìm được câu trả lời khi chứng kiến người bạn của mình cũng lâm vào hoàn cảnh làm ăn thua lỗ. Nghe tin, cả gia đình bên chồng ở miền quê xa đã gom góp tiền bạc - dù con số còn khiêm tốn – đỡ đần phần nào cho nàng dâu phố thị. Chồng cô xin nghỉ việc có thời hạn, đưa vợ và các con về quê nghỉ ngơi. Ruộng đồng, sông suối, bầu trời cao xanh, những loài cỏ cây hoang dại vươn lên sau trận mưa giông... được chia sẻ trên mạng xã hội khiến mọi người tin cô đã ổn và cũng tin trong hoạn nạn, gia đình họ gần nhau hơn. 

nhà thơ Đoàn Văn Mật

Cùng một bối cảnh, tình huống... nhưng có lẽ sự tác động đến từng số phận, gia đình, xã hội sẽ có những phần khác nhau. Và đó cũng mới là bản chất cuộc sống. Tôi vẫn nghĩ rằng, nếu cuộc sống chúng ta đang bình yên, khi xảy ra biến động mà tan nát hết, chẳng còn gì, thì sự bình yên ta vốn tưởng có thể chỉ là vỏ bọc mà thôi. Mỗi ngày, chúng ta quan sát được bao nhiêu vỏ bọc? Có những gia đình từ sáng đến tối không tiếng cãi cọ, nhưng thực chất mỗi người đã một thế giới riêng. Có những mối quan hệ bạn bè đều đặn gặp gỡ, buôn chuyện, bù khú... nhưng thực chất chỉ check-in đăng Facebook mà chẳng bao giờ check-in được nỗi niềm của nhau...

Những giá trị ảo ấy sẽ sớm được phô bày khi đời sống xảy ra biến động, thói quen thường nhật bị xáo trộn, những mặc định bị đứt gãy. Ai chăm sóc khi bạn ốm đau? Ai nấu bữa cơm ấm cúng? Ai an ủi khi ta thất bại nặng nề?... Điều gì còn lại vào giờ khắc ấy, chính là giá trị vững bền. 

Chắc rằng, nhiều người trong số chúng ta, khi đang có cuộc sống bình lặng, chẳng ai mong xảy ra biến cố để có cơ hội nhìn thấu chân giá trị. Làm sao ta dám dũng cảm đối đầu với quá nhiều mất mát, từ tiền bạc, danh vọng, hạnh phúc... trong khi điều nhận được lại là giá trị vô hình. Vậy nên, ngay cả trong đời sống thường nhật, con người ta thường cũng đã có xu hướng cố để không xảy ra biến động.

Cố giữ một vẻ ngoài nhã nhặn, một vẻ ngoài tương đối ấm êm, một công việc ở mức làng nhàng bình ổn, những mối quan hệ vô thưởng vô phạt và không đụng chạm. Bởi nhẽ đó, nhiều người không thể nào đưa ra câu trả lời chắc chắn, rằng khi hoạn nạn, ai sẽ cùng mình chung một lối đi; khi lạc bước, ai sẽ đồng hành bên ta để có thể quay về.

Tôi có nhóm bạn, chơi với nhau từ thuở nhỏ đến giờ, thỉnh thoảng gặp mặt, đều chơi chung một trò chơi nhỏ, kiểu như trò chơi trong phim “Tiệc trăng máu” phiên bản gốc của Ý, từng “làm mưa làm gió” khi ra rạp với các phiên bản ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với cá nhân tôi, bộ phim hay ở chỗ đã đặt ra một tình huống, đơn giản thôi, đó là mỗi người tham gia sẽ đặt điện thoại trên bàn và công khai mọi cuộc gọi đến, tin nhắn. Trò dễ chơi mà không hề giản đơn bởi nó bóc trần mọi bí mật của cuộc sống đang chìm khuất dưới từng cá tính, số phận, mái ấm. Sau trò chơi ấy, bối cảnh trở nên tan nát, bạn bè, vợ chồng không thể nhìn nhau.

Vậy mới thấy, chưa cần phải là chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai... mà trong đời sống này, chỉ cần một tình huống nhỏ mang tính then chốt là có thể trả mọi thứ về đúng giá trị thực. Tôi còn nhớ, phiên bản Việt của bộ phim vốn không kết thúc bằng cảnh tan vỡ mà quay lại tình huống giả định tất cả không chơi trò chơi đó, hiện thực đời sống vẫn cứ rực rỡ hoặc nham nhở như lẽ thường. Quay trở về câu chuyện của chúng tôi, những trò chơi đã thay đổi dần cùng với những đứa trẻ năm xưa, và điều giúp chúng tôi nhận ra tình bạn đó vẫn còn là tình bạn là bởi trong đời sống hay mọi trò chơi, hiện thực vẫn cứ là hiện thực, chẳng le lói nguy cơ đổ vỡ nào, cá tính và số phận của ai vẫn hiện lên đúng như những gì vốn có. 

Xét cho cùng, chẳng bối cảnh khủng khiếp đủ sức đẩy con người chia cắt nhau, kể cả cái chết. Đó là sự chia cắt về thể xác, không phân ly nổi tinh thần. Một bộ phim giả tưởng của nước ngoài đã tái hiện câu chuyện ấy bằng cách xây dựng bối cảnh giả tưởng: Người qua đời chỉ là chuyển sang định cư ở một thế giới khác, ngăn cách thế giới của người còn sống bằng một barrier có chức năng cảm ứng đặc biệt. Người còn sống muốn sang thăm chỉ cần bước qua barrier, nếu trong đầu họ tồn tại tình cảm thực sự với người đã mất, đèn tín hiệu sẽ phát màu xanh, và ngược lại, khi đèn tín hiệu đỏ, con người không còn chút ý nghĩ gì về nhau thì đó mới chính là chia cắt.

“Bố mẹ ạ! Tết này chúng con không về được!”, “Bạn ơi! Tôi phá sản rồi”, “Vợ à, công việc của anh thực sự bất ổn”, “Mình dương tính với Covid-19, người duy nhất bên cạnh lúc này là bác sĩ”... Những lời nhắn ấy không còn xa lạ trong bối cảnh hiện nay, song, câu trả lời nhận được thường sẽ muôn hình vạn trạng. Nhiều khi, chỉ một tiếng thở dài, đủ để ta nhận biết, ai người ở lại bên mình, cùng mình bước tiếp chặng đường đầy trắc trở.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật 
Thanh Thảo
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top