12 năm trước, ngày 25/10/2005, phiên đầu giá cổ phần đầu tiên của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) đã được tổ chức thành công tại Trung tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội). Kết quả bán được 3,7 triệu cổ phần với giá trị trên 37 tỷ đồng. Thời điểm đó, 23 nhà đầu tư mua được cổ phần sau quá trình thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục mua cổ phần từ việc đăng ký tham gia cho đến việc đặt cọc, nộp phiếu tham dự đấu giá và thanh toán mua cổ phần với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng.
Thế nhưng mới đây, nguồn tin trên báo Đầu tư chứng khoán, Công ty TNHH Luật Đông Hà Nội, đơn vị được ủy quyền từ các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần trong đợt IPO của Hacinco, đã có văn bản gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thể hiện mong muốn các cơ quan nhanh chóng hoàn tất quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp này theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và người lao động.
Cụ thể, liên quan đến quá trình cổ phần hóa của Hacinco, ngày 29/10/2004, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 7252/QĐ-UB cho phép Hacinco triển khai cổ phần hóa. Đến ngày 29/9/2005, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của Công ty. Theo đó, giá trị thực tế doanh nghiệp là hơn 260,2 tỷ đồng; giá trị thực tế vốn nhà nước là gần 7,2 tỷ đồng; vốn điều lệ dự kiến là 50 tỷ đồng; giá khởi điểm cổ phần chào bán là 10.000 đồng/cổ phần.
Sau phiên đấu giá ngày 25/10/20014, đến ngày 1 - 2/12/2005, Hacinco đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần đầu để thông qua Điều lệ, phương án sản xuất - kinh doanh sau cổ phần hóa và bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát công ty cổ phần.
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá Hacinco sau đó đã phải dừng lại vì vướng nhiều sai phạm như chuyển nợ thành vốn góp sai quy định, tính trùng số năm công tác của người lao động...
Đến nay, theo quy định, việc tiến hành cổ phần hóa từ khi xây dựng phương án, tổ chức bán cổ phần tới hoàn tất chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần phải hoàn tất trong tối đa 9 tháng. Thế nhưng, thời gian tại Hacinco đã kéo dài hơn 10 năm. Những sai phạm này đã liên tiếp gây ra hàng loạt hậu quả khiến cả Hacinco và các nhà đầu tư đều “khóc dở mếu dở”.
Cụ thể, hơn 10 năm sau IPO, Hacinco vẫn hoạt động trong tình trạng “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, bản chất thì là công ty cổ phần, bởi cổ phần của công ty này đã được người lao động và nhà đầu tư mua hợp pháp từ năm 2005, chiếm tới 90% vốn điều lệ. Tuy nhiên, về danh nghĩa, Hacinco lại là doanh nghiệp nhà nước.
Và cũng chính bởi thực tế đó doanh nghiệp này gặp phải không ít rắc rối, vốn điều lệ của Hacinco vỏn vẹn mới có trên 47 tỷ đồng, so tổng tài sản trên 2.000 tỷ là quá thấp nhưng do quá trình cổ phần hóa chưa xong nên việc tăng vốn cũng không thể.
Từ một doanh nghiệp đi đầu trong việc cổ phần công ty nhà nước, Hacinco giờ lại trở thành hiện tượng cho việc cổ phần hóa chậm trễ.
Cũng trong ngần ấy thời gian, quyền lợi của các nhà đầu tư vào Hacinco đều không được đảm bảo. Dù không được công nhận là cổ đông của công ty nhưng tiền của các nhà đầu tư vẫn được công ty sử dụng.
Mặt khác, thông tin trên tờ VnEconomy, theo công văn số 5494 của UBND TP. Hà Nội thì kể từ thời điểm ban hành Quyết định số 6680, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hacinco liên tục thua lỗ với số tiền lên đến 7,4 tỷ đồng, vượt quá số vốn Nhà nước có tại doanh nghiệp này là hơn 7,1 tỷ đồng.
Do vậy , từ năm 2005, Hacinco đã sử dụng toàn bộ số tiền 21 tỷ đồng của người lao động và nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh thay vì gửi số tiền trên vào tài khoản doanh nghiệp tại Kho bạc Nhà nước theo quy định pháp luật.
Chính nhờ khoản vốn này, hoạt động của Hacinco dần hồi phục, đứng vững và phát triển tạo nên một thương hiệu Hacinco lớn mạnh ngày nay. Thế nhưng, các nhà đầu tư đã mua cổ phần của Hacinco lại chưa được hưởng bất cứ quyền lợi nào từ doanh nghiệp này, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư không được đảm bảo, từ cơ hội kinh doanh bị mất cho đến vấn đề lãi suất, trượt giá, quyền tham gia quản lý điều hành Công ty, quyền được hưởng cổ tức và cả những rủi ro trong quá trình điều hành chính sách, pháp luật về cổ phần hóa.