Aa

Cổ phiếu ngân hàng nào sẽ hút dòng tiền hậu COVID-19?

Thứ Ba, 28/04/2020 - 10:00

Theo VNDIRECT, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong nửa sau của năm 2020, nên một số cổ phiếu ngân hàng sẽ quay trở lại hút dòng tiền.

Tín dụng tăng tốc nửa sau 2020

Sự bùng phát của COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu, du lịch, khách sạn, giáo dục, giao thông vận tải và bán lẻ. Điều này đã khiến tăng trưởng tín dụng giảm tốc, với mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 1,3% vào cuối quý I/2020, thấp nhất trong 6 năm qua. Bước sang đầu quý II, tăng trưởng tín dụng tiếp tục chậm lại khi nửa đầu tháng 4 tín dụng tăng trưởng âm 0,5%. Như vậy, tính đầu năm đến giữa tháng 4 tín dụng mới tăng trưởng 0,8%. 

Tuy nhiên, các chuyên gia VNDIRECT dự báo, đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc trong quý II/2020, nên tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trong nửa sau của năm 2020. Do đó, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 11,0% trong năm 2020, thấp hơn mức tăng trưởng 13,6% của năm 2019.

VNDIRECT dự báo tăng trưởng tín dụng có thể đạt 11,0% trong năm 2020

Tăng trưởng tín dụng sau đại dịch sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố sau: Thứ nhất, lãi suất điều hành và trần lãi suất thấp hơn giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Cụ thể vào tháng 3/2020, NHNN đã hạ một loạt lãi suất điều hành từ 50 - 100 điểm cơ bản. Đến tháng 4/2020, 20 ngân hàng (chiếm 75% tín dụng toàn hệ thống) đã tăng quy mô của các gói tín dụng lãi suất thấp, được thiết lập để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Việc hạ lãi suất cho vay khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh vay mới để tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo ra việc làm, từ đó tạo ra nhu cầu tín dụng. Ngày 20/3/2020, Chính phủ đã đồng ý chuyển đổi tất cả các dự án đầu tư (8 dự án) liên quan đến Đường cao tốc Bắc - Nam từ hình thức quan hệ đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công, kiến nghị Quốc hội cho phép bắt đầu xây dựng vào tháng 8/2020. Theo đó, việc thi công tuyến metro Bến Thành - An Sương dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào tháng 10/2020. Đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo ra việc làm cho cả doanh nghiệp và người lao động, dẫn đến những nhu cầu tín dụng mới, phần nào hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng.

Định giá hấp dẫn 

Sau khi lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động được cắt giảm, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đã giảm 20 - 40 điểm cơ bản, trong khi đó các ngân hàng đã cắt giảm lãi suất cho vay trung bình khoảng 100 điểm cơ bản để hỗ trợ khách hàng. Do đó, VNDIRECT cho rằng, biên lãi suất (NIM) năm 2020 của các TCTD sẽ giảm trên diện rộng do lãi suất cho vay thấp hơn và miễn/giảm lãi vay cho các khoản vay hiện hữu. Sau đại dịch, VNDIRECT kỳ vọng VCB, ACB và MBB sẽ cải thiện NIM nhờ vào khả năng chuyển hướng sang cho vay cho các phân khúc có lợi suất cao hơn (VCB, MBB) hoặc cải thiện tỷ lệ CASA (ACB).

P/B và P/E 2020 so với trung bình 5 năm

Tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về ảnh hưởng của COVID-19 đã khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh. Theo đó, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng đã giảm trung bình khoảng 18,4% kể từ cuối năm 2019. Cổ phiếu của các ngân hàng Việt Nam đang giao dịch dưới mức P/B và P/E trung bình 5 năm và có định giá hiện tại tương đương với cổ phiếu của các ngân hàng trong khu vực, dù các ngân hàng Việt Nam có mức tăng trưởng EPS và ROE cao hơn.

Năm 2021, khi tín dụng tăng trở lại giúp thu nhập của ngân hàng được cải thiện, cùng với nguồn dự phòng ở mức khá sẽ giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu mới hình thành. Do đó, VNDIRECT dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 của các ngân hàng sẽ cao hơn nhiều so với năm 2020, tuy nhiên mức độ phục hồi sẽ khác nhau giữa các ngân hàng. Theo các chuyên gia VNDIRECT, các cổ phiếu VCB, ACB, và MBB sẽ là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư do triển vọng phục hồi tốt hơn. 

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, như BID, CTG...


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top