Aa

Vì sao có quy chuẩn an toàn lan can nhưng thương tâm vẫn xảy ra?

Thứ Ba, 02/03/2021 - 09:36

Không ít vụ việc đau lòng xảy ra khi trẻ nhỏ ngã từ lan can căn hộ chung cư. An toàn trong thiết kế lan can tại các dạng căn hộ này từng gióng lên hồi chuông cảnh bảo nhưng điều đáng tiếc vẫn cứ tiếp tục xảy ra.

Mới đây nhất, vụ việc em bé gái rơi từ tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Mặc dù đây là trường hợp hy hữu em bé được cứu sống nhờ một thanh niên đỡ được trước khi rơi xuống đất. Song, vấn đề thiết kế an toàn lan can chung cư tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh bảo, bởi trước đó, rất nhiều sự vụ thương tâm xảy ra với các em nhỏ rơi từ tầng cao xuống.

“Việc phổ biến các nội quy an toàn khi sử dụng các thiết bị, các tiện ích trong công trình cao tầng còn hạn chế”.

PGS. TS. Vũ Ngọc Anh

Trao đổi với báo chí, PGS. TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: “Trong quy chuẩn về an toàn cho nhà và công trình, Bộ Xây dựng đã quy định rất rõ lan can tối thiểu cao 1,4m. Lan can không được làm các chắn song ngang để các cháu bé hoặc người lớn có thể chèo lên đó nhảy ra ngoài”.

Tuy nhiên theo lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, dù những quy chuẩn và tiêu chuẩn đều đáp ứng đầy đủ nhưng, rất đáng tiếc khi các quy định khác như: Không được để các vật có chiều cao ở ngoài lan can như ghế, điều hòa, máy giặt... thì chưa được lưu tâm: “Nhiều trường hợp, người lớn sử dụng nhưng không dọn dẹp vật dụng để sát lan can, không chú ý tới trẻ nhỏ khiến các cháu trèo lên và vượt qua lan can. Đó là sự cố đáng tiếc”.

thiết kế an toàn lan can chung cư
Quy định thiết kế an toàn lan can chung cư vẫn còn nhiều bất cập, dẫn tới nhiều sự vụ đáng tiếc xảy ra.

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, “Riêng về vấn đề an toàn cho con người và PCCC trong các công trình kiến trúc (đặc biệt là kiến trúc công trình nhà cao tầng) đã có nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn và thông tư, hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Thế nhưng, trong thực tế vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng các em nhỏ trèo qua lan can và rơi xuống đất, điển hình như vụ việc trẻ em rơi từ tầng 12 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng vừa qua".

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm đã chỉ ra 5 nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an toàn trong thiết kế ban công:

Thứ nhất, trong phê duyệt quản lý phương án thiết kế, một số các nhà quản lý và những người phê duyệt phương án thiết kế chưa chú trọng đến vấn đề yêu cầu an toàn, an sinh xã hội. Cơ quan quản lý không giám sát chặt chẽ khi thiết kế lan can chung cư bởi vấn đề này không chỉ liên quan riêng tới an toàn về PCCC.

Ví dụ như, theo quy chuẩn, lan can nhà cao tầng ít nhất phải cao 1,2m. Thiết kế lan can không làm theo phương ngang mà theo phương dọc để trẻ em không chui qua, cũng như không trèo lên được. Khoảng cách giữa các thanh lan can phải đảm bảo dưới 20cm. Nhiều trường hợp, cơ quan quản lý chỉ nhìn qua thiết kế mà không chú trọng tới chi tiết.

Thứ hai, trong một số trường hợp, công tác giám sát thi công chủ chú trọng đến vấn đề như diện tích, vật liệu xây dựng nhưng vấn đề an toàn lan can trong ban công và hành lang lại bị bỏ ngỏ.

Thứ ba, theo quy định, vấn đề nghiệm thu công tác an toàn PCCC được thể hiện rất cụ thể: Sau khi xây dựng xong thì phải được Bộ Công an, Cục PCCC vào kiểm tra nghiệm thu, đồng ý thì công trình mới được đưa vào sử dụng. Nhưng riêng về vấn đề này, công tác nghiệm thu ít được quan tâm.

Thứ tư, bản thân người sử dụng chưa được phổ biến các yêu cầu, kỹ thuật, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn như: vấn đề quản lý trẻ em trong các chung cư khi không có người lớn hay cửa khoá phải đảm bảo ra sao, không cho phép trẻ leo trèo tại khu vực ban công.

Thứ năm, công tác an toàn chưa thành một nội dung tuyên truyền cho người dân chung cư một cách bài bản.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: “Qua hiện tượng này một lần nữa, báo động cần phải thực hiện đồng bộ các yêu cầu để giải quyết 5 nguyên nhân trên. Nếu không thực hiện đồng bộ sẽ tiếp tục xảy ra những vụ việc đáng tiếc”.

Vị chuyên gia còn nhấn mạnh: “Bên cạnh đó, cần chú trọng giáo dục, tuyên truyền cho người dân biết cách quản lý trẻ em khi ở nhà, nhất là trong giai đoạn không phải đến trường học. Nhiều trường hợp, cha mẹ mở cửa lô gia, để trẻ tự chơi, không chú trọng để các vật thể sát lan can khiến trẻ có cơ hội leo trèo qua. Cha mẹ cần nên chú trọng vấn đề an toàn hành lang các lô gia cho trẻ để giảm thiểu nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top