Aa

Công bằng không có nghĩa là cào bằng

Chủ Nhật, 29/09/2019 - 06:06

Phân bổ tài khóa hiệu quả là yếu tố tạo ra sự công bằng trong phát triển đô thị. Nhưng làm thế nào để tạo ra hiệu quả?

Chính sách tài khóa là một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô được Chính phủ sử dụng để huy động, phân phối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. 

Trong giai đoạn khủng hoảng và suy thoái, chính sách tài khóa của Việt Nam được thực hiện theo hướng mở rộng, hướng đến công bằng giữa các vùng kinh tế. 

Mặc dù đã giúp nền kinh tế không suy giảm mạnh trong giai đoạn khủng hoảng 2009 - 2011, nhưng chính sách này cũng dẫn đến bội chi ở mức cao, làm suy yếu các lớp đệm tài khóa, rút ngắn kỳ hạn vay nợ và làm tăng gánh nặng trả nợ cho ngân sách.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, bội chi ngân sách lớn, nợ công tăng cao, tỷ lệ thu ngân sách/GDP giảm và chi tiêu công, đặc biệt là đầu tư công, còn chưa hiệu quả, đều gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế và sâu xa hơn là ảnh hưởng đến quá trình đô thị hóa Việt Nam trong thập niên qua.

Chính sách tài khóa “giải ngân theo không gian”

Các chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua, đồng thời chất lượng tăng trưởng đã cải thiện. Tuy nhiên, cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại. 

Những nỗ lực cải cách đang dần tới hạn và chưa thực sự tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn và rào cản phát triển. Lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh dự kiến, nhưng đã đương đầu nhiều sức ép; dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp.

Trong bối cảnh đó, việc đánh giá toàn diện về chính sách tài khóa, từ đó đánh giá tính bền vững tài khóa và không gian tài khóa trong giai đoạn mới của nền kinh tế là hết sức cần thiết.

Bàn về vấn đề trên trong bối cảnh đô thị hóa Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới - ông Zhiyu Chen nhận định: Chiến lược tài khóa của Việt Nam là chuyển hướng nguồn lực từ khu vực tăng trưởng cao hơn sang khu vực kém phát triển hơn, tức áp dụng mô hình “giải ngân theo không gian”. Điều này dẫn đến trong khoảng 10 năm qua, các đô thị, vùng đô thị lớn có sự tăng trưởng tương đối “đồng đều”. Đây là việc rất bất thường. 

So sánh với tốc độ tăng trưởng đô thị hóa của các nước phát triển ở Mỹ La-tinh, châu Âu..., sẽ thấy rõ ràng sự cách biệt giữa đô thị cấp 1 và cấp 2, tức các đô thị lớn sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn hẳn với các đô thị nhỏ, đồng nghĩa sẽ kéo theo chỉ số tăng trưởng chung lên”.

Chính sách tài khóa hướng đến công bằng không đồng nghĩa sẽ “cào bằng”

Thực tế, chính sách tài khóa của Việt Nam được đánh giá là hướng tới người nghèo, nghĩa là được triển khai theo hình thức nguồn thu được tạo ra từ các khu vực có tốc độ tăng trưởng cao hơn được phân phối lại cho các khu vực kém phát triển thông qua hệ thống chuyển giao tài khóa. 

Trong khi đó, các khu vực có tăng trưởng cao hơn lại thiếu đầu tư để duy trì tăng trưởng. Kết quả là thu, chi và tăng trưởng đầu tư tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đều chậm và ở mức âm.

Chính sách tài khóa hướng tới sự tăng trưởng. Ảnh minh họa.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chí Lan nhận định: “Tôi nghĩ chính sách tài khoá của Việt Nam đang có vấn đề. Tất cả các con số đưa ra qua nghiên cứu so sánh với các nước khác càng cho thấy rõ hơn những vấn đề trong tài khoá của Việt Nam hiện nay.

Tức là, không có nước nào dành ngân sách cho chi thường xuyên cao đến như vậy, cũng không có nước nào có tỷ lệ chi tiêu hay đội ngũ cán bộ Nhà nước cao như ở Việt Nam.

Đây là một gánh nặng làm cho chi thường xuyên quá cao, trong khi ngân sách dành cho đầu tư phát triển thì quá thấp. Điều này làm ảnh hưởng chung đến nền kinh tế, đồng thời cũng làm giảm đi động lực của những người đóng thuế, nhất là các doanh nghiệp.

Nếu như người dân, doanh nghiệp cảm thấy tiền thuế được dùng cho đầu tư chung của đất nước như phát triển hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế, có lợi chung cho toàn dân thì họ sẵn sàng đóng thuế nhiều hơn.

Nhưng nếu họ thấy 10 đồng đóng thuế mà 7 đồng để chia cho bộ máy Nhà nước mà bộ máy đó nhiều khi không phục vụ được yêu cầu của người dân, không phục vụ tốt được cho doanh nghiệp, gây khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp thì họ không còn động lực để đóng thuế nhiều hơn cho Nhà nước".

Đồng quan điểm, TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, khó khăn lớn nhất cơ quan quản lý sẽ gặp phải là một số doanh nghiệp sẽ kêu ca về việc thiếu vốn để mở rộng đầu tư:

“Phản ứng là tất yếu. Tôi cho rằng cần cân nhắc có tình và lý, kiến nghị của doanh nghiệp hợp lý cũng cần lắng nghe. Cần đặt tất cả lên bàn, cân đo lợi ích ngắn hạn và chi phí dài hạn, cái trước mắt và lâu dài, việc cấp thiết và việc đầu tư cho tương lai. Lý lẽ thì thế nhưng cần có tính toán cụ thể cho từng trường hợp. Đó là bài toán của Chính phủ cần giải. Chính phủ cần tính toán kỹ và đưa lý lẽ đủ sức thuyết phục. Nếu đã đưa ra quan điểm cuối cùng tôi cho rằng cần cương quyết thực hiện. Kỷ luật ngân sách cần làm chặt hơn”.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, phân bổ chính sách của Nhà nước trước hết phải đảm bảo cho định hướng phát triển của đất nước theo quy hoạch phát triển chung của Chính phủ. Vấn đề là phải làm sao để người dân được hưởng hiệu quả của tài chính kinh tế, không để bất kỳ cá nhân nào bị thụt lùi trong xã hội phát triển. Ở đây, chúng ta quan tâm đầu tư cho các đầu tàu kinh tế của xã hội để từ đó tạo ra những động lực phát triển của từng vùng, miền và tạo ra sự phát triển chung của cả đất nước.

“Ví dụ chúng ta đầu tư lớn cho TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng..., từ đó tạo ra những điểm nhấn, đưa kinh tế khu vực Nhà nước trước đây là chủ yếu, sang khu vực kinh tế như hiện nay là công nghiệp - dịch vụ, để mà có thể tạo ra sự tăng trưởng bền vững. 

Và tất nhiên, những địa phương có đầu tư lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng, đầu tư nước ngoài và đầu tư của Nhà nước lớn thì rõ ràng phải có nguồn thu rất lớn. Nhà nước yêu cầu họ phải nộp ngân sách nhưng các doanh nghiệp, địa phương lại đòi hỏi họ phải được hưởng những nguồn thu đó. Trong khi, những vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi, hải đảo…, những nơi mà đòi hỏi ngân sách đầu tư cực lớn. Ngân sách đó buộc phải lấy từ đóng góp kinh tế của các địa phương phát triển hơn”.

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, phân bổ tài khóa phải hướng tới sự công bằng nhưng không có nghĩa là sẽ cào bằng mà phải chú trọng đến hiệu quả. 

Tức là địa phương nào cũng có quyền được hưởng chính sách tài khóa. Việc cân đối cho hợp lý với nhu cầu của từng địa phương là vấn đề của cơ quan quản lý Nhà nước. 

“Còn nếu các khu đô thị lớn cứ phát triển còn kệ vùng sâu vùng xa thì biết để đất cho ai”. Và ngược lại, ở các đô thị lớn, những nơi cần ngân sách nhiều hơn, khi các dự án đang thiếu vốn, dở dang thì cũng không thể cào bằng ngân sách mà vẫn phải ưu tiên, cân đối.

Các chuyên gia nhận định, cần phải gắn kết chi đầu tư và chi thường xuyên, xem xét lại mức độ phân cấp chi đầu tư cho địa phương gắn liền với hiệu quả tổng thể kinh tế xã hội, hạn chế rủi ro đầu tư dàn trải; phân cấp đầu tư gắn liền với trách nhiệm giải trình và năng lực quản lý của từng địa phương.

Trong đó, vẫn phải hiểu rằng, hiệu quả của chính sách phân bổ tài khóa là yếu tố trọng tâm cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quá trình đô thị hóa ở các địa phương nói riêng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top