Aa

Công trình xanh nhà ở thấp tầng đô thị: Thách thức phát triển đại trà

Thứ Tư, 06/03/2019 - 23:30

Trong những năm vừa qua, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ và ngành Xây dựng, thiết kế và xây dựng công trình xanh đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Trong đó, việc phát triển đại trà công trình xanh nhà ở thấp tầng đô thị vẫn còn nhiều thách thức.

Xanh hoá nhà thấp tầng cần nhân rộng

Sau khi Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả được Bộ Xây dựng ban hành theo Thông tư số 15/2017/TT-BXD đã có một thế hệ  - tiết kiệm năng lượng - thân thiện môi trường khí hậu Việt Nam được nghiên cứu thể nghiệm triển khai xây dựng ở nhiều thể loại hạng mục: nhà ở, công trình công cộng... Một số công trình còn được giới kiến trúc trong nước quốc tế vinh danh với các giải thưởng uy tín.

Tuy nhiên, nếu nhìn theo chiều sâu, dễ dàng nhận ra những vấn đề cần khắc phục hiện nay để có thể nhân rộng đại trà xu hướng phát triển công trình xanh - tiết kiệm năng lượng - thân thiện môi trường cho đại bộ phận công trình dân dụng đô thị, trong đó đặc biệt là các công trình nhà ở dân cư thấp tầng đơn lẻ và phân tán chiếm đa số tại các đô thị.

Còn nhiều thách thức trong phát triển đại trà công trình xanh nhà ở thấp tầng đô thị.

Còn nhiều thách thức trong phát triển đại trà công trình xanh nhà ở thấp tầng đô thị.

Theo khảo sát mới nhất tại 3 TP lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, có gần 75 - 80% số lượng nhà ở đô thị tại các đô thị trên là nhà ở thấp tầng (số liệu thống kê năm 2015). 90% trong số này được xây dựng và cải tạo từ sau năm 1995. Về kiến trúc, số lượng công trình nhà ở thấp tầng cao từ 1 - 3 tầng chiếm tới 90%, tuy nhiên không quá 35% trong số này có thiết kế bố trí giếng trời và vườn trên mái để đảm bảo các yếu tố vi khí hậu, cách nhiệt và chiếu sáng tự nhiên. Do đặc thù hạn chế về vị trí xây dựng nên công trình chủ yếu có kiến trúc 1 - 2 mặt thoáng ở 2 đầu nhà, sử dụng “lạm dụng” hệ cửa kính rộng để lấy sáng nhưng khá bất lợi về bức xạ nhiệt trong trường hợp nhà quay hướng tây. Hầu hết chưa áp dụng các giải pháp kiến trúc để giảm bức xạ nhiệt cho công trình.

Về vật liệu xây dựng, với cấu trúc tường chủ yếu là gạch xây, mái chủ yếu là bê tông hoặc lợp ngói và các loại tấm lợp khác. Các công trình sử dụng các loại vật liệu có thể tái chế và thân thiện môi trường như gỗ nhân tạo chiếm tỉ lệ rất ít. Đà Nẵng có tỷ lệ cao nhất cũng chỉ đạt tỷ lệ 21%. Thiết kế công trình nhà ở thấp tầng đô thị cũng rất lạm dụng chiếu sáng và thông gió cưỡng bức, sử dụng nhiều năng lượng điện, kém thân thiện và thích ứng với điều kiện vi khí hậu tại từng địa phương.

Trong trào lưu phát triển hội nhập hiện nay, một số các loại hình kiến trúc nhà ở thấp tầng đô thị cũng đã xuất hiện tại Việt Nam và có xu hướng bùng nổ như Shophouse, Bungalow, Hometel..., được xây dựng thành các khu ở quy mô lớn, sử dụng nhiều vật liệu mới đặc biệt là kính cho phần mặt tiền công trình cũng đặt ra các thách thức trong công tác triển khai đại trà phát triển công trình xanh - tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới.

Bám sát yêu cầu thực tiễn để phát triển công trình xanh nhà ở thấp tầng đô thị

Hiện nay công trình xanh đang trở thành xu hướng phát triển nhanh và mạnh, nó được áp dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có bộ tiêu chí về công trình xanh. Tại Việt Nam, các bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh cũng đã cơ bản được thiết lập. Tuy có một số sự khác biệt so với các bộ tiêu chuẩn của quốc tế, nhưng các bộ tiêu chí Việt, điển hình là bộ công cụ Lotus đã nhấn mạnh 10 vấn đề chính cần hướng tới về chất để đáp ứng các yêu cầu phát triển CTX trong thời gian tới bao gồm:

(1) Giảm thiểu tiêu thụ năng lượng nhân tạo, tận dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo...; (2) Tiết kiệm sử dụng nước, tận dụng nước mưa và tái sử dụng nước thải…; (3) Tiết kiệm sử dụng VLXD, sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu dễ chế tạo, vật liệu được tạo thành tiêu tốn ít năng lượng…; (4) Bảo vệ sinh thái, giảm thiểu tác động tiêu cực của việc xây dựng công trình đến hệ sinh thái xung quang, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển thảm thực vật, trồng cây xanh trên mái và các tầng nhà; (5) Giảm thiểu chất thải và ô nhiễm môi trường, giảm thiểu xả thải nước thải, chất thải rắn, khí thải, khuyến khích tái chế, tái sử dụng chất thải trong suốt quá trình xây dựng, và giai đoạn vận hành; (6) Bảo đảm tiện nghi và sức khỏe, chất lượng không khí trong nhà, tiện nghi nhiệt, vi khí hậu, tiện nghi ánh sáng, tiện nghi ồn, rung; (7) Thích ứng và giảm nhẹ thiên tai, phòng chống úng ngập, bảo đảm công trình bền vững dưới tác động của bão tố, động đất, thảm họa thiên nhiên. Công trình không gây ra hiệu ứng đảo nhiệt, khuyến khích người sử dụng công trình đi lại bằng xe đạp và sử dụng phương tiện giao thông công cộng, sử dụng vật liệu địa phương để giảm nhu cầu giao thông vận tải; (8) Kết nối cộng đồng, tham vấn cộng đồng khi đầu tự xây dựng dự án, kết nối với các tiện ích, cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có, có không gian phục vụ cộng đồng, tiện nghi cho người tàn tật; (9) Quản lý trong giai đoạn thiết kế công trình, trong giai đoạn thi công công trình và trong giai đoạn vận hành công trình đều là đảm bảo tối ưu hóa các hoạt động quản lý, khuyến khích áp dụng hệ thống quản lý môi trường; (10) Khuyến khích các sáng kiến mang lại lợi ích cho môi trường. Đây chính là cơ sở ban đầu rất tốt để giới thiệu và phổ cập nhân rộng cho đại chúng về phát triển hệ thống công trình xanh ở Việt Nam nói chung và nhà ở thấp tầng đô thị nói riêng trong thời gian tới.

Để phát triển công trình xanh ở nước ta một cách mạnh mẽ, vững chắc và hiệu quả thì trước tiên phải tạo lập và phát triển thị trường bất động sản về  công trình xanh. Tuyên truyền, phổ biến một cách rộng rãi về các lợi ích to lớn của  công trình xanh.

Ban hành hệ thống các chính sách hỗ trợ  công trình xanh gián tiếp và trực tiếp để thúc đẩy người dân tự nguyện tham gia phát triển công trình xanh đối với loại hình nhà ở đô thị thấp tầng. Kinh nghiệm phát triển tại Singapore cho thấy, đây là quốc gia đi đầu tại Đông Nam Á phát triển công trình xanh. Trong những năm gần đây, Chính phủ Singapore đã xây dựng các chương trình dài hạn để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các công trình đạt chuẩn xanh thông qua các chính sách ưu đãi về thuế và trợ cấp (các dự án sẽ được miễn giảm thuế hoặc gia tăng hệ số sử dụng đất khi xây dựng theo giải pháp xanh và tiết kiệm năng lượng), và tăng cường tuyền truyền tới mọi tầng lớp trong xã hội về lợi ích của công trình xanh.

Thực hiện nghiên cứu chuẩn hóa hệ thống các tiêu chuẩn xây dựng và đánh giá công trình xanh đối với nhà ở đô thị Việt Nam, trong đó nêu rõ một cách cụ thể các tiêu chí cũng như các chính sách hỗ trợ. Nghiên cứu đề xuất một số thiết kế dạng mẫu đối với nhà ở đô thị, về cả giải pháp kiến trúc và sử dụng vật liệu, áp dụng cho cả các loại hình nhà ở thấp tầng đô thị mới như Shophouse, Bungalow... đảm bảo các tiêu chuẩn về thẩm mỹ - tiện nghi, xanh - tiết kiệm năng lượng.

Tập hợp biên soạn và phát hành rộng rãi dưới nhiều hình thức (như in trên giấy, trang thông tin điện tử ...) các cuốn sổ tay - cẩm nang để người dân có thể tự tra cứu và chủ động áp dụng đại trà khi cải tạo và xây dựng công trình nhà đô thị.

Với đặc thù về sở hữu, chiếm số lượng đa số trong quỹ nhà ở đô thị, đồng thời phân bố rộng khắp và phân tán tại phần lớn các quận huyện trong đô thị, được xây dựng và cải tạo tự phát bởi các hộ gia đình nên việc triển khai đại trà phát triển công trình xanh nhà ở thấp tầng trong đô thị là vấn đề còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, nếu triển khai có hiệu quả và rộng khắp phát triển các công trình xanh nhà ở đô thị thấp tầng chắc chắn sẽ góp phần đáng kể trong mục tiêu chung quốc gia hướng tới giảm khoảng 20% năng lượng so với hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top