Bất động sản nghỉ dưỡng ven đô "lên ngôi" sau Covid- 19
Đầu năm 2020, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, nỗ lực đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế (tăng trưởng bình quân từ 8 - 10%/năm).
Du lịch phát triển tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác, trong đó có thị trường bất động sản du lịch. Nhận định chung về tiềm năng của thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, các chuyên gia cho rằng, chừng nào du lịch còn phát triển, chừng đó bất động sản nghỉ dưỡng còn cơ hội tăng trưởng tốt.
Sự xuất hiện của Covid-19 từ cuối năm 2019 như một chướng ngại vật cản trở đà tăng tốc của ngành du lịch nước ta, khi đây trở thành lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh dù dịch bệnh khiến ngành du lịch trở thành một “nốt trầm” thì nghỉ dưỡng ven đô vẫn phát triển theo những thay đổi nhất định. Nhu cầu nghỉ dưỡng thông thường của du khách đã được điều chỉnh mạnh mẽ dưới tác động của Covid-19.
Những thay đổi ấy khiến an toàn được đặt lên hàng đầu. Trong khi trước đây, nhu cầu du lịch đại trà, du lịch theo nhóm đông người là phổ biến thì hiện nay du khách cân nhắc đi du lịch theo nhóm nhỏ, ít người. Đồng thời, thời gian du lịch sẽ rút ngắn hơn, dẫn đến xu hướng tìm những địa điểm gần cho chuyến nghỉ dưỡng.
Trong bối cảnh như vậy, bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven các đô thị lớn đang phát triển hơn bao giờ hết, hình thành nên xu hướng dịch chuyển dòng vốn trong đầu tư. Báo cáo ngành bất động sản được công bố hồi tháng 9 bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đưa ra nhận định rằng, trong bối cảnh giá bất động sản nội đô đều đã tăng trưởng ở mức 2 chữ số trong suốt giai đoạn 2018 - 2020 thì mức giá được cho là vừa túi tiền hơn của bất động sản tại các khu vực vùng ven/thành thị cấp 2 lại trở thành lựa chọn sáng giá với nhà đầu tư.
Ecopark được coi là địa điểm du lịch tại chỗ lý tưởng cho cư dân Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, thị trường bất động sản ngoại ô sẽ tăng trưởng tốt bất chấp nền kinh tế biến động, bởi khi kinh tế đi xuống, những người từng chi trả số tiền lớn để đi du lịch xa sẽ giảm khả năng chi trả và có xu hướng quay về với du lịch tại chỗ, du lịch trong thành phố.
Như vậy, thị trường nghỉ dưỡng ven đô có hướng phát triển tiềm năng. Thậm chí, Covid-19 có thể là "bàn đạp" mở ra cơ hội mới và những thay đổi mới cho phân khúc này.
Nghỉ dưỡng ven đô vẫn sẽ “lên ngôi” dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến theo chiều hướng nào
Dự báo về những phân khúc sẽ “lên ngôi” hậu Covid-19 và dễ dẫn dắt thị trường trong năm 2021, ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho rằng: “Sản phẩm đất nền ở vùng ven, có kết nối giao thông tốt..., đặc biệt là của những chủ đầu tư uy tín tiếp tục là phân khúc được nhà đầu tư ưu ái trong năm 2021”.
Theo ông Phúc, qua năm 2021 sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ hơn để thị trường tốt lên. Thứ nhất là dịch bệnh rồi sẽ được kiểm soát bằng vắc-xin. Thứ hai là các ngành nghề cũng dần được hồi phục thì thu nhập của người dân cũng tốt hơn. Nhờ đó, nhu cầu đầu tư tăng lên, nhu cầu sở hữu bất động sản cũng sẽ tăng lên.
Mặt khác, Chính phủ hiện đang gấp rút khắc phục các điểm nghẽn để khai thông, đẩy mạnh pháp lý tốt hơn nhằm cải thiện nguồn cung. Như vậy, với 2 yếu tố: Dịch bệnh được kiểm soát và nguồn cung tăng lên cho thấy nghỉ dưỡng ven đô vẫn sẽ là kênh đầu tư có nhiều tiềm năng.
Đây sẽ là những nguyên nhân thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng tại các vùng ven phát triển mạnh mẽ và có nhiều cơ hội bứt phá.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV cũng cho biết, Covid-19 đang ảnh hưởng nhanh và mạnh đến hành vi, nhu cầu nhà ở của người dân, kể cả của chính quyền tại các khu đại đô thị. Bên cạnh nhu cầu sống xanh, xu hướng đầu tư sau dịch cũng thay đổi. Nếu như ở thời điểm trước dịch, các nhà đầu tư Hà Nội có xu hướng "đánh bắt xa bờ", ưa chuộng dòng bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc... thì dịch Covid-19 cùng hiện tượng đổ vỡ cam kết lợi nhuận tại một số dự án khiến phân khúc này "đứng hình".
Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư đang chú tâm đến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Dòng sản phẩm này được ưa chuộng vì sở hữu nhiều ưu điểm: Sở hữu lâu dài, đa chức năng (nhà đầu tư có thể sử dụng để ở, nghỉ dưỡng bất cứ khi nào muốn, đặc biệt khi không sử dụng có thể kinh doanh lưu trú thu về khoản lợi nhuận bền vững), ...
Dự án Sunshine Heritage Resort là một tổ hợp nghỉ dưỡng đáng chú ý tại Hà Nội.
Nhanh nhạy với thị trường, không ít chủ đầu tư đón sóng dịch chuyển này bằng cách đầu tư các khu nghỉ dưỡng, dự án khu đô thị xanh. Tập đoàn Ecopark mới đây công bố sẽ đầu tư sang phân khúc nghỉ dưỡng với dòng sản phẩm căn hộ nghỉ dưỡng 5 sao S - Premium Sky Oasis. Theo phân tích của đại diện Ecopark, phân khúc nghỉ dưỡng 5 - 6 sao tại các thành phố du lịch chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu của khách hàng Hà Nội. Do đó, thị trường ven đô vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
Như vậy, tiềm năng phát triển của phân khúc này luôn có thừa tuy nhiên ở mỗi bối cảnh khác nhau cần đặt ra những yêu cầu khác nhau. Vậy hướng đi nào cho nghỉ dưỡng ven đô để phát huy tối đa tiềm năng vốn có?
Mô hình các biệt thự nghỉ dưỡng nhỏ lẻ, không đồng bộ về quy hoạch, không đi kèm hệ thống các dịch vụ du lịch, chỉ đơn thuần phục vụ những cá nhân sở hữu nó đã không còn phù hợp. Khi hết nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng và sở hữu thì các biệt thự này lại trở thành một “khối băng”.
Thực tế, việc xây dựng cơ sở vật chất hiện nay đã dễ dàng hơn rất nhiều với năng lực ngày càng tăng của các doanh nghiệp, nhưng để có dịch vụ tốt, gây ấn tượng với du khách mới là việc khó hơn nhiều và cần bỏ nhiều công sức, đầu tư hướng đến lợi ích dài hạn.
Hiện nay, xu hướng du lịch được ưa chuộng thiên nhiều về trải nghiệm đời sống người dân bản địa, trải nghiệm văn hóa, chữa bệnh… nhưng thị trường nghỉ dưỡng vùng ven với nhiều tiềm năng lại chưa thể phát huy mạnh.
Chính vì vậy, cần có các tổ hợp du lịch trải nghiệm quy mô lớn, đa chức năng, có khu vui chơi cho trẻ em, cho người lớn, khu casino, kết hợp trải nghiệm văn hóa… để quy hoạch các vùng ven một cách đồng bộ. Phải gắn những khu đô thị chung cư kết hợp với nghỉ dưỡng, có như vậy thì kịch bản phát triển về một thị trường BĐS ven đô mới bền lâu, triển vọng.
Thực tế hiện nay, vùng ven Hà Nội cũng đã có một số dự án được đầu tư bài bản, gắn kết nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách với các dịch vụ tiện ích khác. Đơn cử như dự án đại đô thị nghỉ dưỡng, du lịch và trải nghiệm văn hóa đầu tiên của Hà Nội - Sunshine Heritage Resort.
Với quy mô dự án lên tới trên 200ha, dự án gồm các phân khu biệt thự đan xen cụm di sản, trung tâm văn hóa cộng đồng và hệ thống dịch vụ tiện ích đồng bộ được kỳ vọng sẽ là nơi nghỉ dưỡng đáp ứng đầy đủ những nhu cầu của du khách. Mô hình này cũng sẽ là câu trả lời điển hình, chuẩn mực cho những vướng mắc của thực trạng phát triển du lịch nghỉ dưỡng ven đô hiện nay.
Sẽ không xa vời về một kịch bản tươi đẹp của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô hậu Covid-19 nếu như được đầu tư một cách bài bản, có quy hoạch gắn liền với nhu cầu thực tiễn của du khách ở phân khúc này.