Covid-19 và cuộc chiến đấu vì văn hóa

Covid-19 và cuộc chiến đấu vì văn hóa

Thứ Sáu, 05/11/2021 - 06:06
Covid-19 và cuộc chiến đấu vì văn hóa

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa kết thúc năm 2021, đánh dấu năm thứ 2 toàn thế giới phải chống chọi với đại dịch Covid-19 - một thảm họa lớn nhất của nhân loại kể từ chiến tranh thế giới thứ 2. Hai năm qua, thế giới phải “vật lộn” sống còn. 

Hàng triệu con người đã chết vì SARS-CoV-2. Đại dịch Covid-19 là thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất, thậm chí, được đánh giá sâu rộng hơn cả cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009. Covid-19 làm đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu vốn mất hàng trăm năm thế giới mới thiết lập được.

Sau 2 năm vật lộn, thế giới đang dần bước vào giai đoạn phục hồi. Đến thời điểm hiện tại, có hai cách tiếp cận khác nhau của các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhóm 1, đặt mục tiêu kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trước khi khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nhóm 2, trong đó có Việt Nam tiếp cận theo hướng vừa khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, vừa kiểm soát dịch bệnh. Thế nhưng nguyên nhân xuất hiện virus SARS-CoV-2 vẫn đang ở sau những “lớp sương mù”.

Khi đại dịch xảy ra, không chỉ các chính trị gia, các nhà khoa học dịch tễ toàn cầu mà ngay nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam cũng trăn trở và tìm cách lý giải về Covid-19. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng viết: “Những người chết oan và những người bị lừa dối/ Đang soạn vở kinh kịch của thời đại này/ Để diễn trong một ngày/ Có thể trên một sân khấu/ Ngập nước mắt và máu/ Nhưng họ sẽ diễn đến cảnh cuối cùng”. Càng ngày, có cảm tưởng, cuộc sống trên trái đất càng trở nên “mong manh”.

Ngay từ đầu thế kỷ XXI, nhân loại đã liên tục chứng kiến và phải chống chọi với hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus. Có thể nêu tên dịch viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003 hoành hành tại 29 quốc gia; đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009 lây lan toàn thế giới với hơn 200 triệu ca nhiễm và gần 600 ca tử vong; hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung Đông MERS năm 2012 tại 26 nước; dịch Ebola năm 2014 ở châu Phi với hơn 28 nghìn ca nhiễm; dịch virus Zika năm 2015 - 2016 gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ em với hơn 1,5 triệu ca nhiễm. 

Và từ đầu năm 2020 đến nay, cả thế giới thực sự bị chấn động lao đao vì đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 và các biến thể, nhất là Delta gây ra. Kể từ sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 - 1920, chưa bao giờ số liệu về ca nhiễm và tử vong vì một đại dịch lại tăng nhanh đến chóng mặt như vậy ở quy mô toàn cầu.

Loài người văn minh “chưa biết” nguyên nhân nào sinh ra “kẻ thù” giấu mặt SARS-CoV-2, nhưng nhận định con người vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm không phải là không có cơ sở. 

Nhân loại đã và đang “đối mặt” với những thách thức thời đại: sự cạn kiệt về tài nguyên, cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên… Nhiều tai họa sinh thái xuất hiện, như: sinh thái tự nhiên, sinh thái xã hội, sinh thái văn hóa… Không chỉ rừng bị hủy diệt, đất bị sói mòn, hiện tượng sa mạc hóa, mặn hóa dễ nhìn thấy là giống loài thoái hóa, tinh thần thất lạc, đạo đức xuống cấp, tâm thái mất cân bằng… không dễ nhìn thấy. Tất cả tạo ra tai họa lớn về sinh thái uy hiếp sự sinh tồn của nhân loại. 

Hiển nhiên, con người ngày càng chứng kiến nhiều dịch bệnh, bệnh tật sinh ra do con người “tấn công” vào môi trường sống của chính mình. Không phải tự nhiên, cuối thế kỷ 20, “văn hóa sinh thái” của phương Tây xuất hiện, dần dần lan rộng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Covid-19 xuất hiện, phá vỡ mọi cấu trúc truyền thống, từ kinh tế là chuỗi giá trị toàn cầu được xác lập lâu nay, tác động trực tiếp đến văn hóa, xã hội, du lịch, phim ảnh, nghệ thuật biểu diễn… Về một góc độ nào đó, Covid-19 góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thúc đẩy thương mại điện tử, nền kinh tế số, xã hội số, và quan trọng hơn, các chính phủ số. Nhận thức, lương tâm, trách nhiệm của con người trong “thời đại” Covid-19 được thức tỉnh.

Dịch bệnh trong thời đại hội nhập toàn cầu là không có biên giới, không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào có thể đơn lẻ kiểm soát và chiến thắng dịch bệnh. Bất kể quốc gia nào cũng phải chung tay hợp tác với các quốc gia khác và cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến này. Suy cho cùng, đó là sự đoàn kết, chung tay vì văn hóa và phát triển trên thế giới.

Covid-19 và cuộc chiến đấu vì văn hóa

Trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ngày 27/12/2020, lần đầu tiên, cộng đồng quốc tế tổ chức “Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh” theo Nghị quyết được Liên hợp quốc thông qua, với sự đề xuất của Việt Nam và được nhiều nước hưởng ứng tham gia đồng sáng kiến. Việt Nam, đã và đang làm hết sức mình với tư cách là một quốc gia thành viên. Đáp lại, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ về các chính sách, biện pháp y tế cộng đồng, trang thiết bị y tế, vắc-xin… từ nhiều nước và tổ chức quốc tế như Nhật Bản, Úc, Nga, UNICEF… để đối phó với đại dịch và ngăn chặn các mối đe dọa đối với sức khỏe của người dân.

Ở Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện 4 lần. Đặc biệt, “giai đoạn 4” từ 27/4 đặt đất nước đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn. Nhất là sau khi nâng cấp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và kịp thời điều động một lực lượng lớn chưa từng có, trong một thời gian rất ngắn với khoảng hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ các lực lượng y tế, quân đội, công an từ Trung ương và các địa phương khác hỗ trợ cho những địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin, thành lập “Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19”, tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin trong nước và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay với tinh thần “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”...

“Có thể nói, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở, hầu hết các vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vắc-xin trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Trong hiểm họa Covid-19, với Việt Nam, chủ nghĩa nhân văn Việt Nam với truyền thống, đạo lý “Bầu ơi thương lấy bí cùng” được phát huy hơn bao giờ hết. Tình người trong dịch bệnh, tình người đối với nhân dân vùng dịch, vùng đang bị giãn cách, cách ly… làm cho mọi trái tim dù “vô cảm” nhất cũng phải rung lên “nhịp điệu” người.

Covid-19 và cuộc chiến đấu vì văn hóa

Hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước về việc đóng góp vào “Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19”, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Thật xúc động, có những em bé dành tiền ăn sáng; các cụ già dành tiền lương hưu, tiền tiết kiệm; những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu; những công chức, viên chức, công nhân, người lao động tiết kiệm một ngày lương để ủng hộ Quỹ; kiều bào ta ở nước ngoài trực tiếp hoặc nhờ người thân đóng góp Quỹ với tinh thần “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. “Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19” thể hiện truyền thống tốt đẹp và sức mạnh toàn dân tộc, chắc chắn đó là “giá trị Việt”, xuất phát từ văn hóa Việt Nam. 

Covid-19 đã và đang được đẩy lùi. Thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang bước vào giai đoạn thích ứng, “sống chung với Covid”, khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội. Đó là chiến thắng của văn hóa. Sự sống trên trái đất bất diệt.

Thế giới sẽ phải tiếp tục đoàn kết lại vì cuộc sống thực sự thanh bình, hạnh phúc trên trái đất. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng liên tiếp hai lần kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, trong đó có câu nói rất đáng để người đứng đầu các quốc gia suy ngẫm: “Virus SARS-CoV-2 hoành hành đã thể hiện rõ sự điên rồ của chiến tranh. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi kêu gọi ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức ở tất cả mọi nơi trên thế giới". 

Cuộc “chiến đấu” đẩy lùi Covid-19 trên toàn cầu suy cho cùng là cuộc chiến đấu vì văn hóa. Mỗi con người sẽ biết nâng niu hơn không gian sống của mình; mỗi chính thể biết gìn giữ không gian sống của dân tộc mình, từ đó hoạch định các chính sách, quy hoạch... bảo đảm phát triển bền vững vì con người. Hơn thế, vì không gian sống của loài người trên trái đất, trong thời đại hội nhập, không thể hy sinh lợi ích dân tộc này vì dân tộc khác./.

Thanh Thảo
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top