Covid-19 và giá trị cốt lõi: Thương sao cho trọn thì thương

Covid-19 và giá trị cốt lõi: Thương sao cho trọn thì thương

Thứ Ba, 07/09/2021 - 06:00

Tôi sinh ra ở miền ven biển, văn hóa biển trong đó có ẩm thực ngấm vào máu. Biển dập dềnh hồng cầu, dẫu tôi ở Hà Nội đã hơn 40 năm. Những ngày giãn cách chợ búa theo phiếu, ăn uống đạm bạc làm tôi nhớ đến nồi cá mu quê nhà. Xin mách, cá mu là một loài cá thân mềm, kích thước chỉ hơn ngón tay cái người lớn chút ít, nhiều thịt và độ đạm cao. Chiên qua, kho cứng ngon miệng thôi rồi, “chết” cơm. Bạn nào về quê tôi sẽ đãi. Cũng gì gì lắm.

Tôi inbox (nhắn tin) cho cô em dâu có cách gì gửi ra cho một hộp. Em dâu lắc đầu nguầy nguậy. Dịch bệnh đang cao điểm, rất khó để có thể gửi ra Hà Nội, dù thương anh.

Từ câu chuyện con cá mu, nhớ ra, chuyện lưu thông hàng hóa. Thủ tướng Phạm Minh Chính - “Tư lệnh chống dịch” từng “rát cổ” yêu cầu các tỉnh, thành phố bãi bỏ các quy định khác nhau cản trở lưu thông hàng hoá. Dịch bệnh tấn công vào nền kinh tế toàn cầu không riêng quốc gia nào. Lưu thông, kho vận vốn là một phần của Logistics mà tắc là thiệt hại nhãn tiền. Covid-19 là sự kiểm nghiệm nghiệt ngã với tất cả, từ sức khỏe của nền kinh tế, hệ thống y tế, an sinh xã hội... và cả năng lực quản trị, điều hành của mọi chính quyền.

Chúng ta đã có những lúc, những chỗ lúng túng, điều đó khỏi phải bàn cãi. Ngay trên diền đàn Quốc hội, các đại biểu đã đặt câu hỏi cũ về thời cuộc mới là tình trạng “ngăn sông cấm chợ”. Báo chí, mạng xã hội đã từng bàn tán sôi nổi, kể cả “giễu” về khái niệm “hàng thiết yếu”, đa dạng kiểu “giấy đi đường”. Chỉ riêng việc cấp “giấy đi đường” bây giờ đang mỗi nơi một kiểu, phải nghiên cứu tiếp, chứ chẳng phải chuyện bé.

Để thực hiện “mục tiêu kép”, bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp an sinh của xã hội, nhất là đối với những khu công nghiệp, dân cư ở những địa phương giãn cách xã hội, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu bỏ việc kiểm tra với xe QR Code, thông suốt vận chuyển hàng hoá, song nhiều địa phương vẫn tiếp tục quy định các giấy phép con, “làm khó” doanh nghiệp.

Loạn “giấy phép con”, tỷ như yêu cầu thay thế lái xe của địa phương; quy định giá trị hiệu lực của Giấy xét nghiệm SARS-COV-2 là 24 giờ hoặc 48 giờ ngắn hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế là 72 giờ (kể từ khi có kết quả xét nghiệm); giấy xét nghiệm SARS-COV-2 còn giá trị nhưng vẫn yêu cầu lái xe xét nghiệm lại; phải đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa với Sở Công Thương trước khi vào địa phương... “Nóng mặt” tại cuộc họp gần đây, “Tư lệnh ngành” Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã phải “chỉ mặt” 8 địa phương “làm khó”.

Các chuỗi giá trị toàn cầu (viết tắt tiếng Anh là GVC) đã thúc đẩy chuyển đổi kinh tế bằng cách cho phép các nước đang phát triển chuyên môn hóa và thúc đẩy tăng trưởng cũng như tạo việc làm cho dân. Loài người đã mất bao nhiêu thời gian, trí tuệ, công sức để kết nối, tham gia chuỗi Logostics... chứ không hề đơn giản. Covid-19 tạo thách thức chưa từng có với chuỗi giá trị toàn cầu khi gây gián đoạn đối với cả cung và cầu hàng hóa. Đại dịch gây ra gián đoạn trên diện rộng đối với các GVC.

Ở Việt Nam, Covid-19 gây thiệt hại cho tất cả các ngành kinh tế, dù tác động khác nhau. Nhìn lên bầu trời để quan sát cánh bay, hẳn nhận ra. Những cảng hàng không quốc tế thường ngày nhộn nhịp như Tân Sơn Nhất, Hà Nội bỗng nhiên vắng hoe

Tôi nhớ hôm rồi, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) thông tin trên báo dịch Covid-19 đã làm “đảo lộn” cả ngành công nghiệp dệt may. Càng cuối năm 2021 càng khó khăn, bởi TP.HCM và các tỉnh phía Nam là những nơi có trung tâm lớn của VITAS. Thường cuối năm các cơ sở may mặc của VITAS phải hoàn thành hợp đồng đã ký với đối tác. Vã mồ hôi trán chứ chẳng chơi. Ngay thị trường bất động sản, một số phân khúc đã rơi vào tình trạng “đóng băng”, các phân khúc còn duy trì hoạt động cũng buộc phải giảm giá, cắt lỗ.

Đặc biệt, chuỗi giá trị điện tử chịu tác động mạnh do gián đoạn dịch vụ kho vận, ảnh hưởng đến cả việc vận chuyển nguyên vật liệu thô và linh kiện điện tử - và phân phối sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. “Đại dịch này ảnh hưởng đến đầu vào cả về nguyên liệu và linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt từ các nước Châu Á”, bà Hoàng Thu Thủy, Phó Tổng giám đốc Bộ phận mua hàng toàn cầu, Panasonic Việt Nam, từng xác nhận.

Trong “nỗi đau này không của riêng ai” (thơ Konstantin Simonov), các nước nghèo, các nước đang phát triển chịu thiệt thòi nhất. Giống như cơ thể con người, không khỏe thì thay đổi thời tiết đã có thể hắt hơi, sổ mũi, mất ngủ khi chuyển mùa. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, nếu không giúp các nước nghèo chống đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại tới 4.500 tỷ USD.

GVC bị tấn công, thậm chí bị phá vỡ về cấu trúc thì GVC khác sẽ được tái lập. Chắc chắn là như thế. Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, World Bank: “Đại dịch sẽ khuyến khích doanh nghiệp trong nước áp dụng công nghệ mới và nâng cấp mô hình kinh doanh. Ví dụ, việc phong tỏa người lao động có thể khuyến khích doanh nghiệp tự động hóa một số chức năng nhất định, khuyến khích số hóa và sử dụng các nền tảng trực tuyến… và thúc đẩy thương mại điện tử”. Đúng như vậy, Covid-19 tạo ra “làn gió ngược” buộc con người thay đổi, “biến nguy thành cơ” trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Covid-19 đẩy nhanh xu hướng số hóa của doanh nghiệp toàn cầu. Ví dụ, việc người lao động bị phong toả tạo ra động cơ mạnh mẽ cho doanh nghiệp chuyển đổi tự động hóa, khuyến khích số hóa, sử dụng các nền tảng trực tuyến. Cứ nhìn trong nước thì rõ, “giãn cách xã hội” tạo ra “cú hích” bán hàng trực tuyến, thúc đẩy thương mại điện tử. Một số thay đổi đã diễn ra trước đại dịch, nhưng gặp dịch mà doanh nghiệp thích ứng tốt hơn, nhanh hơn với điều kiện bình thường mới.

Tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử Việt Nam khi vừa xuất hiện “làn sóng thứ tư” của Covid-19, chính Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc các ứng dụng số được phát triển nhanh chóng để tham gia cuộc chiến chống lại đại dịch; các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã tích cực sử dụng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Đây là chất xúc tác cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiến tới nền công vụ số, kinh tế số trong “kỷ nguyên số”.

Chúng ta tin GVC mới sẽ hình thành. Covid-19, trước hết thức tỉnh tình yêu thương giữa cá nhân, con người không thể thờ phụng “chủ nghĩa vị kỷ”. Đây sẽ là phép thử nghiệt ngã về sự đoàn kết, cả song phương và đa phương giữa các quốc gia, giữa nội khối và toàn cầu.

Covid-19 có thể tấn công vào “cấu trúc cứng” của GVC, nhưng chắc chắn không làm đứt gãy được “cấu trúc mềm” của nó. Nếu như giữa con người với nhau là tình yêu thương, thì giữa các quốc gia đó là sự thấu hiểu. Tôi cho rằng, thấu hiểu, chia sẻ là “giá trị cốt lõi” mà Covid-19 không thể hủy diệt.

Bất giác, tôi không quên lời bà Phó Tổng thống Kamala Harris trịnh trọng tuyên bố trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua: “Mối quan hệ chúng tôi đang có với Việt Nam là một mối quan hệ thực sự được xây dựng trên nền tảng sự thấu hiểu, mong muốn chung của hai bên nhằm tăng cường an ninh, kinh tế của cả hai nước, cũng như tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức trong tương lai".

Sau đại dịch Covid-19, hẳn có khác biệt giữa các ngành về bản chất của chuỗi giá trị, với xu hướng hướng tới việc xây dựng một chuỗi giá trị đơn giản, linh hoạt, và ngắn hơn. Có thể xuất hiện việc chuyển dịch từ chuỗi giá trị phân tán sang chuỗi giá trị linh hoạt và có khả năng ứng phó tốt hơn. GVC mới sẽ hình thành, thích ứng cao hơn.

Thương sao cho trọn thì thương/Tính sao cho vẹn mọi đường, thì vâng!” (Truyện Kiều, Nguyễn Du). Vâng, con người và thế giới phải tính cho trọn “vẹn mọi đường”, vì sự vĩnh cửu của cuộc sống./.

Nhà thơ Ngô Đức Hành
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top