Aa

Cuộc chiến cân não trên đường dây điện sống của thợ hotline

Thứ Tư, 22/07/2020 - 08:50

Những người thợ trên lưng chừng trời, hàng giờ bên đường dây điện sống và cái nóng 50 độ bủa vây, vũ khí quan trọng nhất là cái đầu lạnh.

9 giờ sáng, khi nắng bắt đầu rát da cũng là lúc Cao Văn Tới (đội sửa chữa điện nóng thuộc EVN Hà Nội) cùng đồng đội đang miệt mài lắp tấm cách điện, xử lý các điểm tiếp xúc để chuẩn bị đấu nối lưới điện trung thế. 

Nhiệt độ ngoài trời tại trạm biến áp năng lượng 10, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đạt ngưỡng 37 độ C. Nét mặt bình tĩnh và thao tác dứt khoát, không ai nghĩ những người thợ này đang sờ, nắn ngay trên những đường dây 22kV mang điện - kỹ thuật đặc thù của đội sửa chữa điện hotline.

Gần một tháng nay, Tới và 12 anh em trong đội sửa chữa điện hotline Hà Nội gần như không có ngày nghỉ. Hà Nội ghi nhận chuỗi ngày nắng nóng kéo dài với nhiệt độ và mức tiêu thụ điện lập đỉnh trong lịch sử. 

Mỗi ngày, đội huy động toàn lực lượng, chia ca, thực hiện từ một đến hai công trình đấu mới đường dây. 2/3 thời gian trong ngày là phơi mình giữa nắng gắt. Cả đội luôn trong tư thế túc trực đường dây nóng, sẵn sàng tỏa ra mọi ngóc ngách thủ đô khi nhận tin báo sự cố sửa chữa hay yêu cầu thao tác từ Trung tâm điều khiển của EVN Hà Nội.

Không phải leo thang như truyền thống, nơi làm việc đặc biệt của thợ sửa điện sống là gầu xe cách điện. Trong không gian vỏn vẹn 2 mét giữa lưng chừng trời, nhiệt độ thực họ hấp thụ phải lên đến 50 độ C.

Tới vẫn còn nhớ cảm giác hồi hộp 5 năm trước, lúc còn là tân binh của đội hotline, khi cảm nhận chuyển động chòng chành của gầu xe lần đầu nâng anh và đồng đội chạm đến đường dây điện "sống". "Cảm giác lạ nhưng không hề sợ hãi", Tới nhớ lại. "Đã được đào tạo kỹ về các quy tắc bảo hộ, mình bình tĩnh vì biết chắc nó an toàn".

Quy tắc an toàn đầu tiên, cũng là điều kiện tiên quyết để công việc của người thợ hotline bắt đầu, là phải trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, gồm áo cao su cách điện 22kV, găng tay, mũ bảo hộ, khăn giữ nhiệt...

Cách ly dòng điện là công đoạn đầu tiên, cũng là điều kiện đảm bảo an toàn cho cả quá trình sửa chữa. Tiếp xúc với đường dây mang điện, mọi thao tác đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung. "Quy tắc vỡ lòng của lính hotline là sự tập trung. Chúng tôi không được phép sai, vì một lỗi sai có thể trả giá bằng tính mạng bản thân và đồng đội", anh Đỗ Quang Tiến, một trong những người thợ đời đầu của đội hotline EVN Hà Nội chia sẻ.

Do đặc tính nguy hiểm của công việc khi tiếp xúc với đường dây đang dẫn điện, đội sửa chữa điện nóng bắt buộc phải có giám sát an toàn. Anh Trần Nghị, chỉ huy trực tiếp đồng thời kiêm nhiệm chỉ huy cả giám sát an toàn nói vui, đứng ở vị trí giám sát cũng nếm cái nóng không khác gì những đồng đội làm việc trên cao.

Nếu như thợ trên không tập trung một thì người chỉ huy, giám sát an toàn dưới đất tập trung 10. Họ hầu như luôn trong tư thế ngửa cao đầu, quan sát nhất cử nhất động các diễn biến trên đường dây, tính toán, ra mệnh lệnh, cảnh báo khi cần thiết. Chính vì lúc nào cũng ngửa cổ lên trên, các giám sát, chỉ huy dễ có nguy cơ cao bị vôi hóa đốt sống cổ.

Khi xe gầu hạ xuống để các lính hotline uống nước nghỉ ngơi, họ thường tranh thủ thảo luận để xử lý các bước tiếp theo, phối hợp sao cho ăn ý. Quy tắc của thợ EVN Hà Nội sửa lưới điện sống là trong vòng 1 tiếng là phải xuống để người khác lên thay ca. Bởi làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, họ rất dễ căng thẳng, nếu mất tập trung, dễ mắc sai lỗi nguy hiểm.

Là một trong những thành viên đầu tiên của đội sửa chữa điện sống, Anh Đỗ Quang Tiến không giấu vẻ tự hào. Thành lập năm 2016, 13 hạt nhân trong đội đều được tuyển chọn từ 30 đơn vị từ các quận, huyện của Hà Nội, là những cá nhân lành nghề, ưu tú. Để đạt đến độ thuần thục và bình tĩnh trước những dàn dây điện sống, họ được đào tạo trên 3 tháng bởi các chuyên gia đầu ngành từ trong và ngoài nước, đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật và sức khỏe thể chất, tinh thần.

Nhưng điều khiến anh Tiến và 12 anh em trong đội tự hào hơn, là họ đã tiên phong áp dụng công nghệ sửa chữa điện sống ưu việt, không làm gián đoạn quá trình sinh hoạt, sản xuất của các hộ dân và các khu công nghiệp.

"Có lần bà con đi gặt về, thấy anh em đang hì hụi sửa chữa thì lo lắng, kêu than vì mùa màng bận rộn, nắng nóng không thể thiếu điện. Sau khi nghe giải thích rằng điện vẫn bình thường dù đang sửa, bà con vui và bất ngờ vì công nghệ mới, khiến mình cũng vui lây", anh Tiến kể lại.

Phương pháp sửa chữa điện nóng cũng giúp tiết kiệm thời gian khi một ca làm việc mất khoảng 3 tiếng, thậm chí ít hơn khi tối giản được các bước kiểm tra, làm thủ tục cắt điện để tiến sửa như truyền thống.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top