Tiêu chí đánh giá một thành phố công nghệ
Với tốc độ đô thị hóa toàn cầu ngày càng tăng, mức độ hiệu quả của hệ thống giao thông trong thành phố đang ngày càng trở nên quan trọng. Ngay cả khi một thành phố có nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, nhưng nếu cơ sở hạ tầng giao thông gây mất nhiều thời gian và chi phí cho nhân viên khi đến nơi làm việc thì điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của các công ty công nghệ và thành công chung của thành phố.
Dự báo của giới chuyên môn cho thấy GDP của những thành phố công nghệ sẽ tăng 36% trong vòng 10 năm tới, so với mức tăng trưởng 19% của những thành phố đã phát triển khác. Tính theo diện tích đô thị, 30 thành phố công nghệ trước đó được đơn vị nghiên cứu Savills xếp hạng tương lai sẽ là nơi cư trú của 291 triệu người và tổng dân số của các thành phố này dự tính sẽ tăng thêm 18 triệu dân trong 10 năm tới.
Việc tăng trưởng dân số gây áp lực lớn hơn bao giờ hết đối với cơ sở hạ tầng hiện tại và có nguy cơ làm giảm mức độ cạnh tranh của thành phố. Các thành phố công nghệ cũng đang tích cực giải quyết vấn đề này, từ giải pháp cung cấp dịch vụ di chuyển đến đầu tư vào dịch vụ giao thông chia sẻ hay xe tự lái. Nhiều thành phố có lợi thế nhờ hình mẫu đô thị phù hợp với phương tiện xe đạp và đi bộ, góp phần làm cho những phương tiện giao thông thân thiện với môi trường trở nên phổ biến hơn.
Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng tạo ra thành phố công nghệ là “mức độ thuận tiện trong di chuyển” thể hiện ở tính sẵn có, mật độ và mức đầu tư vào các dịch vụ giao thông chia sẻ (chương trình chia sẻ ô tô, xe máy và xe đạp); quy mô và mức độ đổi mới trong hệ thống tàu điện thành phố và chất lượng cơ sở hạ tầng đô thị (hình mẫu đô thị, mạng lưới xe đạp, khả năng đi bộ, tắc đường và ô nhiễm không khí).
Điển hình phải kể đến như Trung Quốc hiện đứng đầu bảng xếp hạng về dịch vụ giao thông chia sẻ. Nhiều dịch vụ chia sẻ xe đạp không bến phổ biến trên thế giới hiện nay ví như Mobike có bắt nguồn từ Trung Quốc. Hàng Châu là thành phố có số lượng xe đạp chia sẻ nhiều nhất thế giới. Con số này đã từng lên tới 800.000 chiếc xe, trước khi được giảm bớt để xử lý ùn tắc.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng đô thị là tiêu chí cuối cùng để xem xét và đánh giá chất lượng môi trường đô thị của các thành phố công nghệ. Hiện các thành phố châu Âu đang chiếm lợi thế trong tiêu chí này. Cụ thể, Amsterdam, Copenhagen, Stockholm và Barcelona nằm trong số các thành phố thân thiện với xe đạp nhất trên thế giới. Diện tích nhỏ của những thành phố này rút ngắn khoảng cách di chuyển, giúp người dân dễ dàng di chuyển tới các tiện ích và cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Thành phố công nghệ Việt Nam ở đâu?
Trước hết, Việt Nam không có thành phố nào trong bảng xếp hạng các thành phố công nghệ 2019 của Savills. Hơn nữa, Việt Nam còn cách top 30 thành phố công nghệ trên thế giới khá xa.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội nhận định: “Hiện Việt Nam còn đang thiếu 2 trong số 3 tiêu chí đánh giá mức độ thuận tiện trong di chuyển: dịch vụ giao thông chia sẻ và hệ thống tàu điện. Trong khi đó, xét trên tiêu chí cuối cùng – cơ sở hạ tầng đô thị, Hà Nội và TP.HCM còn nhiều điểm có thể cải thiện. Chỉ riêng trong năm 2017, hai thành phố của nước ta dành chưa đến 9% diện tích đô thị cho đất giao thông, thấp hơn các thành phố như Thượng Hải, Seoul, Singapore và Tokyo - nơi tỷ lệ này chiếm trên 12%. Mặt khác, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM vẫn còn là một vấn đề đáng lo ngại”.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội nhận định: “Tại Việt Nam, do mức độ thuận tiện trong di chuyển tại các thành phố còn hạn chế nên các khách thuê doanh nghiệp đang giải quyết bằng cách tìm đến các khu vực có kết nối tốt nhất. Khu vực trung tâm thành phố Hà Nội đã từng là ưu tiên hàng đầu của khách thuê. Tuy vậy, do lưu lượng giao thông lớn, thời gian di chuyển từ trung tâm ra khu vực phía Tây đã tăng lên đến khoảng một tiếng đồng hồ. Tình trạng này, kết hợp với giá thuê tăng và nguồn cung mặt bằng văn phòng cao cấp hạn chế ở khu vực trung tâm, đã dần hướng khách thuê ra các khu vực ngoài trung tâm. Dự án hệ thống metro của Hà Nội hiện đang ưu tiên các bến tại khu vực cận trung tâm và phía Tây, nhờ đó tạo lợi thế kết nối cho các tòa nhà văn phòng ở khu vực này.
Thêm một lý do để khách thuê rời văn phòng ra khỏi khu vực trung tâm là bởi khu vực cận trung tâm là nơi có số lượng lớn nhất nhân viên cư trú (763.000 người), theo sau là khu vực phía Tây với 420.000 nhân viên. Xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm được phản ánh qua mức tăng trưởng ấn tượng trong công suất cho thuê của khu vực cận trung tâm, từ 40% năm 2015 lên trên 80% năm 2018 và mức công suất cho thuê ổn định trên 93% của khu vực phía Tây”.
Nhận định về tương lai của thành phố công nghệ Việt Nam, bà Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng chênh lệch giữa các thành phố của nước ta và các thành phố trong top 30 thành phố công nghệ cho thấy chúng ta còn nhiều cơ hội để học hỏi. “Cũng như cách các thành phố công nghệ có thể học hỏi lẫn nhau, Hà Nội và TP.HCM có thể học hỏi các thành phố này để cải thiện mức độ thuận tiện trong di chuyển, cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, tăng tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng và giảm ô nhiễm không khí. Nếu làm được điều này, kết hợp với những lợi thế sẵn có của Việt Nam như nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, chi phí bất động sản tương đối thấp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn, thì mức độ cạnh tranh của các thành phố Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ sẽ sớm tăng lên”.