Aa

Cuộc tranh cãi dài hai thập kỷ và lý do tồn tại của cáp treo trên đỉnh Thái Sơn

Thứ Năm, 07/09/2017 - 06:00

Sau khi núi Thái Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và tự nhiên thế giới, Trung Quốc đã dấy lên cuộc tranh luận yêu cầu phá bỏ hệ thống cáp treo lên ngọn núi này vì cho rằng nó làm ảnh hưởng đến thảm thực vật và xâm phạm đến biểu tượng tinh thần bất diệt của người Trung Quốc, tuy nhiên sau 20 năm, thay vì phá bỏ, hệ thống cáp treo lên đỉnh núi này lại được mở rộng thêm.

Núi Thái Sơn nằm ở trung tâm của quận Shangdong, Trung Quốc. Đỉnh cao nhất của nó lên tới 1.545m trên mực nước biển. Năm 1987, ngọn núi này được UNESCO công nhận là một trong các di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới.

Trước đó, năm 1983, hệ thống cáp treo Zhongtianmen được xây dựng ở núi Thái Sơn là cáp treo chở khách khoang lớn đầu tiên ở Trung Quốc và mang lại lợi nhuận kinh tế khổng lồ cho ngành du lịch của địa phương. Tuy nhiên, Hội đồng Quận lại cho rằng hệ thống cáp treo gốc trên núi có thể gây ảnh hưởng đến ngọn núi vào cuối những năm 1990.

Trước cảnh báo này, chính quyền địa phương và Ủy ban Hành chính Danh thắng vẫn tuyên bố sẽ mở rộng hệ thống cáp treo hơn nữa cho mục đích phòng cháy chữa cháy, tiêu diệt côn trùng và trợ giúp khẩn cấp. Khả năng vận chuyển tăng lên gấp 4 lần so với hiện trạng gốc. Do đó, khoảng 15 nghìn m2 đất đá của ngọn núi đã được cho nổ tung để phục vụ cho việc thi công.

Dự án mở rộng cáp treo đã dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt về việc liệu rằng cáp treo có nên được xây dựng trên vùng di sản hay không?

Cáp treo phá hủy di sản?

14 học giả nổi tiếng đã đưa ra các luận điểm của mình để phản bác lại việc xây dựng mở rộng hệ thống cáp treo từ ga Shongtianmen đến đỉnh của Taishan. Trong đó, bao gồm Hou Renzhi, một học giả đến từ Học viện Khoa học Trung Quốc; Wu Liangyong và Meng Zhaozhen, các học giả đến từ Học viện Xây dựng Trung Quốc; Xie Ninggao, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Di sản thế giới của Đại học Peking và Luo Zhenwen, một chuyên gia kiến trúc khảo cổ đến từ Ủy ban Di sản văn hóa.

Họ cho rằng việc làm đó là trái với quy định hiện hành và đề xuất phá bỏ hệ thống cáp treo đang tồn tại càng sớm càng tốt để trả lại thảm thực vật và cảnh quan di sản cho vùng đỉnh núi.

Hệ thống cáp treo núi Thái Sơn

Hệ thống cáp treo núi Thái Sơn

Tất cả đều đồng ý rằng núi Thái Sơn là biểu tượng truyền thống của tinh thần Trung Quốc, là một báu vật của loài người. Đồng thời, họ nhận định dự án mở rộng cáp treo sẽ phá hủy hình ảnh hùng vĩ của ngọn núi và là sự xâm phạm lớn đối với di sản thế giới.

Li Chenghe, một nhân viên văn phòng làm việc với tập đoàn Cáp treo du lịch, trực tiếp quản lý dự án mở rộng cho biết các chuyên gia đã phản đối dự án xây dựng cáp treo trong suốt 20 năm. Tuy nhiên, những báo cáo của họ đều không ảnh hưởng đến việc thi công và hệ thống cáp treo gốc vẫn mở cửa.

 “Cáp treo tồn tại là có lý do”

Tuy nhiên, cũng có nhiều luận điểm chỉ ra rằng, việc xây dựng những cáp treo ở vùng danh thắng là điều nên làm và hoàn toàn hợp lý. Theo bài luận của Jiang Ning đến từ Tập đoàn Cáp treo du lịch Thái Sơn, cáp treo du lịch xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1979. Kể từ đó, loại hình phương tiện này đã phát triển nhanh chóng. Hiện nay, có khoảng gần 300 cáp treo vận hành tại Trung Quốc.

Đặc biệt, phần lớn các khu danh thắng đều có cáp treo và nó hoạt động rất hiệu quả như một loại hình giao thông hiện đại tại các danh thắng và giúp phát triển du lịch.

Cáp treo có những đặc điểm phù hợp để phát triển tại các khu danh thắng. Thứ nhất, chúng có khả năng thích nghi cao với các loại địa hình tự nhiên; thứ hai, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển của du khách; thứ ba, ít gây ảnh hưởng tới điều kiện thời tiết; thứ tư, được xây dựng tùy biến theo địa hình thực tế và không cần sử dụng tới hệ thống cầu cống; thứ năm, việc xây dựng cáp treo yêu cầu ít sự đào lấp, ít gây ảnh hưởng đến địa hình và cuối cùng, cáp treo chạy bằng điện nên không gây ô nhiễm.

Do đó, có thể kết luận rằng, cáp treo mang lại nhiều lợi ích hơn là xây dựng đường xá hay các bậc thang và gây ít ảnh hưởng hơn đến với môi trường. Cáp treo tại khu danh thắng cũng không phá hủy hệ thực vật, cấu trúc đất và ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái của địa phương.

Nhiều du khách không thể vượt qua hơn 6 nghìn bậc thang để đến với đỉnh của núi Thái Sơn

Nhiều du khách không thể vượt qua hơn 6 nghìn bậc thang để đến với đỉnh của núi Thái Sơn

Núi Thái Sơn không chỉ là một ngọn núi bình thường mà nó nắm giữ những giá trị văn hóa lâu đời và đã được sử dụng từ rất xa xưa. Do đó, 6.676 bậc thang dẫn từ chân núi lên đỉnh, thứ mà đã được xây dụng bởi sức mạnh của con người trong quá khứ đã không thực sự còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Hiện nay, những con đường và cáp treo được mở cửa rất rộng rãi. Quá trình phát triển của cộng đồng người cũng được nhìn nhận rõ thông qua sự phát triển các loại hình giao thông ở núi Thái Sơn.

Cũng phải nhấn mạnh rằng cáp treo giúp rút ngắn thời gian để du khách có thể lên tới đỉnh núi Thái Sơn và cho họ nhiều thời gian hơn để ngắm nhìn quang cảnh từ đỉnh núi.

Mặc khác, nó cũng an toàn hơn và thuận tiện hơn cho con người, nhất là đối với những người không có đủ thể lực để bước hơn 6 nghìn bậc thang. Từ đó, khiến cho lượng khách du lịch đến đây tăng lên đáng kể vì tất cả mọi người đều có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp của cảnh vật khi nhìn từ trên đỉnh núi. Và như vậy, thu nhập nhờ du lịch của địa phương và người dân cũng được tăng lên đáng kể.

Tháng 12/2000, Quy định về Bảo vệ và Quản lý Danh thắng núi Thái Sơn chính thức được đưa ra. Quy định này ngăn cấm việc quảng cáo tại khu danh thắng và muốn mở rộng các dự án mới tại đây,  phải được sự tán thành của chính quyền địa phương.

Những dự án xây dựng trái phép sẽ bị phá bỏ hoàn toàn và chủ đầu tư phải chịu phạt từ 5 đến 10 nghìn Nhân dân tệ. Từ đó, Trung Quốc bắt đầu bảo vệ núi Thái Sơn thông qua các quy định. Dù vậy, hệ thống cáp treo ở núi Thái Sơn vẫn được duy trì vì người ta đều thấy được lợi ích mà nó mang lại nhiều hơn là ảnh hưởng tiêu cực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top