Cụ thể, các quyết định về quy hoạch ga đường sắt tại Q. Liên Chiểu bị bãi bỏ bao gồm: Quyết định số 5071 (ngày 1/7/2004) phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch nhà ga đường sắt mới; Quyết định số 2739 (ngày 23/4/2013) phê duyệt điều chỉnh sơ đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất dự án ga đường sắt mới; Quyết định số 4472 (ngày 7/7/2014) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/2.000 ga đường sắt mới và hệ thống giao thông phục vụ ga.
Được biết, từ năm 2004, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng được phê duyệt, gồm 2 tiểu dự án với tổng kinh phí hơn 12.000 tỷ đồng. Trong đó, tiểu dự án 1 có kinh phí khoảng 10.236 tỷ đồng, bao gồm di dời nhà ga, tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam ra khỏi trung tâm TP. Đà Nẵng và dịch về phía Tây, gồm các hạng mục như xây dựng tuyến đường sắt mới khổ 1.000mm dài khoảng 29km; xây dựng các công trình vượt sông, đường bộ, đường sắt; xây dựng 1 nhà ga hành khách chính và các ga hàng hóa.
Tuy nhiên, từ khi được phê duyệt đến nay, dự án ga đường sắt mới không được triển khai do nhiều nguyên nhân. Người dân sống trong vùng quy hoạch của dự án tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu) gặp khó khăn trong vấn đề nhà ở khi không thể nâng cấp, sửa chữa làm cho chất lượng hạ tầng và mỹ quan bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống.
Theo ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, vị trí đã quy hoạch ga đường sắt tại Q. Liên Chiểu được định hướng sẽ trở thành trung tâm thương mại dịch vụ lớn (khu CBD - trung tâm kinh doanh) của quận gắn liền tuyến giao thông huyết mạch nối dài đường Vành đai phía Tây 2. Hiện nay một số nhà đầu tư quan tâm đến tái thiết khu vực này.
Ga đường sắt đang hoạt động hiện nay tại TP. Đà Nẵng đã hoạt động từ năm 1902 (Q. Thanh Khê). Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa suốt hơn 100 năm qua, ga đường sắt đã dần nằm trong trung tâm thành phố, tuyến đường sắt cũng cắt ngang nhiều trục đường đô thị với ước tính hơn 25 điểm giao đường bộ. Trong giờ cao điểm, những điểm cắt này là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc cục bộ tại một số tuyến đường. Theo UBND TP. Đà Nẵng, sau khi ga Đà Nẵng được di dời thì khu vực nhà ga cũ và hành lang đường sắt cũ sẽ được tận dụng, tái phát triển thành các trục giao thông chính.
Về vị trí xây dựng ga đường sắt mới, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021) được Thủ tướng phê duyệt thì ga đường sắt mới sẽ được xây dựng tại góc ngã tư giao đường Hoàng Văn Thái và đường tránh Nam hầm Hải Vân, cách trục đường Bà Nà - Suối Mơ khoảng 2km về phía Bắc (thuộc huyện Hòa Vang). Quy mô dự kiến của nhà ga khoảng 30ha, kho chứa khoảng 60ha.