Trao đổi với phóng viên Reatimes, ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Đà Nẵng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo số 1052/BC-BGTVT (ngày 3/2/2021) gửi Thủ tướng Chính phủ bổ sung kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Báo cáo khẳng định đề xuất của TP. Đà Nẵng về hình thức đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách Nhà nước cho phần cơ sở hạ tầng dùng chung là phù hợp về đối tượng đầu tư công quy định tại Điều 5, Luật Đầu tư công.
Tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư
Trước đó, ngày 21/12/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản 10688/VPCP-CN truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính có ý kiến khẳng định về khả năng bố trí vốn đối với nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của Luật Đầu tư công. Trên cơ sở đó, có kết luận đủ điều kiện hay không để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2020, đồng thời gửi Bộ Giao thông Vận tải để tổng hợp”.
Tại văn bản số 8832/BKHĐT-KTĐPLT (ngày 30/12/2020) gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho hay, Bộ đã có ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 2.994,59 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025 là 431,71 tỷ đồng.
Tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao 927 tỷ đồng cho TP. Đà Nẵng để phân bổ vốn cho các dự án trọng điểm, kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chung thuộc Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu sẽ là cơ sở quan trọng, tạo tiền đề, có tác dụng lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư các bến cảng thuộc Khu bến Liên Chiểu.
Phần cơ sở hạ tầng dùng chung bao gồm các hạng mục chính: Tuyến kè chắn sóng (dài 820m) và đê chắn sóng (dài 350m) đảm bảo thời gian khai thác cảng trên 300 ngày/năm; luồng tàu 1 làn, dài 7,25km (điểm bắt đầu từ luồng dùng chung với cảng Tiên Sa và điểm cuối là khu quay trở của khu bến), rộng 160m; cao độ đáy nạo vét -14,0m; khu quay trở đường kính D=450m cùng hệ thống báo hiệu hàng hải là các phao báo hiệu được bố trí theo quy định (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu hàng hải QCVN 20:2015/BGTVT); Đường bộ kết nối từ đường nội bộ của cảng qua cầu Liên Chiểu về đường Nguyễn Văn Cừ - Tạ Quang Bửu thuộc quận Liên Chiểu đi Quốc lộ 1 mới (đường Nam hầm Hải Vân); xử lý nền đất yếu và hạ tầng kỹ thuật khác.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật khẳng định: “Các hạng mục nêu trên là các công trình dùng chung, không trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của dự án. Do vậy không đánh giá hiệu quả tài chính đối với phần này.
Tuy nhiên, việc đầu tư hạng mục công trình thuộc kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng là cơ sở quan trọng tạo tiền đề, có tác dụng lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư các bến cảng thuộc Khu bến Liên Chiểu, làm cơ sở phục vụ nhu cầu phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ logistics, tạo công ăn việc làm cho nhân dân, là động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng và liên vùng”.
Bến cảng Liên Chiểu thúc đẩy phát triển kinh tế vùng
Theo số liệu báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa thông qua khu Bến cảng Tiên Sa trong năm 2019 đạt khoảng 8,2 triệu tấn, tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2016 - 2019 đạt khoảng 13%. Ước tính đến hết năm 2021, lượng hàng qua khu bến cảng Tiên Sa đạt khoảng 10,5 triệu tấn, vượt công suất tối đa.
Để đáp ứng nhu cầu giảm tải cho bến cảng Tiên Sa, việc đầu tư xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các bến cảng tại Khu bến cảng Liên Chiểu là thực sự cần thiết. Theo quy hoạch, sản lượng hàng hóa đến năm 2030 tại Khu bến cảng Liên Chiểu sẽ đạt khoảng 7,5 - 10 triệu tấn, nhờ đó sẽ chia sẻ được lượng hàng hóa qua Khu bến cảng Tiên Sa.
Ngoài việc chia sẻ khối lượng hàng hóa thông quan đối với Khu bến cảng Tiên Sa, Khu bến cảng Liên Chiểu khi hình thành sẽ góp phần nâng cao an toàn giao thông khu vực nội thành Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của của địa phương nói riêng và của cả khu vực nói chung.
Với việc có các yếu tố thuận lợi như mớn nước sâu, kho bãi rộng, gần tuyến đường hàng hải quốc tế, khai thác thị trường hàng hóa từ Hành lang kinh tế Đông - Tây và khu vực Trung Trung bộ, dự kiến, cảng Liên Chiểu là cảng trung chuyển khu vực Đông Nam Á trong tương lai.
Phần cơ sở hạ tầng dùng chung thuộc dự án Bến cảng Liên Chiểu được đầu tư sẽ là một tín hiệu tốt, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản Tây Bắc Đà Nẵng phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Bao quanh cảng Liên Chiểu đã và đang hình thành các dự án bất động sản lớn như Khu đô thị sinh thái Nam Ô, Dự án khu đô thị Thủy Tú - Gami EcoCharm, Khu đô thị Golden Hills City... Khi phần cơ sở hạ tầng dùng chung hoàn thiện kết hợp với các dự án đã hình thành sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của khu vực Tây Bắc, biến khu vực này thành “vùng đất vàng” của Đà Nẵng.