Hiện nay, Đà Nẵng đang phát triển với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là trung tâm về công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin… Nhiều doanh nghiệp đã và đang rót hàng trăm triệu USD đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao tại đây.
Phê duyệt thực hiện 2 dự án lớn về công nghệ cao
UBND TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo 350/BC-UBND gửi Hội đồng nhân dân thành phố về hai dự án lớn của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đầu tư tại Đà Nẵng.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), tập đoàn này đã nhận chuyển nhượng đất Lô A1.1 với diện tích 10.765m2 tại Khu công viên Bắc Đài tưởng niệm (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) và được điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 27/2/2017.
Tại đây, nhà đầu tư đã đề nghị cho phép thực hiện dự án Trung tâm phần mềm, văn phòng công nghệ cao kết hợp với trung tâm thương mại, dịch vụ công nghệ cao (diện tích 8.000m2) và nhà ở chia lô hoặc chung cư (đối với đất ở đô thị là 2.865m2). Theo đề xuất, dự án được xây dựng với chiều cao 30 tầng với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Về tình hình triển khai dự án, theo thông tin từ UBND TP. Đà Nẵng, ngày 15/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 359/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến ngày 14/4/2021, Tập đoàn Viettel có Công văn 1526/CNVTQĐ-VAM gửi UBND TP. Đà Nẵng đề nghị hướng dẫn đăng ký biến động và chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Lô A1.1 nói trên.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đang rà soát, tổng hợp báo cáo liên quan đến việc đưa đất vào sử dụng, gia hạn tiến độ sử dụng đất theo kiến nghị của Tập đoàn Viettel.
Đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), tập đoàn này đang triển khai dự án Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay. Theo UBND TP. Đà Nẵng, dự án nằm tại địa chỉ 75 Nguyễn Sinh Sắc (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) với diện tích sử dụng đất 35.190m2 và tổng vốn đầu tư từ 700 - 1.000 tỷ đồng. Theo đó, nội dung của dự án là xây dựng Khu công viên phần mềm và các tiện ích đi kèm phục vụ phát triển hoạt động công nghệ thông tin.
Được biết, khu đất triển khai dự án này đang là Trường Cao đẳng Bưu chính Viễn thông, thuộc trường hợp đất công được giao đất mà không thu tiền sử dụng đất. Vì vậy, việc triển khai dự án phải xin ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ Tài chính để sắp xếp lại và xử lý tài sản công.
UBND TP. Đà Nẵng đề nghị VNPT Đà Nẵng, Viettel Đà Nẵng báo cáo và cam kết tiến độ triển khai thực hiện 2 dự án Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay (VNPT) và Trung tâm phần mềm và công nghệ cao (Viettel) với UBND TP. Đà Nẵng; khẩn trương hoàn thành thủ tục trình cơ quan thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cũng giao các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện cho nhà đầu tư về thủ tục để hoàn thành đầu tư và đưa dự án vào hoạt động.
Đầu tư trung tâm dữ liệu tại Đà Nẵng
Mới đây, Tập đoàn Infra Crowd Capital - Singapore đã cam kết đầu tư khu Data Center theo tiêu chuẩn Tier 3 Plus tại Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng, dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 100 triệu USD.
Được biết, Data Center hay còn gọi là trung tâm dữ liệu, đây là hệ thống tập trung toàn bộ hoạt động công nghệ thông tin và tất cả các thiết bị của một doanh nghiệp. Nói cách khác, Data Center cũng có thể là trung tâm quản lý, lưu trữ và phân phối dữ liệu của tổ chức. Data Center có mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với hoạt động thường nhật của hệ thống mạng. Vì vậy, vấn đề an toàn của trung tâm dữ liệu luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.
Đối với dự án Không gian sáng tạo phường Hòa Xuân, UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng để xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung nhằm tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy hoạch chi tiết được duyệt, sau khi bổ sung quỹ đất nhà ở xã hội.
Hiện nay, Sở Xây dựng đang làm việc với Bộ Xây dựng để có ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án.
Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư dự án Không gian sáng tạo tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ do Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC đầu tư. Theo đó, dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, diện tích quy hoạch điều chỉnh là 172.980m2 nhằm đầu tư phát triển trung tâm công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ số ở khu vực và toàn quốc, góp phần thu hút nguồn lực công nghệ thông tin trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng.
Song song với đó, Công ty Fujikin Đà Nẵng cũng đã tổ chức lễ khởi công dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin. Đây là dự án thứ 7 đến từ Nhật Bản được đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư là 35 triệu USD.
Được biết, dự án sẽ hoạt động với các mục tiêu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật gồm: Các thế hệ robot, thiết bị bay không người lái, thiết bị năng lượng Hydro, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống lọc nước, hệ thống tải điện không dây và phát triển vật liệu mới.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đang triển khai xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung (Danang IT Park) với quy mô 341ha. Theo thông tin từ Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng, tính đến tháng 10/2021, Đà Nẵng có hơn 900 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 3,8 tỷ USD. Trong đó, có 140 dự án về công nghệ thông tin, vốn đầu tư gần 50 triệu USD với Top 5 nhà đầu tư lớn nhất là: Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, British Virgin Islands và Hàn Quốc.
Có thể thấy, lĩnh vực công nghệ thông tin được xem là lĩnh vực trọng điểm để Đà Nẵng tập trung kêu gọi đầu tư. Hiện nay, tại Đà Nẵng có khoảng 2.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin với 40.000 lao động, số lượng doanh nghiệp tăng trung bình 35%/năm. Doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin giai đoạn 2015 - 2020 tăng trưởng bình quân 20%/năm. TP. Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong ba thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, an toàn thông tin và thương mại điện tử.
Trong quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm khu vực Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin.
Vì vậy, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710ha, gồm: Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao mở rộng, Khu công nghệ thông tin tập trung, hình thành Cụm đổi mới sáng tạo tại phía Nam thành phố gắn liền với Khu đô thị đại học Đà Nẵng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và công viên phần mềm…/.
Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông
Sáng 30/11, UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức “Diễn đàn Xúc tiến đầu tư ICT Hàn Quốc vào Đà Nẵng” dưới hình thức trực tuyến.
Ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, TP. Đà Nẵng được ví như Thung lũng Silicon của Đông Nam Á, chính quyền Đà Nẵng đang cùng với các cơ quan Trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiên thu hút các dự án FDI về công nghệ thông tin, công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” và là điểm đến của các tập đoàn công nghệ số toàn cầu.
Theo Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng Ahn Min Sik, TP. Đà Nẵng đã thể hiện sự nổi bật trong các lĩnh vực dịch vụ thông minh công cộng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đổi mới khởi nghiệp... và xem ICT là lĩnh vực phát triển trọng tâm để tích cực thu hút đầu tư.
Nhờ vậy, năm 2020, LG - doanh nghiệp tiêu biểu của Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển VS tại TP. Đà Nẵng, đồng thời được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động nghiên cứu phát triển tại thành phố trong thời gian tới.