Ngày 27/5, thảo luận về chương trình giám sát của Quốc năm 2024, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) tán thành đưa chuyên đề về chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan vào chương trình giám sát.
Vị đại biểu đề nghị chương trình giám sát cần tập hơn về việc phát triển, quản lý nhà ở xã hội. Theo đại biểu Hoàn, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội đã dần hoàn thiện. Chính sách phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, chỗ ở cho đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và nhu cầu đề ra. "Còn tình trạng nhà ở xã hội có địa điểm lượng người tham gia mua thấp, trong khi đó có nơi lượng người tham gia mua lại quá đông. Cách xác định đối tượng người mua nhà ở xã hội còn gây nhiều dư luận khác nhau", đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu quan điểm.
Từ bất cập đó, đại biểu Hoàn cho rằng để phát triển nhà ở xã hội đạt yêu cầu, cần định hình rõ hệ thống chính sách hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi từ chính sách nhà ở xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị phạm vi giám sát cần phải toàn diện, đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở, từ năm 2006, khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực.
Vị đại biểu đoàn Thanh Hóa đề nghị nội dung giám sát cần làm rõ ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội, tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội, nhà ở xã hội được trợ cấp và hỗ trợ thế nào. Bên cạnh đó, cần làm rõ thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao?
Đại biểu Hoàn cũng đề nghị khi tiến hành giám sát về phát triển nhà ở xã hội cần có đánh giá toàn diện về cơ sở vật chất khu vực nhà ở xã hội; điều kiện về hạ tầng như chợ, trường học, sân chơi thể thao, địa điểm văn hoá; khả năng kết nối giữa các khu vực nhà ở xã hội với các khu vực khác.
Nhấn mạnh chuyên đề giám sát về quản ký thị tường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội là rất quan trọng, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang vướng mắc nhiều cơ chế, chính sách cần phải được tháo gỡ, nhất là những vướng mắc về thể chế. Vì vậy, việc Quốc hội giám sát để tháo gỡ những nội dung trên cho lĩnh vực bất động sản và nhà ở xã hội là rất cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nhắc đến sự trầm lắng của thị trường bất động để thể hiện sự cần thiết phải thực hiện giám sát tối cao. Sự trầm lắng đó, theo đại biểu Huân đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. Ví bất động là mạch máu chính của nền kinh tế, ông Huân lo ngại khi mạch máu đó đang bị "nghẽn".
Từ công tác giám sát, vị đại biểu kỳ vọng sẽ có các biện pháp khơi thông cho thị trường. Đại biểu Huân lưu ý việc khơi thông cho thị trường quan trọng này cần làm gấp, làm nhanh, để tránh hệ luỵ.
Trước đó, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình Quốc hội 4 chuyên đề đề xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao UBTVQH giam sát, gồm:
Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan./.