Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Thứ Năm, 29/04/2021 - 06:15

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 1.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 2.

Tôi cứ suy nghĩ mãi khi đọc bức thư từ nhiệm thành viên HĐQT Coteccons của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam. Ở tuổi 76, phải nói ra những lời gan ruột không đành, chắc hẳn trong lòng quặn thắt. Có lẽ, thật khó để bàn về chuyện nội bộ nhà Coteccons, nhưng tôi cảm nhận được một điều ông Hiệp nói đã trở thành sự thật: Rủi ro “thay máu” nhân sự tại Coteccons. 

Những người “vào sinh, ra tử” với Coteccons, kề vai sát cánh bên ông Nguyễn Bá Dương, họ đi đâu sau khi người sáng lập và dày công xây dựng doanh nghiệp suốt 17 năm từ số 0 thành huyền thoại ngành xây dựng Việt Nam, ra đi? Đa phần họ nghỉ việc hoặc trở về bên ông Nguyễn Bá Dương. Điều gì khiến họ như vậy?

Để lý giải điều đó, có lẽ, phải bắt đầu từ những ngày ông Nguyễn Bá Dương mới khởi nghiệp.

Sinh năm 1959, ông Nguyễn Bá Dương từng theo học trường Đại học Xây dựng Kiev – Ukraine. Trở về nước với tấm bằng Kiến trúc sư xây dựng, ông được nhận vào làm việc tại Bộ Công nghiệp. Gắn bó với Bộ Công nghiệp đến năm 2002, ông Dương quyết định rẽ sang một hướng đi mới khiến nhiều người phải đặt câu hỏi. Bởi sau 8 năm đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Công nghiệp nhẹ số 2 (Descon), không ai hiểu vì sao ông lại bắt đầu lại từ đầu, trong khi Descon vốn đã có sẵn một phần vị thế trên thị trường xây dựng.

Rời Descon, ông Nguyễn Bá Dương chuyển sang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bộ phận Khối Xây lắp thuộc Công ty Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng Cotec, một công ty thuộc Bộ Xây dựng và cũng chính là tiền thân của Coteccons ngày nay. Chỉ 2 năm sau, năm 2004, Cotec chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần hóa và cũng là lúc ông Nguyễn Bá Dương ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT, bắt đầu một “triều đại” mới, gây dựng nên Coteccons.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 3.

Ông Dương từng cho biết, khi bắt đầu, bản thân ông đã hạ quyết tâm sẽ chỉ mất 2 năm để Coteccons vươn lên hàng đầu thị trường xây lắp Sài Gòn. Người sáng lập Coteccons khẳng định: "Các công ty tư vấn nước ngoài nhìn mặt, tin tôi và giao việc. Các nhà cung cấp tin tôi, có thể cho nợ tiền".

Đúng như dự liệu, đến năm 2004, Coteccons đã trở thành cái tên không thể không nhắc đến trên thị trường xây dựng khi doanh nghiệp của ông được Bitexco giao làm dự án The Manor trên vùng đầm lầy ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM).

Trong dòng hồi tưởng này, tôi nhớ đến câu chuyện, khi ông Nguyễn Bá Dương chuyển từ Descon sang Coteccons thì hai phần ba số người ở Descon đều đi theo ông. Có lẽ vì vậy mà Conteccons đã làm nên được điều thần kỳ chăng?

Quả thực, không dễ gì để Coteccons được giao làm một công trình cao 33 tầng dù chưa từng có kinh nghiệm xây một dự án cao tầng nào, lại còn trên một vùng sình lầy không ai dám làm. Đó cũng là những tiền đề đầu tiên để Coteccons tiến ra miền Trung với hàng loạt dự án khách sạn, resort 5 – 6 sao và dần dần mở rộng địa bàn hoạt động trên phạm vi cả nước.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 4.
The Manor Nguyễn Hữu Cảnh
Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 5.
The Nam Hai Resort
Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 6.
Đại học RMIT TP.HCM

Một số công trình đầu tiên ông Nguyễn Bá Dương thực hiện khi mới thành lập Coteccons

Sau đó, có những hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ (mà theo ông Dương là tương đương với cả ngàn tỷ ở thời điểm hiện tại), thậm chí còn được chủ đầu tư sẵn sàng ứng 15% vốn, ngân hàng còn tìm đến công ty và đề xuất cho vay 10 tỷ đồng không cần thế chấp. Thế nhưng, Coteccons cũng không cần dùng đến số tiền vay mà chỉ dùng để bảo lãnh. Có lẽ vì ngay từ những buổi đầu như thế nên cho đến tận ngày nay, ông Nguyễn Bá Dương vẫn nổi tiếng là "đại gia ngành xây dựng không nợ ngân hàng". 

Chữ “Tín” của Nguyễn Bá Dương không phải do ông vỗ ngực mà có. Một giai thoại được truyền tai nhau về việc ông Dương được các chủ đầu tư đối tác tin tưởng đến mức nào. Nhiều người khẳng định chọn Coteccons là bởi chọn Nguyễn Bá Dương, nếu ông Dương không làm thì sẽ chọn nhà thầu khác. Người ta yên tâm bởi ông là người kinh nghiệm, thẳng thắn và đầy nhiệt huyết, lại không kém phần tỉ mỉ và cẩn trọng. Kể cả sau này, khi đã đứng đầu một “đế chế” ngàn tỷ, với hàng ngàn nhân viên, việc ông vẫn hôm sớm ở công trường cũng không phải điều gì lạ lẫm.

Sẽ không quá khi nói rằng, ông Nguyễn Bá Dương đã xây dựng nên một doanh nghiệp nghìn tỷ bắt đầu từ uy tín của cá nhân ông. Sau cổ phần hóa năm 2004, Coteccons có số vốn điều lệ chỉ 15,2 tỷ đồng. Năm 2010, khi công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, con số này đã là 184,5 tỷ đồng. Đến nay, vốn điều lệ của Coteccons đã đạt 793,5 tỷ đồng, tức tăng hơn 50 lần so với những ngày đầu tiên.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 7.

Trải qua gần 2 thập kỷ phát triển, phá vỡ những rào cản và lần lượt vượt qua các kỷ lục, dấu mốc của chính mình, Coteccons dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Bá Dương đã hiện thực hóa giấc mơ của ngành xây dựng Việt Nam với những công trình chọc trời và những dự án có kỹ thuật khó đẳng cấp thế giới, trở thành một tổng thầu dẫn đầu trong lĩnh vực thi công, xây lắp trên cả nước.

Một dấu mốc mang tính lịch sử với ngành xây dựng Việt Nam mà Coteccons dưới triều đại Nguyễn Bá Dương đã tạo lập được, chính là công trình tòa nhà siêu cao tầng THE LANDMARK 81.

Với công trình này, Coteccons đã khẳng định vị thế và năng lực của ngành xây dựng Việt Nam khi vượt qua hàng loạt nhà thầu nước ngoài nổi tiếng, để giành được quyền thi công công trình chọc trời có kỹ thuật khó tầm cỡ thế giới.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 8.

The Landmark 81 kỳ vĩ như thế nào? Cao 461m, sau khi hoàn thành, The Landmark 81 được ghi danh vào vị trí thứ 8 trong các tòa nhà cao nhất thế giới.

Trước một công trình mà từ “khổng lồ” cũng không thể diễn tả hết, Coteccons gặp phải muôn vàn thách thức. Thậm chí, ở thời điểm The Landmark 81 được khởi công, tại Việt Nam còn chưa có tiêu chuẩn xây dựng cho những tòa nhà cao tầng, đặc biệt là các giải pháp cụ thể cho những vấn đề như tải trọng gió, động đất, bức xạ nhiệt, hệ thống thang máy, nguồn cung điện và nước…

Đứng trước những khó khăn này, ông Nguyễn Bá Dương từng chia sẻ, Coteccons rất tự tin vào sự thành công của dự án bởi đã chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng về nguồn lực, thiết bị và tài chính.

Nhiều công nghệ sử dụng trong dự án The Landmark 81 đều là lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam. Hàng loạt kỹ sư của Coteccons được cử đi “du học” ngắn hạn tại các nước Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… với trọng trách “phải nắm rõ để về truyền tải những kỹ thuật tới công nhân”.

Vượt qua hết những khó khăn của rất nhiều “lần đầu tiên”, giây phút toà nhà The Landmark 81 được cất nóc, ngành xây dựng Việt Nam đã bước được một bước mới cao hơn và xa hơn. Coteccons cũng chính là nhà thầu trong nước đầu tiên hoàn thành dự án tòa tháp 461m cao nhất Việt Nam vượt tiến độ dự kiến 45 ngày.

Tất cả những thông số kỹ thuật phức tạp và đầy tính thách thức có thể là bình thường với các nhà thầu nổi tiếng và nhiều kinh nghiệm trên thế giới, nhưng khi đặt cạnh Coteccons – một nhà thầu Việt Nam với kinh nghiệm xây dựng các tòa nhà cao trên 60 tầng bằng 0 – mới thấy hết sự nỗ lực và căng thẳng, áp lực, thử thách và tự hào với những gì Coteccons đã làm được ở The Landmark 81.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 9.
Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 10.
Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 11.
Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 12.

Giây phút toà nhà The Landmark 81 được cất nóc, ngành xây dựng Việt Nam đã bước được một bước mới cao hơn và xa hơn

Hơn thế nữa, vượt qua giá trị một hợp đồng 6.000 tỷ đồng giữa 2 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, The Landmark 81 còn là lời khẳng định về lòng tự tôn dân tộc của hai vị doanh nhân lớn, ông Phạm Nhật Vượng – người đứng đầu Vingroup và ông Nguyễn Bá Dương – người đứng đầu Coteccons.

Tâm tư của ông Phạm Nhật Vượng khi xây dựng The Landmark 81 là phải để người Việt xây lên môt công trình thế kỷ của người Việt. Bởi công trình ấy không phải chỉ là một biểu tượng về độ cao mà còn là niềm tự hào, lòng kiêu hãnh của người Việt Nam do chính tay những con người Việt làm nên.

Chỉ đến khi The Landmark 81 đi vào hoạt động, một “câu chuyện hậu trường” mới được lan truyền trên Internet. Đó là việc ông Phạm Nhật Vượng đã gọi điện thoại cho ông Nguyễn Bá Dương trao đổi rằng muốn một nhà thầu Việt Nam xây dựng “siêu công trình” này. Ngay trong đêm nhận được cuộc điện thoại, toàn bộ Ban giám đốc Coteccons đã đáp chuyến bay ra Hà Nội để gặp người đứng đầu Vingroup.

Đó không chỉ đơn thuần là cuộc gặp gỡ của các đối tác kinh doanh, đó là cuộc gặp của những người Việt Nam mang trong mình trái tim muốn xây dựng đất nước và đưa hình ảnh Việt Nam vươn lên trên trường quốc tế, bằng những công trình vĩ đại.

Dù vậy, không phải vì “chung dòng máu” mà Vingroup quyết định chọn Coteccons là nhà thầu cho The Landmark 81. Trên thương trường, mọi thứ đều sòng phẳng và minh bạch. Ông Nguyễn Bá Dương đã chứng minh được năng lực của mình và thắng thuyết phục hai ông trùm xây dựng đến từ Hàn Quốc. Đó là kết quả không chỉ ở một cuộc đấu thầu, đó là quá trình nỗ lực, quyết tâm nâng cao năng lực, tạo dựng uy tín, thương hiệu suốt nhiều năm.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 13.

Không khó để thấy những mối quan hệ hợp tác chiến lược như vậy giữa Coteccons và các đối tác trên thương trường. Không chỉ Vingroup, ông Nguyễn Bá Dương còn lấy được lòng tin của nhiều chủ đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Suốt hơn 1 thập kỷ trên thương trường, Coteccons liên tiếp ghi tên mình trên nóc cẩu tháp các công trình nhiều nghìn tỷ, trải dài từ Bắc vào Nam như D'Capitale (4.800 tỷ đồng), Vinhomes Metropolis (3.000 tỷ đồng), The Manor Central Park (2.000 tỷ đồng), trụ sợ Tập đoàn Viettel, dự án The Matrix One; Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí Vân Đồn (1.100 tỷ đồng), The Sapphire Residence Hạ Long (1.200 tỷ đồng), Premier Village Hạ Long (1.100 tỷ đồng), Hilton Hạ Long (2.300 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast (3.500 tỷ đồng), khách sạn Pullman Hải Phòng (1.600 tỷ đồng), Vinhomes Imperia (1.000 tỷ đồng), Vincom Bắc Ninh (1.200 tỷ đồng)… ở miền Bắc.

Ở Miền Trung là Cụm dự án Time Square Đà Nẵng; Casino Nam Hội An (7.000 tỷ đồng); Khu liên hợp gang thép Dung Quất (1.800 tỷ đồng), A&B Central Square Nha Trang, Scenia Nha Trang (2.100 tỷ đồng)…

Hay Miền Nam là Vinhomes Central Park, Vinhomes Grand Park, One Verandah (1.800 tỷ đồng), Hà Đô Centrosa Garden (1.200 tỷ đồng), Grandeur Palace - Đinh Tiên Hoàng (1.000 tỷ đồng ), Hồ Tràm Strip...

Không thể phủ nhận, dưới sự chèo lái của người “thuyền trưởng” Nguyễn Bá Dương, thực hiện hàng loại dự án lớn, Coteccons đã góp công lớn thay đổi diện mạo ngành xây dựng Việt Nam, làm thay đổi cách nhìn nhận của thị trường và xã hội đối với một nhà thầu đúng nghĩa.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 14.

Coteccons dưới thời ông Nguyễn Bá Dương đã từ một doanh nghiệp non trẻ, chập chững bước ra sau quá trình cổ phần hóa một doanh nghiệp Nhà nước.

Phải thừa nhận, quyết định “ra riêng” của ông Nguyễn Bá Dương khi ấy vừa tự tin, vừa liều lĩnh, bởi thị trường xây dựng Việt Nam thời điểm những năm 2000 đầy cơ hội nhưng cũng lắm thách thức.

Nói nhiều cơ hội là bởi, khác với giai đoạn trước đó chỉ có tính tự phát và chủ yếu là thị trường không chính thức, thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 là giai đoạn hình thành và phát triển bước đầu của thị trường xây dựng và bất động sản Việt Nam. Bước vào thế kỷ 21, lực lượng xây dựng của Nhà nước được trao quyền tự chủ quản lý kinh doanh nhiều hơn và thực hiện cạnh tranh thị trường. Lực lượng xây dựng tư nhân dần hình thành với sự tham gia sôi nổi của các nhà thầu xây dựng chung, đến các nhà thầu phụ. Thị trường xây dựng phát triển nhanh như vũ bão, tính toán cho thấy tốc độ tăng trưởng gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 15.

Đứng trước thời cuộc, các Tổng Công ty xây dựng Nhà nước lớn mạnh không ngừng, nhiều doanh nghiệp đã lấy được những dự án tầm cỡ quốc tế. Nhóm các doanh nghiệp tư nhân cũng phát triển với tốc độ "chóng mặt". Chưa kể các doanh nghiệp nước ngoài cũng tham gia vào "cuộc chơi", làm gia tăng tính cạnh tranh... Đứng trước bối cảnh ấy, việc dứt áo ra đi khỏi một công ty Nhà nước đang nhiều nguồn lực và được hỗ trợ hết mức, để khởi nghiệp với "hai bàn tay trắng" không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, ông Nguyễn Bá Dương không những đã làm được “việc khó” ấy mà còn làm rất tốt. 

Với ông “Coteccons là nguồn sống” và ông muốn nguồn sống của mình luôn phát triển. Tự coi mình là “vừa làm chủ vừa làm thuê”, trong quá trình phát triển Coteccons, doanh nhân Nguyễn Bá Dương đặc biệt đầu tư cho những người đồng sự và coi trọng việc xây dựng hệ thống nhân sự chất lượng. Từng chia sẻ về việc xây dựng đội ngũ, ông Nguyễn Bá Dương cho biết: “Quan trọng là anh em rất chuyên nghiệp, mà đội ngũ chuyên nghiệp rồi thì mọi người đều đồng lòng, mà để người ta đồng lòng thì công ty phải có hệ thống từ tiền lương, tiền thưởng phải đủ, tương xứng mới được”.

Bản thân từng khẳng định, sau khi lập gia đình mới bắt đầu “làm ăn được”, ông Dương luôn tâm niệm rằng, cấp dưới của mình làm cho mình thì phải có thu nhập xứng đáng đủ để nuôi gia đình và có phần tích lũy. Ngoài ra, ai làm ở vị trí nào thì phải đúng khả năng ở vị trí đó và phải được làm việc trong môi trường công bằng. Chẳng thế mà Coteccons luôn là một trong những doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tốt nhất ngành xây dựng.

Từng gây “sốt” với phát ngôn “tôi làm được 10 đồng thì anh em cũng được 7 đồng”, ông Nguyễn Bá Dương khiến không ít người nể phục vì đã thực sự thực hiện được triết lý “dễ mà khó” này ngay từ những ngày đầu lập nghiệp. “Con người là tài sản quý giá nhất”, và sử dụng được tài sản này chính là tài của ông Nguyễn Bá Dương.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 16.

Nếu như chỉ nói về giá trị vật chất được ông Nguyễn Bá Dương tạo ra cho cộng sự thì chưa đủ. Quan trọng hơn, đó là nỗ lực truyền khát vọng thay đổi và vượt qua những vùng an toàn mà mỗi người cứ lờ mờ tự đặt ra cho mình, tự trói chân mình. Ông Dương quan niệm rằng: “Vạn vật trong vũ trụ luôn thay đổi không ngừng. Bản thân mỗi người Chúng Ta cũng vậy. Ta của mỗi ngày, mỗi phút trôi qua đều khác với Ta trong quá khứ”.

Những người Conteccons mà tôi biết, đều là những người dám chấp nhận rủi ro, dám đương đầu với thách thức, dám vấp ngã để học được cách đi nhanh hơn!

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 17.

“Dụng nhân” là vậy, với việc “dụng ngân”, ông Nguyễn Bá Dương cũng có triết lý rất rõ ràng trong việc áp dụng các chiến lược kinh doanh.

Danh xưng “vị đại gia ngành xây dựng nhiều tiền mặt và không có nợ vay” đã trở thành bản sắc của ông Nguyễn Bá Dương. Có thể nói triết lý “tiền mặt” và “không làm thuê cho ngân hàng” là một trong những nền móng xây dựng nên một Coteccons hùng mạnh.

Với vai trò của người đứng đầu, ông Nguyễn Bá Dương đã nhìn thấy rằng, có rất nhiều dự án trên thị trường đang chờ để ký kết nhưng nếu chủ đầu tư không nhìn thấy Coteccons có một khoản tiền lớn chờ sẵn trong ngân hàng thì sẽ không muốn làm việc cùng Coteccons. Việc có trong ngân hàng 1.000 tỷ đồng sẽ là chiến lược bán hàng thành công nhất. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường xây dựng nhìn đâu cũng thấy các nhà thầu đang làm việc theo kiểu "giật gấu vá vai", lấy khoản trước bù khoản sau, dẫn đến nhiều hệ lụy về tiến độ, chất lượng... Chỉ có tiền mặt mới có thể xóa được nỗi lo lắng này của các chủ đầu tư.

Trung thành với triết lý này, Coteccons thường xuyên duy trì một lượng tiền mặt lớn và nói không với vay nợ.

Cùng với đó, vị Chủ tịch từng khẳng định, ông không muốn làm việc không công cho các ngân hàng. Vì vậy, Coteccons thường kiên quyết không sử dụng đến đồng vốn vay ngân hàng khi triển khai các dự án, dù việc này đã được các cổ đông bàn luận và kiến nghị nhiều lần. Nhiều cổ đông và nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về việc nắm giữ một lượng lớn tiền mặt và không cần đến vốn vay, thì liệu Coteccons có tối ưu hóa được hiệu quả sử dụng vốn. Nhưng đương nhiên, sự hy sinh nào cũng mang lại những giá trị nhất định. Việc không sử dụng đến đòn bẩy tài chính của Coteccons đã giúp doanh nghiệp vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, đặc biệt là khi thị trường xảy ra biến cố, hệ thống tài chính đứng trước những rủi ro. Thậm chí, với trợ lực từ lượng tiền mặt có sẵn, doanh nghiệp còn biến rủi ro thành cơ hội khẳng định vị thế.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 18.

Không đi vay, ông Dương cũng không muốn bị "nợ". Người đứng đầu doanh nghiệp từng thổ lộ: "Đi đòi tiền khổ lắm, không đơn giản". Với Nguyễn Bá Dương, người nổi tiếng là thẳng thắn và thích mới làm, doanh nghiệp của ông cũng có tiếng là khó tính khi nhận dự án. Nhưng việc khó tính này lại chính là lưới lọc, bớt đi những gì không mang lại hiệu quả hoặc làm doanh nghiệp của ông mất uy tín.

Đổi lại, Coteccons tạo dựng được uy tín và nhận về hàng loạt hợp đồng nghìn tỷ, doanh thu liên tục tăng không ngừng nhưng các khoản phải thu và hàng tồn kho thì không đáng kể. Đúng như những gì ông Bá Dương đã khẳng định: “Điều quan trọng là đọc vị được trận đấu. Tôi ít khi đấu thầu trượt và chỉ cần trao đổi sơ qua, tôi có thể tính toán được lời lỗ và quyết định có làm hay không”.

Nhưng, thương trường cũng không phải chốn dạo chơi của cảm xúc, để có được những đồng tiền “nằm sẵn trong ngân hàng” như một khoản đảm bảo không phải là điều dễ dàng với Coteccons, nhất là khi doanh nghiệp đang hoạt động trên một thị trường nhiều nhạy cảm và dễ bị tổn thương, và bản thân Coteccons cũng không phải “đại gia” với dòng vốn rủng rỉnh.

Năm 2010, trước nhiều áp lực từ cổ đông, từ yêu cầu mở rộng kinh doanh, Coteccons chính thức lên sàn với nhiều lo lắng.

Năm 2011, thị trường bất động sản bị dìm xuống đáy của cuộc khủng hoảng tài chính, mọi khó khăn dồn dập ập đến, Coteccons vẫn ghi nhận doanh thu đáng mơ ước nhưng lợi nhuận lại chẳng đáng kể. Đứng trước nhiều sức ép, khi buộc phải lựa chọn giữa việc “nằm im chờ thời”, chuyển sang mảng kinh doanh khác hay nhận đầu tư để đổi mới mô hình kinh doanh, năm 2012, Coteccons chấp nhận phát hành 10,43 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 24,7% cổ phần) cho Kusto Group với mức giá phát hành là 50.000 đồng/cổ phiếu – tức gấp gần 5 lần mệnh giá. Thương vụ mang về cho Coteccons hơn 520 tỷ đồng, đánh dấu sự tham gia của nhà đầu tư ngoại vào Coteccons.  

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 19.

Từng chia sẻ về quyết định nhận đầu tư của Kusto Group, ông Dương cho biết Coteccons đã đạt được mục đích tốt đẹp, đó là một quyết định đúng đắn với Coteccons dù khi ấy doanh nghiệp còn trăn trở. Và quả thực, lịch sử đã chứng minh quyết định khi ấy của Coteccons là đúng đắn.

Có lẽ, không một ai, kể cả vị lãnh đạo thiện chiến của Coteccons khi ấy có thể tưởng tượng rằng, việc lên sàn và để Kusto Group tham gia vào Coteccons lại khiến vận mệnh của doanh nghiệp này thay đổi đến vậy.

Chỉ biết rằng, sau thời điểm đó, khi có thêm dòng tiền từ Kusto Group cộng với lợi nhuận tích lũy, Coteccons có được 1.000 tỷ đồng, và dưới tài lãnh đạo của vị thuyền trưởng, ông trùm ngành xây lắp lúc này như hổ mọc thêm cánh, bắt đầu xác lập những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” trên thị trường xây dựng. Doanh thu Coteccons ghi nhận đà tăng trưởng “thần tốc” từ 4.000 tỷ đồng giai đoạn 2011 – 2012 lên tới hơn 27.000 tỷ đồng năm 2017, tăng 6 lần sau 5 năm, lợi nhuận tăng gần 7 lần, từ 300 tỷ đồng lên gần 2.100 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu trung bình đạt tới 45%/năm, tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm tới 54%.

Dù không phải doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trong ngành, cũng không phải doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường xây dựng, nhưng dưới thời ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons lại là doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và giá trị EPS lớn nhất toàn ngành. Các chỉ số về khả năng sinh lời của Coteccons cũng luôn nằm trong top đầu.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 20.

Trên thị trường chứng khoán, bản thân mã cổ phiếu CTD cũng nhanh chóng tự mở ra thời vàng son cho chính mình. Năm 2015, cổ phiếu CTD tăng nhanh như một mũi tên xé gió không gì cản nổi, từ vùng giá dưới 50.000 đồng/cổ phiếu lên trên 200.000 đồng. Có thời điểm tăng gấp 4 lần trong chưa đầy 1 năm và lọt top những cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường.

Xứng đáng với sự tăng trưởng thần kỳ này, Coteccons đã mang lại giá trị lớn cho cổ đông, nhà đầu tư cũng như người lao động. Trong suốt hành trình phát triển, cổ tức bằng tiền chia cho cổ đông Coteccons luôn ở mức cao, có năm lên đến 55%.

Sau khi chào sàn, Coteccons cũng bắt đầu nhận được những hợp đồng lớn trong nước, mở ra kỷ nguyên “nơi nào có đại công trình, nơi đó có Coteccons”.

Bên cạnh các dự án trong nước, Coteccons cũng mở rộng ra thị trường nước ngoài với các công trình tại Lào và Campuchia, đánh dấu bước tiến trên thị trường các nước Đông Dương.

Để có được những thành công này của Coteccons, với ông Dương và nhiều lãnh đạo công ty, đó còn là sự hợp lực của các công ty trong hệ sinh thái Coteccons Group. Đây cũng là một triết lý khác trong kinh doanh của ông Dương và đã trở thành bản sắc mỗi khi nhắc đến doanh nghiệp này. Những cái tên như Unicons, Ricons luôn gắn liền với Coteccons ở mỗi công trình.

Không dưới một lần, ông Dương khẳng định vai trò của các công ty này trong thành công của Coteccons. Ngay cả với dự án biểu tượng The Landmark 81, ông Dương cũng khẳng định: “Coteccons còn thiết lập được nội lực bền vững với mạng lưới những công ty thành viên vượt trội như Unicons, Ricons đủ tinh nhuệ để sẵn sàng hợp lực”.

Nhưng, cũng chính niềm tự hào này của vị doanh nhân đã trở thành gót chân Achilles làm tan rã hệ sinh thái mà ông đã dành cả đời doanh nhân của mình để xây dựng.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 21.

Nếu nói sự thành công của Coteccons đến từ những cái bắt tay ngàn tỷ với các chủ đầu tư dự án, thì cũng phải thừa nhận rằng, thất bại của ông Nguyễn Bá Dương ở Coteccons hiện tại cũng đến từ những cái bắt tay với đối tác nước ngoài. Ai có thể ngờ rằng, cái bắt tay trị giá 25% cổ phần Coteccons đổi lấy 520 tỷ đồng với Kusto Group gần 10 năm trước lại trở thành chỉ báo cho sự chấm dứt “triều đại” của ông Nguyễn Bá Dương ở Coteccons.

Khi tham dự vào Coteccons, Kusto Group phản đối rất nhiều triết lý kinh doanh của người đứng đầu, trong đó chính phương châm "tôi được 10 đồng, anh em được 7 đồng" và hệ sinh thái doanh nghiệp anh em đã trở thành điểm yếu để doanh nghiệp ngoại này công kích vị Chủ tịch.

Cụ thể, nhóm cổ đông ngoại phản đối quyết định sáp nhập Ricons (công ty mà Coteccons chiếm giữ 15% cổ phần) vào Coteccons.

Phải nói lại rằng, thời điểm 2012, khi nhận đầu tư từ Kusto, ông Dương đã chuẩn bị cho việc sáp nhập các công ty con vào Coteccons. Nhưng ông lại không biết rằng, khi thực hiện cái bắt tay ấy với nhà đầu tư ngoại, chính ông và phía còn lại đang “đồng sàng dị mộng”.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 22.

Trái ngược với mong muốn của ông Nguyễn Bá Dương, nhóm cổ đông ngoại kiên quyết phản đối việc sáp nhập vì sợ tỷ lệ sở hữu của mình tại nhà thầu số 1 Việt Nam bị “pha loãng” do Kusto không có tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp “con”. Không nhìn Ricons là “người nhà”, Kusto cho rằng doanh nghiệp này vừa là đối tác vừa là đối thủ của Coteccons trên thương trường. Nhóm nhà đầu tư ngoại liên tục đưa ra các dẫn chứng cho thấy, Coteccons đã bị “chảy máu” lợi ích khi tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận liên tục giảm, Ricons thì ngược lại.

Ngay cả triết lý dụng nhân của ông Nguyễn Bá Dương cũng không nhận được sự đồng tình của cổ đông chiến lược, mà còn là một trong những nguyên nhân khiến mâu thuẫn càng gay gắt hơn. Nếu với ông Dương “con người chính là tài sản quý giá nhất” và ông muốn phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, thì nhóm cổ đông ngoại lại không đồng ý với việc này và yêu cầu phải thay đổi chính sách ESOP.

Từ 2019, Kusto liên tục yêu cầu triệu tập Đại hội cổ đông bất thường, rồi tiếp tục đi từ yêu cầu kiểm toán các công ty thành viên cho đến "cú đánh trực diện" là yêu cầu phế truất nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Coteccons và toàn bộ ban điều hành để bầu HĐQT mới.

Cùng với Kusto, The8th – một cổ đông khác của Coteccons cũng thêm dầu vào lửa bằng việc tố cáo ban lãnh đạo Coteccons.

Đương nhiên, trong suốt quá trình mâu thuẫn, phía Chủ tịch Nguyễn Bá Dương cũng có nhiều đáp trả và phản đối mạnh mẽ, cho rằng những cáo buộc vô căn cứ của Kusto gây ra những tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Theo ông Dương, lợi ích của Coteccons vẫn được bảo toàn trong hệ sinh thái chung và việc sáp nhập các công ty vào Coteccons là để gia tăng sức mạnh, như đã thành công với trường hợp Unicons.

Hơn 4 tháng mâu thuẫn đỉnh điểm, cả hai bên đều có nhiều đáp trả gay gắt và có cả những lúc nhượng bộ, diễn vai đồng thuận. Có những lúc cán bộ nhân viên công ty, nhà đầu tư, cổ đông tưởng chừng đã có thể yên tâm khi các mâu thuẫn được dàn xếp thì “chiến sự” lại bùng lên.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 23.
Năm 2012, "cái bắt tay định mệnh" giữa Coteccons và Kusto Group đã khiến vận mệnh doanh nghiệp thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam thay đổi hoàn toàn

Trong khi cuộc chiến nội bộ chưa ngã ngũ, tác động đầu tiên dễ dàng nhìn thấy được là các chỉ số kinh doanh của Coteccons không mấy khả quan. Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương suốt gần 3 năm qua “thương tích đầy mình”. Hay có thể nói, lúc này Coteccons đã không còn là của vị “kiến trúc sư trưởng” nữa. 

Đầu tiên, cổ phiếu CTD liên tục cắm đầu lao dốc, từ đỉnh vinh quang 230.000 đồng/cổ phiếu giảm xuống dưới 100.000 đồng/cổ phiếu, và chỉ còn xấp xỉ 70.000 đồng. Coteccons bốc hơi hơn 10.000 tỷ vốn hóa. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế chỉ 463 tỷ đồng.  

Mặc cho những nhượng bộ của ông Nguyễn Bá Dương và cộng sự, xin lỗi trước ĐHCĐ và nhận trách nhiệm về mình, chấp nhận hy sinh hai “cánh tay” của mình là ông Nguyễn Sỹ Công – Tổng giám đốc và ông Trần Quyết Thắng – thành viên HĐQT độc lập để nhường chỗ cho 2 đại diện của phe đối lập vào HĐQT trước thềm ĐHCĐ 2020; đã từng đệ đơn rồi sau đó đồng ý rút đơn bãi nhiệm 2 nhân sự trong phe đối lập trong đó có một người vốn được xem là thân thiết với vị Chủ tịch…, đến giai đoạn cuối của cuộc xung đột nội bộ, ông Nguyễn Bá Dương chỉ còn lại một mình trong HĐQT Coteccons, với 4 nhân sự thuộc nhóm Kusto và 2 thành viên độc lập.  

Cuộc chiến quyền lực của ông Nguyễn Bá Dương tại doanh nghiệp mà ông sáng lập và dành nhiều tâm sức suốt đời doanh nhân của mình chấm dứt vào ngày 5/10/2020, khi đơn từ nhiệm của ông được HĐQT nhanh chóng thông qua. Dù trước đó ông đã gia tăng tỷ lệ sở hữu, động thái như một lời cam kết gắn bó với doanh nghiệp mà ông gầy dựng nên.

Cùng với ông Dương, tất cả những nhân sự chủ chốt, người sáng lập Coteccons cũng rời đi.

Đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Bá Dương viết: "Hiện nay, vì lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể sắp xếp công việc, đóng góp được những điều tốt nhất cho Coteccons...".

Triều đại Nguyễn Bá Dương tại Coteccons đã kết thúc…

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 24.

Dù có thông tin cho rằng, việc ông Nguyễn Bá Dương rời Coteccons là kết quả sau một quá trình sắp xếp êm thấm, nhưng có lạc quan đến đâu thì cũng không thể phủ nhận, sự ra đi của ông là một thất bại. Và phải thắng thắn nhìn lại những bài học về quản trị doanh nghiệp, câu chuyện huy động vốn và minh bạch thông tin…

Mổ xẻ từng vấn đề, đầu tiên phải thừa nhận, “cuộc đảo chính” ở Coteccons là một vụ thâu tóm không phải lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.

Quay trở lại lịch sử các kỳ phát hành tăng vốn của Coteccons, giới nghiên cứu có quan điểm cho rằng, sai lầm bắt đầu từ kỳ phát hành tăng vốn thứ 2 năm 2012. Gần 25% cổ phần trao đổi lấy 520 tỷ đồng đã giúp Coteccons có nhiều cơ hội, nhưng thời điểm đó, thành viên có liên quan Kusto Group là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Tân Việt đã sở hữu 11,76% vốn của Coteccons từ tháng 5/2011.  

Đến năm 2016, khi đang có một lượng không phải ít tiền mặt trong tổng tài sản (chiếm 30 – 40%), Coteccons vẫn quyết định phát hành tăng vốn lần thứ 3 với mục tiêu huy động thêm khoảng 1.500 – 1.800 tỷ đồng phục vụ lập công ty mới, M&A, đầu tư vào bất động sản và một phần vào máy móc thiết bị. Sau đó, ĐHĐCĐ thông qua quyết định tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư ngoại tại Coteccons từ 40% lên 60%, động thái như một cuộc mở đường cho Kusto và các bên liên quan tiến sâu hơn vào Coteccons, công khai nâng sở hữu và quyền biểu quyết.

Vẫn biết, việc công ty phát hành tăng vốn là điều cần có khi đứng trước các áp lực và yêu cầu phát triển, nhưng rõ ràng khi quyết định trở thành một công ty cổ phần, doanh nghiệp phải có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phòng bị tối thiểu để tránh nguy cơ thâu tóm.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 25.

Bởi khi bình tĩnh nhìn lại sẽ thấy rằng, để đạt đươc cuộc thâu tóm này, Kusto đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng. Ngay từ 2014, Kusto đã âm thầm gom cổ phần của Coteccons, từ từ tăng sở hữu, thông qua “chân gỗ” là Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công. Chưa kể, mối liên hệ giữa Kusto và The8th không thể nói là không có.

Khi cuộc chiến xảy ra, Ban lãnh đạo Coteccons mới đặt nghi vấn về mối liên hệ giữa Kusto (chiếm 18,23% tỷ lệ có quyền biểu quyết) với Thành Công (chiếm 14,67% tỷ lệ có quyền biểu quyết), The8th Pte Ltd (chiếm 10,82% tỷ lệ có quyền biểu quyết), Ma Dao Trading Pte.Ltd (chiếm 2,15% tỷ lệ có quyền biểu quyết) cùng một số cổ đông cá nhân khác, nhưng lúc này đã là quá muộn.  

Những vấn đề này thuộc về câu chuyện quản trị doanh nghiệp ở thượng tầng, liên quan đến điều lệ, ĐHCĐ, HĐQT, ban kiểm soát, quyền lợi của cổ đông, biện pháp phòng tránh xung đột lợi ích cổ đông, kiểm soát các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến lợi ích của ban lãnh đạo, cấp quản lý trong công ty, đối xử bình đẳng đối với cổ đông và minh bạch thông tin...

Trong đó, minh bạch thông tin trong quản trị công ty cổ phần là đặc biệt cần thiết. Bởi khi nhìn lại diễn biến, đứng trước các đòn tấn công của phe đối lập về nghi vấn “tuồn lợi ích” cho Ricons, trước những con số rõ ràng về kết quả kinh doanh tỷ lệ nghịch của 2 bên, Ban lãnh đạo Coteccons đã không có nhiều đáp trả thuyết phục bằng con số. Mà trên thị trường tài chính “Data that’s speak – Dữ liệu nói lên tất cả” đã là một chân lý.

Di sản lớn nhất mà ông Nguyễn Bá Dương để lại ở Coteccons, có lẽ là bài học về quản trị doanh nghiệp.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 26.

Triều đại Nguyễn Bá Dương đã khép lại ở Coteccons, mọi bài học đắng cay hay chua chát có lẽ cũng đều đã được vị doanh nhân nghiền ngẫm, hơn ai hết.

Sau Coteccons, có rất nhiều đồn đoán về điểm dừng chân tiếp theo của ông Nguyễn Bá Dương. Trong đó, Ricons và Newtecons là hai phương án nổi bật nhất.

Dù vậy, Ricons hiện tại, dưới sự dẫn dắt của ông Trần Quang Quân, người bị bãi nhiệm tại ĐHĐCĐ 2020 của Coteccons cũng đã tuyên bố "độc lập" và phủ quyết việc ông Dương hay người Coteccons có liên quan đến nội bộ công ty. Chưa kể, cơ cấu cổ đông của Ricons hiện nay cũng khá phức tạp với sự tham gia của nhiều quỹ ngoại.

Newtecons có vẻ là một lựa chọn phù hợp hơn.

Nghỉ ngơi không lâu, mới đây, ông Nguyễn Bá Dương đã xuất hiện trở lại trong lễ công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh của 2 doanh nghiệp ngành xây dựng là Newtecons (tiền thân là Xây dựng FDC) và CTCP Vật liệu và Giải pháp SOL E&C.

Dù không nhắc đến cụ thể chức danh của ông Nguyễn Bá Dương tại Newtecons, nhưng theo đăng ký thành lập của FDC hồi năm 2003, doanh nhân Nguyễn Bá Dương là cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu 49%. Với SOL E&C, ông Dương được giới thiệu là Chủ tịch sáng lập.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 27.
Ông Nguyễn Bá Dương tại Lễ Ký kết kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của Newtecons (Ảnh: Newtecons)

Khởi điểm với những công trình vừa và nhỏ, đến năm 2012, Newtecons (khi ấy là FDC) bắt đầu tạo được tiếng vang trên thị trường khi trở thành nhà thầu thi công những công trình trọng điểm như: Nhà ga T2 – sân bay quốc tế Nội Bài, S17A – S18-2-2 Phú Mỹ Hưng, nhà máy Texhong Ngân Long, nhà máy sơn Jotun...

Newtecons cũng cùng góp mặt với các nhà thầu uy tín khác tại nhiều công trình quy mô lớn, mang tính biểu tượng như The Landmark 81, Casino Nam Hội An, Vinhomes Times City Park Hill 5, Vinhomes Golden River... Một số dự án khu công nghiệp như nhà máy C Kyocera Document tại VSIP Hải Phòng, nhà máy thực phẩm và đồ uống Barett Hưng Yên, cụm dự án số 08 tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 (Bình Dương)...

Hiện, Tổng giám đốc của Newtecons là ông Trần Kim Long, người từng có nhiều năm gắn bó với Coteccons ở nhiều vị trí chủ chốt. Bên cạnh đó, đội ngũ giám đốc điều hành của Newtecons cũng có nhiều cái tên quen thuộc xuất thân từ Coteccons.

Dưới sự lãnh đạo của đội ngũ điều hành nhiều kinh nghiệm và uy tín, Newtecons bước đầu cũng đạt được những thành quả đáng nể. Giai đoạn 2016 – 2019, Newtecons liên tục ghi nhận doanh thu tăng trưởng. Đặc biệt năm 2019, công ty thu về hơn 4.000 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng với tốc độ bình quân 43%/năm, đạt mức 183 tỷ đồng năm 2019. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này cũng tăng đột biến, từ 417 tỷ đồng hồi cuối năm 2018 lên 637 tỷ đồng, tổng tài sản của Công ty khoảng 1.863 tỷ đồng.  

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 28.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 29.
Ông Nguyễn Bá Dương xuất hiện tại Lễ ký kết kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của SOL E&C (Ảnh: SOL E&C)

Với SOL E&C, từ năm 2015, doanh nghiệp này đã tham gia hoàn thiện hàng loạt dự án lớn như Masteri An Phú, Nhà máy Gain Lucky, Nhà máy Brotex...

Năm 2020 tiếp tục đánh dấu một sự phát triển mới của SOL E&C khi chính thức trở thành Tổng thầu Xây dựng SOL E&C với giá trị hợp đồng ký kết hơn 2.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 23/12/2020, SOL E&C đã tăng vốn lên 305 tỷ đồng, hoàn toàn là vốn tư nhân trong nước. Người đại diện đồng thời là Chủ tịch HĐQT được thay đổi là ông Trần Văn Tiến.

Dù chỉ là doanh nghiệp mới, SOL E&C vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn, tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 58,5%/năm. Năm 2021, công ty đặt mục tiêu doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng.

Chia sẻ tại sự kiện về kế hoạch kinh doanh 2021, Chủ tịch sáng lập Nguyễn Bá Dương khẳng định, SOL E&C có tiềm năng và cơ hội vượt trội hơn nhiều công ty khác trên thị trường xây dựng bởi đội ngũ nhân sự kinh nghiệm trực tiếp tham gia nhiều dự án khó và đẳng cấp nhất ngành xây dựng Việt Nam, uy tín ban lãnh đạo với chủ đầu tư, sự đồng hành của các công ty trong hệ sinh thái mới… Ông tin tưởng SOL sẽ phát triển thành một trong những tổng thầu hàng đầu của Việt Nam.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 30.
Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 31.
Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 32.
Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 33.

Trước đó, ông Nguyễn Bá Dương đã nhiều lần xuất hiện tại Lễ ký kết kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm của SOL E&C (trước đó là S.M.A.R.T)

Và quả thật, doanh nghiệp này cũng đang "đạp sóng đạp gió" tăng tốc với việc thực hiện trên 20 dự án ở tất cả các mảng từ công nghiệp, dân dụng, khách sạn – khu nghỉ mát, đến giáo dục và cơ điện. Tại lĩnh vực công nghiệp, SOL E&C làm nhà thầu xây dựng 8 nhà máy tại Bình Dương, Bình Phước... Lĩnh vực dân dụng – thương mại có 7 dự án như Masteri Parkland (TP.HCM), tổ hợp Vincom Plaza và Vinpearl Tây Ninh, Park Riverside Premium (TP.HCM)... 

Chưa thể khẳng định bất kỳ điều gì ở thời điểm hiện tại, nhưng với những động thái ban đầu của vị doanh nhân, chắc chắn không loại trừ khả năng một “đế chế” mới đang dần hình thành và ấp ủ cơ hội tạo nên một cục diện mới trên thị trường xây lắp. Đừng quên, với đặc thù ngành xây dựng, để cạnh tranh thầu và lấy được dự án lớn thì uy tín cá nhân của người đứng đầu là rất quan trọng. Chính ông Nguyễn Bá Dương và Coteccons là minh chứng rõ ràng nhất cho định lý này. Bởi vậy, dù là thời điểm nào, việc ông Nguyễn Bá Dương bắt đầu lại trên thị trường xây dựng cũng vẫn rất đáng được chờ đợi.

Đại gia không nợ ngân hàng Nguyễn Bá Dương - Sóng gió một huyền thoại- Ảnh 34.

Chia tách để bắt đầu lại có lẽ không phải điều dễ dàng. Nhưng với những gì ông Nguyễn Bá Dương đã thể hiện trong vài tháng ngắn ngủi vừa qua, không ai có thể phủ nhận tinh thần thiện chiến của người thủ lĩnh này.

Với sự tự tin, khát vọng cùng uy tín cá nhân, ông Nguyễn Bá Dương đã cho thấy bản lĩnh doanh nhân trong ông là không gì có thể che mờ.

Những hợp đồng mới nghìn tỷ với các doanh nghiệp top đầu Việt Nam của hai doanh nghiệp trẻ Newtecons và SOL E&C đã chứng minh sự gắn kết của cái tên Nguyễn Bá Dương trên thương trường.

Đó là sự gắn kết của ông với tên tuổi doanh nghiệp mà ông đã tạo dựng nên; sự gắn kết của cái tên Nguyễn Bá Dương bên cạnh hàng loạt tên tuổi lớn khác, sự gắn kết với những người đồng sự và đội ngũ trung thành…

Dù sự chia tách với Coteccons có là một thất bại hay không, người ta vẫn phải nói về Nguyễn Bá Dương với sự kính nể. Không ai có thể phủ nhận cái tên Nguyễn Bá Dương với vai trò dẫn dắt thị trường xây dựng Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 21 đến nay. Người có công lớn trong việc thay đổi diện mạo ngành nghề vốn chỉ toàn gắn với sự "rút ruột" và tai tiếng, kém chất lượng, mất an toàn…, thành một ngành nghề mà Việt Nam có thể tự hào sánh vai với các cường quốc trên thế giới, xây nên một tượng đài biểu tượng cho đất nước cả nghĩa bóng và nghĩa đen./.

Yên Trung
Thanh Thảo - Lê Quyên
04/29/2021 06:10
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top