Aa

Đại hội đồng cổ đông Techcombank 2023: Ngân hàng chuẩn bị gì cho kế hoạch lợi nhuận 22.000 tỷ đồng?

Thu Thu
Thu Thu thuthu157ajc@gmail.com
Thứ Sáu, 21/04/2023 - 21:25

Tại Đại hội đồng cổ đông Techcombank diễn ra ngày 22.4, Ban Lãnh đạo Techcombank sẽ trình các kế hoạch kinh doanh và mục tiêu tăng trưởng 2023 đầy thận trọng.

Trong tài liệu trình Đại hội đồng cổ đồng 2023 tới đây, Techcombank đã điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất về 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022.

Kế hoạch lợi nhuận thận trọng đi cùng với các chỉ tiêu an toàn tài chính được siết chặt. Ngân hàng đặt mục tiêu quản lý nợ xấu ở mức thấp dưới 1,5%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo hạn mức được NHNN đề ra (khoảng 15%) và huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng nhằm tối ưu hóa nguồn vốn huy động.

Song song với đó, ngân hàng dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Techcombank cho biết việc trích quỹ này là nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của Đại hội cổ đông vào thời điểm thích hợp.

Những chỉ tiêu tài chính trên truyền đi một thông điệp rõ ràng: Tăng trưởng lợi nhuận không phải mục tiêu hàng đầu của Techcombank trong năm 2023. Thay vào đó, ngân hàng ưu tiên nhiều hơn cho việc tăng cường các giải pháp quản trị tài chính, bảo đảm an toàn thanh khoản cho hệ thống và đặc biệt cải thiện trải nghiệm khách hàng.

techcombank

Năm bùng nổ của quá trình chuyển đổi

Trong chiến lược 5 năm (2021 – 2025), Techcombank đã đề ra rất rõ 3 trụ cột chính trong quá trình chuyển đổi, phát triển của ngân hàng gồm “Số hóa - Dữ liệu và Nhân tài”. “Năm 2023 sẽ là điểm bùng nổ của quá trình chuyển đổi. Trong 2 năm qua, ngân hàng đã tập trung vào việc xây dựng các khả năng nền tảng như triển khai các nền tảng cốt lõi mới như điện toán đám mây, xây dựng và nâng cấp cơ sở dữ liệu vượt trội trong toàn ngành ngân hàng. Techcombank hiện đã sẵn sàng chuyển mình”, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc của ngân hàng chia sẻ. 

Năng lực mới tạo lập sẽ giúp Techcombank đạt được các mục tiêu quan trọng, bao gồm tăng số dư CASA, cải thiện thu nhập phí dựa trên mô hình kinh doanh mới, và đa dạng hóa danh mục tín dụng thông qua dịch chuyển sang phân khúc khách hàng bán lẻ và SME.

Theo ông Jens Lottner, với khoảng hơn 6 triệu khách hàng cá nhân đang sử dụng Techcombank Mobile, Techcombank đã đạt quy mô cho phép gia tăng tương tác khách hàng theo hướng cá nhân hóa. Chẳng hạn, Techcombank đang phát triển sản phẩm quản lý gia sản toàn diện cho nhóm khách hàng có tài sản ròng và thu nhập cao. Đây là một phần trong định vị phân cấp thương hiệu mới của Techcombank dành cho khách hàng cao cấp và khách hàng ưu tiên.

Hiện tại, ngân hàng đang tăng tốc tận dụng hệ sinh thái của đối tác để thu hút khách hàng, thông qua các kênh số hóa. Những công nghệ này cho phép Techcombank tiếp cận khách hàng nhanh chóng, trên quy mô lớn với chi phí tối thiểu so với phương pháp truyền thống.

Ngoài khách hàng cá nhân, Techcombank cũng đang nỗ lực đa dạng hóa phát triển sản phẩm, mở rộng dịch vụ phân khúc SME như các giải pháp tối ưu tiền mặt, hỗ trợ thanh toán, thu tiền hộ…

Để mở rộng thu nhập từ phí ngoài hoạt động ngân hàng đầu tư, Techcombank cũng đẩy mạnh các sản phẩm thẻ tín dụng, bảo hiểm, ngoại hối, quản lý tiền mặt và tài chính doanh nghiệp…

“Hiện nay, thị trường tài chính cung cấp rất nhiều lựa chọn về dịch vụ ngân hàng cho khách hàng. Vấn đề của các ngân hàng là làm sao để được khách hàng lựa chọn. Với Techcombank, đáp án là hành trình trải nghiệm và các giải pháp cá nhân hóa tức thì”, ông Jens Lottner chia sẻ.

Để làm được điều này, Techcombank dùng công nghệ để xử lý dữ liệu, đảm bảo không chỉ phản ứng với các nhu cầu phát sinh, mà luôn chủ động tiến tới dự báo, đóng đầu nhu cầu khách hàng.

ROAtechcombank2023

Tập trung quản trị rủi ro

Ban lãnh đạo của Techcombank nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với khá nhiều biến động khó khăn tiềm ẩn do cả nền kinh tế trong nước và quốc tế. Điều này có thể thấy rõ trong 2 tháng đầu năm 2023.

Dù thanh khoản thị trường đã có dấu hiệu cải thiện so với thời điểm cuối năm ngoái, nhưng môi trường lãi suất vẫn ở mức cao. Tín dụng và huy động đều tăng trưởng rất thấp. Tương tự, nhu cầu ở các thị trường đầu tư như trái phiếu vẫn ở mức thấp. Đây là những yếu tố không thuận lợi cho toàn ngành ngân hàng trong năm 2023.

Trong bối cảnh đó, Techcombank không lựa chọn chạy đua tăng trưởng hay lợi nhuận, mà chọn tiếp tục kiểm soát chất lượng tín dụng chặt chẽ, nâng cao quản trị rủi ro và gian lận trên toàn hệ thống.

Đại diện ngân hàng chia sẻ, Techcombank đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó với biến động của thị trường. Chẳng hạn, kịch bản khó khăn sẽ kéo dài trong những tháng đầu năm 2023, hay kịch bản khó khăn hơn là lãi suất tiếp tục tăng cao, tỷ giá biến động mạnh…. Trong các kịch bản trên nợ xấu Techcombank đều sẽ được kiểm soát ở mức ổn định và không ảnh hướng đến tình hình tài chính ngân hàng.

Cho vay bất động sản là một trong những mảng trụ cột của Techcombank, và mảng kinh doanh này đang bị ảnh hưởng lớn trong thời gian qua khi lãi suất tăng cao, thanh khoản co hẹp. Mặc dù vậy, về dài hạn Techcombank vẫn đánh giá thị trường bất động sản rất tích cực khi tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu nhà ở chỉ 5%. Ngân hàng tự tin tiếp tục phát triển mạnh ở mảng này, bên cạnh việc đa dạng hóa các mảng khác.

Chiến lược quản lý chuỗi giá trị

Để vượt qua khó khăn giai đoạn hiện tại, Techcombank đã thực hiện chiến lược quản lý chuỗi giá trị, tức là quản lý từ chủ đầu tư, bên thi công xây dựng cho đến khách hàng cá nhân. Điều này giúp ngân hàng quản lý được về mặt dòng tiền nên rủi ro sẽ thấp hơn và hiểu ngay được khi nào thì doanh nghiệp bất động sản có khó khăn dòng tiền và xử lý kịp thời.

Ngân hàng cũng cho biết có thể sẽ hỗ trợ các khách hàng của mình sắp xếp lại một số khoản thanh toán đến hạn, đồng hành chia sẻ khó khăn đang gặp phải trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, điều này phải được đảm bảo theo quy định của ngân hàng và pháp luật.

Mặt khác, Techcombank cũng đang chuyển dịch cơ cấu tín dụng đa dạng hơn để giảm thiểu rủi ro. Trên thực tế, trong năm 2022, danh mục tín dụng của Techcombank đã liên tục được chuyển dịch sang phân khúc bán lẻ, từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng.

Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đã tăng 40,1%, đạt    nghìn tỷ đồng, chiếm 49,1% danh mục tín dụng của ngân hàng. Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 7,3% so với năm trước đó, đạt gần 70 nghìn tỷ đồng.

Bước đi của Techcombank là một phần trong chiến lược “rủi ro thấp” mà ngân hàng đã theo đuổi từ nhiều năm nay. Nhìn lại năm 2022, dù phải đối mặt nhiều khó khăn, Techcombank vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá sở hữu cấu trúc nguồn vốn vững chắc. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) 3,2%, ở vị thế đầu ngành về hiệu quả hoạt động và khả năng quản lý tài sản tốt.

Với những thế mạnh nổi trội, ban lãnh đạo Techcombank tự tin năm 2023 vẫn sẽ gặt hái nhiều thành công. Dù mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn có thể suy giảm, nhưng các mục tiêu trung hạn cho giai đoạn 2021 – 2025 của ngân hàng sẽ không đổi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top