Aa

Dân mong nhà ở xã hội như “nắng hạn mong mưa”

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Năm, 25/08/2022 - 06:08

Nguồn cung nhà ở khan hiếm, giá nhà không ngừng tăng cao khiến khát vọng về một chốn an cư của những người thu nhập thấp tại đô thị phụ thuộc phần lớn vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.

Từ nay đến năm 2025, cả nước đặt mục tiêu hoàn thành 156 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng với quy mô 156.700 căn hộ và có 245 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư. Đồng thời, tiếp tục khởi công thêm các dự án mới với đích đến của năm 2030 là hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp.

Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay tới năm 2030 và yêu cầu các bộ, ngành cần có giải pháp rút ngắn thủ tục, khuyến khích hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp tham gia.

Đây là một trong những tín hiệu tích cực, mở ra kỳ vọng về một nguồn cung nhà ở xã hội dồi dào hơn cho các đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, những bất cập “muôn năm cũ” vẫn còn hiển hiện như những chướng ngại vật khiến những mục tiêu, kế hoạch về nhà ở xã hội không ít lần bị vỡ. Trên thực tế, người dân vẫn mong nhà ở xã hội như nắng hạn mong mưa.

MÒN MỎI CHỜ ĐẾN LƯỢT "AN CƯ" 

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến tháng 6 năm 2022 mới đạt 7,3/12,5 triệu mét vuông theo kế hoạch. Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu mét vuông tương đương 54.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,6 triệu mét vuông với 92.500 căn hộ.

Tại Hà Nội, hiện có 25 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng với gần 12.909 căn hộ. Dự kiến, trong quý III và IV/2022, khi 2 dự án mới được khởi công cũng chỉ bổ sung thêm 1.860 căn. Trước đó, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 mới đạt 26,24%. Trong khi đó, người dân lao động có nhu cầu về phân khúc này rất lớn, chiếm đến 70 - 80%.

Cũng theo Bộ Xây dựng, số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương cho thấy nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025 cho đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Những con số thống kê trên cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội ở Việt Nam là rất lớn và thực trạng hiện nay chưa thể đáp ứng. Vẫn còn rất nhiều người dân đang ngóng chờ tới lượt mình được “đổi đời”, an cư lạc nghiệp.

 “2 vợ chồng từ Hoà Bình đến Bắc Ninh làm công nhân đã gần 5 năm. Từ đó đến nay, cả 2 vợ chồng cùng con nhỏ ở trong phòng trọ 12m2, chật chội, bức bối lắm, nhưng để tiết kiệm tiền, không thể thuê chỗ khang trang hơn. Khi được nghe đến chính sách nhà ở xã hội, chúng tôi dự tính sẽ dùng số tiền đã tiết kiệm cùng với vay từ gia đình, bạn bè chờ ngày có thể mua nhà giá rẻ để cho con có thể sống thoải mái hơn, gia đình được ổn định hơn, nhưng làm giấy tờ đăng ký rồi mà chờ mãi mà vẫn chưa thấy được liên hệ gì cả”, chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân làm việc tại một khu công nghiệp ở Bắc Ninh cho biết.

Hiện nay có 90% lao động trong các khu công nghiệp phải ở trọ vì họ từ các địa phương khác đến, nhà cửa tạm bợ, điều kiện sống khó khăn, chật chội và bất tiện. Nhiều người rất muốn gắn bó lâu dài cùng doanh nghịêp và địa phương nhưng chốn ăn nghỉ sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc lại không được thoải mái để họ có thể tái tạo năng lượng. Họ luôn luôn phải tiết kiệm từng chút một với những lo toan cuộc sống.

nhà ở xã hội
Chỗ ở của cả gia đình công nhân tại Đông Anh (Ảnh: Thảo Bùi)

Trong căn phòng chật chội gần khu công nghiệp Thăng Long, anh Nguyễn Đình Đại - cũng như nhiều công nhân khác đang rất mong chờ được mua nhà ở xã hội, cho biết: “Cả hai vợ chồng đều làm công nhân nên phòng trọ tối cũng chỉ là nơi ngả lưng. Nhưng từ khi có con nhỏ, không gian sinh hoạt trở nên ngột ngạt, nhất là những ngày nắng nóng đỉnh điểm của mùa hè. Vì thế, tôi đành phải gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp, rất nhớ con và muốn đón con lên ở cùng, mà nếu vậy vợ chồng tôi cũng muốn có căn nhà rộng rãi tiện nghi hơn. Từ khi nghe tới dự án nhà ở xã hội tôi cũng rất mong chờ được mua, dù có phải vay mượn thì 2 vợ chồng cũng sẵn sàng”.

Trong bối cảnh giá nhà ở thương mại không ngừng tăng cao và tăng nhanh, trên thị trường chủ yếu là phân khúc trung, cao cấp, giấc mơ được sở hữu căn nhà riêng mình của những người công nhân và lao động có thu nhập thấp ngày càng xa vời. Họ chỉ có thể hy vọng vào các dự án nhà ở xã hội sẽ có những căn giá hợp lý trong khả năng tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ để tiếp cận với nguồn cung nhà ở xã hội hiện hữu.

“Đăng ký mua là một chuyện còn liệu có tới lượt mình được mua hay không cũng là cả một vấn đề. Tôi phải nhờ môi giới bốc thăm hộ vì khả năng tự đi bốc thăm để mua được rất thấp, tỷ lệ cạnh tranh cao 1/20, thậm chí là 1/30. Dù phải mất thêm phí cũng đành chịu vì chúng tôi chờ đợi lâu lắm rồi không muốn khi có dự án mở bán lại bị bỏ lỡ”, chị N.T.M chia sẻ và cho biết, năm 2020, hai vợ chồng vay ngân hàng theo chính sách ưu đãi của Nhà nước để mua nhà ở xã hội tại Trung Văn, tuy nhiên, đến nay đã 2 năm trôi qua, gia đình vẫn đang phải thuê phòng trọ ở vì dự án vẫn chưa thể hoàn thiện.

Tại địa bàn Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, nhiều dự án nhà ở xã hội đã đưa ra những thông tin về giá và diện tích dự kiến mở bán, mức giá dao động từ 13 - 19 triệu đồng/m2 tuỳ thuộc từng vị trí và tiện ích đi kèm. Đơn cử như Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn có giá bán dự kiến 14,7 triệu đồng/m2 với diện tích linh hoạt từ 69,8 - 88,8m2, bố trí từ 2  - 3 phòng ngủ; Dự án Rice City Tố Hữu có giá bán dự kiến 16 triệu đồng/m2, diện tích 45 - 70m2 thừa hưởng nhiều tiện ích sẵn có từ cơ sở hạ tầng, trường học, chợ, siêu thị, bệnh viện của khu dân cư hiện hữu… Tuy nhiên, khảo sát thực tế, các dự án này vẫn đang chỉ là bãi đất bằng, mới bắt đầu tiến hành thi công, trong khi đó hầu hết các trang thông tin đều nói rằng dự án sẽ bàn giao vào quý III/2022. Anh Hoàng - nhân viên bán hàng của dự án nhà ở xã hội tại Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) anh cho biết: “Dự án mới chỉ đang làm móng thôi, các thông tin truyền thông chưa kịp sửa lại theo đúng tiến độ, chắc phải sang năm mới có hàng bán”.

nhà ở xã hội
Nhiều dự án nhà ở xã hội đang trong tình trạng thi công ì ạch, chưa hẹn ngày về đích (Ảnh: Thảo Bùi)

GỠ NÚT THẮT, GIA TĂNG NGUỒN CUNG NHÀ Ở XÃ HỘI

Thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án nhà ở xã hội, theo quy định của pháp luật, các dự án nhà ở thương mại bắt buộc phải dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội nhưng các nhà đầu tư hầu hết không đồng thuận với việc này và nhiều đề xuất hóa giải vướng mắc đã được đưa ra, như: Chấp thuận việc thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%, hoặc có thể chuyển đổi quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội sang một khu vực khác để phát triển một dự án nhà ở xã hội độc lập theo đúng nghĩa vụ của chủ đầu tư.

Một vấn đề khác là lợi nhuận đầu tư thấp, bị cố định 10% trong khi đó nếu làm nhà ở thương mại thì lợi nhuận mang lại cho họ gấp nhiều lần hơn thế. Các doanh nghiệp đầu tư cũng rất khó để tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; mặt khác để bắt tay vào làm còn phải chờ đợi thủ tục hành chính rất rườm rà, mất thời gian, phức tạp hơn rất nhiều so với nhà ở thương mại. Ngoài ra, để phát triển các khu nhà ở xã hội đầy đủ tiện ích, đảm bảo cuộc sống cho người mua như nhà ở thương mại cũng là một thử thách rất khó…

 “Việc được dành 20% tổng diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư và phần lợi nhuận bị cố định 10% vẫn chưa đủ sức hấp dẫn với nhiều chủ đầu tư, bên cạnh đó thủ tục khó khăn và phức tạp cũng là một vấn đề. Với người có nhu cầu ở thực, đối tượng thường là công nhân, có thu nhập chưa cao, hoặc là người lao động đến từ các địa phương khác, không có nhu cầu mua, chỉ có nhu cầu thuê. Với thị trường, nhà ở xã hội không dành cho khách hàng đầu tư vì phải đúng đối tượng mới được mua nhà ở xã hội. Phát triển các khu nhà ở xã hội đầy đủ tiện ích, đảm bảo cuộc sống cho người mua như nhà ở thương mại là một thử thách với thị trường hiện nay”, chuyên gia bất động sản Trịnh Tùng Bách, CEO Bất động sản Sen Vàng nhìn nhận.

nhà ở xã hội

Công nhân, người lao động thu nhập thấp vẫn đang phải sống trong những khu trọ chật hẹp, mòn mỏi chờ một chốn an cư thực thụ. (Ảnh Thảo Bùi)

Trong thời gian tới, gói hỗ trợ 15 nghìn tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho các cá nhân vay mua, thuê mua và cải tạo nhà ở với lãi suất 4,8% được kỳ vọng là bước đột phá góp phần thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội và các chính sách an sinh khác. Tuy nhiên, để con số 15 nghìn tỷ này không bị “ế”, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới cần đẩy nhanh triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, gần đây, hàng loạt các ông lớn trong lĩnh vực bất động sản như Vingroup, Novaland, Him Lam, Hưng Thịnh, Becamex, Sun group, Bitexco,… đang có 1 cam kết chung trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện đề án hoàn thành xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Cụ thể Tập đoàn Vingroup sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm tới; Công ty Novaland cam kết đầu tư xây dựng 200.000 căn tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam; Tập đoàn Him Lam sẵn sàng tham gia với 75.000 căn hộ; Tập đoàn Hoà Bình cũng đang làm dự án nhà ở xã hội quy mô lớn và khởi công trong năm nay…

Các chuyên gia nhận định, đây là tín hiệu đáng mừng, là 1 tin vui đối với công nhân và người lao động có thu nhập thấp khi giá nhà đang vượt ngoài tầm với. Nhưng liệu các nút thắt đã nêu lên trong nhiều năm qua có được gỡ bỏ để người lao động có nhu cầu nhanh chóng được tiếp cận nhà ở xã hội hay không là vấn đề cần đặt ra.

Theo chuyên gia Trịnh Tùng Bách, cần có những giải pháp tài chính, kỹ thuật khiến nhà ở xã hội thực sự phát triển theo đúng nhu cầu của thị trường hoặc phải do Nhà nước quản lý 100% như bài học từ Singapore.

Ông Trịnh Tùng Bách, CEO Bất động sản Sen Vàng

“Singapore có tới hơn 80% dân số ở trong các toà nhà ở xã hội. Cơ quan quản lý nhà ở xã hội duy nhất của Singapore là HDB (Housing and Development Board - Cơ quan phát triển nhà ở xã hội), chịu trách nhiệm hoàn toàn về phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ Singapore áp dụng phương thức tiếp cận tổng thể đối với nhà ở. Từ quy hoạch, thiết kế cho đến thu hồi đất và xây dựng, thông qua phân phối, quản lý, bảo trì, các nhiệm vụ liên quan đến nhà ở nằm trong một tổng thể trọn vẹn, liền mạch.

Ngoài ra chính phủ Singapore có sự định hướng cũng như hỗ trợ mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính và pháp lý giúp cho chương trình nhà ở xã hội đi đúng lộ trình và đến được với người dân có nhu cầu thực sự.

Đó là những bài học quan trọng để phát triển nhà ở xã hội, các yếu tố về thị trường, các gói hỗ trợ cũng như quản lý chất lượng nhà ở xã hội cần phải tiến hành đồng bộ để thực sự tạo ra những sản phẩm nhà ở xã hội chất lượng phục vụ đối tượng có nhu cầu thực”, ông Bách chia sẻ./.

Tại hội nghị “thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì đã thống nhất, chỉ ra 4 nhóm tồn tại, khó khăn là nguyên nhân dẫn đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội còn chậm và cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, cụ thể:

1. Cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời; như: trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư, quản lý mua-bán, thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải thực hiện qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài; chưa tính đủ các chi phí hợp lý hợp lệ; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư; trình tự đầu tư còn rườm rà, thủ tục nhiều bước, chưa có cơ chế huy động hợp tác công-tư.

2. Ngân sách Nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội, các chính sách chưa thực tế để thu hút nhà đầu tư.

3. Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa thực hiện phủ kín quy hoạch làm cơ sở xác định quỹ đất nhà ở xã hội; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm; người đứng đầu chưa quan tâm, linh hoạt, vận dụng, đôn đốc, kiểm tra.

4. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top