Aa

Người dân sẽ rút tiền đi mua vàng, mua đất nếu lãi suất quá thấp

Chủ Nhật, 28/11/2021 - 06:30

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia nhìn nhận, nếu lãi suất huy động quá thấp, người dân sẽ rút tiền mua nhà, mua vàng.

Theo tìm hiểu của Lao Động, trong các ngày gần đây, một số ngân hàng thương mại bắt đầu tăng nhẹ lãi suất huy động VND ở một số kỳ hạn. Đây là diễn biến thường thấy vào dịp cuối năm nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân tăng lên.

Trong các ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2021, một số ngân hàng như BaoVietBank tăng nhẹ lãi suất kỳ hạn 6 tháng thêm 0,15% lên mức 5,9%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng thêm 0,1% so với trước đó lên 6,35%/năm.

Còn tại Sacombank, người dân khi gửi tiền tại quầy kỳ hạn 36 tháng sẽ được nhận lãi suất ở mức 6,1%/năm, tăng tới 0,3% so với thời điểm tháng 9/2021. Thậm chí, với tiền gửi trực tuyến, người dân có thể nhận được lãi suất lên tới 6,6%/năm.

Từ giữa tháng 11/2021, một số ngân hàng khác như SHB cũng tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.

Như phản ánh của Lao Động, mặt bằng lãi suất huy động xuống thấp là một trong những yếu tố khiến người dân liên tiếp rút tiền tiết kiệm ngân hàng trong 2 tháng 8 - 9/2021.

Cụ thể chỉ trong hai tháng trên, tổng số dư tiền gửi, tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng lại diễn biến trái chiều khi liên tục đi xuống trong hai tháng liên tiếp. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2021, tổng số dư tiền gửi của người dân giảm tới 2.459 tỷ đồng so với cuối tháng 7/2021.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, việc các ngân hàng lần lượt giảm mạnh lãi suất huy động vốn là yếu tố khiến nhiều người rút tiền chuyển sang kênh đầu tư khác.

"Các tác động của dịch Covid-19 cùng với việc lãi suất tiết kiệm liên tục giảm đã khiến cho tiền nhàn rỗi trong cư dân chảy vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn như bất động sản hay chứng khoán và giảm tiền gửi tại hệ thống ngân hàng" - các chuyên gia phân tích của chứng khoán BVSC nhận định.

Thực tế trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tài chính, 3 tháng cuối năm thường là cao điểm cho vay tại các ngân hàng do nhu cầu vốn vay phục vụ tiêu dùng và sản xuất tăng đột biến nên rất khó đặt vấn đề tiếp tục lãi suất huy động để có thể giảm thêm lãi suất cho vay.

Với thực tế nguồn tiền gửi dân cư liên tục giảm trong 2 tháng 8 - 9/2021, việc lãi suất xuống thấp có thể khiến sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm giảm thêm và từ đây khiến dòng tiền có nguy cơ tiếp tục chảy sang các kênh đầu tư khác.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Đào Minh Tú, tính đến cuối tháng 9/2021, lãi suất huy động mới chỉ giảm khoảng 1 - 1,5%/năm so với trước đây mà huy động vốn trong nền kinh tế đã giảm xuống, năm ngoái huy động dân cư chỉ tăng hơn 6%. Huy động cũng thấp hơn rất nhiều so với tín dụng.

Chính vì vậy, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, không thể đặt ra câu chuyện tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra. Bởi nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi nữa mà đi mua nhà, mua vàng, có thể dẫn đến bất ổn.

Trong khi ngân hàng muốn ổn định thì vẫn phải có nguồn tiền gửi để cho vay. Do đó, phải duy trì được đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top