Dạt dào nguồn sữa yêu thương

Dạt dào nguồn sữa yêu thương

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Ba, 27/06/2023 - 06:30

Tôi may mắn sớm được đặt chân tới những vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Biết bao câu chuyện lay động lòng người và phút giây tôi cảm thấy bình yên nhất chính là hình ảnh những dòng sữa ngọt ngào như sữa mẹ từ từ tuôn chảy, làm dịu đi từng cơn đói, sự mỏi mệt, kiệt sức. Vẫn biết, đó không phải lần đầu mỗi con người nơi xa xôi nhận nguồn sữa mát lành, song nhìn vào từng ánh mắt, môi cười… ai nấy đều cảm nhận được niềm hạnh phúc trong veo, lấp lánh, nối dài sẻ chia và hy vọng. 

******

Lời toà soạn:

Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm sự nghiệp lớn. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành những tên tuổi lớn, kiến tạo những thương hiệu quốc gia. Trong hành trình phát triển, từ những thăng – trầm, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã bộc lộ bản lĩnh và khát vọng, cống hiến và đồng hành cùng vận nước. 

Khi đất nước phải căng mình ứng phó với hệ quả của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường ở mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng là những người tiên phong đang giải bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm - đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng. 

Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Nguồn lực phát triển cho giai đoạn tới là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt chính là rường cột cho công cuộc kiến tạo tương lai thịnh vượng, với vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng trên hành trình thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình. 

Trân trọng và tự hào trước tinh thần phụng sự đất nước của cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân Việt, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (reatimes.vn) thực hiện chuyên đề: Doanh nghiệp, doanh nhân và trách nhiệm xã hội. 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Những ngày cuối thu năm 2022, đoàn phóng viên chúng tôi đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho chuyến thực tế tại xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu với tất cả thiết bị tác nghiệp tối ưu nhất. Thế rồi suốt đêm hôm trước trời mưa giông lớn, sáng hôm sau thì mưa xối xả, mịt mùng, không khí trở nên căng thẳng, bức bối. Mọi người xôn xao bàn tán, phỏng đoán xem hành trình đã dự định liệu có khởi hành không. Trưởng đoàn ý chừng cũng sốt ruột đành thành thật bày tỏ: “99,9% là phụ thuộc vào nhà tài trợ các đồng chí ạ! Mong mọi người hết sức chia sẻ nếu chúng ta lỡ hẹn với Nậm Nhùn”. Những lời xôn xao bỗng chốc vỡ òa. Hầu hết những ai có mặt đều e ngại có thể nhà tài trợ sẽ gửi quà lên bản nhỏ sau, tình hình thời tiết thế này lặn lội thì cực lắm. Ấy vậy mà chỉ ít phút sau, còi xe giục giã lên đường, trên xe đại diện nhà tài trợ Vinamilk đã nghiêm chỉnh, sẵn sàng chờ đợi và chào đón. 

nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai

Đường dốc và trơn, nhiều khúc cua hiểm trở, nhà tài trợ ấm áp động viên các nhà báo và liên tục đưa ra lời xin lỗi đã để mọi người vất vả. Gần trưa, đoàn tới bản nhỏ, cả đám đông người dân và trẻ nhỏ đã đợi sẵn từ bao giờ, không mũ nón hay ô che. Tôi chào hỏi nhanh một người phụ nữ trẻ, biết tên cô là Vàng Thị Dợ, 19 tuổi, người dân tộc H’Mông đã bồng bế hai con nhỏ đứng ở cổng trường mầm non từ sáng tinh mơ. Bên cạnh cô còn rất nhiều phụ nữ và trẻ em dân tộc Mảng, Lự... Soi vào ánh mắt họ, tôi chợt hiểu rằng, cách chờ đợi đó tự nhiên như tình thân, như chưa hề có sự xa cách hay khoảng cách. Cảm nhận ấy không sai, nhất là khi chúng tôi chứng kiến những vòng tay ôm, những đôi mắt rưng rưng, những lời thăm hỏi gần gũi mà tha thiết từ nhà tài trợ. Cứ như thể họ vốn là người con của bản nhỏ, chỉ đi đâu đó một thời gian và nay lại trở về. Các em nhỏ được uống sữa ngay trong khuôn viên trường một cách tức thời, hào hứng. Uống sữa xong thì chơi đùa, mang quà về bản chia cho bạn bè nào vì đau ốm chưa có mặt. 

Trẻ em tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu uống sữa tài trợ từ Vinamilk. (Ảnh: Lữ Mai)
Trẻ em tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu uống sữa tài trợ từ Vinamilk. (Ảnh: Lữ Mai)

Trẻ em tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu uống sữa tài trợ từ Vinamilk. (Ảnh: Lữ Mai)

Năm 2019, tôi có chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, dấu ấn Vinamilk cũng hiện hữu nơi đầu sóng một cách vô cùng thân thương, rõ nét. Các cán bộ chiến sĩ Hải quân trên tàu, trên đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn đều rưng rưng xúc động nhắc nhớ về dấu ấn từ năm 2014, thương hiệu Vinamilk đã ủng hộ 1 tỷ đồng cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Nguồn kinh phí này do cán bộ công nhân viên toàn đơn vị đóng góp một ngày lương, sau khi nghe tin tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng. Đó là những trăn trở và hành động thật thiết thực, kịp thời của thương hiệu và đội ngũ người lao động nhằm góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ Hải quân tiếp tục trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc ta. 

Ở giai đoạn trước đó và sau năm 2014, Vinamilk luôn bền bỉ đồng hành trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, quyên góp nguồn kinh phí đáng kể cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Các cán bộ, chiến sĩ xúc động cho biết, điều khiến các anh cảm kích không chỉ bởi sự đồng hành của thương hiệu ở chính nơi xa xôi ấy, mà đó còn là khi các anh ôm súng canh gác biển trời vẫn biết được chốn quê nhà bố mẹ, vợ con mình cũng đang được Vinamilk quan tâm, chia sẻ bằng những chương trình hành động thật nhân văn vào mỗi dịp Tết đến xuân về, Tết Trung thu, ngày khai trường, ngày Quốc tế thiếu nhi...

Nơi đầu sóng, chúng tôi cũng cảm thấy lòng mình xôn xao, lay động trước hình ảnh nơi bậc thềm trường học trên các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn… chan hòa nắng, các thầy giáo cặm cụi phơi vỏ ốc làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ, còn trẻ nhỏ vừa ê a đố vui, học bài, trên tay vừa cầm những hộp sữa ngon ngọt mát lành. Đảo nhỏ, chiếc bảng chia làm 5 phần, thầy dạy tới 5 cấp học trong một lớp và kiêm luôn bảo mẫu. Các thầy giáo tự tin tâm sự, từ khi có sự đồng hành của Vinamilk (mà hành trình đó đã bắt đầu từ khá lâu rồi), việc khích lệ, động viên học trò trở nên thuận lợi. Các trò lớn hay nhỏ đều cần sữa cho sự phát triển thể lực và trí tuệ. Ở nơi này, mọi nguồn quan tâm đều hướng tới nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và nuôi dưỡng mầm non tương lai. Nguồn sữa không đơn thuần mang đến sự phát triển cơ bản mà còn chứa đựng tình cảm đầy da diết, sâu nặng từ đất liền, từ một thương hiệu uy tín trong nước và đã khẳng định được tiếng vang trên thị trường quốc tế. 

Vinamilk luôn được nhớ đến là
Vinamilk luôn được nhớ đến là

Vinamilk luôn được nhớ đến là "Thương hiệu gắn bó cộng đồng". (Ảnh: Vinamilk)

Vinamilk quan tâm tới cả các thầy giáo làm nhiệm vụ gieo chữ ở đảo xa. Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú - người từng 7 lần làm đơn tình nguyện, đợi chờ nhiều năm mới nhận được quyết định dạy học trên đảo Song Tử Tây - cẩn thận xếp từng hộp sữa, bảo quản nơi thoáng mát, không chịu ánh sáng trực tiếp để dành cho học trò. Các hộ dân kể lại, thầy và bộ đội luôn có thói quen dành phần quà thương hiệu tặng mình cho trẻ thơ. Theo bố mẹ ra sinh sống ở đảo Song Tử Tây, cháu Nguyễn Lưu Nhật Huy, học sinh lớp 5 “khoe” với khách, ở đảo tuy không được đi chơi nhiều như ở trong đất liền nhưng bù lại, cháu được hai thầy giáo và các chú bộ đội yêu thương, chăm sóc. Ngoài những món đồ dùng học tập, đồ chơi được gửi từ đất liền thì học sinh ngoài đảo rất thích uống sữa và nhận được các món quà ý nghĩa như sách vở, đồ dùng học tập, xe đạp… từ Vinamilk. 

Nghe học trò kể chuyện, các thầy giáo hồi nhớ ký ức cách đây nhiều năm, đảo chưa có trường riêng, lớp học phải mượn tạm nhà bộ đội; thiếu điện sáng, các thầy soạn giáo án, chấm bài cho học sinh dưới ánh nến chập chờn. Khi trường tiểu học được xây mới cũng là lúc những dòng sữa ngọt ngào từ đất liền được chuyển ra đây dù điều kiện vận chuyển, bảo quản khi ấy còn rất khó khăn, thiếu thốn so với đất liền. Bù lại, điều quý giá nhất mà mỗi công dân nhỏ ở Trường Sa nhận được chính là sức khỏe, tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo bên cạnh một gia đình lớn có bố mẹ, thầy giáo và bộ đội. “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển...”, đó là những câu thơ mà bất cứ vị khách nào ra Trường Sa, gặp các công dân nhỏ đều sẽ được nghe các em vừa đọc vừa uống sữa. 

“Đặt mục tiêu hướng tới cộng đồng như một quyết sách bền vững và văn hóa kinh doanh đúng đắn, nhân văn, Vinamilk đã góp phần truyền cảm hứng tốt đẹp tới cuộc sống như chính hương vị của dòng sữa ngọt thơm đã có mặt khắp nơi, kể cả những vùng miền xa xôi và còn nhiều gian khó…”.

Nhà thơ Lữ Mai

Rất nhiều em mạnh dạn bày tỏ mơ ước sau này được trở thành chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời hoặc gần gũi nhất là được làm người thầy đứng trên bục giảng như thầy giáo của các em đang tận tụy mỗi ngày hoặc trở thành một thành viên trong gia đình lớn Vinamilk để tiếp tục mang nguồn sữa ngọt lành tới cho nhiều trẻ em vùng sâu, miền xa, biên cương, hảo đảo. Giữa biển đảo bao la, hình ảnh các em nhỏ tạo thành một vòng tròn múa hát chung quanh cột mốc chủ quyền, cùng nhau tái chế vỏ hộp sữa thành xe ô tô, đoàn tàu hỏa đồ chơi thật đẹp đẽ và lay động. 

Trong hành trình bền bỉ và lan tỏa mạnh mẽ của Vinamilk, không thể không nhắc tới doanh nhân Mai Kiều Liên với chặng đường hơn 47 năm làm việc tại Vinamilk, trong đó có 3 thập kỷ bà giữ cương vị Tổng Giám đốc và luôn được biết đến bằng tinh thần luôn đổi mới sáng tạo, không ngại thay đổi. Trải qua nhiều thăng trầm, có những giai đoạn thực sự đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực vượt khó, nữ “thuyền trưởng” tài hoa, bản lĩnh liên tục đặt ra yêu cầu đổi mới để phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn. 

Bà gắn bó với Vinamilk từ khi doanh nghiệp này mới thành lập, tiếp quản và khôi phục thành công 3 nhà máy sản xuất sữa đã bị hư hỏng nhiều sau chiến tranh và góp phần đề ra các quyết sách cho cuộc “cách mạng trắng” để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa trong nước vào những năm 1990. Dưới sự điều hành của bà, Vinamilk đã trở thành công ty sữa hàng đầu Việt Nam, hiện nằm trong Top 50 công ty sữa lớn nhất toàn cầu, thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới và tiềm năng nhất toàn cầu 2022. 

Bà Mai Kiều Liên - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Vinamilk. (Ảnh: Vinamilk)
Bà Mai Kiều Liên - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Vinamilk. (Ảnh: Vinamilk)

Ai có dịp tiếp xúc, chuyện trò với bà Mai Kiều Liên - người phụ nữ quê ở huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang nhưng sinh ra tại Paris (Pháp) sẽ đều cảm nhận được tư duy thông minh, nhạy bén và một tâm hồn nhân hậu, nồng ấm. Bên cạnh tố chất nổi bật của bản thân, bà cũng được thừa hưởng tinh thần đầy tích cực từ gia đình mình - những trí thức yêu nước đang sinh sống tại Pháp, năm 1957 đã quyết định trở về nước, mang năng lực và khát vọng đóng góp cho quê hương. Tốt nghiệp trường phổ thông Trưng Vương, một lần nữa bà Liên lại “xuất ngoại” khi được Nhà nước cử sang Liên Xô học về ngành chế biến sữa. 

Sau khi về nước, bà trở thành kỹ sư phụ trách Khối Sản xuất tại Công ty Sữa - Cà phê Miền Nam (tiền thân của Vinamilk), và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó Giám đốc kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc và đến tháng 12/1992 trở thành Tổng Giám đốc Vinamilk. Dấu ấn đầy đột phá của bà đã đưa thương hiệu Vinamilk trở thành trường hợp điển hình, thành công bậc nhất của công cuộc cổ phần hóa nhờ tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm, kinh doanh hiệu quả và góp phần thúc đẩy xã hội. 

Với sự nghiệp cống hiến không ngừng nghỉ cùng những đóng góp lớn lao cho sự phát triển của ngành công nghiệp sữa trong nước và khu vực, doanh nhân Mai Kiều Liên đã được trao Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (2005), Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì (2006, 2001), được vinh danh trong chương trình Vinh Quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới (2017). Bà cũng nhiều lần được các tổ chức quốc tế uy tín như Nikkei, Forbes châu Á bình chọn là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, có đóng góp nổi bật cho nền kinh tế Việt Nam và khu vực. Bà đã được vinh danh Doanh nhân xuất sắc 2022 nhờ bản lĩnh, trí tuệ đáng khâm phục, vững tay chèo, giữ cho con thuyền doanh nghiệp ổn định, phục hồi tăng trưởng và phát triển bền vững.

bà Mai Kiều Liên
Bà Mai Kiều Liên trao tận tay các hộp sữa thơm ngon bổ dưỡng cho các em học sinh nghèo tại chương trình Quỹ sữa Vươn Cao Việt Nam ở Quảng Ninh. (Ảnh: Vinamilk)

Đặt mục tiêu hướng tới cộng đồng như một quyết sách bền vững và văn hóa kinh doanh đúng đắn, nhân văn, Vinamilk đã góp phần truyền cảm hứng tốt đẹp tới cuộc sống như chính hương vị của dòng sữa ngọt thơm đã có mặt khắp nơi, kể cả những vùng miền xa xôi và còn nhiều gian khó… Cũng xuất phát từ nền tảng giá trị này, niềm tin vững chắc của cộng đồng dành cho Vinamilk sẽ luôn trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để con thuyền doanh nghiệp thêm “vững tay chèo” ra khơi, vươn tầm thế giới. 

Có một bài thơ được nhiều người mẹ trên đất nước ta thường ngâm nga khi ru con, dỗ dành con, đó là bài thơ “Trắng trong” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc thành bài hát “Khúc hát ru của người mẹ trẻ”. Bài thơ nổi tiếng này được nữ thi sĩ sáng tác trong bối cảnh khi chiến tranh chống Mỹ vừa kết thúc để lại muôn vàn nỗi đau thương, mất mát. Bài thơ không đề cập tới đau thương, chỉ hướng tới tinh thần lạc quan, những điều tốt đẹp, sự trắng trong thuần khiết của tâm hồn. Hẳn phải đạt tới một sự bao dung, một tầm nhìn xa bao la lắm mới có thể chạm tới giá trị nhân văn vĩnh cửu. Dòng sữa trong bài thơ ấy gắn với tình cảm thiêng liêng, ước nguyện tốt đẹp mà mỗi người mẹ luôn dành cho con mình: “Sữa mẹ trắng trong/ Con ơi hãy uống/ Rồi mai khôn lớn/ Con ơi hãy nghĩ/ Những điều trắng trong…”. 

Niềm hy vọng dành cho thế giới trẻ thơ và hạnh phúc con người không phải là tiền bạc hay tiện nghi mà chính là những điều trắng trong trong ý nghĩ, trong nhân cách. Tất cả hiền lành, gần gụi như đất mẹ, như cây lúa, phù sa, hương hoa, ngọn gió… Từ bao giờ, nguồn sữa nuôi dưỡng sinh tồn, sinh trưởng, là cội nguồn sự sống và đó cũng trở thành mạch nguồn đầy nhân ái, yêu thương trên cuộc đời này… Ngay cả khi những đứa trẻ đã lớn lên, dòng sữa mẹ có thể đến hồi vơi cạn… thì Vinamilk vẫn âm thầm, bền bỉ với sứ mệnh đầy dấu ấn của tinh thần đầy bản lĩnh, nhân văn./.

Những dấu ấn vì cộng đồng xuất sắc của Vinamilk

- Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam”: Được thành lập từ năm 2008, dưới sự chủ trì của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng hành bởi Vinamilk.

- Chương trình Sữa học đường: Được Vinamilk tiên phong thực hiện từ năm học 2006 - 2007.

- Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam: Quỹ được ra đời với mục đích trồng thêm nhiều cây xanh cho các tỉnh, thành phố, cải thiện môi trường sống cho người dân Việt Nam.

- Quỹ học bổng “Vinamilk - Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam”: Được khởi nguồn từ năm 2003 theo sự đề xuất của Vinamilk và được sự chấp thuận, chủ trì của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

- Năm 2021, thông qua chiến dịch cộng đồng ý nghĩa “Bạn khỏe mạnh, Việt Nam khỏe mạnh”, Vinamilk đã góp 10 tỷ mua vắc-xin phòng Covid-19, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bị tác động vì Covid-19 và 1 triệu ly sữa cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... 

- Chương trình hỗ trợ quà tặng nhằm trợ giá cho người tiêu dùng "San sẻ gánh lo mùa dịch” được Vinamilk thực hiện trên cả nước trong tháng 8/2021 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 45 năm của công ty...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top