Tiền vốn mắc kẹt ở vùng quê
Không nằm ngoài bức tranh ảm đạm chung của thị trường, khu vực nông thôn giờ đây đã không còn cảnh hàng loạt xe ô tô đỗ dài xem đất, những môi giới địa phương tưởng chừng “đổi đời” nhờ đi làm bất động sản thì giờ đây cũng đã phải quay về với công việc “tay chân” ở làng quê.
Quãng thời gian sốt nóng đi qua, để lại những sự tiếc nuối cho người dân địa phương. Người thì tiếc vì vốn dĩ có thể bán đất để trả nợ kinh doanh, thế nhưng do vẫn chờ đợi giá cao hơn nên đến giờ không những không bán được mà dù có giảm giá cũng chẳng có ai mua. Với những người bán được đất ở thời điểm bắt đầu sốt nóng, giờ đây không ít hộ chia sẻ sự tiếc nuối, vì bán đất đi rồi, giờ tiền cũng đã tiêu hết, tài sản chẳng còn nữa muốn mua lại cũng chẳng mua được…
Đầu tư vào đất nền nông thôn, một số nhà đầu tư đã thu lãi lớn nhưng cũng không ít người ôm “quả đắng” vì bị chôn vốn, thậm chí thua lỗ nặng.
Chia sẻ với PV, anh Minh Tiến (28 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thời điểm đầu năm 2022 anh được bạn bè giới thiệu cùng mua chung một mảnh đất tại huyện Lương Sơn, Hoà Bình.
“Tôi vay ngân hàng đầu tư cùng bạn bè vào một mảnh đất hơn 1.000m2 với giá 6 tỷ đồng tại vùng ven Hà Nội. Thời điểm đó đất sốt lắm, chúng tôi không chốt nhanh là có người chốt mua ngay. Vị trí đất nằm ở mặt đường nên chúng tôi nghĩ trong vòng 1 - 2 năm tới giá nhất định sẽ tăng lên và cùng kỳ vọng về số tiền sinh lời. Tuy nhiên sau 1 năm, thị trường vắng bóng khách mua, có khách trả giá mảnh đất của chúng tôi chỉ chênh vài trăm triệu, trong khi trước đó số tiền để hoàn thiện giấy tờ về mặt pháp lý của chúng tôi cũng đã khá cao. Có thể nói đến thời điểm hiện tại, lãi chưa thấy đâu mà chỉ cần hoà vốn thôi cũng đã khó rồi”, anh Tiến buồn bã nói.
Anh Đinh Minh Duy, một nhà môi giới bất động sản trên địa bàn huyện Kim Bôi, Hoà Bình chia sẻ, sau một thời gian nhộn nhịp thì hiện nay thị trường đã vắng bóng khách hỏi mua, giao dịch hoàn toàn chững lại.
“Thời điểm nửa cuối năm 2021, đầu năm 2022 là lúc những mảnh đất ở nông thôn được nâng tầm với mức giá cao và khách đến xem, mua rất nhiều. Đa số những người đến hỏi đất đều đến từ Hà Nội, chỉ cần có mảnh đất rộng đẹp là họ sẵn sàng chốt cọc ngay. Tuy nhiên, hiện giờ chỉ còn những giao dịch chuyển nhượng vì nhiều nhà đầu tư cần rút vốn, họ lo ngại ngày càng khó thanh khoản”, anh Duy cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của PV, để nhanh chóng thanh khoản được những mảnh đất có diện tích lớn từ 700 - 1.000m2 đã mua trước đó, nhiều chủ đất đã giảm giá khoảng 20 - 30% so với thời điểm đầu năm 2022.
Một lô đất hơn 700m2 ở xã Sơn Thuỷ, huyện Kim Bôi từng được rao bán đợt tháng 4/2022 là 2,1 tỷ đồng, nhưng hiện tại chỉ được bán với giá 1,6 tỷ đồng. Hay, một lô đất 250m2 ở xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc được bán với giá 1,1 tỷ đồng thì nay chủ đất rao bán 760 triệu đồng. Mức giá này được cho là đã giảm 300 - 500 triệu đồng so với giá đỉnh thiết lập năm 2022. Tại những khu vực dân cư ở đông đúc, gần nhiều tiện ích như trường học, trạm xá, chợ,… thì giá đất được "cầm máu" với mức giảm thấp hơn đôi chút.
Sốt nhanh và tàn canh sớm
Thời điểm sốt đất đầu năm 2022, nhiều người dân ở nông thôn không khỏi ngỡ ngàng về thực trạng có ngày giá đất tại vùng quê mình tăng nhiều lần và nhiều người hỏi mua như vậy. Dù chẳng có thông tin quy hoạch gì, chỉ cần có nhiều đất, vị trí đẹp, thuận lợi một chút là những nhà đầu tư từ nơi khác tới sẵn sàng xuống tiền.
Ở góc độ nhà đầu tư, nhiều người vì thấy cơn sốt rầm rộ nên sẵn sàng vay vốn ngân hàng để kinh doanh kiếm lời cùng bạn bè, thậm chí còn vay với số tiền rất lớn. Nhưng tới thời điểm hiện tại, trước những chính sách từ Ngân hàng Nhà nước về nguồn vốn cho lĩnh vực bất động sản, room tín dụng bị hạn chế, họ buộc phải cắt lỗ để thoát hàng, quyết định bán đất mới đầu tư để giảm bớt áp lực tài chính và tránh những rủi ro lớn về sau. Tuy nhiên, vì giá mua vào đã ở thời điểm đạt đỉnh chạm ngưỡng cao nên để bán ra với giá mua là điều rất khó, mà bán thấp hơn cũng chẳng có ai mua. Cơn sốt đất nông thôn đến quá nhanh và tàn canh quá sớm nên nhiều người đã rơi vào tình cảnh kẹt vốn, nợ nần.
Chia sẻ về nguyên nhân sốt đất nền ở vùng nông thôn, chuyên gia bất động sản Đỗ Quý Duy cho rằng, trong thời kỳ năm 2021, thời điểm sử dụng vốn dễ và dòng sản phẩm trong nội đô cao thì các nhà đầu tư ở Hà Nội và TP.HCM tạo ra những xu thế ngắn hạn tại khu vực nông thôn ở các tỉnh và kéo theo cả những nhà đầu tư tại tỉnh đó tham dự vào, do đó trên thị trường xuất hiện tình trạng đầu cơ.
Theo nhận định của GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, sốt đất nông thôn là do giới đầu cơ đất đai kích lên, vì vậy cơn sốt này đi qua cũng nhanh. Đối với nền kinh tế nói chung, những cơn sốt đất này không có lợi, nhưng đối với nông dân vùng nông thôn, họ mới chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt. Nếu họ bán đi một phần bất động sản mà họ có thì chính tại thời điểm đó năng lực tài chính sẽ được tăng lên. Nhưng về lâu dài sẽ mang lại những bấp cập khi người dân vẫn phải lấy sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp làm nguồn thu lợi chính chứ không phải từ đầu tư bất động sản.
“Vấn đề về giá đất nông thôn, chúng ta có kỹ thuật định giá chưa cao. Cần phải cương quyết đưa ra chính sách định giá hợp lý thì lúc đó mới thoả đáng cho nguyện vọng của người nông dân. Về chính sách xã hội nông thôn, cũng cần phải có nghiên cứu nhiều hơn nữa để đưa ra những cách thức phát triển tốt nhất”, GS. Võ nhấn mạnh./.