Aa

Đầu tư công là “vốn mồi” dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội

Thứ Năm, 16/12/2021 - 06:30

Đầu tư công trung hạn (2016 - 2020) được thực hiện với tổng mức vốn gần 2 triệu tỷ đồng, góp phần huy động 9,2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội.

Phát huy vai trò của "vốn mồi"

Đầu tư công luôn được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được thực hiện với tổng mức vốn gần 2 triệu tỷ đồng, nhưng đã góp phần huy động vốn đầu tư xã hội đạt 9,2 triệu tỷ đồng. Điều này khẳng định tính chất “vốn mồi”, dẫn dắt và lan tỏa của đồng vốn đầu tư công, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế ở mức cao của nước ta giai đoạn 5 năm qua. 

Để tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, đầu tư công giai đoạn 2021 - 2022 cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư. Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Quốc hội đã nêu rõ: Mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước. 

Tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Nghị quyết cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đầu tư công là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: ĐT
Đầu tư công là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: ĐT

Xóa bỏ đầu tư dàn trải, lãng phí trong giai đoạn mới

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn mới, đầu tư công phải bám sát và phục vụ cho việc thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược. 

Thứ nhất, về giải pháp tổng thể: Đầu tư công phải đảm bảo tuân thủ quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển đã được phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn Ngân sách Nhà nước; hướng tới đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; không ngừng bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý; đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính trong quản lý đầu tư công; tăng cường giám sát đầu tư, thực hiện kiên quyết các biện pháp phòng ngừa, chống tham nhũng, lãng phí. 

Thứ hai, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Theo đó, từng địa phương, đơn vị, bộ, ngành phải tập trung rà soát kỹ, tiếp tục giảm số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tập trung nguồn lực cho hạ tầng chiến lược; nghiên cứu, sửa đổi kịp thời về pháp luật xây dựng để quyết định đầu tư tách hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các dự án đầu tư công nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay về đầu tư công, dự án đầu tư công. 

Đặc biệt, cần nghiên cứu khoa học trong việc lựa chọn các dự án hạ tầng chiến lược, các dự án liên kết vùng để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. 

Thứ ba, đảm bảo tiến độ giải ngân, khắc phục có hiệu quả tình trạng chậm giải ngân vốn, đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn trong trường hợp chậm giải ngân; xác định rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để chậm tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư được duyệt. 

Thứ tư, nghiên cứu, xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư công và hiệu quả dự án đầu tư công. Bộ tiêu chí này sẽ là cơ sở để lựa chọn trong đầu tư công, dự án đầu tư công trong điều kiện nguồn lực cho đầu tư từ Ngân sách Nhà nước ngày càng hạn hẹp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top