Aa

Đầu tư gì giữa mùa dịch Covid-19?

Thứ Năm, 26/03/2020 - 14:00

Giữ tiền an toàn thì vẫn tiếp tục gửi vào ngân hàng và chấp nhận lãi suất đang giảm; còn để đầu tư cần xác định 2 trường hợp là bội thu khi dịch qua đỉnh hoặc là rủi ro cao.

Các ngành dễ sinh lời đang ở trạng thái đóng băng

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài hơn 2 tháng qua đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thị trường chứng khoán có lẽ là lĩnh vực chịu tác động nhanh nhất của dịch bệnh và nếu nhìn vào những con số cụ thể thì đây cũng là ngành thiệt hại nhiều nhất.

Từ Tết Nguyên đán đến ngày 25/3, thị trường chứng khoán với 2 lần cao trào của dịch Covid-19 sức ép bán tháo đè nặng lên từng phiên giao dịch. Tính trên sàn HOSE trong 2 tháng qua số vốn hóa của thị trường đã mất đi 1/3 với khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng (44 tỷ đô la).

Phiên gần đây nhất, ngày 23/3, VN-Index giảm 43,14 điểm (6,08%) xuống 666,59 điểm. Đây là phiên thứ ba chỉ số này giảm trên 5% kể từ sau Tết nguyên đán, đồng thời, kéo VN-Index giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Nếu so sánh với đỉnh điểm năm 2019, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thời điểm hiện tại rất nhiều nhóm ngành đã giảm rất sâu. Trong đó, dầu khí, bảo hiểm, ôtô và phụ tùng, bán lẻ đã giảm 50%. Các ngành giảm ít nhất bao gồm y tế, hàng cá nhân và gia dụng, công nghệ thông tin. 

Vì đâu thị trường chứng khoán lại rơi vào trạng thái đóng băng quá nhanh? Vn-Index luôn phản ứng rất nhanh với thông tin, bất kể là thông tin gì. Trong khi tâm lý lo lắng của nhà đầu tư dẫn đến động thái mua bán thất thường, chủ yếu là bán tháo khi giá cổ phiếu giảm. Ngoài ra, trong dịch, doanh nghiệp niêm yết không tiếp tục kinh doanh, sản xuất khiến lợi nhuận đi xuống,…

Thị trường chứng khoán đang hoảng loạn, nhà đầu tư nào sẽ gom vào?

Hơn nữa, làn sóng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, như Việt Nam, đã có từ đầu năm khi chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh và các quỹ đầu tư lớn cũng chọn thị trường này là nơi đầu tư chính. Nhưng sự dịch chuyển này lại gặp một biến cố ngoài dự báo là Covid-19. Theo giới đầu tư nước ngoài, đồng đô la Mỹ đang mạnh dần lên khiến các kênh đầu tư khác phải ngập ngừng và việc rút khỏi chứng khoán giữ đô la là hợp lý nhất trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay.

Bên cạnh chứng khoán, bất động sản cũng là lĩnh vực tạo cơ hội sinh lời cao cho nhà đầu tư. Thế nhưng, trong xu thế dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường nhà đất cũng có xu hướng hạ nhiệt so với thời điểm trước Tết. Để kích cầu, nhiều doanh nghiệp bất động sản phát động hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá…

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hàng loạt sàn môi giới bất động sản đang lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất. Trong số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới, đã có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp không mở bán dự án mới.

Không có giao dịch, nhà đầu tư cá nhân hay đầu tư cổ phần doanh nghiệp và thậm chí doanh nghiệp làm dự án bất động sản cũng "hết hơi". Đặc biệt, đầu tư bất động sản cần vốn lớn, do đó khi không có giao dịch, nguồn tiền ứ đọng mà nhà đầu tư vẫn phải "cõng" trả lãi ngân hàng.

Cách đây khoảng 10 năm, việc đầu tư vào vàng đã khiến không ít người giàu lên. Tại thời điểm đó, giá vàng miếng trong nước biến động mạnh và cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Bẵng đi nhiều năm, sau khi được kiểm soát, vàng lại bất ngờ được một số nhà đầu tư quan tâm khi tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, vàng chỉ dành cho những người thật sự không đầu tư, tức người dân, những tiểu thương, công nhân mỗi tháng trích một ít tiền mua để dành, hay còn gọi là khoản tiết kiệm. 

Nhưng đến một lúc nào đó, khi lượng tích luỹ đã đủ lớn thì người ta lại có xu hướng chuyển qua kênh đầu tư khác như mua nhà, mua đất... Do vậy, vàng có lên 15% thì người ta cũng chưa có sự quan tâm để bán đất mà mua vàng.

Đầu tư tiền vào ngân hàng thường an toàn và đem lại lợi nhuận ổn định nhất. Tuy nhiên, trong đại dịch, ngân hàng cũng không "đẻ" thêm tiền cho người gửi tiết kiệm.

Ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ, miễn, giảm một số loại phí giao dịch thanh toán… để hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.

Sau động thái này của Ngân hàng Nhà nước, sáng 17/3, các ngân hàng đã đồng loạt đưa lãi gửi tiết kiệm từ 1 tháng đến dưới 6 tháng về 3,95 - 4,75%. Nhiều ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất 4,75% cho khoản tiền gửi dưới 6 tháng và 0,5% cho khoản tiết kiệm dưới 1 tháng.

Chẳng hạn như, VietinBank điều chỉnh lãi suất dưới 6 tháng cao nhất từ 4,8% xuống 4,75%. VIB hạ lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng về 4,5%. VietCapitalBank cũng đã hạ lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,9% xuống 4,7%,…

Đầu tư mùa dịch cần vốn tự có

Trong xu thế này, việc giữ tiền trong các ngân hàng gần như là để đồng tiền đứng yên, và nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu có động thái rút dần để chuyển kênh sinh lời. Bởi vì với nhiều nhà đầu tư “tinh mắt” thì đây là cơ hội đầu tư mua vào với giá rẻ.

Lúc bình thường, nhà đầu tư vẫn không chuẩn bị sẵn tâm thế cho những rủi ro phía trước. Khi gặp sự kiện khủng hoảng, như dịch bệnh Covid-19, nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm thường thẳng tay bán ra, tiến hành cắt lỗ ngay rồi mới tính sau, việc này giống như một phần trong nguyên tắc đầu tư của họ, không có gì phải suy nghĩ. Sau đó họ lựa giá rẻ để gom vào. Nhà đầu tư ít kinh nghiệm thì thường tiếc rẻ, chần chừ bán cổ phiếu thua lỗ, kết quả là ôm lỗ nặng hơn.

Cơ hội lúc nào cũng có và sẽ càng nhiều hơn trong khủng hoảng. Giá cổ phiếu thường chạm đáy khi có khủng hoảng, tuy không phải cổ phiếu nào cũng hồi phục mạnh mẽ nhưng nhà đầu tư tinh ý có thể chọn được cổ phiếu tốt với mức giá hời và thu về lợi nhuận lớn trong tương lai. 

Thực tế cho thấy, thị trường luôn tăng trưởng trở lại sau mỗi đợt giá xuống. Thậm chí, ngay trong khủng hoảng, vẫn có những ngành duy trì được tăng trưởng và có những cổ phiếu thu lợi.

Nếu cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp được cho là lựa chọn khôn ngoan thì trái phiếu bất động sản cũng đang là kênh đầu tư thay thế tiền gửi ngân hàng. (Ảnh: Internet)

Đơn cử như, cổ phiếu bất động sản cũng có những vùng kỳ vọng sinh lời. Sau khi giảm đáng kể do ảnh hưởng của thị trường chung, giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp được đánh giá đã về vùng hấp dẫn, đặc biệt xét trong bối cảnh triển vọng ngành, cũng như sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Nhóm doanh nghiệp khu công nghiệp được đánh giá hoạt động kinh doanh có tính ổn định cao. Mặc dù biến động tăng trưởng hay suy thoái theo tính chu kỳ của nền kinh tế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thuê đất và nhu cầu đầu tư nhưng chủ yếu là chịu tác động theo xu hướng dài hạn, ít chịu ảnh hưởng từ những biến động bất thường ngắn hạn.

TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, đối với chứng khoán, các tổ chức, các quỹ đầu tư buộc phải tham gia đầu tư để phân bổ tài sản của mình nhiều hơn chứ không phải là kênh hiệu quả của nhà đầu tư cá nhân. Nguyên tắc đầu tư của nhà đầu tư Warren Buffett dựa trên cơ sở không mất tiền và dài hạn. Còn lướt sóng là thắng đó, thua đó, không có cơ sở, logic nào mà chỉ tạo cảm giác cờ bạc.

Nhưng đầu tư trong lúc thị trường khủng hoảng, nhà đầu tư phải lường trước rủi ro và vốn nên là vốn tự có để giảm thiểu khả năng phá sản vì nợ.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, thị trường tài sản như chứng khoán, vàng, bất động sản vào thời điểm hiện tại khá nhạy cảm với dịch Covid-19 nên có những biến động khó dự báo.

Đối với lĩnh vực bất động sản, nếu nhà đầu tư nào chịu khó khảo sát thị trường, tìm kiếm các nguồn hàng tốt, pháp lý vững và biết cách gom hàng thì sau khi dịch qua đi sẽ có nhiều cơ hội bán ra kiếm lời. Thực tế thị trường chỉ khó khăn trong đại dịch, còn bất động sản là nhu cầu thực tế không thể mất đi. Ai cũng có nhu cầu mua, sắm nhà, khi dịch qua đi và dòng tiền ổn định trở lại thì nguồn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh. 

Theo nhiều nhà phân tích chứng khoán, sau giai đoạn khó khăn do Covid-19 một số ngành sẽ tăng giá mạnh theo thứ tự như sau: Dịch vụ và giải trí (đạt đỉnh trước VN-Index khoảng 3 tháng), bán lẻ (đạt đỉnh trước VN-Index khoảng 5 tháng), dịch vụ tài chính (đạt đỉnh cùng VN-Index), ôtô và phụ tùng (đạt đỉnh cùng VN-Index), ngân hàng (đạt đỉnh trước VN-Index khoảng 5 tháng).

Nếu ai đang gửi tiền ngân hàng mà lãi suất xuống quá thấp, có thể cân nhắc trái phiếu. Hiện, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lựa chọn hình thức phát hành trái phiếu. Đứng về góc độ nhà đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp có thể phù hợp với những người đã có tuổi, không còn nhạy bén với biến động của thị trường. So với những kênh đầu tư truyền thống, trái phiếu doanh nghiệp có mức lãi suất khá hấp dẫn, phổ biến trên mức 10%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài tại các ngân hàng. 

Đối với loại trái phiếu chuyển đổi, nhà đầu tư có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu, tận dụng xu hướng đi lên của thị trường cổ phiếu cơ sở để đem lại lợi nhuận cao hơn so với mức thu nhập cố định. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top