Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Sáu, 15/09/2023 - 06:00

Bên cạnh việc khơi thông dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để phục hồi tổng cầu trong bối cảnh suy thoái.

******

Mới đây, các nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra nhóm các kiến nghị nhằm phục hồi tổng cầu trong những tháng cuối năm 2023. Xung quanh những kiến nghị này, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) ghi nhận nhiều đánh giá của các chuyên gia về tình hình và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo phân tích của các chuyên gia đến từ NEU, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các Ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt và các yếu tố chính trị như căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong hai quý đầu năm 2023 có nhiều diễn biến không thuận lợi. GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 3,72%, mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020, do ảnh hưởng mạnh của Covid-19 thời điểm đó). Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng sụt giảm đặc biệt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc. Trong đó, giải ngân đầu tư công còn chậm, chỉ tương đương 33% kế hoạch năm.

GS. TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng Nhóm nghiên cứu cho rằng, tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như: Sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân.

Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023”, GS. TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.

Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra 7 kiến nghị nổi bật để phục hồi tổng cầu, giúp nền kinh tế Việt Nam tăng tốc trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. 

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế- Ảnh 2.
GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng Nhóm nghiên cứu. (Ảnh: NEU)

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ 

Chính phủ có thể xem xét đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và đạt được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh suy thoái, đặc biệt khi ngân sách không quá căng thẳng và nợ công có xu hướng giảm.

Theo nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, mục tiêu đạt được tăng trưởng ổn định của chính sách tài khóa nghịch chu kỳ được thực hiện qua hai công cụ: Tăng chi tiêu công và Giảm thuế. 

“Chính phủ cần tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm mang lại hiệu quả kịp thời. Việc giảm thuế cần áp dụng đúng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế.

 Các quy định về thuế đối với từng nhóm đối tượng cần nhất quán, tránh mâu thuẫn như giảm thuế Giá trị gia tăng nhưng lại tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt”, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh.

Để chính sách tài khóa tiếp tục hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng theo mục tiêu đề ra, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là cả một bài toán mà chúng ta cần phải quan tâm và đưa ra hướng đi phù hợp cho cuối năm 2023 và năm mới 2024. Việc cân đối giữa nguồn thu ngân sách với việc giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm thuế, phí.… là việc cần cân nhắc ngay từ bây giờ. 

“Hiện nay, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là sửa đổi các luật... Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục thực hiện phối hợp chính sách hiệu quả, đặc biệt cân đối hài hoà giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa với các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo an toàn cho nền kinh tế nói chung”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận. 

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế- Ảnh 3.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Tùng Dương)

Bên cạnh đó, theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, cũng cần đưa ra những góc nhìn, đánh giá đúng về thực trạng doanh nghiệp và thị trường, từ đó sẽ có những giải pháp kịp thời, chính xác đối với những tồn tại, vướng mắc còn tồn tại trong suốt thời gian vừa qua. Và quan trọng là cần tập trung thúc đẩy năng lực cho doanh nghiệp, khi năng lực doanh nghiệp tăng thì các nút thắt sẽ được giải quyết. 

Tháo gỡ vướng mắc khi giải ngân vốn đầu tư công

Cần tháo gỡ vướng mắc khi giải ngân vốn đầu tư công nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, để đưa dòng vốn đầu tư công sớm chảy vào nền kinh tế, cần xác định rõ nguyên nhân và triển khai quyết liệt một số giải pháp. 

“Cần có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng giảm vướng mắc trong tất cả các khâu quản lý dự án, từ chuẩn bị đến quy hoạch và thực hiện, như nghiên cứu thêm trường hợp chủ đầu tư có thể chủ động sử dụng một số khoản kinh phí hợp pháp ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (kể cả nguồn vốn chi thường xuyên) để lập dự án, chuẩn bị đầu tư trước thay vì phải đợi tổng hợp hay bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn”, các nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất.

Đồng thời, cần bổ sung thêm các quy định về điều kiện phân bổ kế hoạch vốn hằng năm cho các nhiệm vụ chuẩn bị và quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp cận được vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị và chủ động lập các kế hoạch đầu tư. 

Bên cạnh đó, để dự án được nhanh chóng thực hiện, cần giải quyết các vấn đề cốt lõi của khâu giải phóng mặt bằng. 

Và để giải quyết các vấn đề cốt lõi như: Nguồn kinh phí bồi thường cấp chưa kịp thời so với nhu cầu; nhiều dự án chưa có sẵn quỹ đất tái định cư; chưa có giải pháp cụ thể để người dân ổn định sinh kế, công tác quản lý đất đai còn chưa chặt chẽ,… theo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khi xây dựng bảng giá đất hàng năm, các cơ quan chức năng cần chú trọng đến khả năng năng và lợi thế của từng khu vực, vị trí đất, nhất là đối với đất nông nghiệp, các vị trí thuận lợi kinh doanh để xác định mức bồi thường phù hợp với giá trị thực tế. 

Ngoài ra, cần xác định chính xác tổng mức đền bù của dự án, tránh trường hợp không đáp ứng đủ cầu. Khi xây dựng kế hoạch đầu tư cần xác định rõ quỹ đất tái định cư, phát triển hạ tầng và dịch vụ thiết yếu, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm, lên hoạch định hướng, đào tạo nghề để người dân có công ăn việc làm ổn định thay vì chỉ chi trả bằng tiền. Công tác này đặc biệt quan trọng đối với hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp.

“Mặt khác, cần tăng cường công tác rà soát, quản lý việc sử dụng đất đai trên địa bàn. Đặc biệt, đối với những hộ sử dụng trái phép hoặc sai mục đích, có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khi không chấp hành bàn giao mặt bằng”, các chuyên gia NEU nhấn mạnh. 

Liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, trao đổi với Reatimes, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong những tháng còn lại của năm 2023, cần đặc biệt quan tâm đến các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam (tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu công và đặc biệt là xuất khẩu). Xuất khẩu giảm, tiêu dùng vẫn ở mức tăng và vừa qua, nền kinh tế vẫn có sự tăng trưởng là nhờ tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay, tốc độ tăng trưởng này cũng đang có nguy cơ giảm dần. Và lĩnh vực quan trọng tiếp theo trong năm nay là đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Có thể thấy, đằng sau đầu tư là các công trình xây dựng, bất động sản hạ tầng, khu công nghiệp, logistics… góp phần làm hạn chế sự suy giảm tăng trưởng, bù đắp cho những phần bị giảm sút.

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế- Ảnh 4.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. 

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh: Năm nay, đầu tư công rất quan trọng, chủ đạo là xây dựng hạ tầng. Hiện nay, do vấn đề về pháp lý cũng như nguồn vốn nên hàng nghìn dự án trên cả nước đang phải tạm dừng triển khai. Nếu tháo gỡ được những khó khăn để tiếp tục triển khai các dự án này thì dòng tiền sẽ quay trở lại. Đây cũng là điều quan trọng với tăng trưởng và tạo ra giá trị gia tăng cao. Do đó, cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Qua đó, tháo gỡ những vướng mắc về đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như những tồn đọng về vốn giữa các doanh nghiệp. Nếu nói về dài hạn thì cần bàn đến chất lượng hạ tầng như thế nào, công trình có phù hợp không? Và ẩn chứa đằng sau chính là ưu tiên cho vấn đề xây dựng. 

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, trong giai đoạn cuối năm 2023, vốn đầu tư công và cầu tiêu dùng nội địa là hai trong số những động lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Việt Nam. 

TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định: "Hiện nay, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc giải ngân nguồn vốn này".

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sau khi “giải phóng” được tâm lý sợ trách nhiệm của địa phương thì đầu tư công đang được đẩy mạnh trở lại. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng sức cầu trong mùa mua sắm cuối năm sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế.

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế- Ảnh 5.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia.

Đưa nhóm yếu thế vào trung tâm của chính sách an sinh xã hội

Thời gian qua, thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Tình trạng sụt giảm sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm. Trong tình hình khó khăn đó, mạng lưới an sinh xã hội và các chính sách hỗ trợ cho người lao động lại chưa được đảm bảo tốt. Bên cạnh đó, tư duy quản lý về an sinh xã hội vẫn chưa theo kịp quá trình đổi mới đất nước. Tầng cuối cùng của hệ thống an sinh xã hội, cũng là chức năng chiến lược thứ 3 là những chính sách, chương trình khắc phục rủi ro (bao gồm các chính sách, chương trình về cứu trợ và trợ giúp xã hội) chưa được thực hiện tốt.

Do đó, các nhà nghiên cứu NEU đã đưa ra kiến nghị nhằm cải thiện chính sách an sinh xã hội cho người nghèo hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm. Cùng với đó là hai nhóm giải pháp cần triển khai, cụ thể:

Thứ nhất, phải đưa nhóm yếu thế vào trung tâm, trọng tâm của các chính sách an sinh xã hội. 

Thứ hai, cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới; chi trả, đóng nộp, thụ hưởng với sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ thông tin, nghe nhìn, internet trong các phần mềm quản lý dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, tiến tới xây dựng mã số định danh an sinh xã hội duy nhất trong thực thi chính sách an sinh xã hội, tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc quản lý, tiếp cận phát triển, cũng như hỗ trợ các đối tượng cần thụ hưởng. 

 Duy trì và tăng trưởng xuất khẩu bền vững 

Trong các giải pháp phục hồi tổng cầu, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh đến nhóm giải pháp liên quan đến hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững. 

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, đến hết tháng 6/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (128 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (33 vụ việc) và chống trợ cấp (23 vụ việc). Như vậy, khi các vụ kiện phòng vệ thương mại chủ yếu do các quốc gia cho rằng hàng hóa Việt Nam đang được bán phá giá.

Theo các nhà khoa học NEU, để giảm thiểu rủi ro, cần đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra; thực hiện các giải pháp chứng minh hàng hóa Việt Nam không bán phá giá; sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc xuất từ các quốc gia nằm trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế- Ảnh 6.
Theo các nhà khoa học NEU, cần giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Bên cạnh đó, cần cân bằng cán cân thương mại với các đối tác. Vì khi Việt Nam duy trì thặng dư thương mại quá lớn tới một số thị trường (tiêu biểu là Mỹ), các hàng hóa của Việt Nam có khả năng thuộc diện bị điều tra nhiều hơn. Song song với đó, Việt Nam cũng cần có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hơn, đặc biệt cần giảm thuế cho các mặt hàng máy móc, thiết bị từ các thị trường mà Việt Nam đang có thặng dư thương mại. 

“Vì vậy, các giải pháp giúp cân bằng cán cân thương mại cần triển khai quyết liệt hơn nữa, triển khai nhiều hơn các chương trình giúp doanh nghiệp của các đối tác lớn tiếp cận với doanh nghiệp trong nước”, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất.

Cần khơi thông dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp

Thực tế hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là tiếp cận nguồn vốn tín dụng do khó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về điều kiện vay vốn. 

Ngay trong lĩnh vực bất động sản, trao đổi với Reatimes, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn ở mức lại suất trung bình và thấp. Đơn cử như quy định tại gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thì lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản là 8,7% còn người mua nhà là 8,2%.

Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, lãnh đạo VNREA cho biết, mức lãi suất này đang khá cao so với khả năng chi trả của họ. Vì vậy, lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư nên hạ xuống mức dưới 6% và người mua nhà là dưới 4,5%/năm.

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế- Ảnh 7.
TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Cần có các chính sách giúp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng.

Nhằm giúp khơi thông dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, các nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị một số giải pháp như:

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tại các tổ chức tín dụng nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về tỷ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro. 

Tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. 

Theo các nhà nghiên cứu NEU, để chính sách nói trên phát huy tác dụng tích cực, các bên liên quan đều phải tuân thủ nghiêm túc các quy định đặt ra trong Thông tư cũng như quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan.

“Các tổ chức tín dụng cần đánh giá một cách chính xác hiện trạng tài chính cũng như khả năng tạo lập nguồn thu để trả nợ của khách hàng theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại nếu khách hàng đáp ứng đủ các quy định của NHNN, đồng thời cần trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro đối với khách hàng có khoản nợ được cơ cấu lại để đảm bảo được nguồn lực tài chính phục vụ việc xử lý rủi ro đối với những khách hàng được cơ cấu lại nhưng không có khả năng trả nợ theo thời hạn được cơ cấu lại.   

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần giám sát chặt chẽ quá trình triển khai của các tổ chức tín dụng để phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các trường hợp không thực hiện đúng quy định hoặc có biểu hiện trục lợi chính sách nhằm làm sạch sổ sách, báo cáo”, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất.

Thứ hai, cần phát triển các sản phẩm tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giải quyết khó khăn về điều kiện vay vốn khi vay theo phương thức truyền thống. 

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp SMEs hiện nay không tuân thủ chuẩn mực kế toán do thiếu hụt về nhiều nguồn lực, tồn tại tình trạng số liệu trong các sổ sách kế toán không khớp nhau… Bên cạnh đó, doanh nghiệp SMEs thường có mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu minh bạch giữa tài chính của cá nhân, chủ sở hữu và doanh nghiệp, báo cáo tài chính thường chưa được kiểm toán, nguồn vốn còn hạn chế, không có tài sản đảm bảo khiến nhiều trường hợp khó đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng. 

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn vay do cần tuân theo các quy định pháp luật hay tiêu chuẩn Basel quốc tế. Vì vậy, cần có nhiều hơn nữa những giải pháp để giải quyết vướng mắc về điều kiện vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Do đó, theo nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong thời gian tới, các ngân hàng thương mại cần tích cực hơn nữa trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng đặc thù cho SMEs như tài trợ chuỗi cung ứng, cho vay thấu chi doanh nghiệp, cho vay đầu tư tài sản cố định gián tiếp, cho vay mua, phân phối ô tô, các sản phẩm tín dụng ngành tiềm năng. 

Đồng thời, các ngân hàng có thể cân nhắc các giải pháp linh hoạt như cho phép thế chấp khoản phải thu, quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ hợp đồng thương mại, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Các giải pháp cần phải đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Phát triển du lịch hướng tới cân đối cán cân xuất - nhập khẩu dịch vụ 

Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng tỷ trọng của ngành dịch vụ trong cơ cấu GDP thì kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của cả nước đã có sự gia tăng mạnh. 

Tuy nhiên, Việt Nam đã nhập siêu dịch vụ lớn và liên tục trong nhiều năm qua. Trong 3 năm gần đây, nhập siêu dịch vụ luôn vượt con số 10 tỷ USD và riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập siêu dịch vụ lên tới 4,1 tỷ USD. 

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu giảm 1% nhập siêu dịch vụ sẽ làm GDP tăng 0,36 điểm phần trăm, khẳng định xuất khẩu dịch vụ là nguồn thu lớn và mang lại nhiều tiềm năng kinh tế mới cho đất nước. Việt Nam mới chỉ chú trọng đến xuất nhập khẩu hàng hóa mà chưa thực sự quan tâm đến xuất - nhập khẩu dịch vụ mặc dù các ngành dịch vụ của Việt Nam như du lịch, tài chính, ngân hàng, vận tải và logistics… đều có tiềm năng phát triển rất lớn. 

Với riêng ngành du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2023 đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 17,2% so với tháng trước và gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Trao đổi với Reatimes, LS. TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO khẳng định rằng, du lịch là ngành “siêu kinh tế”, ngành kinh tế “nhân dân”. Nông nghiệp thường chỉ làm được ở nông thôn; công nghiệp, công nghệ thường tập trung ở thành thị nơi có nhiều lao động có trình độ, có tay nghề, có hạ tầng; dịch vụ tài chính, ngân hàng thường tập trung ở các trung tâm thành phố còn du lịch có thể làm ở mọi nơi, 24 giờ về không gian và thời gian.

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế- Ảnh 8.
LS. TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO.

Du lịch trải dài từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau. Du lịch trên các đồi cát ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận. Du lịch vươn lên đỉnh Phan Xi Păng và xuống các rặng san hô đáy biển Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo. Du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Du lịch khám phá hang động Sơn Đoòng, Phong Nha Kẻ Bàng. Du lịch tâm linh Tràng An, Bái Đính. Du lịch vươn đến các bản làng xa nhất ở Hà Giang, ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Phố đêm ở Hà Nội và Sài Gòn chắp cánh cho du lịch không ngủ. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính lan tỏa đến 40 ngành kinh tế chính và sử dụng 2.500 sản phẩm và dịch vụ trong nền kinh tế. Du lịch giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tại chỗ, thu ngoại tệ. Du lịch điều tiết dòng tiền từ nơi giàu đến nơi nghèo. Tạo nhiều việc làm. Xóa đói giảm nghèo. 

LS. TS. Đoàn Văn Bình nhấn mạnh: Toàn dân làm du lịch. Cộng đồng làm du lịch, doanh nghiệp làm du lịch và người dân làm du lịch. Du lịch cộng đồng, du lịch nông trại, du lịch hoang dã đóng vai trò quan trọng để phát triển nông dân, nông thôn, miền núi. Du lịch còn là kênh quảng bá hình ảnh đất nước đi năm châu, bốn biển. Du lịch kết nối thế giới với nhau, gần nhau, hiểu nhau, hợp tác cùng thắng. Du lịch khai thác được mọi lợi thế của đất nước chúng ta: Con người, thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, ẩm thực với những nét độc đáo riêng. Năm 2019, du lịch đã mang đến thu nhập 32,8 tỷ USD, đóng góp 9,2% vào GDP. Bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn. Du lịch mang đến cả “tiếng” và “miếng”.

Theo các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, điều cấp thiết hiện nay là thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ hướng tới cân đối cán cân xuất - nhập khẩu dịch vụ một cách bền vững. 

Cụ thể, cần khẩn trương nghiên cứu và rà soát các văn bản pháp luật, tạo các chiến lược và chương trình hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các hành động để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các dịch vụ, phù hợp với lộ trình cam kết và các hiệp định song phương, đa phương nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh bình đẳng và an toàn cho các tổ chức dịch vụ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các dịch vụ xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, xuất khẩu dịch vụ hầu như phụ thuộc chủ yếu vào du lịch. Do đó, muốn giảm nhập siêu dịch vụ cần có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, chẳng hạn như kết nối làm thị trường giữa hàng không và du lịch, kích cầu du lịch và giảm vé máy bay. 

“Để hạ giá vé, thu hút du lịch cần thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, tạo ra những chính sách ưu đãi. Doanh nghiệp khách sạn, nghỉ dưỡng hợp tác với các hãng hàng không để bán vé trọn gói vận chuyển, lưu trú, tham quan, mua sắm. Hàng không cũng cung cấp cho các công ty du lịch một lượng vé với giá bay thấp hơn giá vé khách đặt lẻ trực tiếp với hãng hàng không.

Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác giữa công ty du lịch và hãng không nhằm kích cầu du lịch quốc tế”, các chuyên gia đưa ra những kinh nghiệm từ Thái Lan để Việt Nam có thể học tập. 

LS. TS. Đoàn Văn Bình đề xuất, với tầm nhìn dài hạn, khi đã có Chiến lược quốc gia về phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, cơ quan quản lý cần cải thiện thể chế; kiến tạo môi trường kinh doanh ổn định, có thể dự đoán trước; bảo vệ môi trường văn hóa và tự nhiên; ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng; khuyến khích phát triển bất động sản du lịch để tạo ra các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, mua sắm cho ngành; khuyến khích các công trình tạo điểm đến; khuyến khích phát triển hạ tầng xã hội như bệnh viện để thu hút du khách đến du lịch y tế rất tiềm năng của nước ta; đào tạo nguồn nhân lực; quảng bá hình ảnh “nhận thức điểm đến Việt Nam” và trao quyền mạnh mẽ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Cần nghiên cứu thiết lập cơ quan đặc nhiệm (task force) có sự tham gia của khu vực công và khu vực tư để theo sát chiến lược, nghiên cứu các xu hướng, mô hình hay trên thế giới, lập kế hoạch hành động, điều phối tổng thể ngành du lịch với tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn, nghĩa là ngành kiếm tiền (making money) cho đất nước…

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế- Ảnh 9.
Cầu Vàng (Đà Nẵng).

Đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh

Thực tế hiện nay, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rộng do đó Việt Nam phụ thuộc chủyếu vào một số thị trường xuất khẩu lớn. Vì vậy, khi các quốc gia này rơi vào giai đoạn khủng hoảng, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với những cú sốc lớn và bị gián đoạn. Mặt khác, các nhà sản xuất Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch, sản xuất cacbon thấp, vật liệu bền vững, sản xuất thân thiện môi trường... từ thị trường nhập khẩu. 

Vì vậy, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác, các nhà nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đề xuất, phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác, đồng thời chỉ ra 04 giải pháp, bao gồm: 

Thứ nhất, mở rộng giao thương với các thị trường trong các FTA đã ký kết. 

Thứ hai, rà soát và ban hành tiêu chuẩn khung pháp lý về sản xuất xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Thứ ba, khung pháp lý liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng cần được sớm hoàn thiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn và để các tổ chức tín dụng có thể thuận lợi hơn trong công tác cấp tín dụng xanh. 

Thứ tư, cần bổ sung những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh./.

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế- Ảnh 10.

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế- Ảnh 11.

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế- Ảnh 12.

Đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ: Cần tăng chi tiêu công và giảm thuế- Ảnh 13.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top