Aa

ĐBQH Dương Trung Quốc: "Giữ nguyên hiện trạng để làm gì?"

Mai Dương (thực hiện)
Mai Dương (thực hiện) dohongvan115@gmail.com
Thứ Hai, 11/09/2017 - 06:01

Đó là quan điểm của ĐBQH, Dương Trung Quốc khi nhắc đến câu chuyện nên hay không nên xây cáp treo ở những vùng di sản như Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo ông Quốc, trước tiên Nhà nước nên xác định đâu là những di sản dự trữ cho tương lai, đâu là di sản muốn khai thác để phát triển du lịch, từ đó mới có phương án triển khai hiệu quả và bền vững.

Mới đây, trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh đề xuất bổ sung vào quy hoạch khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tuyến cáp treo dài 5,2 km từ Km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông đến hang Én, hang lớn thứ ba thế giới. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, "Thủ tướng và các bộ ngành đồng ý về chủ trương". Ông yêu cầu các bên làm đúng quy trình, không ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên thế giới và mở ra để khai thác đúng mức.

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch được giao chủ trì, phối hợp với địa phương làm rõ vấn đề, đánh giá tác động và trả lời những nội dung liên quan; tham khảo UNESCO, sớm trình Chính phủ xem xét.

Trên thực tế, cáp treo là phương tiện văn minh được nhiều quốc gia sử dụng rộng rãi, nhưng tại Việt Nam, việc ứng dụng phương tiện này vào các vùng di tích, di sản vẫn vấp phải những ý kiến trái chiều. PV Reatimes đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Dương Trung Quốc để có cái nhìn khách quan về vấn đề này. 

ĐBQH Dương Trung Quốc - Nguồn ảnh: Internet

ĐBQH Dương Trung Quốc - Nguồn ảnh: Internet

Không phải làm hay không làm, vấn đề là làm như thế nào

PV: Mới đây Quảng Bình đã được đồng ý về mặt chủ trương để nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tuyến cáp treo dài 5,2 km. Câu chuyện này lại một lần nữa dấy lên những ý kiến trái chiều trong dư luận. Theo ông, Quảng Bình có nên xây dựng hệ thống cáp treo ở di sản văn hoá thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Theo tôi, vấn đề không phải là nên làm hay không nên làm mà là làm như thế nào mới là quan trọng. Cáp treo là thành tựu về khoa học công nghệ, với rất nhiều tiện ích phục vụ cho con người thì tại sao không làm?

Rõ ràng việc xây dựng hệ thống cáp treo sẽ giúp địa phương phát huy được hiệu quả kinh tế, tăng thêm sức tiếp cận, thậm chí giảm cả giá thành cho khách du lịch khi muốn tham quan các hang động này.

Hơn thế nữa, phải nói rằng cáp treo khai thác được góc độ du lịch ở một chiều kích mới mà nếu đi đường bộ không có được. Đó là đứng từ trên cao có thể nhìn được toàn bộ cảnh quan, không gian lớn, tạo ra cảm giác rất tốt.

Tất nhiên bây giờ, chúng ta phải đứng trước dư luận xã hội. Dư luận xã hội rất quan trọng, nhưng không nên lệ thuộc vào đó, ta phải có góc nhìn khách quan và khoa học. Thực tế, dư luận rất dễ bị lao theo, bị chi phối bởi đám đông và định hướng không kiểm soát được.

Vậy tôi xin hỏi, giữ nguyên hiện trạng để làm gì? Mục đích cao nhất là để gìn giữ cho  muôn đời sau. Cái đó thì tôi đồng ý và chúng ta cần có sự cân nhắc. Tôi khẳng định việc bảo tồn là rất cần thiết. Thậm chí đôi khi như nhiều quốc gia còn dự trữ cho tương lai.

Tôi nói kiểm soát tức là không phải ta hạn chế quyền tự do ngôn luận, mà nhiều khi dư luận bắt nguồn từ chỗ không nắm được, không hiểu thấu đáo được vấn đề, thông tin không chính xác bị lan truyền tạo thành phản ứng xã hội. Nên cái quan trọng nhất là phải công khai minh bạch. Và cũng đòi hỏi người thực hiện nó phải đủ bản lĩnh để chứng minh được việc mình làm là đúng. 

Nói về câu chuyện xây cáp treo ở Phong Nha - Kẻ Bàng, rõ ràng chúng ta đưa ra mục tiêu hàng đầu là bảo vệ di sản, nhưng phải chỉ ra được phương án cụ thể. Điều này không dựa trên sự chủ quan mà phải dựa trên trải nghiệm của mấy chục năm nay là chúng ta đã ứng dụng cáp treo trong việc tiếp cập với những di tích, thắng cảnh.

 PV: Cáp treo đúng là một thành tựu đáng ghi nhận trên thế giới và cần áp dụng ở Việt Nam, nhưng thực tế khi áp dụng vào các di sản, di tích người ta thường e ngại vì còn cả yếu tố tâm linh, hay đơn giản hơn, dư luận nói không nên đánh đổi môi trường lấy kinh tế, thưa ông?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi xin nói về câu chuyện xây dựng cáp treo ở Yên Tử, nơi được cho là đầu tiên ở Việt Nam.

Rõ ràng cho đến hiện tại, việc ứng dụng cáp treo phần nào xóa đi được những lo lắng ban đầu. Một là sợ nơi này mất đi sự linh thiêng, hai là lo ngại về bảo vệ môi trường. Đến nay, lưu lượng người đến đó ngày một đông, có đến cả triệu người. Đặc biệt là vào mùa hành hương, mật độ rất cao.

Trên đường hành hương lên núi Yên Tử, có một di sản rất quý là hàng cây tùng cổ. Ta cứ tưởng tượng từng ấy con người, đi theo đường bộ, thì từng ấy bàn chân giẫm đạp lên đấy, đến hôm nay hàng cây tùng khó mà gìn giữ được. Chưa nói đến những tác động hủy hoại vì vô ý thức. Rồi từng ấy con người không thể không tính đến nhu cầu ăn uống và xả thải. Cả hai cái đấy đều gây ô nhiễm môi trường. Rác và chất thải sẽ gây ngập ngụa như thế nào?

Ban đầu, khi ý tưởng xây cáp treo được đưa ra, giới bảo tồn chúng tôi cũng băn khoăn nhiều lắm. Nhưng rõ ràng thực tế đã giải đáp được những băn khoăn ấy. Vấn đề còn lại là chọn tuyến đi thích hợp nhất để không ảnh hưởng đến những cảnh quan và yếu tố tâm linh.

PV: Có lập luận cho rằng, việc xây cáp treo ở Phong Nha- Kẻ Bàng sẽ gây khó khăn cho công tác bảo tồn, trước hết là do số lượng du khách đến đây tăng cao sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, những yếu tố tự nhiên của các hang động, ông nghĩ sao về điều này?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Nói đến Phong Nha – Kẻ Bàng thì đặc biệt phải nhắc đến hang động tầm cỡ thế như Sơn Đoòng. Vậy tôi xin hỏi, giữ nguyên hiện trạng để làm gì? Mục đích cao nhất là để gìn giữ cho  muôn đời sau. Cái đó thì tôi đồng ý và chúng ta cần có sự cân nhắc. Tôi khẳng định việc bảo tồn là rất cần thiết. Thậm chí đôi khi như nhiều quốc gia còn dự trữ cho tương lai.

Tôi lấy ví dụ như ở Trung Quốc có rất nhiều lăng mộ. Tuy nhiên, người ta không khai thác hết, mà tập trung khai thác vài lăng mộ phục vụ cho công chúng và quảng bá hình ảnh, số còn lại họ khoanh vùng và tuyệt đối không động đến với lập luận để cho tương lai. Khi đó con cháu mình giỏi hơn, giàu hơn sẽ làm. Đó là tư duy cần thiết.

Ta lại bàn đến câu chuyện Sơn Đoòng, nếu hẳn, chủ trương của Nhà nước là dự trữ cho tương lai thì phải tuân thủ theo, “cất đi”, không làm nữa. Nếu chủ trương chỉ là hạn chế số lượng người đến thuần túy thôi thì chắc chắn sẽ dẫn đến trường hợp nơi này chỉ phục vụ người giàu và du khách nước ngoài, và nếu như thế lại trở thành một câu chuyện khác.

Đã khai thác thì phải đặt ra bài toán tối ưu vì quyền được tiếp cận của người dân là bình đẳng.

Thế nên vấn đề còn lại là những di sản ấy, ta khai thác đến mức độ nào, ta phải chủ động và quy hoạch về thời gian, mật độ, tốc độ…

Tôi chắc chắn Quảng Bình, về lâu dài sẽ là nơi phát huy tiềm năng du lịch, đây cũng là cái mạnh nhất của họ. Bởi kinh tế hiện giờ của Quảng Bình rất hạn chế, ngư nghiệp, nông nghiệp đều không mạnh. Trong khi nội lực về di sản lại rất lớn.

Nói về bài học thành công trong phát triển du lịch vùng di sản, ví dụ điển hình là Ninh Bình. Nhờ du lịch, Ninh Bình đã đi lên, mà chính nhờ việc đầu tư xây dựng du lịch lại giữ được hệ thống núi đá, hạn chế xi măng để không ảnh hưởng đến di sản. Rõ ràng họ điều chỉnh rất tốt. Với Quảng Bình, tôi nghĩ cũng vậy. Nếu ta làm tốt du lịch, sẽ mang lại lợi ích cho người dân ở đấy. Đồng thời sẽ hạn chế những mặt tiêu cực khác. Vấn đề làm như thế nào là bài toán phải đặt ra.

 PV: Cụ thể hơn, bài toán này cần giải những nút thắt nào thưa ông?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Trước hết phải khẳng định, bài toán được giải với thực tế còn nhiều khoảng cách, vì luật pháp chưa nghiêm và tâm lý người thực hiện dễ rơi vào tâm lý ngắn hạn. Tư duy chộp giật, "ăn xổi ở thì" vẫn còn trong một số những nhà kinh doanh, cho nên dẫn đến việc dư luận e ngại, lưỡng lự, tôi cho là chính đáng.

Cũng như BOT, ai cũng biết BOT là giải pháp tốt nhưng ta không minh bạch, nó trở thành “hộp đen” chứa chất rất nhiều tiêu cực.

Với Sơn Đoòng, chúng ta đặt mục tiêu phải gìn giữ bảo tồn nhưng không thể không phát huy. Trước khi lên phương án khai thác du lịch ở nơi này, chúng ta phải trả lời các câu hỏi cụ thể: phát huy đến mức độ nào và phục vụ cho ai, có phải chỉ thuần túy kinh tế không, để chỉ những du khách có đủ tiền mới đến được, hoặc là phân tầng, để nhiều công chúng được tiếp cận.

Đã coi du lịch là một thị trường thì phải phân tầng thị trường cụ thể. Dĩ nhiên, mình chỉ tiếp cận đến mức độ nào đó thôi và phải khống chế được số lượng người như thế nào là hợp lý. Nếu không khống chế và quản lý tốt được thì từ mục tiêu đúng dẫn đến hiệu quả xấu.

Ta hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng những biện pháp, thậm chí rào cản. Giá vẻ chẳng hạn cũng là một cách. Giá vé ở đây không phải thuần túy để kinh doanh, mà giá vé để ta kiềm chế được số lượng người. Đó là bài toán, ít nhất phải có hướng như thế.

Xin nhắc lại, tất cả những điều tôi nói là lý thuyết thôi, cốt yếu ở cơ quan quản lý Nhà nước cần thực hiện nghiêm túc.

Hang Sơn Đoòng đẹp kỳ ảo. Nguồn ảnh: Internet

Hang Sơn Đoòng đẹp kỳ ảo. Nguồn ảnh: Internet

Xây dựng cáp treo góp phần đáp ứng quyền bình đẳng

PV: Vậy chúng ta có nên làm cáp treo ở những vùng di sản, di tích không thưa ông? Khi có quan điểm cho rằng, những khó khăn trong quãng đường đi bộ tiếp cận với các di tích, di sản cũng chính là thử thách để con người hiểu, muốn chinh phục tự nhiên và thụ hưởng di sản, có cái giá của nó.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng, tất cả vẫn xoay quanh vấn đề chúng ta làm như thế nào thôi. Rõ ràng, xây cáp treo giúp cho nhiều người được thụ hưởng hơn.

Quay lại câu chuyện cáp treo ở Yên Tử, trước đây Yên Tử chỉ là nơi hành hương, những người có tín ngưỡng về mặt tôn giáo thì đi bằng sức hút và sức mạnh của tâm linh.

Nhưng bây giờ, những người muốn đến đây không phải chỉ đơn thuần là hành hương mà họ muốn đến như được chiêm ngưỡng một di sản thiên nhiên. Kể cả người theo đạo thiên chúa hay đạo khác, họ vẫn có nhu cầu đến, hay những người ít thời gian, không có đủ sức khỏe, những người tàn tật cũng vậy. Rõ ràng việc xây dựng cáp treo góp phần đáp ứng quyền bình đẳng để mọi người cùng được hưởng thụ đúng không?

Để phục vụ những du khách đặc thù, muốn chinh phục tự nhiên, trải nghiệm, phiêu lưu, chúng ta vẫn nên duy trì một phương án là đường bộ.

Chắc chắn phương án này sẽ là sự hỗ trợ rất tốt cho phương án kia, dưới góc độ cứu hộ chẳng hạn, ta thấy cáp treo rất tốt, chỉ có điều làm thế nào hạn chế được tiêu cực

Tôi lấy ví dụ như giải pháp cho việc xây những cái trụ để hạn chế tối đa việc phá rừng, ta phải có giải pháp để bù đắp lại một cách nghiêm túc.

Tôi cho rằng nếu chỉ đơn thuần đi bằng đường bộ thôi, để đáp ứng nhu cầu cho đông đảo số lượng người đi đến các vùng di sản, ta sẽ phải làm đường. Và thực tế, nếu làm đường bộ thì sẽ tàn phá tự nhiên nhiều hơn so với việc ta chỉ làm các cột trụ cho cáp treo. Vấn đề làm như thế nào chứ không phải làm hay không làm.

 PV: Vậy theo ông, khi làm cáp treo đến các vùng di sản, ta nên lưu ý điều gì?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng, có một vấn đề mà tất cả các di tích đều phải tính đến. Đó là việc mất cân bằng khi phát triển cáp treo.

Ví dụ, ở Yên Tử, phần lớn du khách đi từ phía đông lên, trong khi tây yên tử cũng là một hướng, họ cũng muốn phát triển, họ sẽ đặt ra câu hỏi, bên này có cáp treo, tại sao bên kia không có, dẫn đến câu chuyện, bên này phát triển kinh tế nhưng có thể bên kia lại vẫn "đứng im" tại chỗ.

Hay Quảng Bình, có thể con đường của huyện này lên mang lại lợi ích cho huyện, nhưng huyện khác cũng muốn khai phá một con đường lên nữa thì sao? Việc này trước khi tiến hành xây dựng cáp treo nên quy hoạch tổng thể, nhất là với di sản có giá trị cao như Sơn Đoòng.

Phải có sự điều hòa của Nhà nước trên không gian lãnh thổ các tỉnh. Ta phải có liên kết trên cơ sở tổng thể chứ không phải mạnh ai người nấy làm

PV: Có một vấn đề là, khi xây dựng cáp treo, đồng nghĩa với việc sẽ có tư nhân khai thác. Mà với doanh nghiệp, mục đích cuối cùng và lớn nhất vẫn là kinh tế. Vậy chúng ta phải làm thế nào để cân bằng giữa câu chuyện bảo tồn và phát triển, thưa ông?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Đúng là khi cho doanh nghiệp đầu từ xây dựng cáp treo, Nhà nước đảm bảo tạo điều kiện cho họ kinh doanh có lãi, nhưng không phải vì lợi nhuận mà phá hoại di sản. Vì di sản của quốc gia, thậm chí thế giới. Chúng ta bảo vệ, có nghĩa là tính toán thế nào để khai thác bền vững, mang lại nguồn lợi lâu dài chứ không phải chộp giật trước mắt

Tôi cho rằng nên chọn nhà đầu tư uy tín. Uy tín không gì bằng thực tế, tức là nhà đầu tư đã từng có kinh nghiệm, nếu không có thể dẫn đến tình trạng, doanh nghiệp không đủ năng lực, trúng thầu xong họ bán lại, chuyển thầu, thậm chí sang tay cho những đối tác mà ngay từ đầu ta không muốn, nhưng họ lách luật để tiếp cận và đặt cơ quản lý vào thế khó trong vấn đề bảo vệ di sản.

Điều khó ở chỗ nếu chỉ chọn thầu dựa trên hồ sơ thì là hình thức rồi. Ta nên chọn nhà đầu tư dựa trên uy tín họ đã xây dựng được, có trải nghiệm trong nước hay ngoài nước cũng vậy. Đó phải là những công ty có tiềm lực kinh tế, có uy tín cao, có thương hiệu, vì thương hiệu chính là giá trị lớn nhất mà chính họ phải bảo vệ.

Bên cạnh đó chúng ta phải có hình thức kiểm soát. Vì tài sản của ta, ta phải kiểm soát chứ. Ví dụ ngay từ đầu, phải xác định trách nhiệm rõ ràng của các bên liên quan. Khi xảy ra lỗi này, lỗi kia thì nó thuộc về ai? Nếu có chế tài tốt thì phạt thật mạnh.

Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Chỉ sợ đằng sau đó có những mối quan hệ không minh bạch, dung túng cho chuyện sai phạm thôi, chứ minh bạch thì hoàn toàn có thể làm được.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top