Aa

ĐBQH Trần Thị Thanh Lam: Nhiều người lao động chịu khổ vì doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 06/06/2023 - 15:25

"Những khoản chi sai, chi trùng, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động tồn đọng nhiều năm qua có phải là lãng phí về nguồn lực, cơ hội của hàng triệu người lao động hay không?", đại biểu Lam đặt vấn đề.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngày hôm nay (6/6), rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt vấn đề về những hiện tượng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, khiến rất nhiều lao động chịu thiệt thòi. Sau đại dịch Covi-19, tình hình kinh tế nói chung tiếp tục gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp được cho là khó khăn tứ bề: Thiếu hụt về đơn hàng; Tắc nghẽn về dòng vốn; Thể chế chưa đầy đủ, cần tiếp tục hoàn thiện; Còn nhiều vướng mắc pháp lý trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ với Reatimes về nội dung này, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành trung ương, của các địa phương đã đạt được kết quả khá toàn diện mà báo cáo đánh giá phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã thể hiện. Đồng thời lưu ý đến các chỉ tiêu cụ thể về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động. Mặc dù chỉ tiêu đạt được nhưng vẫn còn băn khoăn về tính bền vững và những tồn tại, bất cập liên quan đến lĩnh vực này mà báo cáo kiểm toán đã nêu.

đào ngọc dung
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn tỷ lệ khá cao, đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết căn cơ số nợ đọng chậm đóng bảo hiểm đến hết năm 2021 là 16.350 tỷ đồng; còn thu trùng 4.815 trường hợp bảo hiểm xã hội bắt buộc; thu hơn 100.000 bảo hiểm y tế trùng giữa ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng; thu trùng hơn 8.000 thẻ bảo hiểm y tế; chi trùng, chi sai bảo hiểm thất nghiệp cần phải thu hồi khoảng 3.000 trường hợp.

Đại biểu Lam phân tích: "Hành vi không đóng, trốn đóng, đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp... tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài trong nhiều năm và chưa có giải pháp mạnh mẽ để xử lý. Số tiền hơn 10 ngàn tỷ đồng là con số không nhỏ, nó tác động sâu sắc đến đời sống của hàng triệu gia đình lao động, con em của họ có thể mất cả cơ hội hoc hành và tương lai tươi sáng, chưa kể có khi vì mưu sinh vất vả trong số họ phải rơi vào bế tắc mà vướng vào các tệ nạn xã hội.

Hậu quả của hành vi trốn đóng BHXH,BHYT, BHTN cho người lao động không thể hiện tính bức xúc “giống như kiểu cháy nhà, chết người”, nhưng đâu đó là hình ảnh của những số phận đau thương, có cả mồ hôi, nước mắt của người lao động và gia đình của họ. Nếu chúng ta không kiên quyết xử lý thì không những mất đi tính nghiêm minh trong tuân thủ pháp luật mà cái mất lớn hơn có lẽ là niềm tin của người lao động đối với chính sách pháp luật của Nhà nước".

Đồng thời vị đại biểu đoàn Bến Tre cũng dẫn quy định hàng tháng chủ sử dụng lao động và người lao động đều đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Sang tháng thứ hai, tháng thứ ba không đóng thì sẽ biết, tại sao cơ quan bảo hiểm xã hội không xử lý mà để kéo dài trong suốt thời gian qua?

"Trách nhiệm kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước như thế nào. Vậy, những khoản chi sai, chi trùng, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động tồn đọng nhiều năm qua có phải là lãng phí về nguồn lực, cơ hội của hàng triệu người lao động hay không?”, đại biểu Lam nói.

Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu luôn được cơ quan thực thi nhiệm vụ đi tiên phong với những khoản chi không nhỏ. Qua rà soát, từ năm 2016 đến năm 2021 lĩnh vực này đã chi đầu tư gần 6.900 tỷ đồng cho ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng việc trùng lắp danh sách, bất cập trong chi các chế độ, trong theo dõi, quản lý đối tượng vẫn còn tồn tại, kéo dài, đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Mặc dù, đây là vấn đề nhiều năm qua cơ quan thẩm tra, cơ quan kiểm toán đã nhiều lần khuyến nghị.

Công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng được tập trung thực hiện. Tuy nhiên, chưa phổ quát, chưa rộng khắp, chất lượng tuyên truyền ra sao trong khi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có tăng nhưng chủ yếu là nhóm đối tượng bắt buộc, chưa thật sự bền vững, nguyên nhân từ đâu. Có phải người lao động chưa quan tâm tham gia hay chất lượng dịch vụ cung ứng chưa đảm bảo hay chính sách, chế độ về bảo hiểm chưa thực sự đáp ứng sự mong đợi của người dân; nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, chưa có giải đáp.

Trách nhiệm quản lý nhà nước trong đề xuất các chính sách pháp luật, công tác phối hợp để tháo gỡ những bất cập, để chia sẻ với khó khăn của người lao động có kịp thời hay không hay vẫn từ từ nghiên cứu. Ví dụ điển hình 4.240 trường hợp chủ hộ kinh doanh cá thể đóng bảo hiểm bắt buộc mà mốt số đại biểu vừa nêu; hay trường hợp 3.700 người lao động mượn hồ sơ thân nhân ký kết hợp đồng lao động đến bao giờ mới giải quyết, trong khi có nơi người lao động phải kiện ra tòa. Chưa kể đến việc tại sao kết dư các quỹ ngắn hạn về bảo hiểm luôn cao, có phải chính sách ban hành thiếu khả thi không? Vì sao chưa có giải pháp tháo gỡ? Vậy, trách nhiệm thực thi công vụ như thế nào trong các trường hợp này.

trần thị thanh lam
ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội . Ảnh: Duy Linh

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam nêu 3 kiến nghị như sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ xem xét cần có một tổ chức độc lập để khảo sát, đánh giá toàn bộ lĩnh vực về chính sách bảo hiểm để có thay đổi và điều chỉnh một cách hợp lý trong từng giai đoạn. Không sợ chỉ ra sai, trách nhiệm, bất cập, chồng chéo, lãng phí trong thực hiện chính sách để bảo hiểm xã hội luôn làm mới mình từ trong chính sách, thực sự là chỗ dựa của người lao động. Đồng thời, làm rõ loại hình hoạt động của cơ quan này. Hiện cơ quan bảo hiểm xã hội vừa là cơ quan tổ chức thực hiện, vừa cung ứng dịch vụ các chính sách về bảo hiểm, trong bối cảnh mới cần sắp xếp để hoạt động hợp lý hơn, hiệu quả hơn.

Cần quy định về các chính sách đối với người lao động, hiện nay chỉ mới giải quyết phần ngọn của vấn đề. Cần quan tâm hơn đến các chính sách phòng ngừa, hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì việc làm, tạo việc làm bền vững, hạn chế sa thải lao động, nhất là trong thời điểm này, Chính phủ đang trong quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm (sửa đổi) và tôi cho rằng làm tốt nhiệm vụ này cũng chính là tiền đề, cơ sở vững chắc để chính sách pháp luật thật sự đi vào đời sống của người dân.

Thứ hai, đề nghị các cơ quan có liên quan hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động, người bị nợ bảo hiểm xã hội, mất cơ hội việc làm để có chế tài mạnh mẽ và công cụ xử lý hữu hiệu hơn nữa để giải quyết dứt điểm những trường hợp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài đối với các trường hợp đang trong quá trình giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn theo tinh thần Nghị quyết 76 kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã yêu cầu.

Đặc biệt, cần sớm quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ đã được giao nếu xảy ra tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Thứ ba, trong đợt tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân và người lao động mà nhiều đại biểu Quốc hội ở đây có tham gia do Liên đoàn Lao động phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức. Trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều cử tri và người lao động đề nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn hiện tại của thị trường lao động, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động trong tình hình doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất; sa thải lao động lớn tuổi; quan tâm đến điều kiện ăn ở, học tập của con công nhân, lao động; các giải pháp để khắc phục tình trạng nhận bảo hiểm một lần... Cử tri và người lao động rất mong sớm nhận được sự chia sẻ từ các chính sách cụ thể của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, đại biểu Trần Thị Thanh Lam kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương đánh giá sát hơn về hoạt động của các loại hình quỹ ngoài ngân sách theo Nghị quyết 792 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tránh chồng chéo nhiệm vụ về quản lý nhà nước. Quy định rõ về trách nhiệm, quản lý chặt chẽ đến cùng quyền lợi của người cùng tham gia liên quan đến các quỹ ngoài ngân sách. Trong tổ chức thực hiện, cần dựa trên hiệu quả hoạt động cụ thể và đầu ra của sản phẩm để đánh giá năng lực của bộ máy và có cơ chế quản lý, theo dõi phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực không đáng có.

Bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng Bảo hiểm xã hội ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề tại sao luật có quy định song chưa có vụ nào bị xử lý hình sự để tăng tính răn đe?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết luật hình sự có quy định, Luật BHXH cũng đề cập, thậm chí Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng có nghị quyết hướng dẫn, nhưng “vẫn chưa xử lý được”, vì chưa thống nhất nội hàm “trốn đóng BHXH”. Trốn và chậm chưa phân biệt được, do đó chưa có cơ sở vững chắc để cơ quan chức năng khởi tố.

“Chủ nhiệm Ủy ban xã hội mấy lần nhắc tôi đôn đốc địa phương xử lý, nhưng đôn đốc mãi rồi và cơ quan chức năng nói không có căn cứ vững chắc”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với  năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu Bảo hiểm xã hội. Trong đó, có khoảng 26.670  đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của  206.468 người lao động. 

Lý giải nguyên nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế - thế giới có  nhiều sự bất ổn, bước vào thời kỳ suy thoái, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị  ảnh hưởng lớn, phải cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, khó khăn tài chính; 

Bên cạnh đó cơ quan BHXH chưa xác định, quản lý được hết đối tượng thuộc diện tham gia bắt buộc theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật BHXH. Một số địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc thu chưa quyết liệt, hiệu quả dẫn đến chậm đóng, trốn đóng kéo dài.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top