Aa

ĐBQH Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội quan tâm để doanh nghiệp tiếp cận đất đai với mức giá hợp lý

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Hai, 14/11/2022 - 14:55

"Làm sao cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được đất đai với mức giá hợp lý để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ", đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết ông rất tâm đắc khi mà ngay từ tên gọi của Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng đã thể hiện rất rõ mục tiêu, yêu cầu của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là phải tạo ra được một động lực đưa đất nước ta trở thành một nước có thu nhập cao. Nếu thực hiện mục tiêu này thì phải đưa nhiệm vụ trọng tâm của việc sửa đổi luật là phải nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp.

Bày tỏ sự tán thành với nhiều ý kiến trước đó, Đại biểu Vũ Tiến Lộc đóng góp 4 ý kiến vào dự thảo luật sửa đổi:

Thứ nhất, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch tổng thể phát triển quốc gia phải là ngọn hải đăng để dẫn dắt cho quy hoạch trong mọi lĩnh vực. Trong lĩnh vực sử dụng đất đai, huy động nguồn lực đất đai cũng phải tuân thủ Luật Quy hoạch và phát triển tổng thể quốc gia, hiện nay chúng ta chưa thông qua quy hoạch tổng thể.

“Tôi đề nghị Quốc hội phải có những nỗ lực vượt bậc để có thể thông qua được quy hoạch tổng thể này, dẫn dắt cho quy hoạch sử dụng đất, chỉ trên cơ sở đó chúng ta mới đảm bảo được sự minh bạch, ổn định phát triển thị trường đất đai và huy động nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lộc nhấn mạnh.

Thứ hai, Luật Đất đai có liên quan đến rất nhiều những luật có liên quan. Khi sửa đổi Luật Đất đai có thể đưa ra những phương án rất tốt nhưng lại cản trở ở các luật khác, có đến cả trăm luật liên quan đến luật.

“Tôi đề nghị cùng với việc sửa đổi Luật Đất đai trong 3 kỳ họp, chúng ta cũng rà soát lại những chồng chéo, bất cập trong các dự luật khác để đưa ra một luật sửa nhiều luật, đồng bộ với Luật Đất đai để khi đưa vào thực thi là có thể phát huy ngay tác dụng. Đây cũng là một việc rất quan trọng, nếu không chúng ta sẽ gặp lại bài học trong lịch sử, Luật Đất đai có thể tốt nhưng các luật khác sẽ cản trở việc thực hiện Luật Đất đai”, ông Lộc cảnh báo.

Thứ ba, về việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Xuất phát từ yêu cầu của nghị quyết Hội nghị Trung ương, tôi thấy việc chúng ta phải thực hiện phương án nhà nước đứng ra thu hồi, giải tỏa, đền bù để thúc đẩy cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xây dựng các ngành kinh tế và các doanh nghiệp chủ lực trong nền kinh tế để có thể tạo ra nhiều việc làm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách và tạo ra những thương hiệu hàng hóa, sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Điều đó thì rõ ràng các dự án phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu quy hoạch nằm trong những lĩnh vực được khuyến khích, dù có nhằm cho lợi ích cụ thể của doanh nghiệp là lợi nhuận nhưng vẫn nhằm cho lợi ích quốc gia. Cho nên không thể nói một doanh nghiệp có lợi nhuận nhiều, phát triển trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng chỉ có lợi ích của riêng họ, mà chính sự phát triển của những dự án đó sẽ nâng cao năng lực và nâng cao tiềm năng phát triển của tất cả các địa phương và của cả nước này. Rất khó nói rằng một doanh nghiệp hoạt động tốt, tạo ra năng lực cạnh tranh cao lại không có đóng góp cho sự phát triển quốc gia, công cộng.

“Vì vậy, tôi đồng ý với cách tiếp cận của dự luật trong Điều 86 đã bổ sung rất nhiều lĩnh vực vào các dự án mà Nhà nước cần phải giải tỏa, đền bù, tuy nhiên tôi thấy vẫn còn thiếu. Tôi đề nghị bổ sung thêm các công trình văn hóa, thể thao, phát triển du lịch, các dự án cho giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế… còn rất nhiều lĩnh vực mà chúng ta cần phải quan tâm, tạo điều kiện cho họ tiếp cận đất đai để thúc đẩy. Đối với vấn đề này, chúng ta có hai cách xử lý: Một là quy định luôn các lĩnh vực trong luật này. Hai là giao cho Chính phủ quy định bảng danh mục cho phù hợp với từng giai đoạn. Vấn đề này tôi đề nghị Quốc hội sẽ xem xét”, ông Lộc nêu quan điểm.

Thứ tư, về vấn đề giá đất. Nghị quyết Hội nghị Trung ương nêu rõ "giá đất nhà nước quyết định phải phù hợp với giá đất thị trường" và vấn đề này tôi nhất trí với thiết kế của dự luật là bỏ khung giá đất và trao quyền quyết định bảng giá và mức giá cụ thể hàng năm cho chính quyền các địa phương. Ở đây cần phải phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn định giá và Hội đồng thẩm định giá và quyền quyết định thuộc về Ủy ban nhân dân. Tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc hai phương án:

Một là thành lập ra cơ quan xác định giá riêng, độc lập với cơ quan hành chính, có thể trực thuộc Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp, giống như cơ quan kiểm toán, đứng ngoài hệ thống hành chính.

Hai là giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực thi theo luật.

“Đối với các dự án không thuộc dạng giải tỏa, đền bù mà Nhà nước đứng ra trực tiếp làm quyết định này, tôi đề nghị Nhà nước cần đề cao trách nhiệm của mình trong việc này với tư cách là chủ sở hữu toàn dân. Trên cơ sở doanh nghiệp thỏa thuận với người dân, với sự trợ giúp của các tổ chức định giá hay các cơ quan thẩm định thì có thể trình lên cơ quan chính quyền có thể phê duyệt phương án này để đảm bảo thực hiện.

Trong trường hợp như một số đại biểu nêu, có thể đối với một dự án chúng ta thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận đa số, ví dụ 70-80% các hộ dân đồng ý phương án đó, nhưng chỉ có một số ít hộ dân không đồng ý, tôi đề nghị chính quyền các cấp phê duyệt phương án giá như vậy và đảm bảo thực hiện để cho các dự án có thể tiếp cận đất đai một cách thuận lợi hơn, tôi nghĩ điều đó có thể thực hiện được”, ông Lộc phân tích.

Ngoài ra, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng nêu thực tế trong cơ chế giải quyết tranh chấp thì có nói đến Tòa án, trọng tài, hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại ở tòa án, nhưng còn phương thức xử lý tranh chấp nữa cũng rất hiệu quả để đảm bảo quyền tự do lựa chọn của người dân đã được quy định trong nghị định của Chính phủ về hòa giải thương mại. Đề nghị bổ sung thêm phương thức hòa giải thương mại vào trong cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề quyền sử dụng đất.

“Tôi cũng xin có ý kiến cuối cùng là trong mọi trường hợp, việc quyết định giá hay phê duyệt giá thì mục tiêu cao nhất không phải là chúng ta thu được nhiều tiền, không phải là người dân thu được nhiều tiền nhất mà vấn đề làm sao cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được đất đai với mức giá hợp lý để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi đề nghị Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề này”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu.

Hạn chế tối đa những điều vô lý, mất công bằng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Cùng chung quan điểm, Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng, cần hết sức hạn chế cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án có sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thực tiễn cho thấy việc duy trì cơ chế thỏa thuận, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã tạo ra sự mất công bằng giữa những người có đất nông nghiệp mà nhà nước thu hồi với người được thỏa thuận, giữa những người có đất trong cùng một dự án thỏa thuận. Cơ chế này cũng khiến cho các dự án thuộc diện thỏa thuận không có thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng, khiến nhiều dự án dở dang, bỏ đất hoang hóa, ảnh hưởng rất xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước.

Cơ chế thỏa thuận đã tạo ra những điều vô lý, mất công bằng xã hội như khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án lợi ích quốc gia thì giá thấp hơn hàng chục, thậm chí đến trăm lần so với dự án thỏa thuận hoặc người đồng ý chuyển nhượng sau cùng lại là người được nhận giá trị thỏa thuận cao hơn những người đồng ý trước.

“Việc hạn chế các dự án thuộc danh mục nhà nước thu hồi đất và mở rộng cơ chế thỏa thuận chắc chắn sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước, giảm hiệu quả sử dụng đất. Vì vậy, tôi đề nghị không chỉ danh mục các dự án nêu tại Điều 86 trong dự thảo mà toàn bộ nội dung của Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 cần được giữ nguyên và bổ sung thêm, trong đó có các dự án kêu gọi đầu tư thuộc lĩnh vực xã hội hóa.

Danh mục các dự án nhà nước thu hồi theo Điều 62 Luật 2013 là rất xác đáng, nhưng nay theo Điều 86 dự thảo luật thì vẫn có nhiều dự án chưa được đưa vào, như các đại biểu phát biểu trước đó. Ví dụ, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, công trình thu gom, xử lý chất thải, hệ thống dẫn chứa xăng, dầu, khí đốt đầu mối, nhà máy điện trong quy hoạch do doanh nghiệp gồm cả nhà nước và ngoài nhà nước thực hiện thì lại chưa có trong danh mục”, ông Thịnh phân tích.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang). Ảnh: quochoi.vn

Ngoài ra, để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án thỏa thuận theo Luật Đất đai năm 2013, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị: “Dự thảo bổ sung thêm trường hợp nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các dự án thuộc diện thỏa thuận mà đã đạt 80% về diện tích. Điều này phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa XIII đã khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước làm đại diện. Để đảm bảo quyền lợi của người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi, hạn chế thất thoát, tạo lập công bằng xã hội trong giao đất, cho thuê đất, sau khi nhà nước thu hồi cần rà soát nâng mức bồi thường, hỗ trợ cho người dân cho phù hợp. Đồng thời thực hiện triệt để việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá công khai, minh bạch”.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) tranh luận với Đại biểu Vũ Tiến Lộc và một số đại biểu nêu về cách kiểm đếm, có một cơ quan độc lập để kiểm đếm và công tác đền bù:

Theo Đại biểu Nguyễn Quang Huân, nếu lập một cơ quan thuộc Quốc hội hay Hội đồng nhân dân thì như vậy chúng ta đi ngược lại với xu thế tinh giản bộ máy biên chế. Chúng ta nên học tập kinh nghiệm của một số dự án ODA, chỉ cần có một đơn vị, công ty, một tư vấn chuyên nghiệp lập báo cáo tái định cư và giám sát quá trình tái định cư, giống như trong quá trình tư vấn về giám sát xây dựng sẽ đảm bảo được việc độc lập. Phần này chúng ta đã quy định, trong dự thảo ở Điều 116, về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, khoản 2 có nêu là tách các dự án vay vốn ODA, vay vốn nước ngoài thì chúng ta đền bù theo chính sách của họ, còn dự án ngân sách đền bù từ ngân sách.

Nếu có một cơ quan độc lập nhưng không cần phải của cơ quan nhà nước mà là một công ty tư vấn thì người ta giải quyết vấn đề đảm bảo đền bù giữa vốn ODA và vốn ngân sách nhà nước là như nhau trên lãnh thổ Việt Nam, khi phân biệt nguồn vốn như thế mà bản chất hai nguồn vốn này đều bị chi phối bởi vốn ngân sách thì sẽ làm công tác đền bù, tái định cư không đồng đều, nhất quán ở các dự án với nhau, có thể sinh ra khiếu kiện.

Tôi rất đồng ý với Đại biểu Vũ Tiến Lộc về Điều 86, tức là nếu như các danh mục, các công trình, các loại dự án nêu không đầy đủ thì sẽ dẫn tới tình trạng một số dự án quy định ở trong luật khác thì được ưu tiên, ưu đãi, nhưng đối với luật này lại bị đấu thầu sẽ gây lúng túng cho các địa phương. Ví dụ như Luật Bảo vệ môi trường có nói các dự án về môi trường như là rác thải hay là cấp thoát nước thì được ưu tiên, được bàn giao đất sạch, nhưng đối với Luật Đất đai chúng ta chỉ nói rằng những dự án nào sử dụng đất thì phải đấu thầu, quay về Luật 43 của Luật Đấu thầu cũ. Hiện nay Luật Đấu thầu mới chúng ta chưa có, lại nói rằng phải theo quy định của Luật Đất đai cũ. Việc này đang gây vướng cho các địa phương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top