Aa

Đề bài với chính quyền đô thị

Thứ Tư, 30/10/2019 - 06:00

Giả dụ không phải là xe đổ trộm dầu thải, mà là một tên khủng bố hay rối loạn thần kinh đầu độc hệ thống cấp nước thì số phận của hàng triệu người dân Hà Nội trong cuộc khủng hoảng nước sinh hoạt vừa qua sẽ ra sao?

Nếu đó không phải là loại hóa chất có mùi khét, mà là chất độc không mùi, không vị thì đến bao giờ sự cố mới được phát hiện và xử lý?

Chính quyền Hà Nội đã không làm tròn vai trong việc đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: Hoàng Thanh Tùng

Năm nay, nói một cách duy tâm, là một năm đầy xui xẻo với gần 10 triệu cư dân Hà Nội. Sau đợt nắng nóng kỷ lục hồi đầu mùa hè, thủ đô liên tiếp đón nhận những sự cố môi trường. Ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần, biến thành phố vì hòa bình trở thành một trong những đô thị ô nhiễm nhất thế giới. Người dân phải tập làm quen với bầu trời mịt mù mỗi sáng thức dậy, và đổ xô đi tìm mua máy lọc không khí. Khi cơn sốt bụi mịn qua đi, thì Nhà máy Rạng Đông cháy, rò rỉ thủy ngân ra khu vực đông dân bậc nhất ở thủ đô.

Chưa hết, vừa qua hệ thống “nước sạch” Sông Đà nhiễm chất độc từ dầu thải đổ trộm, gây xáo trộn nghiêm trọng đời sống của hơn một triệu người dân Hà Nội. Rất nhiều hộ gia đình nghe lời khẳng định “nước đủ tiêu chuẩn” của đơn vị cấp nước và tiêu dùng trong vài ngày, trước khi thông tin trên được công bố.

Tai họa diễn ra là điều không ai muốn. Ngay cả tại các thành phố phát triển bậc nhất thế giới, thi thoảng cũng có những sự cố không lường trước. Điều đáng quan tâm hơn là chính quyền đô thị ứng phó ra sao khi tai ương ập đến. Đánh giá ở tiêu chí này, tôi cho rằng Hà Nội đã không làm tròn vai.

Người dân chỉ biết chất lượng không khí tệ đi sau khi không thể thở nổi, và thông qua một ứng dụng của nước ngoài. Phản ứng ban đầu của chính quyền là tranh luận về tính chính xác của ứng dụng, thay vì đưa ra những giải pháp kịp thời để làm giảm mức độ ô nhiễm.

Vụ khủng hoảng nước sinh hoạt vừa qua minh họa rõ nét sự yếu kém của Hà Nội trong việc đảm bảo an sinh cho người dân.

Sau vụ cháy ở Nhà máy Rạng Đông, chính quyền cấp cơ sở đưa ra những nhận định mâu thuẫn nhau, những lời khuyến cáo không được giới chuyên môn ủng hộ (và sau bị chứng tỏ là sai), và nỗ lực trấn an dư luận thay vì đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu để đưa ra giải pháp ứng phó nhanh nhất có thể. Chính quyền và lãnh đạo Hà Nội thì lên tiếng chậm trễ, và thực sự “vào cuộc” sau khi có chỉ đạo từ cấp trên - là Chính phủ.

Vụ khủng hoảng nước sinh hoạt vừa qua minh họa rõ nét sự yếu kém của Hà Nội trong việc đảm bảo an sinh cho người dân. Sai phạm đã có thể được ngăn chặn nếu quy trình cấp nước được giám sát chặt chẽ hơn, thay vì để mặc quyền sinh quyền sát cho một công ty thực hiện. Việc khuyến cáo cho người dân được đưa ra bảy ngày sau khi phát hiện sự cố (ngày 8/10) là quá muộn, dù đây là lỗi trực tiếp của công ty cấp nước chứ không phải của thành phố. Những phương án dự phòng hiệu quả cho trường hợp cắt nước để giải quyết sự cố cũng không có, với nhiều xe bồn - hàng ngày dùng để tưới cây - được huy động để cấp nước thay thế cho các khu dân cư.

Nhìn vào cách ứng phó của Hà Nội, tôi thấy người dân thực ra gặp may vì tai họa không diễn ra thường xuyên với hệ lụy lớn hơn. Nói gở, tôi không dám tưởng tượng viễn cảnh Hà Nội gặp phải những thảm họa khủng khiếp như động đất, sóng thần, hay ô nhiễm hạt nhân như một số đô thị lớn từng trải qua.

May mắn của Hà Nội là cha ông có lẽ đã chọn địa điểm có “phong thủy” tốt. Thủ đô ít khi phải trải qua những cơn cuồng nộ của thiên nhiên. “Tai họa” đúng nghĩa gần nhất xảy ra với Hà Nội là trận lụt lịch sử vào năm 2008. Năm đó toàn thành phố bị tê liệt, gần 30 người thiệt mạng. Thiên tai là một lẽ, nhưng sự thiếu chủ động, phản ứng chậm chạp của chính quyền thành phố góp phần làm cho hậu quả nặng nề hơn.

Nhưng sau 10 năm, với dân số tăng thêm 30%, có vẻ như Hà Nội vẫn chưa học được gì nhiều.

Một đại đô thị như Hà Nội thì không thể dựa mãi vào vận may hay chặc lưỡi kiểu AQ, “may mà chuyện không tệ hơn” để giúp cư dân có cuộc sống an toàn.

Một thành phố với 10 triệu người thì phải có những quy trình xử lý khủng hoảng chuẩn mực, lực lượng ứng phó đủ năng lực, và những lãnh đạo thực sự quan tâm đến cư dân. Gần đây, Hà Nội luôn nói nhiều đến “thành phố thông minh”, hướng đến “thành phố điện tử”, “thành phố 4.0”, hay hàng loạt những mỹ từ khác. Nhưng đến nhu cầu cơ bản nhất của người dân - được sống trong môi trường sạch sẽ và an toàn - còn không đáp ứng được, thì mong đợi gì những mục tiêu trên?

Những sự cố vừa qua không chỉ là bài học cho Hà Nội, mà còn cho các đô thị lớn khác ở nước ta. Cách thức tổ chức chính quyền đô thị hiện nay có lẽ đã lỗi thời, cần được thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới. Quản lý một đô thị một triệu dân và một đô thị 10 triệu dân là rất khác nhau, nhưng nếu so sánh cách tổ chức chính quyền địa phương ở Hà Nội 30 năm trước và bây giờ, có lẽ chúng ta không nhìn thấy nhiều sự khác biệt. Ngay trong đề án chính quyền đô thị mới đề xuất, Hà Nội cũng cho rằng cần bỏ đi những mô hình kiểu cũ như hội đồng nhân dân ở cấp phường.

Xác định mô hình đô thị “kiểu mới” sẽ là không đơn giản. Nhưng trong mô hình đó, nhất thiết phải đáp ứng được hai yếu tố: thứ nhất, những vấn đề an sinh cơ bản nhất của người dân phải luôn được đảm bảo; và thứ hai, chính quyền cần có trách nhiệm giải trình lớn hơn với người dân. Ở nhiều đô thị toàn cầu, hai tiêu chí đó kết hợp chặt chẽ với nhau. Khi lãnh đạo thành phố biết “sợ” người dân - hay lá phiếu của họ - thì ít nhất chính quyền cũng sẽ nỗ lực để đáp ứng tối đa nguyện vọng chung.

Ba cuộc khủng hoảng môi trường liên tiếp đặt ra dấu hỏi lớn về nỗ lực đó của lãnh đạo thành phố. Hy vọng Hà Nội không coi đó là những cuộc diễn tập lớn như trận lụt năm 2008, mà nghiêm túc nhìn lại và thực sự cải thiện bộ máy theo hướng phục vụ người dân tốt hơn. Suy cho cùng, cả lãnh đạo và người dân đều hít thở cùng một bầu trời và uống chung một nguồn nước, khi môi trường sống bị hủy hoại thì không ai hưởng lợi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top