Aa

Gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân thấp kỷ lục vì nhiều doanh nghiệp sợ bị quy trách nhiệm

Chủ Nhật, 12/02/2023 - 06:12

Hầu hết doanh nghiệp đều đang lao đao trước áp lực lãi suất tăng cao, trong khi đó gói hỗ trợ lãi suất 2% có nguy cơ trở thành "bánh vẽ" vì sợ bị quy trách nhiệm.

Nhằm thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, đầu tháng 2/2023, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngay trong tháng này. Các chuyên gia nhận định, vấn đề là phải gỡ bỏ các điều kiện ngặt nghèo và xem xét mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng, hay điều chuyển sang gói hỗ trợ khác mới mong đưa chính sách này đi vào thực tế.

Gói hỗ trợ 2% giải ngân thấp kỷ lục

Tại Nghị quyết 43/2022, Quốc hội quyết nghị sử dụng tối đa 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất (2%/năm). Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến hết năm 2022, giải ngân chính sách hỗ trợ 2% lãi suất mới đạt hơn 134 tỷ đồng, tương đương hơn 0,3% tổng nguồn lực.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi Nghị định số 31 của Chính phủ để tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nguồn lực còn lại để thực hiện chính sách còn rất lớn, khả năng không thể giải ngân hết trong năm 2023.

Trong khi đó, việc phân bổ vốn chi đầu tư phát triển thuộc chương trình cũng triển khai chậm. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện còn 14.151 tỷ đồng chưa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để Thủ tướng giao kế hoạch. Cụ thể gồm: 9.605 tỷ đồng của các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư; 1.214 tỷ đồng của các dự án đã được Thủ tướng thông báo dự kiến vốn nhưng các địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và 3.332 tỷ đồng chưa được Thủ tướng Chính phủ thông báo.

Theo Nghị quyết 69 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, sang ngày 31/3/2023, số vốn đầu tư phát triển thuộc chương trình còn lại chưa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sẽ không thực hiện phân bổ tiếp.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM). (Ảnh: Văn Đô)

Trao đổi với Reatimes, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) cho biết, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ đã hỗ trợ thiết thực giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa triển khai tốt.

Đơn cử như gói hỗ trợ lãi suất 2% đang vướng nhiều rào cản nên rất khó triển khai. Thời gian đầu doanh nghiệp còn rất mong chờ nhưng đến hiện tại, đã có những doanh nghiệp cho biết, họ "không hy vọng gì". Thực tế, có doanh nghiệp do e ngại việc thanh tra, kiểm tra, có doanh nghiệp cố gắng tiếp cận nhưng không thành công. Tỷ lệ giải ngân quá thấp ở thời điểm hiện tại, chưa đến 1% trong tổng số 40.000 tỷ đồng quả là con số thấp kỷ lục.

Trong khi đó, báo cáo của các ngân hàng thương mại lại cho thấy, vướng mắc lớn nhất khiến kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất rất thấp là tâm lý e ngại của các doanh nghiệp. Nghĩa là doanh nghiệp đã cân nhắc giữa lợi ích của việc được hỗ trợ 2% so với chi phí bỏ ra khi phải theo dõi hồ sơ, sổ sách và các quy định liên quan để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm của cơ quan chức năng sau này. Trong trường hợp bị thu hồi khoản hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ rất khó xử lý, bởi rất khó thu lại nếu đã hạch toán và chia cổ tức.

"Có nhiều lý do, trong đó có một lý do quan trọng là doanh nghiệp không đáp ứng được những điều kiện được cho là đang quá ngặt nghèo. Và cả yếu tố thanh kiểm tra đang gây áp lực với cả doanh nghiệp và ngân hàng. Để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi. Nếu tại thời điểm thanh tra, kiểm toán, doanh nghiệp được đánh giá không có khả năng phục hồi thì có thể bị thu hồi lại phần tiền đã được hỗ trợ, thậm chí bị quy trục lợi chính sách", TS. Nguyễn Minh Thảo nêu.

Xem xét để mở rộng đối tượng thụ hưởng và minh bạch hóa quy chế cho vay

Trước tình hình gói hỗ trợ 2% triển khai quá chậm trễ, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cho điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết sang các nhiệm vụ chi hoặc hình thức hỗ trợ phù hợp khác.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với số vốn 14.151 tỷ đồng còn lại.

Các bộ, cơ quan, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp không được phân bổ do không đáp ứng đúng thời hạn quy định.

Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ chấp thuận mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất như người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá phù hợp, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại thu mua, tạm trữ lương thực, nông, lâm, thuỷ sản, kinh doanh xăng dầu…

Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ chấp thuận mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất như người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá phù hợp... (Ảnh: VGP/Toàn Thắng)

Đồng tình với đề xuất này, TS. Nguyễn Minh Thảo cho biết, có thể do gói hỗ trợ lãi suất 2% "chưa có tiền lệ" nên việc xây dựng chính sách còn mang tính chung chung. Để có kết quả giải ngân tốt hơn, cần thiết điều chỉnh những quy định chưa phù hợp hay quá ngặt nghèo để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn và phía các ngân hàng cũng tự tin khi giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp.

"Trong bối cảnh thời hạn giải ngân không còn dài, cần nhanh chóng điều chỉnh vốn sang chương trình hỗ trợ khác, khả thi hơn nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc mở rộng đối tượng thụ hưởng cũng rất phù hợp. Đây cũng là cách để doanh nghiệp và người dân tin tưởng vào hiệu quả chính sách của Nhà nước.

Đồng thời, hoạt động thanh kiểm tra chỉ nên tiến hành chủ yếu tại các ngân hàng thương mại. Nếu phát hiện vi phạm thì mới tiến hành kiểm tra khách hàng nhưng chỉ nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định về hỗ trợ lãi suất, không bao gồm các phạm vi khác. Hoạt động kiểm soát này nên hướng tới việc hướng dẫn doanh nghiệp làm đúng và làm tốt hơn thay vì tìm ra sai sót của họ.

Bên cạnh đó, trong khi gói hỗ trợ lãi suất đang còn nhiều vướng mắc, thì chúng ta có thể tính đến những chính sách hỗ trợ trực tiếp như miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân", bà Thảo phân tích.

Mới đây, phản hồi đề nghị của Ngân hàng Nhà nước về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sớm ban hành quy định về nguyên tắc hoạt động kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước và Tổ công tác liên ngành để tránh sự chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí thời gian cho khách hàng.

Đồng thời, VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân. Nếu có quy định minh bạch và phù hợp, sẽ phần nào loại bỏ tâm lý e ngại của các khách hàng trong hoạt động hậu kiểm khi triển khai gói hỗ trợ này.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho phép điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết của chương trình này sang các nhiệm vụ chi/các hình thức hỗ trợ khác. Ví dụ như các chương trình cho vay hỗ trợ khôi phục kinh tế thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm hiện đang giải ngân rất tốt và nguồn vốn này sẽ được thu hồi khi các khoản vay đến hạn trả./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top