Để Thừa Thiên - Huế sớm là xứ sở Mai vàng của Việt Nam

Để Thừa Thiên - Huế sớm là xứ sở Mai vàng của Việt Nam

Thứ Sáu, 21/01/2022 - 06:15

Từ bao đời, Hoa Mai vàng đã được người dân xứ Huế trồng ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà, ngoài ngõ... tạo nên vẻ đẹp sang trọng, trở thành một biểu tượng sắc Xuân của thiên nhiên và con người Huế. 

LTS: Ngày 26/4/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định số 915/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng Thừa Thiên - Huế thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”. Sau gần một năm triển khai, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì thực hiện Đề án đã triển khai một số nhiệm vụ của Đề án, nội dung của các hoạt động là nền tảng, cơ sở để xây dựng Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Tuy nhiên, việc triển khai Đề án không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành KH&CN mà cần phải có sự chung tay của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, góp sức của cả cộng đồng xã hội. “Làm thế nào để Mai vàng Huế phát triển, nổi tiếng như hoa Anh đào Nhật Bản”; đâu là giải pháp để “Xây dựng Thừa Thiên - Huế thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”… là những câu hỏi đặt ra cần giải quyết.

Tại buổi làm việc với Sở KH&CN về Kế hoạch triển khai Đề án “Xây dựng Thừa Thiên - Huế thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” năm 2022 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở KH&CN tỉnh xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để xây dựng kế hoạch. Theo đó, có 4 nhiệm vụ, giải pháp gồm đánh giá thực trạng (lịch sử, truyền thống, tình hình sản xuất, kinh doanh…) về Mai vàng Huế; quy hoạch các khu vực, điểm trồng; triển khai các nhiệm vụ KH&CN (xác định giống, xây dựng mô hình sản xuất giống, quy trình kỹ thuật trồng và xây dựng thương hiệu cho Mai vàng Huế; tuyên truyền, quảng bá Đề án.

Mai vàng Huế

Mai vàng hay còn gọi là Hoàng mai Huế là loại hoa nổi tiếng của Huế - Việt Nam. Loại hoa này đã trở nên phổ biến trong đời sống dân gian, đến mức mà nhiều người dân xứ Huế dẫu cái ăn còn chật vật nhưng trước ngõ cũng phải có một cây Mai vàng. Mai vàng trước ngõ không chỉ tô điểm, làm đẹp thêm cho không gian vườn, không gian nhà khi nở hoa mà người Huế luôn hiểu rằng, ấy là sự nhắc nhớ, nhìn hoa mà người trồng, người chơi, người ngắm theo đó mà giữ lấy cốt cách, phẩm hạnh; ứng xử trong đời sống sinh hoạt thường nhật như ý nghĩa của loài hoa mang nhiều ý nghĩa triết lý Á đông này.

Hoa Mai vàng do vậy mà từ bao đời đã được người dân xứ Huế trồng ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà, ngoài ngõ... tạo nên vẻ đẹp sang trọng, trở thành một biểu tượng sắc Xuân của thiên nhiên và con người Huế.

mai vàng
Hoàng mai xuất hiện trong những họa tiết kiến trúc cung đình Huế

Theo TS. Lê Thị An Hoà, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì Mai vàng Huế đã xuất hiện từ lâu đời trong cung đình Huế. Theo đó, hoa mai trong cung đình Huế có hai loại:

(1) Bạch mai: “Bản thảo” nói, cây và lá giống cây hạnh mà đen, hoa trắng mà thơm. Loại dịch “Mai phổ” của Phạm Thành Đại nói: Cây mai phong vận, đẹp mà cốt cách, cho nên cây nào có cành ngang thưa gầy và cành già kỳ quái là quý hơn cả. Đến tiết các hoa nở, thì hoa mai nở trước tiên.

(2) Hoàng mai: Tục gọi là bông Mai vàng. “Bản thảo” chép là lạp mai. Bài thơ “Vịnh Hoàng mai” trong Minh Mệnh thánh chế có lược chú rằng: Thân cây cứng và thẳng, lá xanh lợt mà sáng mịn, nhọn dài, hoa có năm cánh, nhị như ngọc, lòng hoàng đàn, cũng giống mai trắng nhưng sắc vàng thẫm và thơm hơn. Khi hoa rụng thì cuống khô biến thành sắc hồng, lại giống như hoa, khác hẳn các loại hoa khác.

Mai vàng Huế

Đã từ nhiều thế kỷ nay, Mai vàng gắn bó với các địa danh lịch sử tâm linh xứ Huế. Bằng chứng không chỉ ở các cây mai có tuổi đời lên tới hàng trăm năm mà còn hiện hữu từ vật dụng cho đến kiến trúc các di tích này. Tại Thái Hòa Điện, Mai vàng xuất hiện ở bờ quyết chính điện trong đồ án mai điểu đắp bằng vữa; hoa Mai vàng xuất hiện trên bờ nóc Thế Tổ Miếu với đồ án vẽ bằng bột màu; Họa tiết mai (Hoàng mai) - điểu đắp nổi vôi vữa có màu ở bình phong Cung Diên Thọ; Hoa Bạch mai đắp nổi ở liên ba, bờ nóc điện Long An… Hình ảnh hoa mai còn xuất hiện trong nội thất của các lăng tẩm vua Nguyễn, ở cổng Tam Tòa (Cơ Mật Viện)… Ngoài ra, hoa mai có trong các ô hộc trang trí trên các cổng, cửa bằng nghệ thuật đắp nổi vôi vữa, khảm sành sứ và thủy tinh màu thông qua các đồ án mai thọ và mai điểu.

Hiện nay, mai được trồng ở nhiều điểm thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, như ở khu vực Cung Diên Thọ, ở vườn Thiệu Phương, Lăng Minh Mạng, Tự Đức, Thiệu Trị, Khải Định... Theo nhiều tài liệu, thì Mai vàng Huế được dẫn giống, trồng và phát triển từ lâu đời, tại vùng đất Cố đô với tên gọi “Mai Ngự”, “Mai vàng xứ Huế” hay “Hoàng mai”. Trước đây, Mai vàng Huế phân bố chủ yếu ở vùng núi thưa và đồi cỏ cây bụi (đầu nguồn sông Hương, sát biên giới Việt - Lào), chúng thường tập trung thành quần thể gần bờ suối. Các vùng rừng còi bị chặt phá đồi cỏ cây bụi như Long Hồ, Ngọc Hồ, Ngũ Tây  (phía Tây Bắc và Tây Nam TP. Huế), Thừa Lưu, Truồi (huyện Phú Lộc)… Mai vàng xuất hiện khá nhiều. Tuy nhiên, do các hoạt động khai thác của con người nên chúng khó phát triển tốt, chỉ còn lại gốc và những cành tái sinh.

Năm 1995, nhà nghiên cứu Mai Văn Phô đã thu thập và định danh được 2 loài, 3 chỉ và 2 biến dạng Mai vàng Huế: Mai vàng - Ochna integerrima (Lour.) Merr. - (hai biến dạng của Mai vàng là Mai hồng Diệp và Mai trắng); Mai Tứ quý - Ochna atropurpurea DC.; Mai núi -Indosinia involucrata (Gagnep.) J.E.Vidal.

lợi tích kinh tế của mai vàng

Về giá trị kinh tế, sản phẩm Mai vàng Huế cùng nghề trồng cây mai cảnh đã chứng minh tiềm năng và giá trị to lớn của mình. Mai vàng không chỉ ghi dấu ấn trong văn hóa lễ hội hoa xuân mỗi độ Tết đến xuân về, mà Mai vàng Huế còn được khẳng định thương hiệu bởi những giá trị nghệ thuật bonsai với những bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã làm cho Mai vàng Huế nâng cao giá trị thương hiệu và giá trị kinh tế lớn cho những người trồng mai.

Làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, làng nghề truyền thống trồng mai được công nhận ngày 28/12/2018 là làng nghề nổi tiếng với nghề trồng mai cảnh hàng trăm năm. Thống kê cho thấy, hơn 30% dân cư nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng mai cảnh. Cũng vì thế mai cảnh trở thành đặc sản nổi bật của dân làng và là cây chơi tết không thể thiếu trong mọi gia đình. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 5.000 cây mai. Trong đợt Tết Canh Tý - năm 2020, người dân đã bán được khoảng 100 cây mai cảnh với tổng giá trị thu được gần 3 tỷ đồng.

Mai Vàng Huế
Chăm sóc Mai vàng ở xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, nơi trồng hoa Mai vàng nổi tiếng

Thị trường mai vàng cũng phản ánh giá trị kinh tế của Mai vàng Huế. Những cây mai khoảng 30 - 60 tuổi có giá trị dao động từ 100 đến vài trăm triệu đồng/cây, thậm chí có thể đắt hơn. Có những gốc mai tuổi đời cả trăm năm được rao bán với giá một đến vài tỷ đồng. Tại chợ hoa tết Canh Tý năm 2020 “Lão” Hoàng mai có giá lên đến 2 tỷ đồng. Không chỉ bán cây, Mai vàng Huế còn được cho thuê với giá giao động từ vài triệu đến chục triệu đồng.

Trước đây, cùng với mai Bình Định, thì Mai vàng Huế hầu như chiếm lĩnh thị trường hoa ở khắp các miền trong cả nước. Tuy số lượng không nhiều, nhưng thương lái và người chơi mai vẫn chuộng và ưa thích các sản phẩm mai ở Huế hơn bởi giá trị văn hoá và các yếu tố khác như gốc đẹp hơn, thời gian nở hoa, chơi cây dài hơn. Sau này, do ảnh hưởng của thiên tai, sự phát triển đô thị, sự mai một về giống, kỹ thuật chăm sóc và thiếu định hướng nên ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của loài cây này. Mặt khác, do nhu cầu của thị trường, nên nhiều cây Mai vàng Huế có tuổi đời trên 70 năm tuổi đã được các thương lái, người chơi mai ở các địa phương khác đến thu mua dẫn đến tình trạng “chảy máu mai Huế”, làm cho những cây mai đại thụ, có giá trị ở Huế dần mất đi…

mai vàng
 Họa tiết mai ở liên ba nội thất điện Long An bằng chất liệu khảm xà cừ và họa tiết mai (hoàng mai) - điểu đắp nổi vôi vữa có màu ở bình phong Cung Diên Thọ
mai vàng
Trang trí đắp nổi chủ đề mai (bạch mai) – thọ bằng sành sứ và vôi vữa ở cổng Tam Tòa (Cơ Mật Viện, bên trong Kinh thành Huế)

Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên - Huế, để đánh giá thực trạng về Mai vàng Huế cần phải có những nghiên cứu, tổng hợp hệ thống tư liệu một cách tổng thể. Từ hình ảnh Mai vàng trong cung đình Huế, đến giá trị lịch sử, văn hóa của cây Mai vàng với người dân xứ Huế; từ nguồn gốc, phân loại thực vật học, các đặc tính nông sinh học và giá trị nguồn gen của cây Mai vàng Huế đến việc xác định vai trò của cây hoa Mai trong cuộc sống hiện đại, định hướng trong việc phát triển sản xuất Mai vàng ở Huế…

Hiện nay, Sở KH&CN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh đặt hàng 2 nhiệm vụ KH&CN, cụ thể là nhiệm vụ “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế (Hoàng mai Huế)” được giao Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả Việt Nam và nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế” do Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam chủ trì thực hiện. Việc triển khai các nhiệm vụ sẽ giúp tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá hiện trạng trồng và phát triển Mai vàng Huế, như biết được sự phân bố, những yếu tố văn hoá, lịch sử gắn liền với sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của giống Mai vàng Huế; số liệu thống kế các khu vực trồng cảnh quan, trồng thương mại; thực trạng chăm sóc và phát triển; những thuận lợi khó khăn trong hoạt động bảo tồn, sản xuất và thương mại Mai vàng Huế…

Từ việc đánh giá được thực trạng, thì việc quy hoạch, phát triển Mai vàng sẽ rất thuận lợi. Và như ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình thì đây là nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên để “Xây dựng Thừa Thiên Huế thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”.

mai vàng Huế

Một trong nhưng mục tiêu của Đề án “Xây dựng Thừa Thiên - Huế thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” là xây dựng ít nhất 5 rừng mai có quy mô (diện tích tích tối thiểu 5ha) trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa - du lịch cho người dân và du khách khi đến Huế; 100% huyện, thị xã và thành phố Huế xây dựng các tuyến đường, vườn mai, làng mai có quy mô phù hợp để tạo cảnh quan phục vụ du lịch là điểm đến đặc sắc của địa phương… Vì vậy, ngay từ bây giờ, các ngành, địa phương cần xác định để quy hoạch các khu vực, địa điểm trồng Mai vàng.

Về nội dung này, ông Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo Sở Xây dựng tỉnh có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh các địa điểm, khu vực để triển khai trồng các rừng mai, vườn mai có quy mô, tạo điểm nhấn cho xứ sở Mai vàng. Ít nhất đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh phải có 3 - 4 rừng mai có diện tích từ 3 - 5ha. Vùng quy hoạch phải đáp ứng được các điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, các điều kiện sinh trưởng khác để phát triển rừng mai; là nơi có cảnh quan phù hợp để thu hút người dân và du khách đến tham quan, du lịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh lồng ghép chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ để đề xuất, triển khai xây dựng các vườn mai, đường mai trên khắp địa bàn tỉnh; Tổ chức làm việc với các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn để thỏa thuận, hợp tác xây dựng quy hoạch các vườn mai tại Đại học Huế (các đơn vị Trường thành viên), Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, Ga Huế, Vườn Quốc gia Bạch Mã, các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh…

mai vàng

Theo Đề án, các địa điểm dự kiến xem xét quy hoạch để trồng các rừng mai trọng điểm của tỉnh bao gồm: khu vực đồi Vọng Cảnh, hồ Thủy Tiên - đồi Thiên An; khu vực Thiền viện Trúc Lâm - Bạch Mã; Khu vực Bàu Co, xã Phong An, huyện Phong Điền; Khu vực Ao cá Bác Hồ, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà… Trồng các vườn mai, tuyến đường mai tại các địa điểm di tích, đền chùa, khu du lịch văn hóa, khu vực cảnh quan tự nhiên đặc trưng, trong đó: mỗi địa phương quy hoạch ít nhất 2 - 3 điểm trồng Mai vàng, 1 làng mai.

Cụ thể, UBND TP. Huế được giao nhiệm vụ tiếp tục đầu tư phát triển vườn Mai vàng trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn theo quy hoạch. Nghiên cứu trồng mai trên các tuyến đường, cửa ngõ ra vào thành phố, công viên công cộng… đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của thành phố, trong đó tập trung ưu tiên vào các vị trí như cửa ngõ phía Bắc - khu vực công viên phường An Hòa (gần bến xe phía Bắc); cửa ngõ phía Nam - khu vực cầu vượt Thủy Dương (TX. Hương Thủy). Nghiên cứu quy hoạch mỗi phường một vườn mai, trước mắt tập trung ưu tiên các phường có quỹ đất rộng, có nhiều điểm du lịch như Vỹ Dạ, Kim Long, Thủy Biều, Thủy Xuân; UBND các huyện, thị xã tập trung quy hoạch mỗi địa phương ít nhất 2 - 3 điểm trồng Mai vàng, 1 làng mai tại các tuyến đường trung tâm, công viên, nhà văn hóa cộng đồng, các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc trưng của địa phương. Cụ thể ở khu vực vòng xoay đường tránh Huế ở thị xã Hương Trà; khu vực sân bay quốc tế, khu công nghiệp Phú Bài, xây dựng làng Mai vàng ở Cầu Ngói Thanh Toàn; khu vực cửa ngõ vào địa bàn tỉnh - Cầu Phò Trạch; làng cổ Phước Tích, nước nóng Thanh Tân; quy hoạch và phát triển làng nghề truyền thống trồng Mai vàng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa; khu vực nhà lưu niệm Đại tướng Lê Đức Anh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, Nhà Lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ…; khu vực cửa ngõ ra vào địa phận quản lý của tuyến đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Mai vàng Huế

Việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN sẽ là cơ sở pháp lý, nền tảng khoa học cho việc xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành xứ sở mai Vàng của Việt Nam, đó là khẳng định của TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tại Hội nghị triển khai các nhiệm vụ KH&CN thuộc Đề án Mai vàng Huế. Theo ông Thắng, hiện nay, giống Mai vàng Huế đã bị lai tạp khá nhiều, việc nhân giống còn theo thói quen đơn lẻ, tự phát…

“Để phát triển, trồng mai có quy mô, cần phải xây dựng được các quy trình nhân giống Mai vàng Huế; xây dựng được bộ chỉ thị phân tử đặc trưng để nhận diện giống Mai vàng Huế; xác định được sự phân bố, những yếu tố văn hóa, lịch sử gắn liền với sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của giống Mai vàng Huế. Xuất phát từ mục tiêu đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế (Hoàng mai Huế)”. Dự kiến kết quả của nhiệm vụ sẽ xây dựng được quy trình nhân giống Mai vàng Huế bằng các kỹ thuật gieo hạt, giâm hom, chiết cành và nuôi cấy mô và quy trình trồng chăm sóc cây Mai vàng Huế; xây dựng được mô hình nhân giống 2.000 cây giống đủ tiêu chuẩn, mang đầy đủ đặc tính của giống Mai vàng Huế; Xây dựng bảng hướng dẫn nhận dạng giống Mai vàng Huế; xây dựng phương án, kế hoạch bảo tồn 100 cây Mai vàng Huế có tuổi đời trên 50 tuổi...”, TS. Hồ Thắng nói.

mai vàng

Song song với nhiệm vụ bảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề xuất triển khai nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên - Huế”. Đây là cơ sở pháp lý, là công cụ cho công tác quản lý và thương mại rất quan trọng trong tiến trình xây dựng Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam.

TS Hồ Thắng chia sẻ: Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản địa phương nhằm khai thác danh tiếng và sự nổi tiếng của sản phẩm là một cách làm tốt nhất hiện nay mà nhiều nước trên thế giới áp dụng để giúp các sản phẩm phát triển thị trường. Xây dựng thương hiệu dưới hình thức chỉ dẫn địa lý nhằm chống lại sự giả mạo và lạm dụng tên gọi của các sản phẩm gắn với một địa danh cụ thể; chống lại các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường; nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Cũng như nón lá Huế, dầu tràm Huế, tỉnh cũng sẽ lập hồ sơ và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế tại Việt Nam. Đây là thiết chế quản lý, tạo các căn cứ, tiền đề cho công tác quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai.

Hiện nay Sở KH&CN tỉnh đang tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Bộ KH&CN đề tài “Nghiên cứu các giải pháp phát triển cây Mai vàng Huế (Ochna integerrima L. Merr) trở thành xứ sở Mai vàng ở Việt Nam, phục vụ phát triển du lịch và kinh tế xã hội Thừa Thiên - Huế và các tỉnh miền Trung”. Nếu đề tài được phê duyệt sẽ tăng thêm nguồn lực để thực hiện “giấc mơ” xây dựng Thừa Thiên Huế thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Song song với các nhiệm vụ này, chúng ta cần có những nghiên cứu về bảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế trở thành sản phẩm chủ lực địa phương; phát triển thương hiệu Mai vàng Huế trở thành sản phẩm OCOP hướng đến sản phẩm chủ lực quốc gia; xây dựng, quảng bá các sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Hoàng mai Huế…

mai vàng Huế

Tại Hội nghị Triển khai đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế” và đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên - Huế” diễn ra cuối tháng 12/2021 tại TP. Huế với sự tham dự của một số cơ quan chuyên môn của trung ương và địa phương, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế nêu: “Có một thời gian, ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh phong trào “Mai vàng trước ngõ” được hưởng ứng rất tích cực, rầm rộ, nhà nhà trồng mai, doanh nghiệp, công sở trồng mai. Bây giờ thì lắng xuống rồi. Vì sao? Có lẽ công tác tuyên truyền, quảng bá phong trào chưa được triển khai thường xuyên, liên tục, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp chưa thật sự quan tâm, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động việc triển khai thực hiện phong trào… Chính vì vậy công tác tuyên truyền, quảng bá là rất quan trọng, đây là công cụ, giải pháp không thể thiếu trong định hướng xây dựng Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam.

Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định: “Thừa Thiên - Huế có đủ điều kiện để phát triển cây Mai vàng trở thành thương hiệu nổi tiếng như hoa Anh đào Nhật Bản. Theo đó, cần đề ra chiến lược lâu dài và các mục tiêu cụ thể. Phải xây dựng được thương hiệu Mai vàng Huế. Phải quy hoạch vùng trồng, xây dựng được quy trình nhân giống, mô hình điểm để nhân rộng. Về hướng đi lâu dài, cây Mai vàng phải trở thành một sản phẩm chủ lực, một loại hàng hoá tạo ra thu nhập, góp phần phục vụ phát triển kinh tế thông qua du lịch, thông qua thương mại hóa các sản phẩm đặc trưng mang bản sắc văn hoá Huế. Song song đó, chúng ta phải tổ chức tốt việc quảng bá đề án, đặc biệt là phong trào “Mai vàng trước ngõ” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng cuốn sách “Huế - Xứ sở Mai vàng của Việt Nam”. Hàng năm, tổ chức các cuộc thi, triển lãm nghệ thuật bonsai Mai vàng Huế; tổ chức các lễ hội Mai vàng Huế vào dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các diễn đàn, đặc biệt là tổ chức các cuộc hội thảo mang tầm Quốc gia”.

TS Phan Ngọc Thọ

Trong khi đó, PGS.TS. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế” cho rằng: “Để phát triển cây Mai vàng Huế trở thành một thương hiệu nổi tiếng như xứ sở hoa Anh đào Nhật Bản cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá toàn bộ nguồn gen của giống Mai vàng. Lựa chọn những cây Mai vàng lâu năm nhất, tốt nhất và tiến hành nghiên cứu các quy trình nhân giống, quy trình trồng và chăm sóc để giúp người dân Huế phát triển cây Mai vàng thành sản phẩm hàng hóa, hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế. Để đề tài thành công, hy vọng các cơ quan, ban ngành sẽ cùng đồng hành, phối hợp tổ chức các lễ hội Festival hoa mai, tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh Mai vàng xứ Huế, hướng đến việc xây dựng Huế trở thành xứ sở Mai vàng Việt Nam”.

Dưới góc độ du lịch và kinh tế, ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng ngoài việc nghiên cứu, xây dựng các phương án, kế hoạch bảo tồn nguồn gen, xây dựng thương hiệu Mai vàng cho Huế cần duy trì tính bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đối với những hộ dân trồng mai. “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, của bà con, họ được hưởng lợi cái gì? Vì vậy, khi ra mô hình phải gắn liền với du lịch, gắn với nông nghiệp và thực tế của người dân địa phương", ông Giang nói.

Đồi vọng cảnh
Đồi Vọng Cảnh, một trong những địa điểm ở Huế được lựa chọn xây dựng vườn Mai vàng

Liên quan việc xây dựng các thiết chế quảng bá hình ảnh và phát huy giá trị thương hiệu xứ sở Mai vàng của Việt Nam, TS. Hồ Thắng cho biết trong năm 2022, Sở sẽ phối hợp với Hội Sinh vật cảnh tỉnh và các đơn vị liên quan thành lập Hội Hoàng mai Huế. Hội là nơi quy tụ nghệ nhân, những người yêu thích chơi mai trên toàn tỉnh, là nơi để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp phát triển Mai vàng Huế. Dự kiến, Hội Hoàng mai Huế là tổ chức sẽ quản lý, vận hành chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Song song đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức một cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”. Mục tiêu của hội thảo là cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và đưa ra những định hướng triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”; đánh giá tiềm năng, luận cứ khoa học và thảo luận các giải pháp để xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Chỉ ra được ý nghĩa, giá trị văn hóa, tinh thần và kinh tế của Mai vàng xứ Huế từ đó đề ra định hướng bảo tồn lưu giữ và phát triển cây Mai vàng Huế trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh Thừa Thiên - Huế hướng đến thương mại hóa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước./.

01/21/2022 06:15
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top