Aa

Dễ tính khi mua nhà, tha hồ giải quyết hậu quả

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 24/09/2017 - 06:16

Mặc dù đã có quá nhiều bài học thực tế về việc chọn mua nhà như thế nào xong vì tâm lý mua theo cảm tính, quá tin vào quảng cáo, chủ quan khi nhận bàn giao nhà…nên vẫn có nhiều khách hàng ăn phải "quả đắng", vác đơn đi kiện chủ đầu tư.

Mua nhà trên bản vẽ

Anh Nguyễn Thế Dũng đã bỏ ra hơn 2 tỷ để mua một căn hộ tại một trong những tòa chung cư cao cấp có tiếng Sky City Tower ở Láng Hạ, Đống Đa. Theo quảng cáo, dự án này rất thuận tiện về giao thông, cổng ra phố Láng Hạ rộng 11 m, hoàn toàn thuộc về hạ tầng của khu chung cư. Tuy nhiên, sau khi cư dân dọn về ở, phát sinh một vài mâu thuẫn, chủ đầu tư đã đòi lại 2/3 diện tích cổng khiến lối đi chỉ còn 3,5 m dẫn đến bất tiện trong giao thông.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn tự ý ngăn chia tầng công cộng để cho thuê, xây dựng sai thiết kế được duyệt, biến tầng thượng thành một số căn penthouse để bán thu lời bất chính, chây ì bàn giao phí bảo trì. Việc chủ đầu tư mập mờ thông tin ngay từ đầu khiến cư dân sinh sống tại tòa nhà có cảm giác như bị lừa.

Anh Dũng là một trong những điển hình cư dân bị "ăn bánh vẽ" trong hàng ngàn khách hàng của nhiều chủ đầu tư địa ốc. Nguyên nhân cũng chỉ vì người mua nhà ở nước ta vẫn giữ thói quen "xuống tiền" khi chỉ xem bản vẽ, với những bản phối cảnh như Tây, và lời quảng cáo, rao bán "ngọt tai" từ bên môi giới. Khách hàng thường có tâm lý, cứ nhìn thấy bản vẽ quy hoạch dự án và tên tuổi chủ đầu tư là yên tâm. Nhưng chỉ đến khi được nhận nhà thật thì mới té ngửa rằng đẹp mắt chỉ có ở trên giấy.

Không những vậy, người mua nhà cũng thường chỉ quan tâm đến diện tích của căn hộ xem có đúng với kích thước được ghi trong hợp đồng không, nội thất căn hộ có giống như trong hợp đồng cam kết không mà bỏ qua những diện tích sử dụng chung như đường đi, tầng hầm, hành lang…

Thường khi xem nhà người mua sẽ được cho xem sổ đỏ cũng như bản vẽ chung cư, căn hộ. Tuy nhiên, bản vẽ đó có thể xảy ra sai sót và chưa chắc đã đúng với thực tế căn nhà.

Thường khi xem nhà người mua sẽ được cho xem bản vẽ chung cư, căn hộ. Tuy nhiên, bản vẽ đó có thể xảy ra sai sót và chưa chắc đã đúng với thực tế căn nhà.

Thế nên thời gian qua mới có hàng loạt vụ việc cư dân căng băng rôn đòi quyền lợi chính đáng của chủ đầu tư mà như đi xin. Có thể kể tới hàng loạt những vụ tranh chấp ở các khu chung cư tập trung ở những dự án đã bàn giao và đưa vào sử dụng như Home City (177 Trung Kính, Cầu Giấy), CT1 Trung Văn (Cương Kiên, Nam Từ Liêm), Gamuda Gardens (Tam Trinh, Hoàng Mai), Hồ Gươm Plaza (Mỗ Lao, Hà Đông)…

Khốn khổ vì lạm thu phí

Nhiều người khi mua nhà thường chưa tìm hiểu kỹ hoặc bỏ qua các loại phí chung cư phải trả hàng tháng như phí quản lý chung cư, phí giữ xe, phí thu nhặc rác thải, phí sinh hoạt với các tài sản chung và tiện ích công cộng, tiền điện, nước, cab, internet… Khi chủ hộ không yêu cầu minh bạch các loại phí thì khả năng phải “ngậm bồ hòn” vì các loại phí có giá trên trời hoàn toàn có thể xảy ra.

Là một trong những người mua căn hộ tại chung cư Capital Garden (Đống Đa, Hà Nội), ông Lê Văn Hòa kể, trước khi đặt bút ký hợp đồng mua căn hộ này, ông đã tìm hiểu rất kỹ các thông tin và thậm chí còn được bạn bè giới thiệu rằng chủ đầu tư khá uy tín tuy nhiên sau khi vào ở mới phát hiện việc chủ đầu tư không hoàn thiện nhiều hạng mục như cam kết ban đầu. Trong đó, phát sinh nhiều bất cập về dịch vụ cung cấp điện.

Theo chia sẻ của ông, trước khi nhận nhà, mỗi căn hộ hoàn thành cơ bản phải đóng thêm 3-4 triệu đồng và căn hộ nhận thô đóng 9-10 triệu đồng. Với khoản tiền này, chủ đầu tư cho rằng đây là phí đóng tiền điện và nước trong thời gian căn hộ còn phải sửa chữa. Vì vậy, khi về ở, số điện, nước tiêu thụ đến đâu sẽ chốt đến đó. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thực hiện như hứa hẹn ban đầu mà thu tiền điện nước từ đầu. 

“Chủ đầu tư khẳng định thu tiền điện hộ nhà cung cấp điện nhưng khi cư dân yêu cầu chủ đầu tư phải có giấy ủy quyền và hóa đơn có VAT của nhà cung cấp thì chủ đầu tư không có. Ngoài ra, việc chốt số điện hàng tháng không đồng nhất, có tháng mới được 20 ngày đã chốt số. Có tháng 40 ngày mới chốt. Việc làm này khiến các hộ dân ở đây nghi ngờ việc tính giá điện, nước như vậy đang có lợi cho chủ đầu tư” - ông Hòa chia sẻ.

Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho khách hàng mua chung cư, ông Nguyễn Hoàng Anh, chuyên viên kinh doanh Công ty cổ phần tập đoàn C.E.O thì việc tranh chấp là do sai luật mới xảy ra. Theo luật thì quyền lợi của khách hàng luôn được bảo vệ, ví như một khu chung cư sau khi có 50% số lượng cư dân về ở trong vòng một năm thì cư dân có thể họp bầu lên ban quản trị chung cư. Từ ban quản trị có thể đưa ra mức phí phù hợp như phí dịch vụ hoặc % phí bảo trì, cũng như đại diện tiếng nói của toàn chung cư.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định các thông tin rao bán, quảng cáo chỉ để tham khảo chứ không có giá trị pháp lý, thậm chí nhiều khi còn gây rủi ro cho khách hàng. Các giao dịch mua bán nhà hiện nay chủ yếu qua hình thức thu tiền trả góp, xây xong mới nhận nhà. Nhiều trường hợp người dân nhận nhà xong mới biết chất lượng nội thất, xây dựng không được như cam kết ban đầu. Để không bị thất vọng khi mua nhà cũng như bảo vệ quyền lợi của mình thì người mua cần thương thảo hợp đồng rõ ràng trước khi ký kết, lựa chọn chủ đầu tư có uy tín.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top