Ngày 23/11/2021, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản khẩn cấp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trình Chính phủ về việc triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1), theo hình thức đầu tư công triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) có chiều dài khoảng 53,7km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 19,5km và đoạn qua tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tại Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23/9/2021. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án theo phương thức đối tác công – tư (PPP), hợp đồng BOT, với nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia khoảng 6.629 tỷ đồng (chiếm 33,7% tổng mức đầu tư). Nguồn vốn ngân sách đã được Quốc hội và Chính phủ bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho Bộ Giao thông vận tải.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao khả năng kết nối giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các khu kinh tế công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải và giảm tải áp lực cho Quốc lộ 51 đang quá nghiêm trọng, tạo sự thuận lợi cho lưu thông của người dân giữa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các địa phương trong vùng; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khi kết hợp cùng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Từ quá trình thực hiện trong thời gian qua cho thấy, việc đầu tư dự án mang tính cấp thiết và quan trọng theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có thể gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, các tổ chức tín dụng hiện nay khó khăn trong cân đối nguồn vốn, thời gian thu hồi vốn kéo dài… dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án và chi phí phát sinh cao.
Đặc biệt, hiện nay Quốc lộ 51 sắp hết thời hạn thu phú cũng như việc đầu tư cầu Phước An kết nối đường liên cảng Thị Vải – Cái Mép với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành nên việc đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu theo phương thức PPP dự báo có thể khó khăn trong giai đoạn vận hành, khai thác dự án.
Mặt khác, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là tuyến giao thông đặc biệt quan trọng kết nối trực tiếp với các cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải, sân bay Long Thành, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam. Do đó, việc sớm đầu tư và hoàn thành dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Đồng thời, bảo đảm kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành để hình thành hệ thông giao thông kết nối liên vùng.
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Chính phủ bố trí 100% vốn ngân sách đầu tư Dự án theo phương thức đầu tư công và thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9/2021, có tổng chiều dài khoảng 53,7km. Trong đó: điểm đầu tại kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 qua thành phố Biên Hòa; điểm cuối tại km53+700 giao với quốc lộ 56 thuộc thành phố Bà Rịa.
Đường cao tốc này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô mặt cắt ngang từ 4 làn xe đến 6 làn xe theo từng đoạn tuyến: đoạn từ điểm đầu dự án đến nút giao Long Thành (giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) 4 làn xe; đoạn từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) 6 làn xe; đoạn từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án 4 làn xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án 19.616 tỉ đồng gồm phần vốn của nhà đầu tư khoảng 12.987 tỉ đồng, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 6.629 tỉ đồng cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Mục tiêu dự án là đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 51; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM - Vũng Tàu, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.