Aa

Đề xuất gói hỗ trợ kinh tế lần 2: Doanh nghiệp không thể chờ lâu

Thứ Ba, 01/12/2020 - 16:25

Trước khó khăn của nền kinh tế do dịch Covid-19, Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến về đề xuất giải pháp hỗ trợ nền kinh tế lần thứ 2 (Gói kích thích kinh tế lần 2).

Tuy nhiên, dù được người dân, cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhưng đến nay chính sách này dường như vẫn... bất động.

Chính sách hỗ trợ cần hiệu quả

Với gói hỗ trợ lần 2, Bộ KH&ĐT đề xuất ưu tiên những doanh nghiệp có tác động lan tỏa, kéo nền kinh tế. Tức là ngoài chính sách hỗ trợ cho người lao động, chính sách lần này sẽ tập trung hỗ trợ một số ngành như hàng không, du lịch, tiêu dùng. Như đề xuất Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp hàng không vay 11.000 tỷ đồng, Bộ KH&ĐT đề xuất giảm 70% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021. Giảm 80% tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành trong thời hạn 2 năm.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất cho lao động được tạm dừng đóng phí công đoàn tối đa 12 tháng (tương tự chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất). Bộ này cũng đề xuất phiếu chiết khấu, khuyến mại với dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống áp dụng cho các cơ sở dịch vụ du lịch, lưu trú và các nhà hàng để giảm chi phí vận chuyển hành khách, lưu trú và ăn uống nhằm thúc đẩy tiêu dùng, mua sắm trong ngành dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn...

Gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, và các đối tượng chịu tác động của dịch Covid-19 lần 1 (gọi là gói kích thích kinh tế lần 1) bao gồm nhiều gói hỗ trợ nhỏ. Trong đó, có gói hỗ trợ tài khóa; gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng; gói hỗ trợ an sinh xã hội và các gói hỗ trợ khác. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu & Quản lý Kinh tế T.Ư, hiệu quả của các gói này được đánh giá là “chỉ ở mức vừa phải” chưa tạo được nhiều ý nghĩa.

Sản xuất hàng kim khí tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng

Đơn cử gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng chỉ có khoảng 400 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân giãn đóng BHXH và 2.500 tỷ đồng chi trả bảo hiểm thất nghiệp. Con số này chứng tỏ số doanh nghiệp có thể "chạm tay" tới gói hỗ trợ an sinh còn rất khiêm tốn; Gói tài khóa quy mô 180.000 tỷ đồng cũng chưa giải ngân được nhiều do thời hạn giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp quá ngắn và kèm theo nhiều thủ tục. Tỷ lệ doanh nghiệp không tiếp cận được các gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua là rất lớn.

Cuộc điều tra doanh nghiệp do trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10/2020, với 6 ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19 gồm: Du lịch, lưu trú, ăn uống; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; logistics; dệt may; CNTT và bất động sản. Kết quả cho thấy, có tới 40% doanh nghiệp đã phải cắt giảm quy mô và dừng hoạt động, nhưng số tiếp cận được các gói hỗ trợ chỉ là 20%. Có 2 lý do chính được doanh nghiệp nhắc tới. Một là, không đáp ứng điều kiện nhận hỗ trợ, chiếm gần 55% và hai là, không nắm rõ chính sách, với 26,2% doanh nghiệp.

Đặc biệt, hơn 14% doanh nghiệp cho rằng, quy trình thủ tục khó khăn, phức tạp và thiếu minh bạch. Hệ quả là doanh nghiệp không đủ cơ sở để tính toán các phương án kinh doanh cho giai đoạn đặc biệt này.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tung thêm gói hỗ trợ với quy mô khoảng 150.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5% GDP, trong khi vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt gói hỗ trợ lần thứ nhất với tỷ lệ giải ngân còn lại khoảng 75%.

Cạn dần thời gian giải cứu

Bộ KH&ĐT cho biết, trên cơ sở rà soát, các bộ, ngành đề xuất có tiếp tục áp dụng chính sách cũ hay mở rộng đối tượng và có chính sách gì mới để kích thích nền kinh tế hay không. Từ đó, Bộ KH&ĐT sẽ đề xuất gói kích thích kinh tế lần thứ 2. Tuy nhiên, đến nay, có rất ít bộ, ngành nào gửi thông tin cho Bộ KH&ĐT tổng hợp.

Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ cho hay, phí công đoàn chiếm tới 2% quỹ lương của doanh nghiệp nhưng không được giảm đồng nào. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) Phan Thị Thanh Xuân, trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn ra phức tạp, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Mỹ đang gặp khó. Quay về thị trường trong nước là giải pháp tình thế cần thiết. Bà Xuân cho biết thêm, các doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được giãn, hoãn nợ ngân hàng, ưu đãi thuế, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận các gói tín dụng… để tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua suy thoái.

Kế toán trưởng Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) Trần Thanh Hiền nói, doanh nghiệp cần các khoản vay ngắn hạn mới, VNA đã hết tiền mặt. Phó Tổng Giám đốc VietJet Hồ Ngọc Yến Phương cho biết, ngoài các chính sách miễn giảm thuế, phí, bà hy vọng sẽ có các gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp hàng không.

Thời điểm này, doanh nghiệp không thể chờ đợi lâu hơn. Theo thống kê mới nhất từ Cục Quản lý đăng ký doanh nghiệp, trong 10 tháng năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 41.783 doanh nghiệp tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc và khác biệt do đại dịch Covid-19, với thực tế kinh tế nước ta có độ mở lớn, Chính phủ cần khẩn trương có chính sách vĩ mô dài hơi; các gói hỗ trợ cần được đưa ra thực hiện, điều chỉnh đúng lúc và kịp thời vì chính sách được thực hiện muộn vẫn là chính sách nhưng không còn tác dụng.

"Tổng chung các gói hỗ trợ mà Việt Nam triển khai từ đầu dịch Covid-19 tới nay tương đương khoảng 2,8% GDP. Trong khi đó, nhìn ra thế giới, mức hỗ trợ này cao hơn rất nhiều. Gói hỗ trợ của các nước thuộc khối G7 chiếm hơn 10% GDP; các nước khối ASEAN có mức từ 6 - 7% GDP… Như vậy, có thể nói Việt Nam vẫn còn dư địa để hỗ trợ. Tuy nhiên cần tính toán đến "gói hỗ trợ lần 2" trên cơ sở tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ 1 để rút ra những điều chỉnh cần thiết".

 TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top