Aa

Đề xuất ưu tiên đầu tư 2 đoạn của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Thứ Bảy, 20/03/2021 - 06:25

Đơn vị tư vấn tính toán phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (350km/h) đối với 2 đoạn là Hà Nội - Vinh (Nghệ An), TP.HCM - Nha Trang, có tổng chiều dài 651km, với hai phương án.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải vừa cho biết đơn vị tư vấn đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ dự thảo Quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đáng chú ý trong dự thảo này, đơn vị tư vấn tính toán phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (350km/h) đối với 2 đoạn là Hà Nội - Vinh (Nghệ An), TP.HCM - Nha Trang, có tổng chiều dài 651km, với phương án thấp và phương án cao.

Theo phương án thấp (nhu cầu thấp) mà đơn vị tư vấn đưa ra, hai đoạn tuyến này sẽ được xây dựng và đưa vào khai thác trước năm 2032 với tổng mức đầu tư 375.872 tỷ đồng và theo phương án cao (nhu cầu cao), hai đoạn tuyến này sẽ được xây dựng và đưa vào khai thác trước năm 2030 với tổng mức đầu tư 561.598 tỷ đồng.

Ngoài đường sắt tốc độ cao, giai đoạn này, ngành giao thông sẽ đầu tư xây mới 7 tuyến đường sắt; đồng thời hoàn thiện tuyến cũ như Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; vành đai phía đông Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng); tuyến kết nối cảng Lạch Huyện (Hải Phòng); kết nối ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu; Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Gia; TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ.

Đến năm 2050, ngành giao thông sẽ đầu tư tiếp đường sắt tốc độ cao đoạn Vinh-Nha Trang và xây dựng mới các tuyến như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Dĩ An - Lộc Ninh, Tháp Chàm - Đà Lạt đồng thời, nghiên cứu các đoạn đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Hạ Long, Đắk Nông - Bình Thuận, Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột, Cần Thơ - Cà Mau...

Đường sắt bắc nam
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đánh giá về dự thảo quy hoạch đường sắt nêu trên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng để đảm bảo mục tiêu đề ra, cần lựa chọn những công trình chủ yếu, cấp thiết. Đến năm 2035, trên trục dọc quốc gia cần đầu tư tuyến đường sắt tiêu chuẩn, đường đôi Lạng Sơn - Yên Viên - Ngọc Hồi - TP.HCM - Cần Thơ, tốc độ tối đa 140km/h.

Riêng đoạn Hà Nội - TP.HCM đảm bảo sau năm 2035 nâng cấp thành đường sắt tốc độ cao, tối đa 250km/h.

Ông Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết ông không đồng tình với phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao 350km/h trên tuyến Bắc Nam vì yêu cầu vốn lớn, phải nhập khẩu công nghệ, thiết bị.

Ông Lã Ngọc Khuê lại cho rằng lựa chọn đường sắt tốc độ 140km/h sẽ đảm bảo có tính khả thi về kinh tế, kỹ thuật của dự án, có thể làm chủ xây dựng hạ tầng và sản xuất toa xe.

Tiến sỹ Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, cũng cho rằng giá vé tàu cao tốc (350km/h) cần thấp hơn giá vé máy bay thì đường sắt mới cạnh tranh được.

Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, tàu cao tốc chưa hoàn được vốn đầu tư, thậm chí một số cung đường tiền vé không đủ chi phí vận hành. Trong khi đó, với tàu tốc độ cao (150km/h), nhà nước phải bù lỗ ít hơn.

Cũng theo ông Đặng Huy Đông, phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao để chạy tàu khách tốc độ 150km/h và tàu khách 100 km/h mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn và việc bù lỗ, trợ giá từ ngân sách thấp hơn nhiều.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án quy mô lớn và tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam trong vài thập kỷ tới. Do đó, mỗi nội dung dự án cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là phương án tài chính cần được tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh theo hướng cập nhật, thêm các kịch bản phù hợp.

“Bên cạnh đó, mỗi phương án tài chính cần được xây dựng trên cơ sở cập nhật và phân tích đúng thực trạng cũng như xu hướng tăng trưởng kinh tế, chi ngân sách nhà nước, khả năng vay nợ công và vay ODA… nhằm tăng tính khả thi của mỗi phương án tài chính nói riêng và của toàn bộ dự án nói chung", ông Vũ Đình Ánh đánh giá.

Tại cuộc họp đánh giá về quy hoạch mạng nước đường sắt diễn ra đầu tuần qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong dự thảo quy hoạch; phân tích rõ các dự báo về nhu cầu, có so sánh với năng lực của các phương tiện khác trên cùng hành lang, cự ly vận chuyển, từ đó, định hướng, lập kế hoạch đầu tư từng giai đoạn.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý đơn vị tư vấn cần hoạch định các ga đường sắt có thể kết nối với cảng biển lớn, để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, có thể bằng đường sắt hoặc bằng đường bộ.

Theo dự thảo quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, ngành đường sắt hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận chuyển 16,5 triệu tấn hàng hóa, 30,9 triệu hành khách đến năm 2030 và vận chuyển 15% sản lượng hàng hóa, 19% về hành khách đến 2050.

Nhu cầu vốn đầu tư các dự án đường sắt đến năm 2030 dự kiến hơn 665.000 tỷ đồng (trung bình là 66.592 tỷ đồng/năm), trong đó đầu tư đường sắt tốc độ cao 561.000 tỷ đồng, còn lại là cải tạo, đầu tư mới 7 tuyến đường sắt.

Nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2031 - 2050 là 1.534.000 tỷ đồng, trong đó đường sắt tốc độ cao là 772.000 tỷ đồng, đường sắt thường là 762.187 tỷ đồng (trung bình là 76.742 tỷ đồng/năm).

Trước đó, vào đầu năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tốc độ khai thác 320km/giờ, được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách với thời gian 5 giờ 20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 triệu tỷ đồng (58,7 tỷ USD).

Tuy nhiên, ngay sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam với tổng vốn đầu tư chỉ 26 tỷ USD; tốc độ 200km/giờ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top