Aa

Đi chợ mùa Covid- Man mác nhớ những món quà quê mẹ về chợ

Chủ Nhật, 12/12/2021 - 06:00

Covid làm thay đổi tất cả, kể cả cách đi chợ. Nhưng mỗi lần "đi chợ" được ngắm những thứ dưa cà mắm muối… và man mác nhớ những món quà quê mẹ về chợ, bỗng làm ta dịu lại nỗi lo dịch bệnh, như tìm được chốn an yên...

Mùa đông năm nay hơi khác lạ. Đầu mùa rét sớm, nhưng sau đó thì nắng lại ửng lên, cái nắng mùa đông ánh lên sắc đỏ, tôi nhìn cái gì cũng tưởng như có ngọn lửa bập bùng bên trong. Chả trách ban đêm trời rét buốt nhưng ban ngày lại ấm áp lạ thường, nhiệt độ chênh nhau tới hơn chục độ. Vì vậy mà những người già cả vẫn có thể đi tập thể dục, cho dù có muộn hơn chút, và nhiều người, trong đó có gia đình tôi thường tranh thủ đi thể dục tiện thể đi chợ luôn.

Và chợ thời Covid cũng thật lạ. Những chợ to ở từng khu vực thỉnh thoảng lại thông báo đóng cửa do Covid. Chỉ cần có một F0 là chợ lập tức chăng dây đỏ rực. Rồi những chợ nằm xen trong khu dân cư, ví dụ như chợ dân sinh gần khu nhà tôi nhất là chợ Nguyễn Công Trứ, trong khu tập thể cũ có F0, thế là chợ cũng đóng cửa. Bởi chợ là nơi tập trung đông người, tiếp xúc nhiều, thậm chí lại… nói cũng nhiều, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Ngay cả khi chợ không đóng, nhiều người cẩn thận, nhất là những người cao tuổi, có bệnh nền, cũng thường ngại đi chợ. Thế nên, chợ cóc, hay thậm chí là một số nhà trong một khu dân cư nào đó bèn lấy thực phẩm về bán cho những người trong khu, lại trở nên hữu dụng. Thế là, chợ len lỏi khắp nơi, vừa tiện vừa lợi, cho cả người mua và người bán…

Rồi chợ… di động. Trước đây chỉ là những gánh hàng rong tòn teng dăm mớ rau, thì nay là hẳn chiếc xe máy chất ngất với đủ loại rau quả, thực phẩm. Chiếc xe cơ động len lỏi khắp ngõ ngách, đỗ đâu là thành chợ. Rồi hàng ăn, hàng hoa, tất cả đều có thể di động.

Ấy cũng là cái khó ló cái khôn. Chớ thời buổi dịch dã, cứ kiên trì bám trụ trong chợ hay cửa hàng cửa hiệu thì nhiều khi cũng khó sống. Những dãy phố buôn bán sầm uất trước đây giờ nhiều nơi đóng cửa im ỉm, rao bán lại cửa hàng, cho thuê mặt bằng… nhan nhản. Có nơi mở cửa thì khách cũng dè dặt.

Vậy nên, những cửa hàng ăn uống “bán mang về” lại trở nên phổ biến. Bánh mì, xôi, chè đã đành, ngay cả các món nước như phở, bún, miến… cũng bán mang về. Vậy là đi chợ không chỉ là để mua thức ăn cho các bữa chính, mà đi chợ thời nay còn là mua bữa sáng cho cả nhà.

Tôi thuộc loại người thích đi chợ. Tiếng là đi chợ nhưng mua bán thì ít mà ngắm và chụp hình thì nhiều. Vậy nên tôi thích nhất là chợ quê, hay những chợ ở phố thị nhưng có hơi hướng nhà quê. Cho nên hầu như có dịp về quê là thế nào tôi cũng đảo ra chợ; rỗi rãi thì lượn lờ cả buổi, nếu không cũng đáo qua cho đỡ nhớ rồi về.

Còn ở Hà Nội thì trước đây tôi rất thích đi chợ Mơ. Chợ Mơ có hẳn một khu chuyên ốc cua tôm cá. Thực ra thì chợ dân sinh nào cũng có khu vực chuyên cho từng ngành hàng, nhưng chợ Mơ khác biệt ở chỗ có nhiều cua ốc ở bên kia sông đưa sang nên có hương vị đồng quê hơn. Muốn làm nồi ốc luộc đến đây là có hết: Ốc nhồi, ốc bươu, ốc mít, ốc vặn, ốc đá… đủ cả. Lại nữa, ngay cạnh cái khu bán tôm cua ốc ếch… ấy là khu vực bán đồ đất nung chẳng khác gì chợ quê. Thôi thì niêu đất, chã đất…, ngay cả cái cối giã cua mà ở quê tôi gọi là cái lon, cái gùa cũng có. Những chiếc lon nung thành sành màu đỏ au, có miệng để lọc nước cua, không hiểu sao tôi cứ có cảm giác, cua giã trong những chiếc lon ấy nấu ngọt nước hơn giã trong những chiếc cối bằng nhôm hay inox…

Bây giờ chợ Mơ xưa cũ ấy không còn, nhưng bóng dáng của những món hàng quê với dưa cà mắm muối… vẫn thấp thoáng trong các chợ cóc, những hàng bán rau quả, thịt cá dọc các con phố… Chả trách người xưa gọi chốn kinh kỳ này là Kẻ chợ!

Nhưng đi chợ tôi thích nhất là những món quà quê. Những món quà quê dân dã đã thành nỗi mong ngóng và niềm hạnh phúc của lớp trẻ nhà quê lứa tuổi tôi. Ông bà ta nói “mong như mong mẹ về chợ” cấm có sai. Mặc dù nhà nghèo, nhưng mỗi khi u tôi đi chợ là chị em tôi lại bồn chồn, hong hóng ngóng chờ… U về, chưa kịp đặt chiếc rổ xuống là chị em tôi đã tranh nhau lật tấm vỉ buồm đậy hững hờ bên trên. Vỉ buồm là cái tấm đan bằng cói hình tròn, để các bà các mẹ đậy lên thúng, lên rổ đi chợ, không muốn để người khác thấy trong thúng, trong rổ có gì, vì sợ người ta chê mình nghèo…

Hôm nào u tôi bán khoai được giá là thế nào chị em tôi cũng mừng hú khi nhìn thấy bọc lá chuối khô buộc cọng rơm giấu dưới tấm vỉ buồm. Khẽ khàng nín thở mở lớp lá chuối khô ấy ra là những chiếc bánh rán rưới mật vàng ươm màu cánh gián. Chiếc bánh to bằng quả quýt nhưng chỉ cần chạm răng vào là nó xẹp lại và nhân đỗ trộn khoai lang bên trong chỉ nhỏ bằng quả xoan, nên tôi chỉ dám cắn một miếng bé tí, nhấm nháp để tận hưởng niềm hạnh phúc của món quà mà u mua cho. Khi ăn hết bánh lại liếm láp những giọt mật mía còn sót nơi lá chuối… và thèm thuồng mong đến phiên chợ sau…

Kể cả khi bán không được giá thì dưới lớp vỉ buồm của u cũng vẫn có một thứ gì đó, khi thì là gói bánh đúc, khi thì là mấy chiếc kẹo bột hơi đăng đắng của vị đường thắng quá lửa cũng gói trong lá chuối khô, khi thì là nắm bỏng ngô hay cùng lắm cũng phải có nắm nẻ bộpNẻ bộp cũng gần giống như bỏng ngô, chỉ khác thay bằng ngô là người ta rang thóc cho nổ thành nẻ, rồi sau đó cũng ngào qua nước đường đã thắng lên và nắm lại thành từng nắm…

Bây giờ, ở Hà Nội vẫn có nhiều hàng bánh rán ngon trên phố cổ, như bánh rán đường mật Hàng Chiếu, bánh rán Gia Trịnh ở Lý Nam Đế, bánh rán Ô Quan Chưởng, Đinh Liệt, Lương Ngọc Quyến…, gợi nhớ hương vị rất quê ở chốn kinh kỳ…

Những món quà quê thân thương ấy với lớp tuổi tôi ai mà chẳng nhớ. Bởi vậy, khi nhìn thấy những hàng bánh rán, những hàng bỏng ngô hay những món quà dân dã gánh rong, tôi lại man mác nhớ những buổi u về chợ với niềm hạnh phúc giấu dưới lớp vỉ buồm…

Chỉ cần thế thôi cũng đủ làm dịu đi nỗi lo lắng về dịch bệnh cứ ra rả trên các phương tiện truyền thông đại chúng hằng ngày./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top