Aa

Di sản Đà Lạt trong cơn lốc đô thị hóa

Thứ Bảy, 02/07/2022 - 06:06

“Tiểu Paris phương Đông” hiện có khoảng 1.500 biệt thự và hàng trăm công trình kiến trúc cổ tuổi đời trên một thế kỷ. Song hiện tại, việc bảo tồn và phát triển hệ thống di sản quý giá này lại bộc lộ nhiều bất cập.

KHI PHỐ KHÔNG CÒN RỪNG

Nếu đa số các thành phố phát triển theo quy luật “làng lên phố” thì ngay từ đầu, Đà Lạt được kiến tạo bởi ý tưởng về một đô thị nghỉ dưỡng. Giữa cao nguyên rộng lớn, người Pháp đã tạo dựng nên một phố thị mang dáng dấp châu Âu bằng những quy hoạch chi tiết có tầm nhìn cả trăm năm. Từ đó, đã tạo nên hình thái một đô thị "có một không hai" ở Việt Nam, được ưu ái gọi bằng nhiều mỹ danh quen thuộc như thành phố Tình yêu, thành phố Mộng mơ, thánh đường Nghệ thuật...

Và cũng không quá khi gọi nơi đây là bảo tàng kiến trúc Pháp. Năm 1930, Đà Lạt đã có gần 400 ngôi biệt thự xinh đẹp phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng cho giới chức cầm quyền và nhà giàu có. Đến năm 1949, “Thủ đô mùa hè” của Liên bang Đông Dương đã có trên 1.500 công trình, trong đó có hơn 1.000 biệt thự, dinh thự, trường học, nhà ga, thánh đường được xem là mẫu hình tiêu biểu của nền kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19.

Thời đó, Đà Lạt được quy hoạch và quản lý nghiêm ngặt, phối cảnh hài hòa để giữ được vẻ đẹp rừng trong thành phố. Nhà xây tuân thủ quy định không cao hơn ngọn cây thông, phổ biến không quá 3 tầng, nhất là trên các trục đường chính, các điểm cao, các vị trí kiến trúc đắc địa. Giới quy hoạch kiến trúc đã khéo léo sắp đặt Đà Lạt thành hai nửa Đông Tây, lấy dòng suối Cam Ly - hồ Xuân Hương làm chuẩn.

 Khung cảnh trung tâm Đà Lạt năm 1967 nhìn từ trên cao với nhiều mảng xanh bao phủ. (Ảnh: Phillip M. Kemp)

Song thật đáng tiếc, tốc độ đô thị hóa quá nhanh đang nhấn chìm Đà Lạt trong những khối bê tông khổng lồ. Tiếc nuối, nhớ thương là tâm trạng của nhiều du khách, chuyên gia, kiến trúc sư khi nói về nơi đây.

Trong Midnight Talk số 45 với chủ đề "Đà Lạt nhìn về tương lai, bản sắc, kinh tế và cộng đồng" diễn ra ngày 25/6 vừa qua, ông Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch của NgoViet Architects & Planners, là Kiến trúc sư và Quy hoạch sư có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, nghiên cứu, giảng dạy tại các nước trong Vành đai Thái Bình Dương bày tỏ sự lo lắng trước tốc độ đô thị hóa không theo lề lối của Đà Lạt. Trong vài thập niên qua, đô thị nhỏ bé này phát triển rất nhanh nhưng phần lớn mang tính tự phát.

"Đà Lạt vẫn còn đó những công trình kiến trúc tiêu biểu, nhưng sinh khí một thời đã nhạt nhòa. Tiêu chí “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” giờ đây chỉ còn là khẩu hiệu", KTS. Ngô Viết Nam Sơn tiếc nuối. 

Cơn lốc bê tông hóa kéo qua và để lại vô số nuối tiếc khi nhìn lại, Đà Lạt có phần không khác gì Hà Nội hay TP.HCM trong hình ảnh những khối bê tông đồ sộ. Nhiều chuyên gia nhận định, với dân số chỉ khoảng 231.000 người (số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, 2020), Đà Lạt không cần thiết phải có mật độ xây dựng dày đặc như vậy.

Đặc biệt, dấu ấn bê tông hóa có thể thấy rõ ở khu trung tâm Hòa Bình - nơi được mệnh danh là trái tim của Đà Lạt. Khu vực này rộng khoảng 4,3ha, được phủ xanh bởi nhiều cây cổ thụ. Ở vị trí trung tâm và cao nhất là Dinh làm việc của thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức cũ (Lâm Đồng hiện nay).

“Ảnh tư liệu những năm 1960 cho thấy, Đà Lạt được bao phủ bởi bạt ngàn màu xanh, nhưng nay thì mảng xanh lớn duy nhất sót lại ở Dinh tỉnh trưởng cũng có nguy cơ bị đổi bằng bê tông khách sạn”, KTS. Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ tại Midnight Talk diễn ra ngày 25/6 vừa qua.

Năm 2019, khu vực Trung tâm Hòa Bình thu hút sự chú ý của dư luận khi tỉnh Lâm Đồng công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu Trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt, trong đó có khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng. Tháng 10/2021, phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert, đơn vị tư vấn Escape Architecture International (EAI) đã được lựa chọn. Theo đó, khu vực đồi Dinh sẽ trở thành tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại.

Phương án này đã vấp phải phản đối của dư luận. Hiện tại, khu vực này vẫn lơ lửng giữa những ý kiến trái chiều, không còn cách nào khác đành tạm thời… giữ nguyên hiện trạng.

Mảng xanh lớn duy nhất sót lại ở Dinh tỉnh trưởng cũng có nguy cơ bị đổi bằng bê tông khách sạn. (Nguồn: Zingnews.vn)

Tuy nhiên, các khu vực xung quanh khu Trung tâm Hòa Bình vẫn âm thầm bê tông hóa không kiểm soát khiến không gian di sản mất đi tinh thần nguyên bản vốn có. Đà Lạt ngày nay không còn lạ lẫm với hình ảnh chen chúc của các công trình nhà ống cao tầng phục vụ du lịch. Nhiều công trình mới lại đang lạc lõng với những hình dung về một “Thành phố trong rừng như trước đây.

Mặt khác, Đà Lạt đang xấu dần đi bởi hiện trạng biệt thự cổ nhếch nhác theo thời gian. Theo các nhà nghiên cứu, sau năm 1975, gần 1.000 người, chủ yếu là viên chức nhà nước, được vào ở trong những căn biệt thự cổ. Họ mặc sức sửa chữa, cơi nới khiến nhiều biệt thự xuống cấp nghiêm trọng.

Các quần thể biệt thự vốn sang trọng bậc nhất trước đây trên đường Hoàng Diệu, Quang Trung, Hùng Vương, hồ Mê Linh, Vạn Kiếp nay trở nên xấu xí vì có hàng trăm hộ ngăn phòng để sinh sống. Đáng chú ý, nhiều biệt thự giao cho các doanh nghiệp sử dụng kinh doanh từ lâu nhưng vẫn bị bỏ hoang, xuống cấp từng ngày gây bức xúc dư luận. Điển hình như các biệt thự số 1 và 2 (đường Đống Đa), dãy biệt thự số 1, 3, 5, 7 (đường Cô Giang)

Biệt thự Số 2 Đống Đa đang chờ phương án sửa chữa. (Nguồn: baolamdong.vn)

Đà Lạt không chỉ mất điểm vì bê tông hóa hay biệt thự cổ xuống cấp, mà việc gia tăng nhanh chóng số lượng nhà màng, nhà kính nhưng bất tuân quy củ đã khiến cho cảnh quan, môi trường của thành phố này bị biến dạng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt, năm 2020, tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp của thành phố khoảng 10.500ha, trong đó diện tích nhà kính chiếm trên 2.500ha. Nhiều phường có mật độ nhà kính dày đặc, điển hình tại phường 12 có tỷ lệ diện tích nhà kính/diện tích canh tác chiếm 83,7%, tại phường 5, phường 7 và phường 8 đều trên 60%. So với 5 năm trước, diện tích nhà màng, nhà kính đã tăng “nóng” gấp 5 lần.

KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho biết, nhà màng, nhà kính là nguyên nhân khiến hệ số thấm, thoát nước giảm nghiêm trọng. Bởi vậy, những năm gần đây, TP. Đà Lạt có thêm “đặc sản” ngập lụt. Không chỉ thế, chỉ cần một trận mưa có cường độ trung bình nhưng kéo dài đã khiến lũ lớn xảy ra khắp nơi. Một điều đáng tiếc với vùng đất cao nguyên nổi tiếng ôn hòa, thanh bình như Đà Lạt!

Không chỉ gây ra ngập lụt, sự tăng trưởng nóng của nông nghiệp công nghệ cao nhưng thiếu quy hoạch quy củ đã khiến bộ mặt đô thị Đà Lạt vốn kiêu sa bỗng trở nên nhếch nhác. Cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp lãng mạn phần lớn bị che khuất sau những khu nhà màng, nhà kính trắng xóa khổng lồ.

Nhà màng, nhà kính bao phủ trắng xóa Đà Lạt. (Ảnh: Đức Vinh)

Mặt khác, hệ quả của đô thị hóa nói chung và tăng trưởng nhà kính nói riêng đã làm khí hậu khu vực nghỉ dưỡng bậc nhất quốc gia, quốc tế nóng lên từng ngày. Số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Lâm Đồng cho thấy biên độ nhiệt giãn cách đột biến chưa từng thấy, chênh nhau giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất hiện nay tăng lên 12 - 15 độ C so với bình quân 8 - 10 độ C trong những năm trước. Khí hậu điều hòa, mát mẻ, trong lành - tài sản lớn nhất của Đà Lạt đang bị đe dọa chưa từng có trong lịch sử hình thành đô thị cao nguyên này.

Khách phương xa lâu ngày ghé lại, sẽ thấy một Đà Lạt không như “trong truyền thuyết”, với khách thường xuyên ghé thăm, sẽ thấy rõ Đà Lạt đang xấu đi từng ngày. Trong đó, sự xuống cấp và lộn xộn của kiến trúc cảnh quan nơi đây là nguyên nhân chính. Quy hoạch đã có, nhưng tại sao sự phát triển bất tuân quy hoạch vẫn diễn ra?

PHÁT TRIỂN “TỰ DO” THEO QUY HOẠCH?

Với một đô thị có nhiều giá trị di sản như Đà Lạt thì chính quyền địa phương cũng ý thức và có những động thái bảo tồn di sản này. Cuối năm 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND về Ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Hiện đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất đến nay, và có ý nghĩa quan trọng khi quyết định chia quỹ dinh thự, biệt thự thành các nhóm và ban hành những quy định cụ thể trong việc bảo tồn.

Trước đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 704/QĐ-TTg, về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó quy định một số tính chất nổi bật cho thành phố như là Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia...

Đồng thời Quyết định 704 cũng đề ra mục tiêu xây dựng phát triển TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử, di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.

Như vậy, ngay từ góc độ vĩ mô, nhiều chuyên gia nhận xét, các quyết định này chưa xác định xây dựng Đà Lạt thành Đô thị Di sản như lẽ ra phải thế. Trong khi đó, Luật Di sản Văn hóa năm 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2009) chỉ xác định đối với Di sản văn hóa vật thể và Di sản văn hóa phi vật thể, chưa có khái niệm về Đô thị Di sản. Đà Lạt vẫn đang loay hoay với các định hướng phát triển đan xen giữa các tiêu chí di sản và hiện đại, nên chưa có cơ chế chính sách để phát triển, bảo tồn đúng mực các di sản nơi đây.

Xét chi tiết hơn, ông Trần Bằng Việt, Chủ tịch HĐQT Dong A Solutions, chuyên gia tư vấn cao cấp về chiến lược doanh nghiệp và tái cấu trúc tổ chức, nguyên Tổng Giám đốc Mai Linh Taxi và Chủ tịch JCI (Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu) tại Việt Nam cho rằng, các nhà quản lý chưa kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến việc tự do phát triển ngoài quy hoạch.

Điển hình một số biệt thự được giao cho các nhà đầu tư khai thác nhưng chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát, dẫn đến việc sử dụng sai mục đích, phục dựng, tôn tạo trái với nguyên bản. Mặt khác, kinh phí cải tạo bảo tồn biệt thự xuống cấp còn hạn chế nên theo thời gian, các giá trị di sản cũng dần mai một.

Bên cạnh đó, việc chạy theo lợi nhuận, quy hoạch theo “tư duy địa ốc” đã khiến nhiều di sản kiến trúc không được bảo tồn, phát huy hiệu quả. Thật đáng tiếc khi nhiều dự án liên quan đến di sản chỉ nhắm vào mục đích kinh tế mà bỏ qua yếu tố bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. 

"Tốc độ phát triển của Đà Lạt đang chậm hơn so với các thành phố khác ở Việt Nam. Thế nhưng, quá trình phát triển kinh tế lại đang lấy đi của thành phố nhiều thứ. Những nét đặc trưng của Đà Lạt đã không còn, rừng thông bị phá, hồ nước bị lấp bớt đi và nhiệt độ đang nóng lên từng ngày. Vậy thì Đà Lạt sẽ đi đâu về đâu?", ông Trần Bằng Việt trăn trở. 

Những mảng bê tông lớn đang bóp nghẹt những mảng xanh cuối cùng ở Đà Lạt. Nếu không tính tới các khu vực ngoại ô như đèo Prenn, đèo Tà Nung, thì Đà Lạt hầu như không còn mấy màu xanh. (Nguồn: Zingnews.vn)

Thực ra câu chuyện bê tông hóa đã diễn ra từ lâu, âm thầm nhưng tự do, từng chút một đẩy các mảng xanh lùi dần về quá khứ. "Đằng sau việc bê tông hóa đô thị là nhu cầu ở rất lớn của người dân. Khi chính quyền không hướng dẫn cụ thể mà để họ tự xoay xở thì việc xây dựng lộn xộn là điều dễ hiểu. Trong khi đó, càng đô thị hóa mạnh mẽ, càng phải xác định việc bảo tồn di sản là mục tiêu quan trọng của phát triển bền vững", KTS. Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

Trong khi đó, các chuyên gia đều cho rằng Đà Lạt cần bảo vệ và phát huy 3 giá trị cốt lõi về khí hậu cảnh quan thiên nhiên, quỹ di sản kiến trúc công trình và giá trị văn hóa - con người. Sự tổng hòa các yếu tố này là cơ sở để xây dựng nơi đây thành đô thị di sản. Mặc dù nhiều người yêu mến đã âm thầm xem bản thân thành phố này là một di sản, nhưng để vận hành vẫn cần có cơ chế phù hợp.

Đà Lạt hiện tại vẫn còn những công trình di sản cổ kính, dân cư nơi đây vẫn gần gũi hiền hòa, nhưng sinh khí của vùng đất này dường như đã biến mất. Những người yêu Đà Lạt vẫn đang trăn trở, liệu có cách nào để vừa bảo tồn những giá trị cũ, vừa đem lại cho Đà Lạt một luồng gió mới, tràn đầy sinh lực lớn lao hơn trong tương lai?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top