Aa

Di sản khu phố cổ Hà Nội: Không giãn dân, khó bảo tồn

Thứ Hai, 12/10/2020 - 14:41

Giãn dân được xem là yêu cầu tất yếu đặt ra cho công tác bảo tồn giá trị phố cổ Hà Nội trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, sau nhiều năm, vấn đề này vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của người dân bởi nhiều lý do...

Mới có 100 hộ dân di dời khỏi phố cổ

Dân số khu phố cổ Hà Nội hiện có hơn 66.000 người, mật độ 823 người/ha, đây là mật độ quá lớn so với tiêu chuẩn sống của một đô thị hiện đại. Cũng vì mật độ đông nên tốc độ xây dựng tại khu vực này diễn ra nhanh, ảnh hưởng lớn đến kiến trúc nhà ở và cảnh quan chung. Theo Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, PGS. TS Đỗ Thị Hảo, khu phố cổ ngày xưa hiện cơ bản không còn tồn tại, muốn khôi phục theo mô hình trước đây sẽ rất khó nếu không giải quyết được vấn đề giãn dân.

Yêu cầu giãn dân khu phố cổ Hà Nội được thực hiện từ năm 2002, với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, nhằm giảm mật độ từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020. Nhưng đến thời điểm hiện tại, công việc này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên mới di dời được khoảng 100 hộ sinh sống trong di tích, đình, đền, chùa, trường học, cơ quan.

Căn phòng rộng 9m2 vừa là nơi ở vừa là lối đi của 6 hộ dân tại địa chỉ 35 Hàng Bạc, Hà Nội. Ảnh: Vũ Lê

Phó trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan thừa nhận, đề án giãn dân có tiến độ quá chậm. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có quỹ nhà giãn dân phố cổ gồm 16 tòa tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ (được duyệt năm 2012) đã chậm gần 10 năm, 2 năm gần đây do điều chỉnh quy hoạch kiến trúc và thay đổi cơ chế đầu tư.

Cần chính sách đặc thù

Với thực trạng hiện nay, tại Hội thảo "Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội" tổ chức cuối tuần qua, nhiều chuyên gia cho rằng, giãn dân phố cổ Hà Nội là điều kiện bắt buộc để có thể bảo tồn được giá trị di sản đặc sắc làm nên hồn cốt của Hà Nội. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, quan trọng nhất là những trường hợp thực hiện giãn dân phải được xác định thật cụ thể để có cơ chế thích hợp ở nơi đến. Phải làm thế nào tạo ra sức hút mới, là nơi người dân mong đến chứ không phải nơi khiến họ cảm thấy bị áp đặt. Đồng thời, các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, bệnh viện, trung tâm thương mại, không gian xanh công cộng… cần được xây dựng đồng bộ.

Đồng quan điểm, TS.KTS Tô Thị Toàn - nguyên Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho rằng, để thuyết phục người dân di dời khỏi khu phố cổ, Hà Nội phải tạo dựng nơi đến phải là đô thị mang đặc trưng cho sinh hoạt, làm việc, buôn bán năng động tương tự như phố cổ hiện tại. Đồng thời, ở đó phải có môi trường sống chất lượng cao, duy trì nếp sống văn hóa lâu đời của khu phố cổ Hà Nội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top