Đi trong vùng xanh

Đi trong vùng xanh

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng tunhi2007@gmail.com
Thứ Bảy, 01/01/2022 - 06:15

Tôi bắt đầu nghĩ từ hứng thú đi bộ về quê vợ của bố mình. Ông bố có tuổi mà thanh niên Hà Nội nhớ mãi cho đến những năm cuối đời. Trong những câu chuyện thỉnh thoảng vẫn kể lại, bố tôi nhớ những cuộc đi chơi của nhóm học sinh ra vùng ngoại thành.

Hồi xưa chỉ lên khu vực Quảng Bá, Nghi Tàm, ra khỏi Khâm Thiên, Ngã Tư Sở là đã gặp những vùng cây cối, những vườn tược ven sông, bám dài theo đường vào Hà Đông. Học sinh chỉ cần đạp xe đi dăm cây số lên mạn Hồ Tây là đã có bãi rộng cắm trại, vào trong Vạn Phúc - Hà Đông đã là xa. Bố tôi cũng tham gia phong trào Hướng đạo sinh sôi nổi trong thanh niên, học sinh Hà Nội thời bấy giờ, nên hay đi cắm trại, rèn luyện kỹ năng, tập hát, như ta bây giờ hay nói dã ngoại để gọi chung cho những chuyến đi hướng ra bên ngoài, hướng về tự nhiên, cỏ đồng, sông nước.

Ảnh: Bùi Văn Doanh

Nhớ tuổi trẻ ưa hoạt động và nhuốm cả chút màu sắc mộng mơ lãng mạn thanh niên tiểu tư sản một thời, mà đã trở nên lối sống lâu bền, sau này bố tôi thích đi chơi về đồng quê, làng mạc, những vùng nông thôn xa xa. Và bố thích đi bộ về quê mẹ tôi, làng Tả Thanh Oai cách Hà Đông năm cây số, con đường liên xã qua các làng thôn xanh tươi Hà Trì, Đa Sỹ, Mậu Lương, Hữu Hòa. Đủ vừa để sức trung niên đi thong thả, giữa đường có thể nghỉ chân quán nước đầu làng nào đó. Cảnh quan thôn xã ba bốn chục năm trước thoáng đãng, chưa chen chúc nhà cao và loang loáng xe cộ như sau này, còn khiến người ta có thể vừa bước đi trong hoài niệm nhẹ nhõm lẫn bình tâm về thực tại.

Hồi tôi còn bé đã cảm thấy lạ về điều đó, dù với việc bà ngoại tôi đi bộ từ làng lên Hà Đông thì mình chẳng lạ gì. Bởi vốn vẫn tin rằng bà thuộc kiểu người xưa cũ, quen đi bộ cả đời rồi. Còn bố thì dù sao cũng sống ở thời kỳ sẵn xe đạp, và hình như cũng có mấy ai chịu đi bộ đằng đẵng về làng như thế nữa. Chẳng những vậy mà bố tôi còn đi chơi vòng quanh xóm trên xóm dưới, có khi cho chúng tôi qua đò sang làng Hữu Thanh Oai bên kia sông Nhuệ, lên tận chợ làng bên đó ăn quà. Trong trí nhớ non nớt một thời dài thơ thẩn phố thị, thôn làng, tôi còn thấy con đường gạch nhỏ làng Hữu uốn lượn uyển chuyển dẫn lên chợ, một bên thoải xuống bờ sông Nhuệ, một bên là các cổng ngõ, cửa nhà xưa cũ, trên đầu xanh um cây lá. Chợ quê trùm kín lên một vùng nâu trầm mộc mạc của quê nhà bình lặng.

Chợt nhớ rằng chính mình, tuổi học trò cấp hai, cũng hay đi bộ đến nhà bạn chơi cách mấy cây số. Hoặc lang thang Hà Đông phố nhỏ, thưa người, nhà thấp và cây xanh tốt, tiếp liền mấy cánh đồng của các làng cũ đã lên phường nhưng vẫn còn cấy gặt - Hà Cầu, Hà Trì, La Khê, Vạn Phúc... Sao lâu quá rồi, đã bỏ đâu mất thói quen đi bộ đường xa đến nhà bạn bè chơi?

Ảnh: Bùi Văn Doanh

Lờ mờ nhận ra đã vắng dần, đã thôi dần những khung cảnh dịu hiền, thưa thoáng và xanh tươi cho mình, cho người có thể nuôi một cảm hứng cuốc bộ. Rõ ràng đi xe là khác rồi. Anh không thể không tập trung tay lái, cắm cúi đi, mải miết cho mau chạm đích đến. Còn đi bộ là có thể nhẩn nha, vừa chậm bước vừa ngắm, vừa nghĩ. Anh có thể dành thời gian và tình cảm nhiều hơn cho hành trình trên hai chân ấy.

Trong ngày đầu năm mới, nghĩ lại quá nhiều những sự việc, những người, những cảnh đã trôi qua mình trong một năm chật hẹp vì hạn chế đi lại bởi dịch giã, băn khoăn nhận ra không nhiều những chuyện nhắc nhớ ta hướng về cây cối, cảnh quan, mặt nước, vườn tược, khuôn viên như hướng về những phần hồn vía không thể nào thiếu của đô thị hiện đại. Nhìn lại những đường đã mải mốt qua mỗi ngày làm lụng túi bụi, thấy ngoài những vùng xanh quen thuộc của những công viên, vườn hoa, mặt nước đã trở nên quen thuộc đến thành truyền thống như Thủ Lệ, Bách Thảo, Hàng Đậu, Hồ Gươm, công viên Lê-nin... thì ít thấy những vùng xanh mới. Một vài "đảo cây" khác rất quý giá giữa bốn bề xe chạy nườm nượm như vườn hoa nhỏ chỗ chếch Nhà hát lớn Hà Nội, vườn hoa gần cổng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương... cũng đã trở nên hiếm hoi, lọt chìm trong lòng đô thị ngày càng rộng mở nhưng cũng càng thêm cứng hoá, khô khan, thêm diện tích, địa bàn nhưng lại thêm chật về mật độ con người, phương tiện. Quả thật đang có một nghịch lý không hề nhỏ nhẹ của phố - vườn - người - cây chúng ta đang sống này.

Tôi cứ lan man một giả thiết đi bộ trở lại như năm xưa và nghĩ về ngày mới, năm mới cùng ước ao mọc lên nhiều vùng cây, đảo cây, phủ thêm, nối liền những chấm, những vệt xanh cho bảng màu Hà Nội vốn đang lộng lên nhiều sắc choé và những màu gắt. Đồng ý là trên nhiều đại lộ, nhiều phố dài, ta đang làm vươn lên những hàng cây xanh tốt, có nơi đến mấy tầng cây. Trên nhiều vỉa hè cũng đang trổ xanh những vạt cây nhỏ dễ chịu. Quý lắm nhưng so ra thì còn lâu mới thoả với thành phố chục triệu dân và các khu dân cư cũ, dân cư mới đang sục sôi, đang chen chúc, chật chội những là người và vật liệu, đồ vật. Còn thiếu biết bao nhiêu không gian xanh mát, trong lành cho người ta vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn để cảm thấy giữa dòng cuồng quay có phút dịu nhẹ, trong bức bối có sự thảnh thơi mà lạc quan đi tiếp, thấy dễ thở với cuộc đời hơn.

Nếu cố bảo thành phố xanh đây thì tôi cũng không cãi, song hãy nhìn thấy ngay cái sự xanh chưa đều, thiếu lan toả ấy. Người dân thiếu công viên, hồ nước, chẳng lẽ từ vùng ven vào tận trung tâm thành phố ngồi nghỉ vườn Bách Thảo, Hồ Gươm, vườn hoa con công, vườn hoa con cóc... Hay đi bộ suốt cả chục cây đường bụi ồn ã còi xe lên ngắm mặt nước Hồ Tây, hoặc băng qua đê tìm ra bờ bãi sông Hồng. Rồi núi đồi phía Ba Vì, mạn Sóc Sơn..., có phải khi nào tuần, tháng bận rộn, người ta cũng có thể thu xếp mà lên dã ngoại được.

Biết rằng Thủ đô có những viên ngọc quý, những vùng sinh thái như thế mời gọi thập phương tìm về. Nhưng thí dụ như vậy để thấy trong đời sống ngày thường, mỗi địa bàn dân cư rất cần có những không gian xanh, những khuôn viên sở tại, phục vụ cho đời sống bươn chải nhọc mệt của người ta ngay tại đấy như một lẽ nghỉ ngơi, dạo chơi phổ biến, hằng ngày chứ không phải đi đâu xa, không cần đợi dịp cuối tuần. Nhất là ở những khu đô thị mới, khu dân cư mới đang mọc lên khắp quanh Hà Nội đây, nơi sang trọng, cao cấp có, nơi bình dân có, và cả những nơi nghèo nàn, tằn tiện cũng không ít. Có cung cấp được rộng khắp những khuôn viên xanh cho nhiều tầng lớp con người, mới càng rõ cái ý nghĩa nhân văn, nhân sinh của một thành phố xanh, thành phố vì hoà bình.

Cố gắng đi bộ một đoạn dài dài bây giờ, bạn sẽ thấm... mệt để mà thấm hơn cái tình cảnh thiếu cây, thiếu xanh đó, để ước mơ những khuôn viên, vườn tược, và cả vườn rừng nữa, vươn lên cho những nơi, những ngày tháng mới của thành phố ta đang sống. Ta được sống trong lành hơn cũng là sống trong trẻo hơn cho tâm tính, suy nghĩ, sống nhiều hơn về giá trị cuộc đời.

Không gian xanh mỗi nhà chúng ta có thể tự gieo trồng chăm tưới. Còn không gian xanh chung, cần nhiều hơn ở những mặt đất, mặt nước mà ta có thể dành ra để dành cho viễn cảnh tươi sáng đó. Ta mơ ước, ta chờ đợi, và hãy nói về điều này với những người quanh mình để từ nhóm địa bàn nhỏ đến cộng đồng lớn, chúng ta sẽ suy tư và hình dung nhiều hơn, cùng đặt tay vào nhiều hơn để tô cho màu xanh lan rộng trên vùng đất này./.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top