Aa

Điểm đến có thể cũ, nhưng trải nghiệm du lịch nhất định phải mới

Thứ Hai, 08/04/2019 - 06:01

Khách du lịch dựa vào công nghệ sẽ có nhiều lựa chọn tiếp cận điểm đến với nhiều phương thức tiêu dùng du lịch. Vì vậy, làm thế nào điểm đến có thể cũ, nhưng trải nghiệm du lịch nhất định phải mới?

dfd

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Quần thể di lịch phải có cả casino…

Tại Diễn đàn Bất động sản Du lịch 2019 với chủ đề "Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực" diễn ra ngày 6/4 tại TP.HCM, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, năm 1994 Việt Nam lần đầu tiên đón 1 triệu lượt khách quốc tế, đến 2015 đón 7,9 triệu và đến 2018 đón 15,5 triệu. Sự lớn mạnh của ngành du lịch đã kích thích đầu tư vào bất động sản du lịch, kéo theo nhu cầu mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực lưu trú du lịch.

Chỉ trong thời gian ngắn số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, resorts, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch tăng lên nhanh chóng. Năm 2011 cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới 2018 con số đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm.

Theo ông Hà Văn Siêu, sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resorts, biệt thự, căn hộ du lịch… tại các trung tâm du lịch lớn.

Thực tế từ năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơn sốt đầu tư phát triển bất động sản du lịch khi du lịch tăng trưởng mạnh. Các dự án bất động sản du lịch được mở bán tại các thành phố lớn, các khu vực ven biển, miền núi, hải đảo như Hà Nội, TP.HCM, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt...

Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn đang phát triển rất mạnh. Điều này khẳng định rõ sự tăng trưởng khách du lịch tạo sức hấp dẫn cho kênh đầu tư vào bất động sản du lịch và chính yếu tố hấp dẫn du lịch là cội nguồn gia tăng giá trị cho bất động sản tại điểm du lịch.

Ông Siêu cho rằng, với xu hướng dòng khách tiếp tục hướng về khu vực châu Á - Thái bình dương, trong đó Việt Nam như ngôi sao đang lên trong ASEAN, chúng ta luôn lạc quan dự báo về viễn cảnh tăng trưởng du lịch 10 năm tới.

Theo đó, đến năm 2020 dự báo cả nước có 650.000 - 700.000 buồng lưu trú du lịch; năm 2025 cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng và đến năm 2030 cần có 1.300.000 đến 1.450.000 buồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 8,2 - 8,5% đến 2020; 7,8 - 8,0% giai đoạn 2020 - 2025 và 7 - 7,5% giai đoạn 2025 - 2030.

Dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21,0 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 đón 32 triệu lượt và đến 2030 sẽ đón 47 triệu lượt, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 9 - 11%/năm.

Tiếp đà tăng trưởng của ngành du lịch, nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng lên tuy nhiên tính chất, loại hình và địa bàn sẽ thay đổi theo xu hướng nhu cầu của khách du lịch thế hệ mới. Bất động sản du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hứa hẹn hiệu quả cao nếu lựa chọn đúng địa bàn, đúng loại hình phù hợp với xu hướng nhu cầu của thế hệ khách du lịch mới, thời kỳ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Hà Văn Siêu nhận định: “Giai đoạn tới với đặc trưng của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó công nghệ thông tin truyền thông được ứng dụng sâu rộng trong du lịch; khách du lịch dựa vào công nghệ sẽ có nhiều lựa chọn tiếp cận điểm đến với nhiều phương thức tiêu dùng du lịch theo nhiều xu hướng khác nhau”.

Theo đó, khách du lịch sẽ quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư mở rộng và phát triển thêm nhiều trải nghiệm du lịch, ví dụ dự án bất động sản du lịch sẽ trở thành quần thể và gắn với nhiều tiện ích như casino, thể thao, sự kiện, nghệ thuật...

Một xu hướng khác là khách du lịch thế hệ mới đến Việt Nam đã và đang trở lên từng trải hơn, với nhu cầu cá biệt hơn. Như vậy, đòi hỏi đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cần có nhiều ý tưởng mới, mở rộng đa dạng địa bàn.

Ngoài ra, kinh nghiệm du lịch ngày càng được tích lũy, dòng khách tự túc ngày càng nhiều, nhu cầu rất đa dạng. Đây là tín hiệu mà nhà đầu tư cần cân nhắc mở rộng nhiều loại hình lưu trú du lịch, đan xen với cộng đồng dân cư, hòa nhập với văn hóa bản địa.

Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành hàng không và ứng dụng công nghệ trong kinh tế chia sẻ đang làm cho khách du lịch tiếp cận điểm đến thuận lợi hơn. Do đó, đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch đòi hỏi phải tiện tích thông minh, giá thành cạnh tranh và môi trường điểm đến phải thân thiện.

Đồng thời, ông Siêu cũng nhắc tới dòng khách du lịch MICE (meeting-incentive-convention-exhibition) hiện đang là xu hướng phổ biến với các quần thể, các khu phức hợp dịch vụ gắn với hội họp, hội chợ, sự kiện... đồng thời tại trung tâm du lịch có sức hấp dẫn.

Cuối cùng là sự dao động về dòng khách trong năm theo sự kiện, thời vụ đòi hỏi nhà đầu tư cần tính toán về quy mô dự án và tính kết nối theo chuỗi giá trị gắn với tuyến hành trình của khách và nhu cầu trải nghiệm của khách.

Nụ cười cũng là một nguồn tài nguyên vô giá trong ngành du lịch

Ông Hà Văn Siêu cho biết, năm 2019, ngành du lịch đặt ra mục tiêu thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng trên 16%), 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt trên 700.000 tỷ đồng. Đây là mục tiêu tăng trưởng cao, đòi hỏi ngành du lịch phải tập trung khắc phục những điểm yếu, vượt lên thách thức, tháo gỡ những nút thắt, rào cản để phát triển.

Lãnh đạo ngành du lịch đề xuất các giải pháp mang tính đồng bộ và then chốt:

Tiếp tục đầu tư vào hạ tầng du lịch, phát triển nhiều điểm đến mới, mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối thuận tiện các điểm đến của Việt Nam với thị trường thế giới.

Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, điểm đến du lịch nhằm thu hút khách du lịch chất lượng cao, quay lại nhiều lần, lưu trú dài ngày, trải nghiệm nhiều, chi tiêu cao.

Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu điểm đến, cũng như thương hiệu của dự án nhằm định vị giá trị và niềm tin cho du khách cũng như các nhà đầu tư. Lấy ví dụ về cây Cầu Vàng nổi tiếng trên Đỉnh Bà Nà Hills, Đà Nẵng, ông Siêu coi đây là một hiệu ứng tích cực.

Bên cạnh đó là việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời đảm yếu tố bản sắc văn hóa Việt Nam. Ông Siêu đánh giá, nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong lĩnh vực du lịch. Đó là sự chuyên nghiệp, thân thiện và tinh thần sẵn sang phục vụ. “Chúng tôi hay nói vui, nụ cười cũng là một nguồn tài nguyên vô giá trong ngành du lịch”, ông Siêu nói.

Với chủ đầu tư dự án, ông Siêu đưa ra lời khuyên cần nghiên cứu kỹ về thị trường du lịch, thị trường bất động sản; sử dụng tư vấn chuyên nghiệp; xác định tầm nhìn dài hạn; có ý tưởng riêng biệt về sản phẩm của dự án gắn chặt với đặc điểm tài nguyên du lịch.

Thiết kế sản phẩm dự án không chỉ dựa trên mà mà phải phát huy được những giá trị của tài nguyên du lịch về văn hóa và sinh thái.

Lựa chọn tính chất và loại hình lưu trú phù hợp với xu hướng nhu cầu du lịch; sáng tạo và mạnh dạn chuyển hướng, chủ động khai phá những điểm đến mới có những giá trị tài nguyên đặc sắc cho đến nay vẫn chưa khai thác.

Với nhà đầu tư thứ cấp, theo ông Siêu cần nhận diện được giá trị vô hình của sản phẩm bất động sản gắn liền với giá trị tài nguyên du lịch dặc sắc của điểm đến để đầu tư vào nhiều loại hình lưu trú khác nhau kết chuỗi theo tuyến hành trình của dòng khách du lịch.

Lựa chọn và đồng hành cùng chủ đầu tư dự án có đủ độ tin cậy, có ý tưởng, tầm nhìn và có thương hiệu đẳng cấp cao; dự án có tính khả thi cao và chủ đầu tư có tiềm lực tài chính và lực lượng nhân lực chuyên nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top