Aa

Điện gió: Kỳ vọng mới về năng lượng tái tạo của Việt Nam

Thứ Sáu, 09/02/2018 - 06:21

Hai dự án điện gió có tổng công suất 172 MW vừa khởi công tại Bạc Liêu và Sóc Trăng, làm dấy lên kỳ vọng gia tăng nhanh tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện. Tuy nhiên, đó mới chỉ là… kỳ vọng.

Điện gió chờ giá

Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu vừa khởi công Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu 3, công suất 142 MW, tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu. Dự án xây dựng trên diện tích 6.254 ha, với các tua-bin có công suất 2,5 – 3,5 MW, tổng mức đầu tư dự kiến là 8.229 tỷ đồng, sản lượng điện phát hàng năm dự kiến đạt 373 triệu kWh.

Cùng ngày, doanh nghiệp này cũng đã khởi công giai đoạn I của Dự án Nhà máy Điện gió Sóc Trăng ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, sát cạnh Nhà máy Điện gió Bạc Liêu. Tại dự án này sẽ có 15 tua-bin công suất 30 MW được xây dựng, vốn đầu tư 1.683 tỷ đồng.

Nhà máy Điện gió Đầm Nại (tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Tuấn Kiệt

Nhà máy Điện gió Đầm Nại (tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Tuấn Kiệt

Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu cũng là chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Bạc Liêu 1 và 2, có tổng công suất 99,2 MW, đã hòa lưới điện quốc gia. Ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, tiếp nối sự thành công của Dự án Nhà máy Điện gió 1 và 2 đã sản xuất và hòa vào lưới điện quốc gia 500 triệu KWh điện, doanh thu cộng dồn đạt hơn 1.000 tỷ đồng, năm 2017, Công ty đã quyết định mở rộng đầu tư một số dự án điện gió trong vùng. Tại Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu 3, tiến độ thực hiện là 36 tháng kể từ ngày khởi công. “Khi các dự án mới đưa vào khai thác, hàng năm, sẽ cung cấp hơn 370 MW điện gió cho hệ thống”, ông Dân cho biết.

Hiện tại, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu 1 và 2 được hưởng cơ chế giá mua điện là 9,8 UScent/kWh, cao hơn mức 7,8 UScent/kWh cho các dự án điện gió trên đất liền. Bởi vậy, Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu cũng trông chờ các dự án mới sẽ được hưởng cơ chế mua điện gió tương tự với Nhà máy Điện gió Bạc Liêu 1 và 2.

Được biết, Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ mức giá mua điện gió của các dự án trên bờ tương đương 8,77 UScent/kWh và 9,95 UScent/kWh cho các dự án đầu tư trên biển từ khá lâu, nhưng vẫn chưa có gì thay đổi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phương Hoàng Kim, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay, mức giá đề xuất cho điện gió này đã được Chính phủ họp vài lần để xem xét và đang giao Bộ Công thương giải trình thêm trước khi quyết định.

Thực tế, mức giá điện gió 7,8 UScent/kWh cho điện gió đặt trên bờ được cho là không đủ khuyến khích nhà đầu tư.

Dự án Điện gió Phú Lạc của Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình đã hoàn tất giai đoạn I, quy mô 24 MW, gồm 12 trụ tua-bin có công suất 2 MW/trụ, với vốn đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng.

Ông Bùi Vạn Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình cho hay, doanh thu một năm đạt gần 100 tỷ đồng, nhưng mất 80 tỷ đồng để trả nợ vốn vay và lãi; phần còn lại chỉ đủ để trang trải cho vận hành, bảo dưỡng và trả lương. Với giá mua điện gió 7,8 UScent/kWh và chưa nhìn thấy tín hiệu tăng thêm, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng cho giai đoạn I của Điện gió Phú Lạc cần cỡ 14 năm để hoàn vốn.

Ông Thịnh cũng cho biết, nếu giá điện gió không tăng, Công ty sẽ không đầu tư thêm vào điện gió vì không có lãi, dù đang có kế hoạch triển khai thêm 4 dự án điện gió khác tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắc và Gia Lai, với tổng quy mô lên tới 500 MW.

“Giá điện gió hiện nay rất khó để các nhà đầu tư tham gia nhằm nâng công suất điện gió lên mức 800 MW vào năm 2020”, ông Thịnh nói.

Điện mặt trời lo mốc tháng 6/2019

Không phát triển mạnh điện gió, Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình đang có kế hoạch đầu tư khoảng 150 MW điện mặt trời theo 3 giai đoạn. Theo tính toán của Công ty, làm điện mặt trời với mức giá 9,35 UScent/kWh theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg hấp dẫn hơn.

Do đã có đất sẵn sàng làm điện gió, nên quá trình triển khai Dự án điện mặt trời giai đoạn I của Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình được kỳ vọng sẽ nhanh hơn nhiều so với các dự án điện mặt trời khác mới đăng ký. Dự án đang chờ được bổ sung vào quy hoạch, nhưng vẫn đồng thời triển khai các công việc liên quan.

Cũng đang rất khẩn trương triển khai Dự án điện mặt trời trên hồ thủy điện Đa Nhim, ông Nguyễn Trọng Oánh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi cho hay, Dự án đã thực hiện đấu thầu và đang khẩn trương cho mốc vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019, để được hưởng mức giá mua tương đương 9,35 UScent/kWh, dù hợp đồng mua bán điện chưa tiến hành đàm phán.

Tuy nhiên, với thực tế, chỉ những dự án được vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 mới được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh (sau thời điểm nay, giá mua điện mặt trời chưa có phương án áp dụng), các chuyên gia cho rằng, không dễ để doanh nghiệp chạy đua.

Ngoài ra, đại diện Bộ Công thương cũng trăn trở về câu chuyện phát triển điện tái tạo như thế nào là hợp lý, vì thực tế sử dụng ánh sáng mặt trời trong một ngày chỉ đạt 5 tiếng, trong khi cao điểm sử dụng điện là buổi tối thì lại không có mặt trời, phải dùng nguồn khác, nên khi đầu tư điện mặt trời vẫn phải đầu tư nguồn điện dự phòng khi không có nắng.

Giá điện bán lẻ đến người tiêu dùng hiện nay khoảng 7,6 UScent/kWh, trong khi giá thành mua điện mặt trời hiện là 9,3 UScent/kWh, nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phải bù lỗ cho năng lượng tái tạo.

“Tại nước phát triển như Đức, Chính phủ nước này vẫn đang phải bù lỗ 1 tỷ EUR mỗi năm cho điện mặt trời. Ngoài ra, vấn đề truyền tải công suất từ khu vực Bình Thuận đến TP.HCM cũng phải tính đến. Vì vậy, Bộ Công thương và EVN phải lựa chọn các chính sách hài hòa giữa phát triển điện một cách bền vững và thân thiện môi trường”, đại diện bộ này nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top