Aa

Định Công: Bao giờ chấm dứt được tình trạng xây dựng, lấn chiếm đất nông nghiệp?

Thứ Năm, 03/12/2020 - 12:50

Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn phường Định Công đã diễn ra nhiều năm. Tuy nhiên, các vi phạm TTXD, xây nhà ở trên đất nông nghiệp tại đây vẫn chưa được xử lý triệt để.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Chỉ đạo quyết liệt xử lý dứt điểm sai phạm

UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.

Phường Định Công, hàng loạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp được quây tôn kín mít.

Đến đầu năm 2020, UBND TP Hà Nội tiếp tục có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. “Thực hiện thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành. Báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 30/4/2020”, công văn ghi rõ.

Việc người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích là vi phạm pháp luật về đất đai, phá vỡ quy hoạch, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, đồng thời có nguy cơ đe dọa an ninh lương thực. Vì vậy, đối với những trường hợp mới xây dựng Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cần kịp thời ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; Có biện pháp giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích người vi phạm tự tháo dỡ.

Đối với các trường hợp xây dựng cũ, cố tình tiếp tục thực hiện việc sử dụng trái phép mặc dù đã bị xử phạt hành chính thì có thể bị buộc phá dỡ công trình hoặc bị thu hồi đất.

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về Quản lý đất, cần nâng cao năng lực làm việc và quán triệt về trách nhiệm, hậu quả pháp lý đối với cán bộ phụ trách chính trong lĩnh vực đất đai vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:

1. Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

2. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Đối với các hành vi vi phạm về đất đai mà mức xử phạt trên 10.000.000 đồng thì Chủ tịch UBND cấp xã, phường có thể kiến nghị với Chủ tịch UBND cấp huyện, quận để xử lý.

Công trình xây dựng trên đất ngông nghiệp tại phường Định Công, quận Hoàng Mai.

Điều 207 Luật Đất đai 2013 quy định về Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai như sau:

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;

c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai

Điều này được hướng dẫn bởi Chương 9 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Cụ thể: Điều 96. Đối tượng bị xử lý vi phạm

1. Người đứng đầu tổ chức, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

2. Cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn có hành vi vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.

3. Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật Đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất được giao để quản lý.

Theo đó, những hành vi vi phạm được quy định tại Điều 97 của Nghị định này bao gồm:

Điểm b, khoản 3: Vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các hành vi sau: Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Điểm a,b, khoản 6: Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý bao gồm các hành vi sau: Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích; Sử dụng đất sai mục đích.

Các công trình quây tôn bên trong ngõ 227 Lê Trọng Tấn; số 46, 58/159 ngõ 192 Lê Trọng Tấn xây dựng trên đất nông nghiệp.

"Điểm nóng" xây dựng, lấn chiếm đất nông nghiệp

Tuy nhiên, trong thời gian qua tình trạng vi phạm TTXD, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Định Công (quận Hoàng Mai) vẫn  diễn ra và có dấu hiệu bùng phát khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Cụ thể: công trình tại số 66/99 Định Công Hạ; 33/99 Định Công Hạ;  227 Lê Trọng Tấn;  số 46, 58/159 ngõ 192 Lê Trọng Tấn, 115 Trần Hoà; đều đang được xây dựng có dấu hiệu vi phạm TTXD. 

Công trình tại số 66/99 Định Công Hạ; 33/99 Định Công Hạ đang được gấp rút hoàn thiện dù có dấu hiệu xây dựng sai tổng thể quy hoạch.

Được biết, phường Định Công có diện tích khoảng 175,5ha, trong đó có phần không nhỏ là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích nên thường phát sinh vi phạm.

Người dân tại đây cho biết nguồn gốc đất các công trình đang xây dựng, quây tôn đều là đất nông nghiệp. Ngoài ra, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp ở địa bàn phường Định Công đã diễn ra nhiều năm. Tuy nhiên, dù có kiến nghị hay phản ánh thì tình trạng vi phạm TTXD, xây nhà ở trên đất nông nghiệp cũng không được xử lý triệt để.

Bùng nổ dân số và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ là những nguyên nhân chính khiến cho quỹ đất ở ngày càng trở nên hạn hẹp. Do đó, trạng xây dựng nhà ở trên đất không đúng mục đích sử dụng diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn và có dấu hiệu ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Tình trạng xây dựng trái phép này làm phá vỡ quy hoạch đô thị, phá vỡ quy hoạch đất đai, thu hẹp quỹ đất nông nghiệp và quỹ đất công ích đe dọa an ninh lương thực, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, khiến nhiều người bức xúc.

Tuy nhiên, tình trạng xây dựng nhà ở trái phép xuất hiện đã nhiều năm nhưng rất nhạy cảm và khó xử lý triệt để. Bởi nó liên quan đến vấn để nhu cầu về chỗ ăn ở, sinh hoạt của nhiều gia đình…

Công trình tại số 66/99 Định Công Hạ người dân phản ánh xây dựng vượt chiều cao, lấn chiếm lòng đường vỉa hè để vật liệu xây dựng, không đảm bảo an toàn lao động.

Hiện nay, pháp luật đã quy định khá rõ ràng, cụ thể về việc xử lý các hành vi xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính. Các biện pháp mạnh hơn như cưỡng chế thu hồi, tháo dỡ, trả lại hiện trạng đất… là rất khó vì liên quan chồng chéo đến nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau. Và một phần vì chính quyền địa phương còn “cả nể” những trường hợp có quen biết, anh em, họ hàng…..Vì vậy, thực tế nhiều ngôi nhà xử phạt xong vẫn tiếp tục xây dựng, sử dụng. Thậm chí, nhiều ngôi nhà còn xây dựng kiên cố 3-4 tầng.

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, rất mong UBND quận Hoàng Mai, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, quyết liệt xử lý triệt để các sai phạm tồn tại, chấm dứt các sai phạm phát sinh. Bên cạnh đó, UBND quận Hoàng Mai cũng cần làm rõ trách nhiệm đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm, phá vỡ quy hoạch đô thị, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường... thủ đô Hà Nội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top