Aa

Định hướng chiến lược phát triển khu vực ven biển Quảng Trị

Thứ Bảy, 24/04/2021 - 13:40

UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Sở Xây dựng tỉnh vừa có báo cáo chính thức trước UBND tỉnh về định hướng chiến lược phát triển khu vực ven biển và quy hoạch xây dựng thị trấn Cửa Việt lên quy mô thị xã.

Hình thành trục hành lang kinh tế ven biển tỉnh Quảng Trị kết nối trung tâm du lịch ven biển các tỉnh lân cận trong khu vực; liên kết trung tâm đô thị trên các hành lang kinh tế Quốc lộ 1A; hành lang kinh tế Đường 9 và hành lang kinh tế ven biển… là những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị.

Theo định hướng, Quảng Trị sẽ hình thành không gian kết nối Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo… (Ảnh: Đình Huân)

Chú trọng liên kết vùng miền Trung

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị, định hướng phát triển khu vực ven biển tỉnh có phạm vi gồm các xã, thị trấn nằm ven biển các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ (bao gồm Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị).

Định hướng mô hình liên kết không gian vùng ven biển với các vùng trên cơ sở liên kết trung tâm đô thị trên các hành lang kinh tế Quốc lộ 1A; hành lang kinh tế Đường 9 và hành lang kinh tế ven biển… Hình thành trục hành lang kinh tế ven biển tỉnh Quảng Trị kết nối các trung tâm du lịch ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và khu vực miền Trung nhằm liên kết, hợp tác, quảng bá phát triển du lịch trên cơ sở tuyến giao thông ven biển.

Khai thác, phát triển du lịch ven biển là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển vùng ven biển của Quảng Trị. (Ảnh: Đình Huân)

Phân vùng không gian khu vực ven biển gồm 4 khu vực chính gồm: Khu vực phía Bắc (thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, hạt nhân là đô thị Cửa Tùng) là khu vực phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng ven biển, di tích lịch sử, văn hóa; Khu vực trung tâm (thuộc địa phận huyện Gio Linh và Triệu Phong, hạt nhân là đô thị Cửa Việt) là khu vực trung tâm phát triển hỗn hợp tất cả các chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics, cảng biển, khu dịch vụ hậu cần nghề cá;

Khu vực phía Nam (thuộc địa phận huyện Triệu Phong và Hải Lăng, hạt nhân là cảng Mỹ Thủy và đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị) là trung tâm thương mại, dịch vụ, dịch vụ cảng, công nghiệp đa ngành, logistics; Khu vực phía Đông, hình thành tam giác du lịch biển đảo trọng điểm của tỉnh Quảng Trị và vùng Bắc Trung bộ, đề xuất thành khu du lịch quốc gia Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ… Khu vực ven biển Quảng Trị được tổ chức theo mô hình dạng tuyến - điểm.

Xây dựng trục hành lang kinh tế ven biển Quảng Trị trên cơ sở hình thành trục hành lang kinh tế ven biển, điểm đầu từ thôn Mạch Nước (xã Vĩnh Thái) và điểm cuối là thôn Thâm Khê (xã Hải Khê) kết nối với các trung tâm dịch vụ du lịch biển miền Trung; trên trục hành lang ven biển xây dựng các trung tâm đô thị (Cửa Tùng, Cửa Việt, trung tâm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị - cảng Mỹ Thủy), các trung tâm du lịch biển kết nối các đô thị và không gian sinh thái nông nghiệp; hình thành các quảng trường, công viên, đại lộ cây xanh kết hợp với rừng phòng hộ để hình thành không gian công cộng ven biển; hình thành không gian kết nối Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo…

Xây dựng thị trấn Cửa Việt lên thị xã

Một vấn đề quan trọng khác, trong chiến lược phát triển tỉnh Quảng Trị đã và đang quy hoạch xây dựng thị trấn Cửa Việt lên quy mô thị xã. Theo phương án xây dựng, năm 2030 sẽ hình thành đô thị Cửa Việt (khu vực nội thị) trên cơ sở sáp nhập thị trấn Cửa Việt, xã Gio Hải (huyện Gio Linh), đô thị Bồ Bản (huyện Triệu Phong), có dân số là 18.356 dân (với diện tích 42,09km2), đạt tiêu chí đô thị loại V. Tính chất đô thị là trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông… có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện hoặc vùng liên huyện.

Khu vực biển Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Đình Huân)

Định hướng đến năm 2050, xây dựng đô thị Cửa Việt đạt tiêu chí đô thị loại IV (hình thành 5 phường đạt tiêu chuẩn), là trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông… có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phương án xây dựng các phường nội thị như: Thị trấn Cửa Việt, xã Gio Hải có dân số 8.480 người (với diện tích 17,27m2) hình thành thành 2 phường đạt chuẩn; đô thị Bồ Bản (gồm xã Triệu An, một phần của xã Triệu Vân, Triệu Trạch, huyện Triệu Phong) có dân số 9.876 người (với diện tích 24,82km2) hình thành thành 3 phường đạt chuẩn; thành lập thị xã Cửa Việt (trên cơ sở đô thị Cửa Việt đã đạt tiêu chí đô thị loại IV) hình thành được 5 phường đạt chuẩn và xây dựng 5 xã ngoại thị đạt chuẩn…

Trực tiếp lắng nghe báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cơ bản thống nhất với những đề xuất định hướng về quy hoạch ven biển, định hướng kết nối giữa các hành lang kinh tế và các trung tâm đô thị. Về mô hình cấu trúc không gian, hướng Bắc Nam tổ chức theo mô hình tuyến điểm; hướng Đông Tây có trung tâm du lịch theo mô hình tuyến song hành; các đô thị biển theo mô hình hỗn hợp. Về định hướng kết nối vùng, kết nối hành lang kinh tế Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9, hành lang biển bằng các trục kinh tế thông qua các trung tâm đô thị và trung tâm du lịch…

Cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Đình Huân)

Trước đó, ngày 4/12/2020, như Reatimes đã thông tin, UBND tỉnh cũng đã lập phương án tuyến và quy mô đầu tư xây dựng công trình đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây qua tỉnh Quảng Trị. Phương án tuyến được đề xuất lựa chọn là tuyến đường có tổng chiều dài gần 56km, có điểm đầu tại ranh giới tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị (tại thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), điểm cuối giao với Quốc lộ 1A tại TP. Đông Hà.

Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương giáp Quảng Trị đang có kế hoạch xây dựng tuyến đường ven biển có chiều dài gần 120km kéo dài từ huyện Phong Điền (giáp Quảng Trị) đến thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc với mong muốn sẽ sớm thúc đẩy, khai thác các tiềm năng kinh tế, xã hội ven biển cũng như gia tăng các giá trị bất động sản ở dải đất giàu tiềm năng này.

Như vậy cả Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế đã và đang có những định hướng chiến lược cụ thể, quan trọng nhằm khai thác, xây dựng và phát triển vùng ven biển, trong đó đều chú trọng tính liên kết vùng trong khu vực nhằm liên kết, hợp tác, quảng bá cùng nhau phát triển./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top