Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ được dự báo sẽ tác động tích cực tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp phát hành, Nghị định không siết điều kiện chào bán, nhưng yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành. Đặc biệt, Nghị định mới ban hành đã giải tỏa nỗi lo của thị trường khi các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ.
Khác với các dự thảo trước đó, Nghị định 65 ban hành vẫn cho phép các doanh nghiệp được phát hành TPDN để đảo nợ, nhưng chỉ đảo nợ cho chính doanh nghiệp đó.
FiinGroup cho rằng, điều này sẽ củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản vốn sở hữu nhiều công ty con/liên kết để phát triển dự án.
Chỉ tính riêng ngành bất động sản đã chiếm 59% tổng giá trị đáo hạn, áp lực đáo hạn TPDN tính riêng trong năm nay đạt 35,56 nghìn tỷ đồng và sẽ tăng mạnh lên mức 61,37 nghìn tỷ đồng vào năm 2023. Có thể thấy, dù giá trị trái phiếu đáo hạn đã giảm xuống đáng kể nhờ hoạt động mua lại, song áp lực đảo nợ vẫn rất lớn.
Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu rủi ro tín dụng, FiinGroup cho rằng, quy định cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế về trái phiếu.
Dù điều kiện phát hành trái phiếu không bị siết song, doanh nghiệp cũng không bị cấm phát hành trái phiếu để đảo nợ, song với các yêu cầu khắt khe hơn về hồ sơ phát hành, dự kiến các doanh nghiệp cũng chưa thể ồ ạt phát hành trái phiếu trở lại.
“Hồ sơ chào bán và phương thức phát hành được yêu cầu cao hơn, do đó nhà phát hành phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch thì mới có thể tham gia hoạt động phát hành trái phiếu”, ông Nguyễn Tùng Anh nhận xét.
Theo FiinGroup, các quý sắp tới được dự kiến sẽ là giai đoạn khó khăn để các doanh nghiệp xoay sở dòng tiền trả nợ gốc và lãi trái phiếu bởi hai lý do.
Thứ nhất, thị trường TPDN đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm đến nay.
Thứ hai, dòng tiền chảy vào các công ty con đang bị kiểm soát bởi Thông tư 16, Thông tư 39, và tiếp theo là Nghị định 65.
Việc đáp ứng nghĩa vụ nợ sắp tới sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục leo thang, làm gia tăng gánh nặng chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thâm dụng vốn nhưng gặp trở ngại tiếp cận dòng vốn tín dụng như bất động sản./.