Doanh nhân Trần Bá Dương: Ý chí và khát vọng - nguồn tài sản vô giá!
Tạp chí Forbes (Mỹ) đã công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2021, trong đó Việt Nam lần đầu tiên có 6 đại diện. Ông Trần Bá Dương xếp thứ 5 với con số tài sản trị giá 1,6 tỷ USD.
LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.
Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".
Bài 1: Doanh nhân Trần Bá Dương: Ý chí và khát vọng - nguồn tài sản vô giá!
Trân trọng gửi tới quý độc giả!
Tôi quen biết Trần Bá Dương cũng đã lâu nhờ việc cùng tham gia khởi xướng việc hình thành và phát triển Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam. Thậm chí có hôm ra Hà Nội, buổi tối đang ngồi với anh Phạm Tấn Công (nay là Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI) tại một quán bia tươi ở phố Lò Đúc, anh gọi tôi ra cùng các anh làm vài vại cho vui. Tính anh cởi mở, hào sảng nên dễ gần, và câu chuyện của chúng tôi lại loanh quanh việc hỗ trợ khởi nghiệp cho giới trẻ...
KHÔNG CÓ BỘT SAO GỘT NÊN HỒ?
Không hiểu tại sao cho tới những ngày này, khi nghĩ đến anh và sự nghiệp của anh, tôi lại thường liên tưởng đến một doanh nhân huyền thoại của Hàn Quốc, đó là ông Chung Ju Yung, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai danh tiếng.
Liệu có phải hai người cùng xuất thân từ những gia đình nghèo, đông con (chắc là tình cờ thôi, gia đình ông Chung Ju Yung và Trần Bá Dương đều có 8 anh chị em), cùng bước vào đời với những công việc chân tay vất vả (một người vốn là anh nông dân nghèo đến làm công nhân hỏa xa, rồi khuân vác cho một cửa hàng bán gạo; còn một người là sinh viên nghèo làm công nhân sửa chữa ô tô chuyên vét mỡ bò); rồi cùng có ý chí thoát nghèo mãnh liệt và những khát vọng dường như không tưởng; rồi một trong những lĩnh vực thành công đầy ấn tượng của hai người cũng tương tự nhau là công nghiệp vận tải, một bên là ngành đóng tàu biển còn một bên là sản xuất và lắp ráp ô tô...
Đến giờ này, Chung Ju Yung đã trở thành huyền thoại của đất nước Hàn Quốc giàu mạnh nơi xa xôi, còn Trần Bá Dương của chúng ta thì sao?
Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2021. Trong đó, Việt Nam lần đầu tiên có 6 đại diện. Trần Bá Dương xếp thứ 5 với con số tài sản trị giá 1,6 tỷ USD. Nhưng với tôi, con số ấy đối với Trần Bá Dương chỉ mới nói lên phần tài sản có thể đo đếm được, còn ở anh, nguồn tài sản vô cùng quý giá nằm ở trong con người anh, đó là sức mạnh của ý chí và khát vọng, là sự cuốn hút của một tâm hồn trong sáng và cởi mở, là sự lan tỏa của một tấm gương vượt qua mọi thách thức với thế hệ tương lai...
Hẳn sẽ có người hỏi, có ý chí và nghị lực rồi mà không có bột thì làm sao mà gột nên hồ?
Trần Bá Dương bước vào đời cũng như bao thanh niên nghèo khác, bị một căn bệnh mãn tính thường đeo đẳng mà người đời hay nói vui là “viêm màng túi”. Nhà nghèo lại đông con, rồi mồ côi cha, anh phải vừa học vừa làm, góp tiền cùng mẹ nuôi các em. Ý chí đã gúp anh thi đỗ Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Rồi tấm bằng đại học kỹ sư cơ khí đã giúp anh có công việc ở một xưởng sửa chữa ô tô vào năm 1982.
Cũng nhờ kiến thức tại trường đại học, Trần Bá Dương đưa ra dự án "Chuyển đổi tay lái nghịch". Dự án được Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận nên công ty đã giao cho anh làm quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán. Từ đây, anh có điều kiện tích lũy và đến năm 1997, anh xin nghỉ để thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình. Và cũng trong năm này chính là lúc Công ty ô tô Trường Hải được thành lập sau 15 năm Trần Bá Dương biến ý chí, tài năng và khát vọng thành “bột” cho sự nghiệp của mình.
Câu “có bột mới gột nên hồ” từ đây mới bắt đầu có ý nghĩa với Trần Bá Dương. Còn với nhiều bạn trẻ khởi nghiệp khác, có điều kiện thuận lợi hơn, có thể đi đường tắt nhanh hơn, lập tức thành lập doanh nghiệp chứ không cần đến 15 năm như vậy, tuy nhiên không dễ dàng có được những bài học xương máu của 15 năm lăn lộn, trui rèn ý chí trên thương trường như Trần Bá Dương.
Có một câu chuyện mà khi biết được Trần Bá Dương làm hồi năm 2003, ai cũng không khỏi trầm trồ khen ngợi ý chí mãnh liệt và lòng quả cảm của người doanh nhân trẻ ngoài 40 tuổi này, đó là tiến quân ra miền Trung, thực hiện bằng được một ước mơ, một khát vọng mà mình đã từng ấp ủ.
Khi ấy, Công ty ô tô Trường Hải (Thaco) ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đang thành công trong lĩnh vực buôn bán ô tô. Đến năm 2000, công ty bắt đầu lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA, để rồi những năm sau đó tiếp tục bắt tay với Mazda và Peugeot. Sang năm 2001, Trường Hải chính thức tung ra sản phẩm đầu tiên của dòng xe tải nhẹ và đã được thị trường chấp nhận, đặt hàng rất lớn.
"BỘI THỦY NHẤT CHIẾN"
Đến lúc này, nếu là người có ý chí và khát vọng như nhiều người khác thì cũng dễ dàng với thỏa mãn về sự nghiệp của mình. Nhưng với Trần Bá Dương thì không, anh quyết định dấn thân vào một thử thách mới, đó là quyết định ra đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai, một nơi đầy cát trắng, nắng và gió.
Nhiều người vẫn từng khâm phục và không đoán được tại sao quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô tại Chu Lai của Trần Bá Dương có thể xảy ra trước cả khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 về việc thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai thuộc tỉnh Quảng Nam nhằm tạo một đòn bẩy chiến lược quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ.
Đây có lẽ là thành quả của tài năng chứ không chỉ là ý chí và khát vọng!
Ngay từ tháng 3/2003, Trần Bá Dương cho khởi công xây dựng Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai. Khu liên hợp này được hoàn thành vào cuối năm 2004, lắp ráp các dòng xe tải, xe bus. Trong khoảng thời gian này, Trường Hải còn thành lập Công ty Tàu biển Chu Lai - Trường Hải với 2 chiếc tàu Truờng Hai Star I và II để chủ động vận chuyển vật tư, thiết bị từ nước ngoài nhập về, để sản xuất và lắp ráp ô tô.
Thật trùng hợp, Khu kinh tế mở Chu Lai được hình thành có cấu trúc hấp dẫn và phù hợp cho những khát vọng lớn của Trần Bá Dương, bởi nó bao gồm cả tiểu khu thuế quan và phi thuế quan. Tiểu khu phi thuế quan (hay khu cảng tự do) gắn với cảng Kỳ Hà có các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu và hàng phục vụ tại chỗ (cả gia công, tác chế), thương mại hàng hóa (gồm cả xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, tam nhập - tái xuất, phân phối, siêu thị bán lẻ), thương mại dịch vụ (phân loại, đóng gói, vận chuyển giao nhận hàng hoá quá cảnh, bảo quản, kho tàng bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, vui chơi, kho giải trí, nhà hàng ăn uống) xúc tiến thương mại (giới thiệu sản phẩm, hội chợ triển lãm; đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của các công ty trong nước và nước ngoài, có cả các tổ chức tài chính, ngân hàng) và các hoạt động thương mại khác. Khu thuế quan có các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu giải trí đặc biệt, khu dịch vụ, khu dân cư và hành chính…
Khi chuyện đã qua đi thì thấy nó dễ dàng, nhưng thực chất, Trần Bá Dương đã từng tâm sự: “Chúng tôi ra Chu Lai cũng giống như bước qua một con sông mà tự hủy luôn cây cầu, tức là không có đường lùi. Ngày đó, tôi nói anh em trong công ty rằng, một là mình sẽ thành công, hai là mình sẽ chết tại Chu Lai, thất bại tại Chu Lai".
Đến đây, hẳn nhiều người nhớ đến trong lịch sử chiến tranh có một tướng tài tên là Hàn Tín chỉ có trong tay 3 vạn quân mà đánh thắng 10 vạn quân của đối thủ bởi một thế trận “Bội thủy nhất chiến”, có nghĩa là bày trận tựa vào sông mà để một sống một chết với đối thủ vì… không có đường lùi. Nay với Trần Bá Dương, biết mình qua sông là cầu bị hủy, cũng có ý nghĩa như vậy chăng? Quả là ý chí mạnh mẽ đến nghiệt ngã, không mấy ai có được.
Lúc ấy, ai cũng hiểu rằng, Trần Bá Dường cùng các cộng sự đã thực hiện một quyết định đáng nhớ nhất trong cuộc đời.
“NHÂN HÒA" LÀ DO CHÍNH MÌNH!
Với đủ cả 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cộng hưởng, Thaco Trường Hải đã có những bước tiến vững chắc tại Chu Lai, đến nỗi khi nhắc đến Chu Lai là nhắc đến Trường Hải và ngược lại.
Năm 2008, Jardine Cycle và Carriage, một nhà phân phối xe hơi của Singapore, chi 77 triệu USD để mua 20% cổ phần của công ty.
Có thêm nguồn vốn, Trường Hải nhanh chóng mở rộng kinh doanh và tăng trưởng mạnh mẽ các năm sau đó. Đến năm 2014, Thaco chính thức vượt qua Toyota để trở thành doanh nghiệp bán nhiều xe nhất trên thị trường, và duy trì vị thế từ đó đến nay.
Năm 2016, Thaco bán được tổng cộng tới gần 113.000 xe, nắm 41,5% thị phần. Trong đó, doanh số Kia và Mazda là hơn 65.000 xe, bỏ xa Toyota năm đó bán được 57.000 xe. Các năm sau đó là cuộc rượt đuổi gay cấn giữa Thaco và Toyota, khi cả hai liên tục so kè với nhau trên thị trường. Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covdi-19, 3 thương hiệu xe của Thaco một lần nữa vượt lên với gần 76.000 xe, con số lớn nhất từ trước tới nay, trong khi Toyota là gần 71.000 xe. Năm 2021, Thaco đạt doanh số gần 120 nghìn xe, xuất khẩu vào khoảng 1.500 xe, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.600 tỷ đồng.
Thiên thời là cơ hội khách quan, địa lợi là lĩnh vực lợi thế, còn nhân hòa là phải do chính mình nhận ra nó, vun đắp nó và khai thác nó. Nhân đây, xin kể một câu chuyện về khai thác nguồn nhân lực của Trần Bá Dương.
Một trong những lý do quan trọng để anh chọn Chu Lai làm điểm đầu tư chiến lược cũng là vì yếu tố “nhân hòa” này. Theo Trần Bá Dương, con người ở Chu Lai sống trong môi trường đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt nên rất chịu khó làm việc và rất sáng tạo. Đây là những đức tính phù hợp với ngành cơ khí và ô tô.
Sở dĩ anh muốn tìm người siêng năng, chịu khó là bởi trước đó, tại Công ty ở Biên Hòa, anh đã dày công đào tạo nhân sự nhưng rồi vì nhiều lý do, đa phần họ nghỉ hết. Anh kể: "Chuyên gia nước ngoài đến Chu Lai đào tạo 2-3 năm quay lại vẫn thấy nhân sự cũ ở đó. Họ có nói rằng chỉ có ở Chu Lai mới vậy, chứ các thành phố ở các nước trên thế giới, đào tạo một thời gian quay lại nhân sự có thể đi mất".
Thì ra, vẫn người thủ lĩnh ấy, vẫn văn hóa doanh nghiệp ấy, vẫn chính sách đãi ngộ và cung cách ứng xử ấy nhưng nhân hòa phải đến được do kết tụ từ nhiều phía. Và người dân Quảng Nam đã không phụ Trần Bá Dương. Được biết, trong tổng số 9.300 nhân sự đang làm việc tại Thaco Chu Lai, có đến hơn 8.300 cán bộ, nhân viên là người Quảng Nam và trong số đó, có hơn 6.000 người đang sống tại Núi Thành. Có những gia đình 9 thành viên thì có đến 7 người làm việc tại Thaco được hơn 10 năm. Có đến 200 cặp vợ chồng cùng làm việc đồng thời tại Thaco Chu Lai.
Những con số ấy phần nào đã nói lên sự thành công trong công việc quản trị nhân sự của Trần Bá Dương. Để hình thành đội ngũ trợ giúp có năng lực và giữ nhân tài, anh luôn luôn có kế hoạch đào tạo lãnh đạo từ bên trong: “Phải định hướng nhân sự phát triển thành lãnh đạo, làm sao cho công ty lớn lên, mở rộng ra. Chứ nếu trình độ tăng lên mà doanh nghiệp vẫn nhỏ thì họ sẽ ra đi. Anh em phải học được gì từ mình, kèm theo đãi ngộ xứng đáng thì họ sẽ theo mình. Nếu chỉ lấy đãi ngộ ra nhử nhân tài thì trước sau gì học cũng bị người khác nhử”.
Chính vì có đội ngũ như vậy, Trần Bá Dương đã vượt qua những thách thức đáng tự hào. Đó là biến một xưởng sửa chữa ô tô nhỏ thành một tập đoàn công nghiệp hùng mạnh sản xuất ô tô có hơn 30 công ty thành viên và hơn 20.000 nhân viên trải dọc khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Đó là biến một vùng sình lầy ở Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) trở thành khu đô thị sinh thái bậc nhất TP.HCM và cả nước; cùng hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm như như Quảng trường Trung tâm và Công viên Bờ sông; 4 tuyến đường chính Thủ Thiêm; Cầu Thủ Thiêm 2; Cầu đi bộ nối Thủ Thiêm và phố đi bộ Nguyễn Huệ và các công trình tiện ích khác...
MỘT BƯỚC ĐI SAI LẦM CÓ THỂ MẤT TẤT CẢ
Một quyết định gần đây của Trần Bá Dương khiến nhiều người bất ngờ là khi đang thành công trong lĩnh vực công nghiêp, đang “thuận chèo mát mái” ở lĩnh vực bất động sản thì đùng một cái, anh bước chân đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp.
Khi đó vào năm 2018, khủng hoảng nợ nần đã khiến Hoàng Anh Gia Lai không thể gượng dậy, Bầu Đức đã mời gọi sự giúp sức của Trần Bá Dương để cùng mình vực dậy Hoàng Anh Gia Lai trong lĩnh vực nông nghiệp. Trần Bá Dương đã chấp nhận không phải chỉ theo sự mách bảo của con tim mà còn theo ý chí cháy bỏng vượt qua một thách thức ở tầm của một quốc gia nông nghiêp như Việt Nam, đó là cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm nông nghiệp ở các quốc gia khác.
Cuộc bắt tay cơ duyên giữa hai doanh nhân nổi tiếng là nhằm mục tiêu đưa HAGL Agrico và THAGRICO với quỹ đất 84.000ha ở Gia Lai, Đắk Lắk, Lào và Campuchia cùng số vốn đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng để trở thành doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn, quản trị chuẩn công nghiệp…
Trên một diễn đàn gần đây, Trần Bá Dương khẳng định, đây sẽ là thử thách cuối cùng của cuộc đời và anh tin rằng mình sẽ làm được.
Đến đây, tôi lại chợt nhớ đến huyền thoại Chung Ju Yung của Hàn Quốc và một kỳ tích trong lĩnh vực nông nghiệp khi cuối đời của ông.
Vốn xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, nghèo đến mức độ khó có thể nghèo hơn được nữa, Chung Ju Yung thường mơ đến có trong tay có mảnh đất xa vút tầm mắt để cày cấy cho thỏa chí. Nhưng để trở nên giầu có thì không thể bắt đầu từ việc cấy hái nên ông quyết tâm rời bỏ quê hương để đi tìm chân trời mới, từ chỗ làm thuê đến làm chủ một cửa hàng gạo, rồi chủ một nhà máy đóng tàu. Khi đã giầu có, ước mơ khai hoang lấn biển để có một vùng đất đai màu mỡ lại trỗi dậy trong ông.
Hàn Quốc có một vịnh lớn nhất lúc bấy giờ nằm ở bờ biển phía tây - nam có tên là Chonshu. Nếu làm được một con đập ngăn nước giữa hai đầu bờ vịnh thì có thể tạo ra một vùng đất trồng trọt màu mỡ khoảng 16.000ha. Công việc này gần như không tưởng vì hai lẽ:
Thứ nhất phải đầu tư một nguồn vốn quá lớn, hàng trăm tỷ won, mà khả năng khai thác chắc chắn không có lời bằng đầu tư vào mảnh đất sẵn có khác nên chẳng ai dại dột gì đầu tư vào đây.
Thứ hai là trở ngại về kỹ thuật vì thủy triều ở đây lên xuống với tốc độ quá mạnh, đặc biệt là khi nước rút, nên việc làm đê chắn gần như không thể thực hiện được.
Thế nhưng Chung Ju Yung vẫn quyết tâm làm cũng chỉ vì hai lẽ, thứ nhất là đất nước Hàn Quốc đang thiếu lương thực, người nông dân thiếu đất trồng cấy, phải tận dụng hết khả năng ưu đãi của thiên nhiên để phục vụ sự phồn vinh của đất nước. Thứ hai là thỏa mãn mong muốn cá nhân, vừa thực hiện được mơ ước của mình từ thời hàn vi, biến mảnh đất này thành nơi sản xuất lương thực khổng lồ, vừa muốn thử thách chính mình một lần nữa.
Công việc không tưởng thứ nhất không có gì đáng ngại bởi với uy tín thành công trước đó của Chung Ju Yung, các ngân hàng và tổ chức tài chính sẵn sàng cùng ông đầu tư vào cuộc đương đầu với thiên nhiên này. Nhưng việc không tưởng thứ hai mới là thách thức có một không hai ở Hàn Quốc trong việc khai hoang lấn biển. Toàn bộ công trình đê dài 6.400m được thi công từ hai đầu vịnh bằng những tảng đá 4-5 tấn được đục lỗ xâu lại với nhau bằng dây sắt 2-3 tảng một.
Nhưng đến gần 300m cuối cùng thì sức người cùng các trang thiết bị hiện đại lúc bấy giờ dường như bất lực, tốc độ nước lên đến 8 mét/giây, những tảng đá to như chiếc xe hơi được xâu chuỗi với nhau cứ ném xuống là bị trôi đi mất tăm mất tích. Công cuộc hàn khẩu con đê chắn sóng Chonshu đứng trước một thất bại thê thảm nếu không có một sáng kiến mới của Chung Ju Yung. Ông chợt nhớ đến con tàu chở dầu cũ được công ty mua của Thụy Điển 3 tỷ won, nặng 230.000 tấn, dài 300m, rộng 45m và cao 27m, đủ để “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”. Thế là con tàu được kéo đến và đánh chìm tại nơi hàn khẩu.
Sau 6 năm (1982-1988), khu vực khai hoang trên đã trở thành một vùng đất nông nghiệp được cơ khí hóa với quy mô lớn. Ý chí và sự sáng tạo của Chung Ju Yung đã đem lại hiệu quả lớn cho Hàn Quốc về việc mở rộng lãnh thổ, tăng sản lượng lương thực và tạo công ăn việc làm cho 6,6 triệu người.
Thế đấy, không hiểu sao, hai con người, hai sự nghiệp ở hai quốc gia cách xa nhau mà họ giống nhau đến lạ lùng!
Trở lại với doanh nhân Trần Bá Dương, khi đầu tư vào nông nghiệp, ông đã khẳng định "mong muốn góp phần nâng tầm nền nông nghiệp Việt Nam". Tức là ông đã nhìn thấy hướng đi đúng và dẫn dắt Thaco tham gia với tư tưởng cạnh tranh quốc tế, và "không giải cứu để làm anh hùng". Rót vốn vào nông nghiệp - một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt với ngành công nghiệp ô tô mà Trần Bá Dương thuộc nằm lòng, hẳn sẽ là một bài học vô cùng thú vị dành cho các doanh nhân trẻ khi quyết định đầu tư vào bất kỳ dự án nào.
Trần Bá Dương cũng từng có những chia sẻ hết sức thú vị về khởi nghiệp: “Trong bối cảnh mà đất nước đề cao khởi nghiệp, giới trẻ chúng ta hãy khởi nghiệp bằng sáng tạo, tìm tòi ngành nghề kinh doanh. Một trong những hướng khởi nghiệp là nếu có ý tưởng tốt, có quyết tâm, có kế hoạch thì hãy tìm kiếm các doanh nghiệp lớn có tài chính, kinh nghiệm quản trị để được tư vấn hỗ trợ. Nhưng tôi cảnh báo các bạn trẻ phải luôn xác định nghiệp kinh doanh là nghiệp khó. Nếu sai là phải trả giá đắt! Nhiệt huyết là cần thiết nhưng phải song hành với sự thận trọng. Nhiều doanh nhân thành công vang dội trong quá khứ nhưng chỉ cần một bước đi sai lầm là đánh mất tất cả.
Khởi nghiệp là chấp nhận rủi ro, nhưng tốt nhất đừng để rủi ro xảy ra. Nói vậy không phải là tôi chưa từng mắc sai lầm, nhưng tôi nhận ra sai lầm để điều chỉnh và ngăn cho sai lầm không xảy ra khi quá muộn. Đó là kim chỉ nam cho nghiệp kinh doanh, cho người đứng đầu một doanh nghiệp”.
Theo doanh nhân Trần Bá Dương, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, một góc nhìn khác về khởi nghiệp theo hướng liên doanh, liên kết các sức mạnh với nhau là hướng đi thông minh và nhiều khả năng thành công. Các bạn đang làm việc trong công ty lớn, hãy luyện tập cho mình tư duy của một nhà lãnh đạo. Khi công ty mở rộng phát triển, họ sẽ chọn bạn là người lãnh đạo các công ty con sau này. Khi đó bạn cũng được coi là người khởi nghiệp.
Ông cũng đưa ra lời khuyên cho những người trẻ rất muốn khởi nghiệp nhưng đang băn khoăn về tiền vốn: “Làm kinh doanh, tiền tối thiểu phải có, từ xa xưa ông bà mình gọi đó là đồng vốn. Tôi khẳng định không có tiền thì không kinh doanh được. Nhưng câu chuyện ở đây, là khi anh khởi nghiệp tay trắng thì đồng vốn đó ở đâu? Anh có thể nghĩ ra ý tưởng nhưng để thực hiện nó, anh buộc phải có tiền. Tiền có thể tích lũy được, anh đi làm lao động phổ thông thôi, dần dần cũng tích lũy được tiền rồi. Nhưng khởi nghiệp bây giờ đi theo hướng tích lũy thì lâu lắm. Quan điểm của tôi là anh có ý tưởng, ý chí, quyết tâm, kế hoạch hãy tìm người có tiền, có kinh nghiệm quản trị để cùng làm. Tuy nhiên nhiều bạn trẻ hiện nay quá tự tin, trong khi đa số ý tưởng vẫn còn mơ hồ, thiếu thực tiễn. Hãy lắng nghe lời khuyên, đừng quá nóng vội. Nếu không 99% bạn sẽ thất bại”.