Aa

Đồ gỗ nội địa tìm cách cạnh tranh trên sân nhà

Thứ Ba, 04/12/2018 - 06:00

Thời gian qua, các thương hiệu gỗ trong nước đã tiếp cận khá hiệu quả với một kênh phân phối lớn là những nhà thầu trang trí nội thất, các kiến trúc sư, nhà thiết kế… Đây cũng chính là con đường đưa các sản phẩm nội thất Việt tiếp cận với phân khúc cao cấp khi tham gia vào các dự án khách sạn, resort 5 sao đẳng cấp quốc tế.

 

Người tiêu dùng Việt khó tiếp cận nội thất xuất khẩu đúng nghĩa

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), trong 10 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính của Việt Nam ước đạt 7,61 tỷ USD (bằng 84% kế hoạch năm), tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16%. Giá trị xuất siêu của lâm sản trong 10 tháng ước đạt 5,72 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU, chiếm khoảng 87% kim ngạch xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu tại các thị trường chính này đều có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2017.

Năm 2018, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam đặt mục tiêu đạt 9 tỷ USD, trở thành 1 trong 7 ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất và đến năm 2025, con số này kỳ vọng đạt 25 tỷ USD.

Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ nội thất và chuẩn bị đứng thứ 4 khi vượt qua Ba Lan, chỉ đứng sau Trung Quốc, Đức và Ý. Ngành sản xuất và chế biến đồ gỗ của Việt Nam rất mạnh, nhưng người tiêu dùng Việt Nam lại rất khó tiếp cận các mặt hàng nội thất xuất khẩu đúng nghĩa, chất lượng cao và giá hợp lý. Đây chính là một nghịch lý rất đáng buồn.

Nhận thấy tiềm năng to lớn tại thị trường nội địa, nhiều DN xuất khẩu đồ gỗ nổi tiếng của Việt Nam trên thị trường thế giới đã bắt đầu có những hoạt động thăm dò nhằm tiếp cận khách hàng trong nước. Cụ thể, Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam – Vifa Home 2018 được tổ chức mới đây đã có sự tham gia của gần 20 DN xuất khẩu tên tuổi của Việt Nam như Scansia Pacific, Đức Lợi, Nguyễn Thanh, Royal Furniture, Square Home, Woac, Furniture Maker… Thông qua hội chợ này, các DN đều mong muốn có thể nắm bắt nhu cầu khách hàng và kịp thời có những điều chỉnh trong chiến lược để không lỡ mất cơ hội từ thị trường trong nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc đạt được thành công tại thị trường nội địa là không hề đơn giản đối với các DN xuất khẩu. Bởi hiện đồ nội thất “made in Vietnam” đang được xuất đi nước ngoài chủ yếu là hàng gia công, nghĩa là vẫn mang trên mình thương hiệu nước ngoài. Ngoài ra, lâu nay các DN này chỉ tập trung vào khâu sản xuất và được bao tiêu sản phẩm bởi các DN nước ngoài. Nay, nếu muốn tiêu thụ ở trong nước, các DN này sẽ phải lo cả khâu phân phối, xây dựng thương hiệu… với vô vàn khó khăn, thách thức.

Theo ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc D’Furni, những DN sản xuất không thể làm tốt cùng lúc vừa sản xuất vừa phân phối. Nhiều DN đã thử đảm nhận cả hai vai trò nhưng rất ít cái tên đạt được thành công. Thực tế, thị trường luôn được phân công theo chuỗi giá trị, trong chuỗi giá trị đó sẽ tồn tại nhà phân phối và bán lẻ. Phải có nhà phân phối để đặt hàng quy mô lớn từ những nhà sản xuất công nghiệp, giống như những nhà sản xuất trong xuất khẩu. Sau đó, nhà phân phối này mới làm việc với nhà bán lẻ để cuối cùng người tiêu dùng trong nước được tiếp cận.

Tuy nhiên, thời gian qua, các thương hiệu gỗ trong nước đã tiếp cận khá hiệu quả với một kênh phân phối lớn là những nhà thầu trang trí nội thất, các kiến trúc sư, nhà thiết kế… Đây cũng chính là con đường đưa các sản phẩm nội thất Việt tiếp cận với phân khúc cao cấp khi tham gia vào các dự án khách sạn, resort 5 sao đẳng cấp quốc tế. Bên cạnh đó, người dùng ngày nay cũng đã quen dần với mua sắn trực tuyến thì các kênh bán hàng hiện đại như Lazada, Adayroi… là kênh giúp thị trường tiêu thụ tốt.

Với những điều kiện như trên, cùng với lợi thế về địa lý, giá cả cũng như sự am hiểu văn hoá tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng các thương hiệu nội thất Việt sẽ từng bước khẳng định được vị trí và chiếm lĩnh được ưu thế tại thị trường trong nước. Từ đó, nhiều thương hiệu nội thất Việt sẽ được hình thành và phát triển không chỉ tại thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu bằng chính thương hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, những nỗ lực cần có là rất lớn, đặc biệt là khi Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ làm giảm thuế suất nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, tạo ra áp lực không hề nhỏ cho các DN Việt Nam.

 

Thu hút nhiều thương hiệu nội thất cao cấp quốc tế

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) đánh giá, thị trường Việt Nam tăng trưởng bình quân 8% trong 7 năm qua. Với quy mô gần 95 triệu người, mức tiêu dùng đồ gỗ năm 2017 ước đạt trên 3,2 tỷ USD. Năm 2018, con số này có thể lên đến 4 tỷ USD, cho thấy mức độ hấp dẫn không hề nhỏ của thị trường nội thất trong nước.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong khi phân khúc trung cấp chủ yếu vẫn được sản xuất bởi các xưởng gia công và doanh nghiệp thiết kế nhỏ lẻ, thị trường đồ nội thất gỗ cao cấp vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thị trường đồ gỗ nội thất cao cấp trong nước trị giá khoảng 2,5 tỷ USD với 80% nhập từ châu Âu và 20% sản xuất nội địa. Nhu cầu tiêu dùng đối với đồ nội thất cao cấp được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Minh chứng cho điều này chính là sự xuất hiện của rất nhiều thương hiệu nội thất cao cấp quốc tế tại thị trường Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Điển hình là chương trình xúc tiến thương mại do Thương vụ Ý tổ chức tại TPHCM mới đây với sự tham gia của 7 thương hiệu nội thất cao cấp của Ý như: Badari Lighting, Cantori, Diemme Cucine, Formitalia, Officina Luce, Sicis và Versace Home nhằm tìm kiếm nhà phân phối tại Việt Nam.

Ông Lý Quí Trung, Tổng giám đốc AKA Furniture Group đánh giá, tầng lớp những người khá giả mới nổi ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, tạo ra một phân khúc thị trường cao cấp mà trước đây chưa rõ ràng. Chính điều này đã thu hút nhiều thương hiệu nội thất cao cấp quốc tế đổ bộ vào thị trường Việt Nam, trong đó có Ý. Điều này sẽ khiến các thương hiệu nội thất của Việt Nam đối mặt với khó khăn.

Nhìn ở góc độ tích cực, ông Trung cho rằng, chính nhờ những thương hiệu quốc tế đình đám này mà phân khúc thị trường nội thất cao cấp mới được hình thành. Cũng nhờ đó mà giá cả của các thương hiệu nội địa trở nên thân thiện hơn với người tiêu dùng. Chưa kể các DN còn có cơ hội học được cách làm, chất lượng và mẫu mã của họ.

“Cạnh tranh sẽ vô cùng to lớn nếu DN Việt bước thẳng vào thị trường cao cấp mà các thương hiệu thế giới nhắm đến, còn nếu né ra thì không đến nỗi. Nói như vậy không có nghĩa là các thương hiệu Việt Nam không nên nghĩ đến việc tham gia vào phân khúc nội thất cao cấp” – ông Trung nói.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top