Aa

Đô thị hạnh phúc là gì?

Thứ Bảy, 19/03/2022 - 06:15

Đô thị Việt Nam có nên theo các khuôn mẫu của đô thị nào đó trên thế giới? Chắc chắn là không, bởi tính vận động liên tục của đô thị và nữa, đô thị Việt Nam phải có bản sắc Việt Nam.

Thời đi học phổ thông, tôi thuộc lòng “Bài thơ về hạnh phúc” của nhà thơ Lê Minh Quốc. Dù là đề tài chiến tranh, tuy nhiên hai câu thơ: “Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng/Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra”, có thể đọc lên mọi lúc, mọi nơi – miễn là khi con người nghĩ về hạnh phúc.

Lớn lên, tôi ra phố, trở thành công dân Hà Nội – một trong hai đô thị đặc biệt của Việt Nam. Thời đó, có hộ khẩu Hà Nội là oách:

Một yêu anh có Seiko

Hai yêu anh có Peugeot cá vàng

Ba yêu nhà cửa đàng hoàng

Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ đô (ca dao thời hiện đại).

Càng ngày Hà Nội càng trở nên ngột ngạt, bức bối và khi tuổi đã lớn, tôi lại ao ước trở lại làng quê, sống nơi thôn dã. “Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng/Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi không ra”. Thế nào là đô thị hạnh phúc? Sống ở đô thị hay làng quê hạnh phúc?

Thế nào là đô thị hạnh phúc? Sống ở đô thị hay làng quê hạnh phúc? Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cách đây 3 năm, Tạp chí Reatimes tổ chức cuộc thi viết Nơi tôi sống, được nhà thơ Nguyễn Thành Phong động viên, tôi có tham gia tác phẩm “Nhà anh Tạo” và đạt giải Ba. Đầu năm 2019, nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo mất. Nhớ nhà thơ tài hoa này, hẳn nhiên nhớ Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), nơi ông sống những năm cuối đời.

Cách đây 25 năm, Công ty Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) tiền thân của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị - Bộ Xây dựng chính thức khởi công xây dựng Khu đô thị mới Linh Đàm, khởi động mô hình đô thị kiểu mẫu, đầu tiên trong cả nước. Linh Đàm có quy mô 200ha, cách trung tâm thành phố khoảng 7km. Bây giờ, Linh Đàm đã khác rất xa với ý tưởng khi trở nên méo mó, xộc xệch, ùn tắc, khói, bụi, tiếng ồn... Đó là hậu quả của việc, không chỉ HUD mà nhiều chủ đầu tư, nổi bật là “Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản nhảy vào đầu tư. 

Để giải quyết ùn tắc giao thông, ngành Giao thông vận tải Hà Nội phải làm ba cầu vượt hồ Linh Đàm. Chưa tính tiền nong ném vào đầu tư, các cầu vòm sắt đã xé vụn không gian “địa linh”. Thời nhà Nguyễn, vùng đầm nước rộng lớn này được gọi là “Nguyệt Kính hồ” có nghĩa là “Hồ vầng trăng khuyết”. Thời gian xa hơn nữa, triều Trần gọi là “Long Đàm” nghĩa là “Đầm rồng”; dân gian còn gọi là “Liên Đàm”, nghĩa là “đầm sen” bởi trong đầm có rất nhiều hoa sen. Mặt hồ ấy, nay còn đâu. Thậm chí, sau hơn một năm thi công, mặt hồ đang ngày càng nhếch nhác. Con người thời nay có lỗi với tiền nhân khi không biết nâng niu một “báu vật”.

Khu đô thị mới Linh Đàm. (Nguồn: Internet)

Thế nào là đô thị? Theo KTS. Đặng Thanh Tùng, đô thị là một tổ hợp vật chất khổng lồ, bao gồm kiến trúc công cộng, nhà ở, hệ thống đường xá, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các không gian công cộng, di tích văn hóa lịch sử… Khái niệm này mới thiên về “vật chất”, “hạ tầng cứng”. Đô thị phải là một tổ hợp cả vật thể và phi vật thể. Chắc chắn, nơi đó là “trung tâm” hoạt động của một vùng rộng lớn. Trung tâm của cả nước là Thủ đô, cấp tỉnh là thành phố thuộc tỉnh, cấp huyện là thị trấn, thị tứ. Chắc chắn, nơi đó dễ làm ăn. 

Thế nào là đô thị hạnh phúc? Trở lại với Khu đô thị Linh Đàm, nó là “hình mẫu” không thể “sinh động” hơn cho thất bại của quy hoạch và quản lý quy hoạch. Đô thị hóa ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh, giá đất cao ngất ngưởng nhưng thiếu kiểm soát. Phố bao giờ cũng có sức hấp dẫn đặc biệt, là “thỏi nam châm” khổng lồ hút dân cư từ nông thôn đổ về mưu sinh, lập nghiệp, “Nhất cận thị, nhì cận giang (thành ngữ).

Tuy nhiên, quy hoạch đô thị nhiều bất cập, dự báo khiên cưỡng, duy ý chí, hệ thống kỹ thuật, hạ tầng lạc hậu… nên không đáp ứng được sự bùng nổ dân số và đòi hỏi của cuộc sống. Cứ nhìn Hà Nội - thành phố rộng đến hơn 3.000km2, đứng thứ 11 các thành phố trên thế giới về diện tích nhưng chỉ tập trung “quánh đặc” trong 60km2 trung tâm, còn lại heo hút, dân cư thưa thớt. Gần 15 năm nhập Hà Tây vào Hà Nội, nhằm kéo giãn mật độ trung tâm đã thất bại. Cứ nhìn các quận mới ở Hà Nội, các con đường qua 5 năm đưa vào sử dụng đều phải xén vỉa hè, thảm thực vật là dải phân cách... đã cho thấy, “tầm quy hoạch” rất ngắn hạn.

Một đặc tính cố hữu của đô thị là dân cư phân bố tự phát theo kiểu “nước chảy chỗ trũng”, càng khu vực lõi, trung tâm thì mật độ dân số càng cao. Trung tâm bao giờ cũng đầy đủ dịch vụ, tiện ích, các thành tố vật chất và văn hóa cao hơn.

Trở lại với ví dụ về Khu đô thị Linh Đàm cho thấy, nhu cầu có nhà ở tại Hà Nội của bộ phận có thu nhập thấp hiện nay rất cao. Khi “Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản “đổ bộ” vào đây, xây nên “tổ hợp” nhà giá rẻ, ông bán hết ngay. 12 tòa nhà trên khu đất phía Tây Nam bán đảo Linh Đàm của ông gồm 8.000 căn hộ, trở thành nơi “chen chúc” của hàng chục ngàn dân cư. 

Nó là minh chứng nhãn tiền về sự bùng nổ đô thị thiếu kiểm soát. Ở những khu đô thị kiểu này, cư dân dễ dàng bị “lãng quên” những quyền lợi tối thiểu mà đáng ra họ phải được hưởng thụ. Không gian công cộng biến mất, bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích vì lợi ích của một nhóm người và của những dự án quy hoạch, dự án đầu tư vô cảm, chỉ vì động cơ kim tiền. Rất nhiều trẻ em bị tước đoạt tuổi thơ và quyền được vui chơi an toàn.

Cuộc sống vật chất càng nâng cao, các nhà quản lý đô thị càng bối rối trước nhu cầu bãi đỗ xe, xử lý môi trường, chất thải đô thị. Hầu hết các khu đô thị đều thiếu diện tích dành cho giao thông tĩnh, thảm thực vật, công viên, vườn hoa, sân chơi cho trẻ em, nơi nghỉ dưỡng cho người già. Các trò chơi truyền thống phù hợp với đại đa số trẻ em nghèo đô thị hầu như mất hẳn. Thiếu không gian giải trí, chơi đùa an toàn, trẻ em ở các đô thị, ngoài giờ đi học, chỉ biết vùi đầu vào các trò chơi điện tử đầy rẫy hình ảnh sex và bạo lực. Ai dám bảo đảm rằng, với môi trường như vậy, mầm mống của tệ nạn xã hội không nảy sinh?

Tuy nhiên, quy hoạch đô thị nhiều bất cập, dự báo khiên cưỡng, duy ý chí, hệ thống kỹ thuật, hạ tầng lạc hậu… nên không đáp ứng được sự bùng nổ dân số và đòi hỏi của cuộc sống. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đối với các “đô thị mini” trong đô thị do những ông chủ lớn hiện nay như Vingroup, Sun Group, Novaland, FLC... đầu tư thì bể bơi, công viên lớn, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí... chỉ thỏa mãn được nhu cầu hưởng thụ của tầng lớp trung lưu, giàu có và thanh thiếu niên con cái gia đình khá giả. Tuy nhiên, chưa hẳn nơi đó đã là hạnh phúc.

Cuối năm 2021, xảy ra vụ dì ghẻ bạo hành con chồng đến chết ở chung cư Saigon Pearl (TP.HCM) cho thấy, đời sống vật chất trung lưu không đồng nghĩa với đô thị hạnh phúc. Con người đang ngày càng hời hợt, vô cảm, “đèn nhà ai nấy rạng”, thiếu liên kết trong chính những “đô thị vương giả”, khu dân cư giàu có.

Đô thị hạnh phúc có đồng nghĩa là “nơi đáng sống” như mục tiêu của Đà Nẵng, nơi được kỳ vọng ở Việt Nam? Đô thị đáng sống hẳn là đô thị hạnh phúc.

Theo KTS. Đặng Thanh Tùng, đô thị hạnh phúc là đô thị ở đó, người dân được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như được các dịch vụ công phục vụ, việc làm với thu nhập tốt, đi lại thuận tiện. Trong thời đại các “giá trị xanh” trở thành một trong các giá trị cốt lõi như hiện nay, nơi đó con người có cuộc sống thân thiện với thiên nhiên, cộng đồng.  Đại dịch Covid-19 cho thấy, con người dù ở làng quê hay đô thị luôn cần sự kết nối, gắn bó bằng văn hóa; an toàn cả truyền thống phi truyền thống.

Đô thị hạnh phúc không nhất thiết phải to lớn, hoành tráng, kiến trúc “hiện đại” với “hội chứng” to nhất, cao nhất và cả đầu tư lớn nhất. Chúng ta không chấp nhận một đô thị phát triển xô bồ, hỗn loạn, bất chấp quy định của pháp luật. Trở lại với Khu đô thị Linh Đàm, tổ hợp 12 tòa nhà cao tầng HH Linh Đàm giấy phép xây dựng chỉ tối đa 27 tầng, nhưng khi triển khai chủ đầu tư đã xây dựng tới 36 tầng. Nó cho thấy, để có đô thị hạnh phúc, chính quyền - nhà đầu tư - người dân, đều phải chung tay có trách nhiệm.

Với Việt Nam, văn hóa làng đã có hàng nghìn năm, trong khi văn hóa đô thị mới có hơn 100 năm. Khi văn minh đô thị còn mong manh, yếu ớt thì “văn hóa làng” lấn lướt, biểu hiện rõ nét nhất là lối sống “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, cung cách quản lý đô thị theo kiểu “phép vua thua lệ làng”, “nén bạc đâm toạc tờ giấy” đã góp phần tạo ra hệ lụy.

Chúng ta cũng không chấp nhận kiểu đô thị rập khuôn cứng nhắc, ngoại lai. Đô thị Việt Nam có nên theo các khuôn mẫu của đô thị nào đó trên thế giới? Chắc chắn là không, bởi tính vận động liên tục của đô thị và nữa, đô thị Việt Nam phải có bản sắc Việt Nam.

Nói đến điều này, tôi nhớ, một người bạn Lào khi đến Nghệ An, có nói: “Nếu vùng đất này không có cây tre thì khi ngồi trên máy bay, nhìn xuống dễ nhầm đất Lào, bởi các bạn xây nhà nhiều chóp nhọn như chùa chiền bên Lào”. Nhìn kiến trúc nhà ở từ nông thôn đến các đô thị lớn, nhỏ của Việt Nam cho thấy, đều “copy and paste” đâu đó? Quan trọng hơn nữa, đô thị hạnh phúc, phải là nơi cư dân – với tư cách là chủ thể, phải có văn minh đô thị. Đô thị là một cơ thể sống. Muốn đô thị phát triển bền vững, con người phải biết nâng niu không gian sống, chấp hành luật pháp với tinh thần “thượng tôn”. 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mở ra cơ hội để xây dựng thành phố thông minh, đô thị số, xã hội số... Covid-19 dù gây ra thảm kịch với nhân loại nhưng nó cũng có “sứ mệnh” thức tỉnh đầu óc quản trị từ quốc gia đến đô thị. Nó đồng thời cũng thức tỉnh con người không được tiếp tục “ruồng rẫy” không gian sống, môi trường sống. Ít nhất, sau hai năm dịch bệnh, cư dân đô thị đã biết đeo khẩu trang, bớt khạc nhổ, đi nhẹ, nói khẽ... Những thói quen này tưởng đơn giản nhưng không dễ hình thành.

Đô thị hạnh phúc là gì? Mỗi người phải tự chất vấn và trả lời!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top