Quảng Ngãi hiện nay có 13 đô thị, gồm 1 đô thị loại II (TP. Quảng Ngãi); 1 đô thị loại IV (TX. Đức Phổ); 11 đô thị loại V (La Hà, Sông Vệ, Di Lăng, huyện đảo Lý Sơn, Ba Tơ, Minh Long, Trà Xuân, Chợ Chùa, Châu Ổ, Mộ Đức và khu vực Vạn Tường thuộc Khu kinh tế Dung Quất).
Phát triển đô thị còn khiêm tốn
Hệ thống đô thị phát triển dọc theo trục Bắc - Nam và thưa thớt ở phía Tây, bắt đầu từ phía Bắc với điểm đầu là Dốc Sỏi, Châu Ổ, đô thị Vạn Tường, qua TP. Quảng Ngãi ở vị trí trung tâm và kéo dài xuống phía Nam từ La Hà, Sông Vệ, Mộ Đức, Thị xã Đức Phổ và kết thúc tại Sa Huỳnh. Cụm đô thị động lực tập trung ở khu vực trung tâm tỉnh xung quanh động lực chính là TP. Quảng Ngãi. Trong khi đó, khu vực Châu Ổ - đô thị Vạn Tường đóng vai trò là trung tâm phía Bắc của tỉnh, Thị xã Đức Phổ đóng vai trò trung tâm phía Nam, Thị trấn Di Lăng đóng vai trò trung tâm phía Tây cũng như là huyện lỵ của huyện Sơn Hà, huyện đảo Lý Sơn là cửa ngõ ra biển Đông của tỉnh. Các thị trấn còn lại đều ở vị trí trung tâm các huyện.
Tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Ngãi đạt 24,5% (năm 2020), xếp thứ 5/5 trong các tỉnh thuộc vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và thấp hơn mức bình quân cả nước (40%). Có thể thấy, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh phát triển đô thị chậm của vùng. Một số nguyên nhân là do hệ thống đô thị phân bổ không đồng đều, tạo ra khoảng cách phát triển lớn giữa khu vực duyên hải phía Đông và khu vực miền núi nội địa phía Tây. Liên kết các chuỗi đô thị chủ yếu tập trung mạnh theo hướng Bắc - Nam, các trục kết nối động lực theo hướng Đông - Tây gần như chưa hình thành rõ nét. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu mang tính chất đô thị hành chính, dân cư đơn thuần, bản sắc đô thị chưa nổi bật. Hạ tầng đô thị cơ bản đã đầu tư nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển, hoặc thiếu gắn kết với các điểm đô thị, tồn tại sự chênh lệch lớn giữa trung tâm đô thị với các khu vực vùng ven và nông thôn.
Các đô thị miền núi chậm phát triển cũng phản ánh một thực trạng chung của khu vực Duyên hải miền Trung khi mà khu vực trung tâm của các tỉnh thường tập trung ở ven biển. Về yếu tố địa hình, môi trường đô thị miền núi thường đối mặt nhiều vấn đề về sạt lở đất, lũ quét, địa hình chia cắt lớn, quỹ đất để phát triển đô thị khá hạn chế. Cùng với đó là khu vực này thường gặp những khó khăn trong phát triển kinh tế.
Dù hiện trạng phát triển vẫn còn khá khiêm tốn nhưng đô thị Quảng Ngãi trong những năm gần đây đã có sự cải thiện lớn. Nhờ vào việc thực hiện Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2015 - 2020 mà hệ thống hạ tầng tại các đô thị từng bước được quan tâm đầu tư phát triển. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của đô thị (giao thông, cấp điện, thoát nước...) được chú trọng, bước đầu được ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện. Hạ tầng đô thị và các khu dân cư từng bước được cải tạo, chỉnh trang nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật nội bộ. Năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Quảng Ngãi đạt 23,11%, đến cuối năm 2020 đạt 24,5%.
Ngoài ra, đô thị có phần phát triển chậm trong các giai đoạn trước cũng cho phép tỉnh Quảng Ngãi nhận định được dư địa phát triển cho giai đoạn sắp tới, nhất là không gian duyên hải khu vực phía Nam, từ TP. Quảng Ngãi đến Sa Huỳnh. Với khu vực miền núi và trung du, dù gặp khó khăn trong việc phát triển đô thị nhưng dưới góc cạnh của kinh tế xanh gắn với lâm nghiệp sẽ cho phép có những hướng đi tốt trong tương lai cho khu vực này.
Hệ thống đô thị sẽ phát triển trong 3 giai đoạn
Dự kiến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị dựa trên 4 hành lang kinh tế chính (hành lang Bắc - Nam quốc gia; hành lang liên kết nội tỉnh dọc theo tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ; hành lang Đông Tây phía Bắc; hành lang Đông Tây phía Nam), 6 không gian phân vùng phát triển kinh tế xã hội (vùng kinh tế động lực cụm đô thị và trung tâm dịch vụ; vùng kinh tế công nghiệp phía Bắc; vùng kinh tế sinh thái ven biển; vùng kinh tế rừng xanh; vùng kinh tế nông nghiệp; vùng kinh tế biển đảo) và 5 vùng liên huyện (TP. Quảng Ngãi - huyện Tư Nghĩa; Bình Sơn - Sơn Tịnh; Đức Phổ - Nghĩa Hành - Mộ Đức; Trà Bồng - Sơn Tây - Sơn Hà - Ba Tơ - Minh Long; huyện đảo Lý Sơn). Nhìn chung, hệ thống đô thị Quảng Ngãi được định hướng phát triển dựa trên cơ sở phát huy lợi thế giao thông của các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến cao tốc, đường sắt… đi qua địa bàn huyện.
Từ nay đến năm 2050, đô thị của tỉnh Quảng Ngãi sẽ được phát triển theo 3 lộ trình. Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ ưu tiên phát triển trung tâm tỉnh lỵ, trung tâm huyện lỵ và các đô thị động lực gắn với trọng điểm kinh tế quan trọng của tỉnh. Trong đó, mở rộng không gian đô thị và mở rộng địa giới hành chính TP. Quảng Ngãi nhằm đảm bảo không gian phát triển, là trung tâm động lực phát triển của tỉnh, kết nối vùng và quốc gia, kết nối các vùng không gian sản xuất, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Trà Khúc dần phát triển ra hướng biển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng nâng cấp trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh, đô thị Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh); thị trấn Sơn Tây (huyện Sơn Tây); hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV của Đức Phổ. Phát triển Bình Sơn trở thành thị xã theo chuẩn đô thị loại IV. Trong đó, các đô thị trực thuộc Bình Sơn gồm: Châu Ổ là đô thị loại IV, Vạn Tường là đô thị loại V.
Giai đoạn 2026 - 2030, TP. Quảng Ngãi sẽ tiếp tục được nâng cấp hạ tầng, đạt một số tiêu chí đô thị loại I, gắn với phát triển không gian đô thị cấp vùng. Các đô thị hiện hữu như Bình Sơn, Đức Phổ, đặc biệt đối với các đô thị loại IV sẽ được nâng cấp cơ sở hạ tầng đạt tiêu chí đô thị loại III, hướng đến phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiến tới khai thác hiệu quả thế mạnh hệ thống giao thông quốc gia bao gồm cao tốc Bắc Nam, Quốc lộ 1, hoàn thiện hệ thống đô thị ven trục Bắc - Nam, và hành lang đô thị ven biển. Rà soát cân đối nguồn lực để nâng cấp hoàn thiện hạ tầng đô thị Di Lăng và vùng mở rộng (huyện Sơn Hà), đô thị Ba Tơ và vùng mở rộng (huyện Ba Tơ) đạt một số tiêu chí đô thị loại IV, Thị trấn Trà Xuân và vùng mở rộng (huyện Trà Bồng). Bên cạnh đó sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá các điều kiện dân số, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng hạ tầng đô thị, khả năng cân đối nguồn lực để phát triển mới các đô thị loại V. Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên mức trung bình cả nước, từ 50 - 60%.
Giai đoạn 2031 - 2050 ưu tiên các nguồn lực, giải pháp nâng cao chất lượng đô thị TP. Quảng Ngãi (đô thị loại I), Thị xã Bình Sơn (đô thị công nghiệp dịch vụ du lịch), Đức Phổ (đô thị văn hóa du lịch dịch vụ gắn với không gian văn hóa Sa Huỳnh) thành đô thị loại III. Phát triển Lý Sơn đạt chuẩn đô thị loại III theo hướng phát triển thành đô thị biển đảo đặc sắc và nâng cấp các đô thị hiện hữu khác. Mở rộng không gian đô thị TP. Quảng Ngãi dọc sông Trà Khúc về phía Bắc thuộc huyện Sơn Tịnh và phía Nam về huyện Tư Nghĩa phát triển trung tâm du lịch dịch vụ về phía biển. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị toàn vùng. Đặc biệt hình thành chuỗi đô thị sinh thái xanh lam dọc theo tuyến Dung Quất - Sa Huỳnh và chuỗi đô thị sinh thái xanh lục khu vực miền núi bao gồm Sơn Tây, Di Lăng (Sơn Hà), Bà Vì (Ba Tơ)…
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ triển khai nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Dự án kết nối giao thông các tỉnh: Cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn, tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh kết nối với các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Kon Tum và nhiều dự án phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ sẽ làm chuyển dịch mạnh cơ cấu dân cư, cơ cấu sử dụng đất, nâng cao chất lượng hạ tầng sẽ là một trong những nhân tố chủ đạo đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành hệ thống đô thị, các khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại địa bàn TP. Quảng Ngãi và trung tâm các huyện. Mặt khác, tại các tuyến đường giao thông mới được đầu tư, xây dựng cũng có thể bố trí các khu dân cư mới cho nhân dân địa phương hoặc các hộ tái định cư trên địa bàn.