Aa

Đô thị tương lai “thách thức” quy hoạch: Tầm nhìn chiến lược của người làm quy hoạch

Thứ Tư, 22/06/2022 - 16:00

Quy hoạch không thể tùy tiện điều chỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, bám sát sự phát triển của địa phương và phải đặt lợi ích của quốc gia, đời sống của dân lên hàng đầu.

Đây là chia sẻ của KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

PV: Việc quy hoạch chạy theo dự án luôn là vấn đề nóng những năm qua tại các đô thị và nó đã để lại nhiều hệ lụy vô cùng to lớn, thưa ông?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Nếu để nhắc lại, vấn đề kiểm soát rà soát điều chỉnh quy hoạch, khắc phục điều chỉnh quy hoạch tùy tiện không phải là vấn đề mới.

Hệ luỵ của điều chỉnh quy hoạch đã nhìn thấy rõ khi nhiều đô thị trên cả nước rơi vào “mớ bòng bong”. Hiện tượng tắc nghẽn giao thông, ngập lụt tại Hà Nội, TP.HCM là dẫn chứng điển hình cho việc quy hoạch chạy theo dự án, điều chỉnh quy hoạch dẫn đến thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Hay những năm 2000 khi Nhà nước có chủ trương trao danh hiệu các đô thị kiểu mẫu, miền Bắc chỉ có duy nhất Khu đô thị Bắc Linh Đàm, miền Nam có khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Nhưng trải qua thời gian, 10 năm trở lại đây, khu Đô thị Linh Đàm dần bị “phá nát”.

PV: Ông có thể phân tích những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Nhìn thẳng vào thực trạng quản lý là cấp nào duyệt quy hoạch, cấp đó điều chỉnh, nhưng hiện nay điều chỉnh manh mún, nhiều nơi quy hoạch bị “băm nát”. Mặt khác, khi duyệt quy hoạch có hội đồng nhưng điều chỉnh thì hội đồng này lặng lẽ "biến mất".

Trong khi đó, trong quá trình thẩm định quy hoạch, sự phối hợp giữa các cơ quan còn nhiều hạn chế. Việc lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa tổng hợp, giải trình đầy đủ, thấu đáo các nội dung góp ý vào quy hoạch; chưa đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và cộng đồng.

KTS. Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Hay như công tác hậu kiểm cũng chưa được chú trọng. Đến nay, việc xử lý sai phạm chủ yếu chỉ dừng lại ở xử lý các doanh nghiệp xây dựng trái phép, lừa đảo… Còn những người ký quyết định điều chỉnh quy hoạch phải chịu trách nhiệm về những chữ ký của mình lại chưa đáng kể. Do đó, hoàn thiện chính sách để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức là yêu cầu cấp bách đối với công tác quản lý và xây dựng chính sách liên quan đến quy hoạch.

PV: Ngoài vấn đề quy trách nhiệm, việc xây dựng chính sách liên quan đến quy hoạch còn thiếu điều gì, thưa ông?

KTS. Phạm Thanh Tùng: Thực tế, việc điều chỉnh quy hoạch là một trong những điều được luật pháp cho phép, bởi sau nhiều năm bản quy hoạch cũ có thể không phù hợp nữa.

Mặt khác, bất kể doanh nghiệp nào khi đầu tư đều mong muốn có lợi nhuận nhưng ai cho phép họ làm thì lại là chính quyền. Để nhận thấy rằng, doanh nghiệp đầu tư vào đây làm cho diện mạo kiến trúc đô thị đẹp hơn, hiện đại hơn, đời sống người dân cải thiện. Chứ không phải là họ tham gia vào đây để tạo lên áp lực cho thành phố về giao thông, hạ tầng đô thị.

Do vậy, chính quyền cần phải có cái tâm, cái tầm và có tài, cần đổi mới hoàn toàn công tác quy hoạch, bám sát vào sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu thực của người dân. Người làm chính sách phải có tầm nhìn chiến lược, phải nhìn thấy được tiềm năng phát triển hàng chục năm về hạ tầng xã hội, phát triển kinh tế của địa phương và cả của vùng.

Không những vậy, điều quan trọng trước khi tiến hành điều chỉnh quy hoạch chi tiết một khu đô thị nào thì cũng cần phải có sự tham vấn ý kiến từ cộng đồng - những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quy hoạch đó và quá trình điều chỉnh quy hoạch cũng cần phải được công khai, minh bạch.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top