Aa

Đô thị vị nhân sinh - Dáng hình của hạnh phúc

Thứ Bảy, 25/01/2020 - 06:01

Một đô thị hiện đại, hào nhoáng, thông minh chưa chắc đã đã là một đô thị hạnh phúc, nếu như con người ở đó trở nên thờ ơ, vô cảm và không muốn hoặc không có điều kiện tương tác với nhau.

“Điều gì khiến mỗi ban mai thức giấc, con người ta có thể bình yên nở nụ cười và cảm thấy muốn gắn bó với nơi mà ta đang sống?”. Theo KTS. Jan Gehl: “Một thành phố tốt cần giống như một bữa tiệc vui. Khách khứa nán lại bởi họ cảm thấy thích thú”. Và thành phố tốt ấy phải là nơi sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh, nơi mà con người trở thành chủ thể, được quan tâm, yêu thương và trân trọng.

Thế nhưng, sau một giai đoạn miệt mài sáng tạo rồi miệt mài chạy đua với những thiết bị, phương tiện hiện đại, nhiều người mới giật mình nhận ra, nhân loại đang dần dần tự biến mình thành nô lệ cho chính không gian sống với những tòa nhà, thiết bị máy móc vô hồn và chen chúc trong môi trường ô nhiễm, ngột ngạt do chính mình tạo ra.

Tiện nghi, phương tiện hiện đại - Tốt thôi! Nhưng nếu tiện nghi ấy lại khiến con người đóng khung trong “những chiếc hộp” bức bối thì liệu con người có còn cảm thấy hạnh phúc?

Máy móc, thiết bị hiện đại - Tốt thôi! Nhưng nếu con người chỉ tiếp xúc toàn với sự chỉ huy của máy móc rồi dần dần cũng vô cảm như những con robot thì liệu con người sẽ tiến hóa về đâu?

Đô thị thông minh, hiện đại - Tốt thôi! Nhưng nếu đô thị ấy lại tách con người thành những mảnh vụn ngày càng rời xa nhau và ra khỏi xã hội thì tương lai của nhân loại sẽ đi về đâu?

Suy cho cùng, con người sáng tạo ra thiết bị, phương tiện hiện đại, xây dựng nên thành phố là để phục vụ con người. Mà con người không chỉ có nhu cầu vật chất, mà cao hơn là đời sống tinh thần, là nhu cầu giao tiếp. Nếu để máy móc, tiện nghi lấn chỗ của môi trường tự nhiên, nếu để các tòa nhà, xe cộ bóp nghẹt không gian công cộng… thì có kiến trúc sư đã cảnh báo, con người chỉ còn là những cái bóng lướt qua nhau. Một đô thị vô hồn sẽ tạo ra những cư dân vô cảm. Và hậu quả về mặt xã hội sẽ khôn lường.

Bởi vậy, trước khi trở thành một đô thị hiện đại, một đô thị văn minh, thì đô thị ấy phải vì con người, vì sự phát triển toàn diện của con người. Bằng tất cả tâm huyết của mình, KTS. Jan Gehl đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và truyền cảm hứng cho nhiều thành phố tìm lại sức sống của mình, định nghĩa nên khái niệm đô thị cho thế kỷ XXI: Đô thị vị nhân sinh.

Với Việt Nam, hành trình tiến tới một đô thị vị nhân sinh sẽ gặp phải những rào cản gì và cần bắt đầu từ đâu? Cà phê cuối tuần này giới thiệu các chuyên gia, nhà quy hoạch: Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Đại học Việt Đức; TS. Trần Minh Tùng, Phó Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng.

Ông Đỗ Viết Chiến: Hàng trăm năm trước, các chuyên gia kiến trúc quy hoạch của chúng ta đã nói rằng, nếu muốn biết đô thị đó như thế nào thì cần nhìn cách sống của người dân. Điều đó cũng có nghĩa rằng, một môi trường sống như thế nào thì người dân nơi đó cũng được hình thành với diện mạo, văn hoá, lối sống như vậy.

Thế nên, ngày xưa chủ yếu là làng quê, phố sá đơn sơ nhưng không gian sống tràn đầy ấm áp, bình dị, gần gũi yêu thương. Con người cùng thiên nhiên sống chan hoà với nhau thông qua những hình ảnh mái nhà lấp ló sau luỹ tre làng, những con đò trên sông, những bụi lau bụi cỏ xanh mướt hai bên đường, những nhà với nhà cách nhau bằng hàng rào mồng tơi, dâm bụt... Cả đời sống không gian và vật chất đều mở rộng hướng đến thiên nhiên. Tính cách con người cũng gói gọn trong những từ chất phác, thật thà, thân thiện.

Khi đô thị hoá xuất hiện, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh và bên cạnh những cơ hội để người dân có một cuộc sống tốt hơn, điều này cũng mang lại nhiều thách thức. Đặc biệt là không gian sống, lối sống của người dân cũng thay đổi. Những đường sá, dãy phố chia cắt các không gian sống, những bức tường cùng nhôm kính, cổng sắt chia nhỏ các ngôi nhà.

Con người trong đô thị sống vội vã, chật chội, áp lực. Có thể nói, cuộc sống của con người đô thị hiện nay thực chất là quá trình mà toàn bộ hành động của họ từ cư trú, làm việc, đến di chuyển… diễn ra trong những “cái hộp” lớn nhỏ khác nhau. Buổi sáng họ lên những chiếc hộp ô tô, xe bus tới những “cái hộp” là cơ quan, văn phòng, vui chơi giải trí cũng trong cái hộp là siêu thị, trung tâm thương mại và tối về cũng là trong căn nhà với những bức tường bao quanh. Những chiếc hộp, những vách ngăn chia cắt đã khiến người đô thị sống khép kín, lạnh lùng hơn, ngại trao đổi, giao tiếp thậm chí “lướt qua nhau”.

Điều này xuất hiện ở hầu hết các đô thị Việt Nam, nhất là tại Hà Nội, không khó để thấy chúng ta đang gặp phải vấn đề lớn trong phát triển không gian sống chất lượng. Tại nhiều nơi, dân Thủ đô phải sống trong những căn hộ, nhà ở cứng nhắc, thiếu sự đầu tư thiết kế không gian sống bền vững. Cùng với áp lực lớn trong guồng quay của một đô thị đang phát triển, “sức khỏe tâm lý” con người phần nào bị ảnh hưởng.

Mặt hạn chế của đô thị chính là văn hoá bị mai một dần. Để có thể kết hợp được giữa văn minh đô thị và văn hoá truyền thống và không để chúng triệt tiêu lẫn nhau thì đó mới là đích đến của tất cả các mô hình đô thị, đặc biệt là các đô thị hiện nay, chỉ có như vậy đó mới là đô thị vì con người.

Hiện nay, để khắc phục các hạn chế này, cứu cánh cho các đô thị, kéo người gần với người hơn chính là các không gian cộng đồng, dưới hình thức là các công viên, không gian chung mà mọi tầng lớp người dân có thể đến đó vui chơi, hưởng thụ. Quan trọng hơn là xây dựng được môi trường giao tiếp cho cộng đồng từ trẻ con, thanh niên, đến người già.

Hiện nay, tốc độ đô thị hoá cao với nhiều mục đích khác nhau nên người ta gần như xem nhẹ vấn đề này, thậm chí là triệt tiêu nó nên mới thiếu các không gian cộng đồng, không gian vui chơi, xa rời hơn mục tiêu vị nhân sinh.

Thực trạng này đặt ra bài toán cho việc phát triển các đô thị, trong việc thiết kế không gian sống tối ưu, sao cho mỗi cư dân không chỉ được đáp ứng các nhu cầu hàng ngày ở mức cao mà còn có được sự hài hòa giữa hiện đại và thiên nhiên, giữa làm việc, học tập và tận hưởng cuộc sống.

Đô thị vị nhân sinh chính là mục tiêu phát triển chung không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Không thể chỉ phát triển đô thị bằng mọi giá, đề cao yếu tố “giàu” bởi với cách này, rất nhiều giá trị về văn hoá, tự nhiên, lối sống con người bị huỷ hoại. Và đến khi muốn quay lại khôi phục phải trả giá rất nặng. Nhưng nếu bước đi ngay từ đầu quy hoạch vùng, khoanh vùng bảo tồn, phát triển và cuối cùng là phục vụ cho con người bằng không gian sống xanh, đô thị vị nhân sinh sẽ là đích đến, là phát triển cho con người, vì con người.

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu: Trào lưu hiện đại hóa và lạm dụng xe hơi làm “hỏng” các thành phố. Việc cư dân trẻ ở châu Âu và Hoa Kỳ đang có xu hướng từ bỏ xe hơi cho thấy những bất cập của xây dựng đô thị trên nền tảng xe hơi. Nền đại công nghiệp cơ khí thổi bùng kỷ nguyên xe hơi trong suốt thế kỷ XX là quá đủ để phương Tây nhận ra họ mất những gì khi xe hơi trở thành “chủ nhân” của nhiều thành phố.

Không gian bị thu hẹp để đậu xe và mở thêm làn đường; người dân co lại trong giao tiếp vì phải di chuyển xa hơn, thậm chí phải cố thủ trong các ốc đảo biệt lập. Nhà phải xây cao tầng hơn để dành nhiều đường hơn và siêu xe chạy nhanh hơn để lại di chứng về suy giảm sức khỏe cộng đồng do lười vận động thể chất, làm hỏng sự gắn kết xã hội do chủ nghĩa biệt lập về nơi ở người giàu và nghèo, và làm hỏng sự bền vững vì tiêu tốn nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường.

Thành phố vì con người trước hết là duy trì sức sống của không gian giữa các tòa nhà. Chất lượng cuộc sống ở đô thị định hình qua cách chúng ta xây dựng, đi lại, xe hơi và nhà cao tầng đã thúc đẩy cuộc sống theo cách biệt lập hơn. Những nỗ lực hạn chế xe hơi, chịu phản ứng dữ dội bởi lý do kinh tế, đã chứng minh kết quả ngược lại: Tắc đường giảm, doanh số cửa hàng tăng lên, sức khỏe được cải thiện.

Đồng thời, thành phố này giữ được xếp hạng hàng đầu về tầm ảnh hưởng, sức cạnh tranh kinh tế. Sự an toàn, sức sống, sức khỏe của cư dân được tạo dựng và cải thiện từ chất lượng không gian công cộng, điều kiện để họ đến nơi làm việc, điều kiện để họ giao tiếp xã hội, và tiếp cận với môi trường tự nhiên.

Xây dựng thành phố vì con người bắt đầu bằng thay đổi thứ tự ưu tiên. Mục tiêu của các ưu tiên trong kiểm soát phát triển và thiết kế đô thị để hướng đến sự an toàn, thoải mái, và thú vị.

Con người cần di chuyển theo năng lực thể chất là đi bộ và xe đạp với yêu cầu về an toàn trước phương tiện đi lại, an toàn khi sử dụng không gian công cộng. Người làm giao thông và đô thị phải phối hợp với nhau, không phải để người dân đi xa với vận tốc nhanh hơn, mà là đến đích nhanh hơn trong hiệu quả tổng thể một cách thuận tiện, kết hợp được kinh doanh và giải trí.

Việc thiết kế phải xuất phát từ nhãn quan và tâm lý con người, hướng đến sự thú vị và yêu thích, để cư dân thực sự gắn bó với nơi chốn có bản sắc cộng đồng ở đô thị.

Những khuyến nghị của Jan Gehl - vị KTS tài ba cả cuộc đời đeo đuổi sự nghiệp thiết kế đô thị vì con người - làm cho chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua. Cách đây 30 năm, chúng ta di chuyển chủ yếu bằng xe đạp, giao tiếp cởi mở trên phố. Đa phần nơi ở và làm việc gần nhau, đô thị có mật độ vừa phải, chi phí đi lại thấp, gần gũi thiên nhiên với cây xanh và mặt nước. Còn 30 năm qua, các thành phố mở rộng dàn trải, đất phân lô rồi bỏ trống chờ tăng giá, thiếu kết nối với giao thông công cộng. Những năm gần đây, thành phố thay đổi để đáp ứng sự bùng nổ xe hơi. Trong khi phương Tây mở rộng vỉa hè và thu hẹp làn xe hơi, chúng ta xén vỉa hè để mở rộng làn xe hơi và xe máy.

Trẻ em của họ học cách tự đi bộ và lên xe buýt từ cấp mẫu giáo, còn trẻ em của chúng ta được đưa thẳng từ nhà đến trường ban ngày rồi đến nơi học thêm buổi đêm đằng sau lớp khẩu trang bịt kín trên xe máy hoặc xe hơi cá nhân. Trẻ em ngày nay phải giam mình sau các bức tường và chơi game vì thiếu không gian sinh hoạt ngoài trời và vận động thể chất. Không an toàn để đi bộ bởi xe đỗ kín vỉa hè và lòng đường thì mật độ xe quá đông, đường quá rộng. Có lẽ các em nhỏ không muốn ra phố bởi ngoài đó đầy ắp cửa hàng, tiếng ồn và khói bụi.

Chúng ta cần những chính sách làm rõ thứ tự ưu tiên trong phát triển phương tiện. Việc thực thi ưu tiên cần thể hiện qua nhiều cơ chế và chính sách đồng bộ. Rõ ràng cần hạn chế ô tô trước tiên, nhưng thông điệp hiện nay lại tập trung vào cấm xe máy.

Các bài học quốc tế cần tham khảo là hạn chế xe hơi bằng giám sát và mức phí đỗ xe cao, bằng đấu giá quota để mua xe mới, và thuế tắc nghẽn khi vào thành phố cần được song hành với các nỗ lực hạn chế xe máy cũng như thúc đẩy người dân sử dụng xe máy sạch hơn, thân thiện hơn cho cuộc sống đô thị.

Có thể thời tiết ở Việt Nam là rào cản cho đi bộ và xe đạp, song nếu người đi làm và đi học trước 8 giờ sáng và sau 5 giờ chiều thì vẫn chấp nhận được. Nhìn rộng hơn, xe đạp có ắc quy và động cơ điện loại nhỏ có nhiều lợi thế để vừa thúc đẩy vận động thể chất vừa giải quyết bài toán thời tiết nắng nóng.

Chúng ta cần sự phối hợp để “văn hóa xây” song hành với “văn hóa đi”. Việc xây nhà cao và siêu cao nén đô thị tới mức rất cao đã đi trước hạ tầng giao thông hàng thập kỷ. Cần kiểm soát chặt chẽ để xây dựng đi đôi với phát triển giao thông công cộng. 

Đảm bảo tích hợp giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông, quản lý phát triển và thiết kế xây dựng đồng bộ để giảm cự ly di chuyển và nâng cao khả năng tiếp cận... là những việc khó; nhưng chắc sẽ ít tốn kém hơn so với tiếp tục đầu tư mở rộng làn đường và xây cầu vượt cho xe hơi. 

Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế và nhu cầu cao, đây là lựa chọn phù hợp bởi cần ít kinh phí. Tuy nhiên, để thực hiện được cần nhiều quyết tâm chính trị và năng lực thực thi để vượt những rào cản từ bên trong.

Đô thị vị nhân sinh là lựa chọn bởi đây là cách thức đảm bảo sự cạnh tranh và phát triển bền vững. Thế kỷ XXI các nền kinh tế cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực sẽ di chuyển tới nơi đảm bảo an toàn, sức khỏe cho họ và đây là đầu bài để các thành phố xây dựng tính cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

Ở Việt Nam, đô thị vị nhân sinh có lẽ xuất phát từ việc chung tay giúp trẻ em có cơ hội phát triển an toàn hơn và lành mạnh hơn trong tương lai. Muốn làm được điều đó, hãy bắt đầu từ ngày hôm nay!

TS. Trần Minh Tùng: “Đô thị vị nhân sinh”, cuốn sách của tác giả Jan Gehl trong đó giải thích rõ ràng các phương pháp và công cụ mà ông sử dụng để cấu hình lại các cảnh quan thành phố để phát triển thành các đô thị sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh, thực sự vì người dân. 

Một thành phố chỉ tồn tại nếu cư dân của thành phố đó sử dụng các không gian công cộng liên tục và ngược lại những cư dân đó sẽ chỉ làm như vậy nếu họ cảm thấy thành phố sạch sẽ, an toàn và thú vị với họ. Gehl nhấn mạnh vào việc bắt đầu với yếu tố con người thay vì là giao thông khi kiến tạo hoặc tái tạo các khu vực đô thị có ý nghĩa nổi bật.

Trong ngôn ngữ cuộc sống đời thường, không mấy khi người ta phân biệt rạch ròi hai từ “nhân sinh” và “dân sinh”, chúng thường được dùng tương đương nhau. 

Tuy nhiên, nếu lật mở từ điển cũng như tham khảo trên các tài liệu, chúng ta sẽ thấy một sự khác biệt nhất định. Nhân sinh là sự sống của con người (trong đó nhân là người, sinh là sự sống). Nhân sinh thường được dùng trong cụm từ “nhân sinh quan” để chỉ quan niệm, cách nhìn nhận (thành hệ thống) về cuộc đời, cuộc sống con người. 

Dân sinh thì có nhiều nghĩa hơn: Dân sinh có thể là sinh kế, sinh hoạt của nhân dân (trong đó dân là nhân dân, sinh là sinh kế), có thể là sự sống của người dân (trong đó dân là người dân, sinh là sự sống), và cũng có thể là đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung. 

Như vậy, “vị nhân sinh” và “vị dân sinh” đều có nghĩa chung là vì cuộc sống của con người, lấy cuộc sống con người làm tôn chỉ, làm mục đích để hình thành những ý tưởng và phát triển những hoạt động.

Nhưng trong một chừng mực nào đó thì có lẽ “vị nhân sinh” mang tính khái quát cao hơn khi đề cập đến “con người” nói chung, thậm chí là “nhân loại” với những triết lý về cuộc đời, về ý nghĩa, và về mục đích sống. 

Chẳng hạn như chúng ta thường nhắc đến “nghệ thuật vị nhân sinh” khẳng định bản chất xã hội của nghệ thuật, chủ trương gắn nghệ thuật với đời sống xã hội, chống lại các khuynh hướng nghệ thuật thoát ly cuộc sống. 

Còn trong kiến trúc, khái niệm vị nhân sinh thường được dùng một cách lưỡng dụng, nghĩa là vừa có tính hợp lý tiện dụng của công năng khi kiến trúc đặt nhu cầu của người sử dụng lên hàng đầu và thỏa mãn tối đa những nhu cầu đó, vừa thể hiện quan điểm sáng tạo kiến trúc một cách thi vị, tràn đầy cảm xúc thông qua một nhân sinh quan nhất định về môi trường sống của con người.

Trong khi đó “vị dân sinh” lại đề cập đến những khía cạnh đời thường nhất của cuộc sống người dân như sinh kế, hay sinh hoạt của họ. Nói cách khác, dân sinh thể hiện những gì rất thiết thực, không màu mè, liên quan đến những nhu cầu cơ bản nhất, thường là vật chất, của mỗi con người. 

Nhà cách mạng Phan Châu Trinh đã rất say mê với tư tưởng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” lấy yếu tố “dân” làm gốc, trong đó “hậu dân sinh” nghĩa là làm cho đời sống của dân ngày càng no ấm, nền kinh tế quốc dân phát triển (“hậu” là làm dày ra). 

Nói cách khác công cuộc “khai dân trí” và “chấn dân khí” chỉ có kết quả vững chắc khi biết làm cho đời sống của dân được đầy đủ, hùng hậu. Và kiến trúc vị dân sinh cũng là những gì thực dụng nhất nhằm giúp người dân có thể cải thiện cuộc sống của họ. 

Nói cách khác kiến trúc vị dân sinh đáp ứng các hoạt động sống thiết thực của người dân mà nhiều khi cũng chính là những nhu cầu sinh tồn thiết yếu nhưng không được quan tâm ghi nhận một cách “chính thống” hay “chính danh”.

Từ câu chuyện của kiến trúc vị nhân/dân sinh, chúng ta phát triển thành câu chuyện của đô thị, bởi suy cho cùng, đô thị là tổng hòa của những kiến trúc. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, trong một cách tiếp cận từ dưới lên, nghĩa là từ những không gian đời thường nhất, thực tế nhất của các thành phố, chúng ta có thể cảm nhận sự tiến triển tư duy của đời sống xã hội đô thị hình như vẫn chậm hơn một nhịp so với những thành tựu kinh tế. Quan điểm “làm” đô thị để hỗ trợ sinh kế người dân từ thời đất nước còn khó khăn vẫn tồn tại, mặc dù thu nhập bình quân đầu người dân đô thị giờ đây đã được cải thiện đáng kể.

Những không gian công cộng như lề đường, vỉa hè thay vì là nơi để thúc đẩy người đi bộ, đi xe đạp thì lại là nơi buôn bán, trông giữ xe, cơi nới hàng quán... Để rồi mỗi khi có chiến dịch “giành lại” không gian để đường thông hè thoáng thì chính những người dân lại phản ứng quyết liệt và cho rằng vỉa hè là nơi đem lại nguồn kinh tế chính cho nhiều gia đình, nhiều mảnh đời. 

Hay một câu chuyện khác, người dân mở các quán cà phê dọc theo đường tàu để rồi trở thành một trào lưu thu hút khách đến chụp ảnh, vui chơi ngay trong giới hạn hành lang an toàn đường sắt, bất chấp an toàn tính mạng của mình. Và đến khi chính quyền có các biện pháp ngăn chặn nhằm tránh những tai nạn có thể xảy ra thì người dân lại có đơn xin được phép tồn tại để đảm bảo nguồn sinh kế.

Vậy là khi sinh kế được mang ra và trở thành cái cớ thì những nỗ lực để có thể xây dựng những đô thị văn minh (hơn) phần nào đã trở nên vô nghĩa. Rõ ràng là trong các ví dụ trên, chúng ta đã có một đô thị “vị dân sinh”, nhưng chính yếu tố “vị dân sinh” đó lại làm cho đô thị vẫn nhếch nhác, vẫn mất an toàn, là những điều trái với nguyên tắc “vị nhân sinh” vì sinh kế của người này lại gây phiền toái, bất an cho những người khác.

Trong chiều ngược lại, khi nhìn từ trên xuống, từ những chiến lược, chính sách vĩ mô, có lẽ là hệ thống đô thị Việt Nam vẫn chưa thực sự có những triết lý, những nhân sinh quan về phát triển và tăng trưởng. Hầu hết không gian các đô thị vẫn phát triển một cách “tự nhiên”, theo bản năng, thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu trước mắt thay vì tính toán cho một tương lai lâu dài. Với đường biên đô thị được mở rộng không ngừng nghỉ, các thành phố “béo phì” trở thành hình ảnh khuếch trương cho sự phát triển.

Sự gia tăng quy mô lẫn sự tích lũy cư dân đôi lúc lại không đi kèm với sự nâng cao các giá trị an sinh xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn có một điểm sáng hiếm hoi là Đà Nẵng khi lấy phương châm và quyết tâm trở thành một thành phố đáng sống để làm kim chỉ nam cho các cách thức phát triển không gian và triển khai các hoạt động đô thị.

Từ năm 2000, Đà Nẵng đã ban hành chương tình “Thành phố 5 không” - không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có tệ nạn ma tuý, không giết người cướp của. Năm 2005, Đà Nẵng lại tiếp tục với “Thành phố 3 có” - có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hoá văn minh đô thị. 

Và gần đây nhất, đề án thực hiện Chương trình “Thành phố 4 an” - an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội - đã được thông qua năm 2016. 

Rõ ràng là với chuỗi hành động “5 không - 3 có - 4 an”, thành phố này ít ra đã cho thấy tính “vị nhân sinh” khi lấy sự hạnh phúc và an cư của người dân làm trọng tâm với mong muốn mang đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống của mỗi người dân bởi “thành phố này có khát vọng chứ không phải tham vọng”.

Như vậy, vị nhân sinh và vị dân sinh là hai yếu tố tồn tại song song và cần phải được đảm bảo đồng thời trong sự phát triển các đô thị. Vị nhân sinh ảnh hưởng đến những định hướng mang tính vĩ mô, dẫn đường cho sự vận động và vận hành tổng thể để hướng đến những giá trị nhân văn đô thị, nền tảng cho những kế hoạch phát triển dài hạn của thành phố. 

Vị dân sinh lại cho thấy những mối quan tâm vi mô của đô thị đến cuộc sống của mỗi cư dân, mỗi phận đời nhằm giúp họ vượt qua những khó khăn vật chất và mưu sinh cuộc sống trước mắt để vươn lên những thang bậc giá trị cao hơn. 

Và chúng ta cũng có thể thấy khi đô thị trở nên vị nhân sinh (hơn) thì các yếu tố dân sinh sẽ được đảm bảo (hơn), và ngược lại, khi đô thị trở nên vị dân sinh (hơn) thì dần dần tính nhân văn đô thị càng rõ nét (hơn).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top